Sau khi đi Bali 4 ngày đợt đầu năm 2018 về Thảo mới tự tin viết bài này. Hồi năm 2013, tôi được rủ đi Bali cùng với nhóm bạn RMIT (thực ra tôi chỉ là bạn của 1 đứa trong nhóm, nó thấy tôi thất tình tội quá nên rủ tôi theo). Tôi còn nhớ năm đó rộ lên vụ bắt cóc lấy nội tạng ở các nước loanh quanh như Lào, Cam, Thái... thành ra đâm sợ, không dám đi. Ở cái tuổi 22 của tôi thời đó vẫn còn "nghe lời" ngoan ngoãn lắm. Chưa kể tôi còn đi học đại học cách nhà chỉ có 8 cây số thì làm gì có cơ hội tự quyết định việc đi du lịch nước ngoài :((
Nhưng mà thế lại may. Nếu ngày đó đi thì (theo tôi nghĩ) chỉ phí tiền thôi. Nghiệm lại lần đầu đi nước ngoài năm 2014 thì biết!
Thôi không dài dòng văn tự tâm sự kể lể nữa. Dưới đây là 10 điều tôi biết thì bạn cũng nên biết!
Trang phục
Bali có khí hậu nhiệt đới ẩm, nhiệt độ dao động từ 26-35 độ C nóng chảy mỡ. Nhưng người dân bản địa ăn mặc rất kín đáo. Để tôn trọng nền văn hóa của họ thì tụi mình cũng nên tém tém lại, không nên diện những trang phục khiêu khích, hở trước hở sau.
Ngoài ra thì cũng không phơi đồ lót hoặc quần áo ngắn trên cao. Ví dụ đi ở khách sạn mà có giặt đồ trong phòng để phơi thì nên phơi dưới thấp thấp nghen. Rồi còn để ý xem có được phơi ngoài ban công không. Đợt tôi ở khách sạn ở Kuta, khách sạn có quy định hẳn là không được mở cửa để ra ban công, kèm theo mức phạt trên trời. Khách nào mà lỡ tò mò thì sẽ bị phạt + mời ra khỏi khách sạn luôn.
Thêm một cái nữa. Người Indo khi đi ngoài đường cũng xài combo “ninja lead” (áo khoác/áo chống nắng + khăn bịt mặt + đeo bao tay) để giữ cho da trắng. Nghe chị bạn làm dâu xứ “thiên đường” nói: đối với người Indo thì làn da trắng là biểu hiện của sự giàu có và hấp dẫn, nên họ sẽ thích những sản phẩm dưỡng da có tác dụng làm trắng ;)
Nên mang theo dù hoặc áo mưa tiện lợi. Thời tiết Bali cũng đỏng đảnh chả kém Sài Gòn mùa mưa. Kẹp theo áo mưa tiện lợi hay cái dù gấp be bé cũng không nặng nề mấy mà lại an tâm tung tăng.
Thiên đường lướt ván
Bali được mệnh danh là thiên đường lướt ván bởi biển không quá lạnh và những con sóng thì lại to. Đừng ngạc nhiên khi bạn bắt gặp những cô gái lái moto đeo bên hông xe là chiếc ván lướt to đùng, hay những anh chàng cơ bắp cuồn cuộn lơn tơn xách cái ván lướt dài hơn 2 mét đi tới đi lui trong thành phố. Tuy nhiên, biển ở đây lại không được sạch, rác nhiều. Tôi chưa thấy biển nào nhiều rác như Bali luôn.
Chú ý nơi công cộng
Wifi miễn phí, quên đi! Không nơi nào ở Bali có wifi miễn phí, trừ sân bay. Nếu muốn dùng wifi, bạn phải sử dụng dịch vụ của họ: ăn uống, chỗ nghỉ. Tuy nhiên, đặc biệt các cửa hàng tiện lợi như Minimart thì dù bạn có mua hàng của họ thì cũng không được dùng wifi miễn phí, vì họ không có wifi :))
Được phép hút thuốc lá nơi công cộng. Bali không quy định khu vực được hút thuốc và không được hút thuốc, Việt Nam cũng y chang vậy. Nên đôi khi gặp phải tình huống người ta phì phà gần mình bạn cũng đừng ngạc nhiên vì đó là chuyện bình thường ở huyện.
Không thể hiện các hành động tình cảm nơi công cộng.
Hoa cúng Bali. Bạn sẽ thấy nhiều loại hoa được đặt trong cái khuôn nhỏ bằng lá ở đầy đường phố Bali. Bạn đừng nghĩ rằng là đồ vứt đi mà dẫm lên nó. Tuyệt đối đừng dẫm lên nó.
Xe cộ
Thuê xe máy. Giá thuê xe máy ở Bali là 70,000 Rupiah/24h với bình xăng phải được đổ đầy nhóc, phải có bảo hiểm xe máy, số điện thoại liên lạc của chỗ bạn thuê xe và mũ bảo hiểm.
Tôi thuê xe máy từ 7h tối đến 12h trưa hôm sau với giá 70,000 Rupiah. Không để ý nhìn bình xăng vì trời tối, xong sáng hôm sau dắt xe ra thì mới thấy hết xăng. Thiên địa lúc đó muốn chửi mà cũng không biết chửi ai, tại-vì-thì-là-mà-túm-cái-váy-chốt-một-câu do tôi xớn xác. Cho nên khi thuê xe bạn nên kiểm tra đủ những thứ trên thì mới kí vô tờ biên nhận kẻo thiệt thòi.
Bạn cũng không cần đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Nhưng để đảm bảo cho cái mạng mình thì nên đội. Đường phố Bali chạy xe cũng "ảo giác" lắm, phi cả lên lề đường y như Sài Gòn giờ cao điểm. Tuy không thấy có tai nạn nhưng mọi người đều chạy với tốc độ khá nhanh, 60-70km/h là ít.
Taxi chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt. Trong suốt mấy ngày ở Bali, lần đầu tiên và duy nhất tôi đi taxi là từ khách sạn ở Seminyak (Kuta) ra sân bay. Lúc đó thì quả thật tôi chả còn ngàn Rupiah nào trong túi, cứ nghĩ tự tin là taxi Chim Xanh (Blue Bird taxi) của Bali cũng phải xịn sò như Mai Linh hay Vinasun của Việt Nam -- cho quẹt thẻ chớ. Hóa ra là chỉ thu tiền mặt. Cũng may là có hỏi trước khi lên xe nên kịp đổi tiền ngay tại khách sạn với tỷ giá (đương nhiên là) thấp lè tè.
Nên mua sẵn kem chống muỗi và kiến
Bali cực kì nhiều muỗi và kiến. Chỉ cần có ý định bước ra khỏi phòng khách sạn thì hãy bôi kem chống muỗi lên toàn thân ngay lập tức. Ngay cả sân bay và nơi công cộng đều có bảng cảnh báo muỗi ở đây mang virus Zika. Còn kiến thì chẳng ai cảnh báo cả, nhưng tôi bị mấy con kiến lửa mắc toi cắn cho mưng mủ đến mức để lại sẹo thì bạn biết con kiến nó độc cỡ nào ;(
Có thể mua dầu gió Bali về làm quà. Bali cũng có cạo gió như Việt Nam nên cũng bán đủ mọi loại dầu gió truyền thống để... cản gió. Họ tin là bị trúng gió thì sẽ mệt mỏi đau nhức.
Chỉ nên dùng nước đóng chai
Nước vòi ở Bali có vị lờ lợ. Ngoài đảo thì vị mặn đậm hơn, y như nước muối vậy đó. Bất đắc dĩ mới dùng để tắm giặt và súc miệng rửa mặt. Còn để uống thì bạn nên mua nước đóng chai có nhãn hiệu quen cho an toàn. Minimart có bán nước khoáng Aquarius hay Pocari Sweat - bổ sung khoáng và giữ nước rất tốt.
Welcome drink của các khách sạn nếu là nước rót từ nước đóng chai hay lon thì mới nên uống, còn các loại trà thảo mộc hay tương tự thì nên bỏ qua. Bữa đầu tiên nhận phòng vì quá khát mà tôi nốc hết li trà gì ngọt ngọt của họ, xong cả tối bị rối loạn tiêu hóa chạy te te -.-
Bali chuộng các sản phẩm Nhật Bản
Các cửa hàng quán ăn Nhật cứ khoảng 300 mét lại có một cái. Oto xe máy xe đạp xe lam gì cũng là xe sản xuất tại Nhật. Trung tâm thương mại thì ghi quảng cáo và chỉ dẫn bằng cả tiếng Nhật. Người Nhật sang Bali có vẻ cũng được ưu ái hơn. Mấy cô nhân viên ban đầu đều tưởng tôi là người Nhật, rất niềm nở đón tiếp. Sau khi tôi nói tôi là người Việt thì mấy cổ lơ hẳn =))))
Giao thông
Giờ làm việc và giờ cao điểm. Các cửa hàng và công ty đều bắt đầu từ 9h sáng. Trước 9h sáng, bạn khó mà tìm được chỗ ăn sáng hay uống cà phê. Kể cả Burger King hay Starbucks, Mc Donald's hay Mc Cafe. Trước 9h sáng, những sạp nhỏ lề đường bán đồ ăn truyền thống nhìn có vẻ không vệ sinh cho lắm, hoặc các cửa hàng tiện lợi Minimart và Circle K là lựa chọn hàng đầu.
Ưu điểm của các cửa hàng tiện lợi là mọc khá gần nhau, xa lắm là cách 500 mét có 1 cái. Mì ly giá dao động từ 6,000-10,000 Rupiah, có máy nước nóng để chế mì, tiện và tiết kiệm hết sức.
Giờ cao điểm của Bali từ 9h sáng kéo dài đến 3h sáng hôm sau. Nên taxi chạy giờ cao điểm lúc nào cũng tính tiền theo thời gian chứ không phải theo quãng đường.
Không có lề đường cho người đi bộ. Hôm đầu tiên tôi đi bộ từ sân bay về khách sạn. Đường thì tối, xe thì đông, mà không có cái lề đường cho người đi bộ. Qua đường cũng nguy hiểm nốt. Xe cứ phóng ào ào, đèn pha quét loang loáng. Lúc qua được nửa đường, đứng ở con lươn bị kiến cắn sưng chân, giờ vết cắn để lại sẹo rồi. Nói chung tôi sợ giao thông Bali ghê.
Sử dụng ổ cắm điện đầu tròn
Bali không chỉ sử dụng ổ cắm điện đầu tròn, mà sạc còn cực lâu. Tôi đoán chắc là học của người Nhật dùng điện 110V. Nên bạn đừng quên ổ cắm đa năng và pin dự phòng nếu không muốn lạc lối ở Bali :))
Đổi tiền
Các quầy đổi tiền không thu mua tiền Việt, còn Nhật Anh Mỹ Úc thì vô tư. Vì vậy để tránh trường hợp khóc dở mếu dở như tôi thì bạn cần đổi tiền trước ở Việt Nam nha!
KINH NGHIỆM ĐỔI TIỀN CỦA BẠN THU NHỤ:
"Mình đi Bali về cách đây 1 tuần và có 1 kinh nghiệm xương máu muốn chia sẻ để mọi người đề phòng. Mọi người hãy cẩn thận với bảng tỉ giá US$1 = 14,700 Rupiah hoặc cao hơn dọc các đường phố Bali. Chồng mình vào cửa hàng đổi tiền 1 mình, nhân viên nói tỉ giá 14,700 nên chồng mình quyết định đổi US$100. Họ đếm 30 tờ tiền Indo (mình không nhớ mệnh giá) sang tay chồng mình đếm lại chỉ còn 20 tờ (thủ thuật giấu tiền của cửa hàng rất nhanh). Thấy thế chồng mình trả lại và yêu cầu họ đếm. 3 lần đều đếm 30 tờ - sang tay chồng mình còn 20 tờ
Sau đó sang cửa hàng thứ 2, họ vẫn bảo tỉ giá US$1 = 14,500 Rupiah. Lần này cẩn thận hơn mình đi 2 người. Một người nhìn chằm chăm vào người đổi tiền. Họ thấy khách nhìn chằm chằm nên báo lại tỷ giá 12,700 (?!)
Điều đặc biệt là sau khi bị bọn mình phát hiện thì cả hai cửa hàng trên đều tỏ thái độ kiểu rất giang hồ, cứ hầm hầm mặt hỏi khách sạn mày ở tên gì, ở chỗ nào. Vợ chồng mình không giỏi tiếng anh chỉ nghe được không nói được nên rời đi luôn, không đôi co gì cả"
TỶ GIÁ MỚI CHECK (19/4/2019): US$1 = 14,041 Rupiah
MẸO: Dòm cửa hàng đổi tiền nào có chữ "authorized", hoặc sạch sẽ và ít người, hoặc bạn cứ bỏ sẵn tiền vô thẻ Visa/Master/Amex... rồi qua Bali rút cho tiện