10 điều cần biết trước khi đến Bangkok

Tôi có 2 lần du lịch Bangkok "bất chợt" vào năm 2014 và 2015—tự nhiên 1 đứa rủ rồi cả đám “ok đi luôn” chả tính toán gì hết. Hồi đó, những thông tin chủ yếu là từ các công ty du lịch, ít có những bài review có tâm như bây giờ. Nhưng mà nghĩ lại thì những kinh nghiệm đi-rồi-mới-biết của mình, không biết gì về điểm đến trước khi xuất phát, cũng có cái thú vị riêng ^^

1

Nên mang theo 2-3 bản photo hộ chiếu

Khi muốn thuê xe máy, mua vé tàu xe (ví dụ như xe buýt để đi sang Cam-pu-chia chẳng hạn)... đều cần phải đưa thông tin hộ chiếu để bên bán vé ghi lại. Đề phòng bị rơi rớt hay bị lừa mất thì nên đưa cho người ta bản photo (họ ghi xong thì lấy lại), còn bản chính thì cất kĩ một chút.

2

Phương tiện giao thông

Skytrain. Từ sân bay về đi skytrain là lựa chọn sáng suốt vì có thể nhìn thành phố Bangkok từ trên cao. Du lịch Bangkok là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi nên tôi kiểu nhà quê lên tỉnh, cái gì cũng thấy mới lạ. Bị "quê" nhất là lúc ở sân bay.

Chả là Việt Nam hồi ấy làm gì có tàu điện, tôi lại còn không có nhiều cơ hội đi thang máy nơi công cộng, nên văn hoá tàu điện hay thang máy đối với tôi là con số 0 tròn trĩnh. Bởi vậy mà khi tàu điện đến, tôi lanh chanh lên tàu luôn thay vì đứng nép sang 1 bên để nhường cho người khác xuống tàu trước và bị Đạt túm cổ áo kéo lại. Sau đó đương nhiên bị nó giảng giải một hồi về luật-bất-thành-văn khi đi tàu điện -.-

Xe máy. Tưởng những pha chở 3 không mũ bảo hiểm chạy như ăn cướp, tạt đầu xe lớn... chỉ có ở Việt Nam, nhưng không! Du lịch Bangkok rồi mới thấy ở bển còn "kinh dị" hơn mấy lần. Nhìn cảnh đó xong tôi hết muốn thuê xe máy tự lái T.T

Tuk tuk. Giống xe lam của Việt Nam nhưng được tân trang rực rỡ màu sắc và cải tạo để tiện ngắm cảnh. Tuk tuk tuy mát nhưng khá nguy hiểm vì xe chạy với tốc độ khá nhanh, lạng lách đánh võng trong khi không có dây bảo hiểm cho khách ngồi sau. Nếu bám không chắc hoặc đồ đạc không có dây kéo thì có khi rơi dọc đường cũng nên...

Chưa kể, tuk tuk đa số phục vụ dân du lịch (dân địa phương thì có phương tiện riêng hoặc đi phương tiện công cộng). Nguồn thu chính là từ khách du lịch nên tình trạng "chặt chém" không phải lạ. Trước khi leo lên tuk tuk cần thỏa thuận giá cả trước chứ không là bị "chém" không đẹp không ăn tiền.

Giá tuk tuk không được niêm yết như taxi, bus, train... nhưng gấp khoảng 3 lần taxi cho cùng một quãng đường. Tôi chỉ đi tuk tuk 1 lần để trải nghiệm và chụp hình.

Tuk tuk | du lịch Bangkok, Thái Lan
Hiếm thấy chiếc tuk tuk nào màu vintage như thế này, đa số toàn xanh đỏ tím vàng tươi rói không hà

Taxi. Hợp du lịch theo nhóm nhưng phải mở công-tơ-mét. Nhóm tôi 4 mống, cứ gọi taxi chạy khắp rồi chia 4 ra rẻ bèo :)) Lưu ý là không nghe những "đề xuất" của tài xế làm thay đổi lộ trình ban đầu!

Tuktuk hợp đi dạo ban ngày vì có thể nhìn được nhiều cảnh hơn. Taxi thì ban-nào-cũng-hợp để được an toàn hơn.

Grab. Cũng thích hợp du lịch theo nhóm giống taxi. Lộ trình không bị thay đổi nên cứ buôn chuyện tẹt ga với tài xế. Mỗi tội đắt hơn taxi 20-30%. Còn GrabBike thì chỉ thiếu cái bốc đầu nẹt pô nữa là y chang mấy cậu "racing boiz" ở Việt Nam -.-

Bolt (Android | iOS). Là taxi công nghệ giống Grab, giá còn rẻ hơn cả taxi truyền thống nhưng vào giờ cao điểm thì bị tài xế huỷ chuyến liên tục.

3

Ẩm thực

Tôi bị ấn tượng với món Xôi xoài, tôi không nghĩ nó lại ngon đến vậy. Sau này tôi có ăn lại ở Sài Gòn nhưng rõ ràng là không ngon bằng tại gốc.

Món tiếp theo mà tôi thấy mới mẻ là Tom yum kung.

Món Tom yum kung (canh tôm chua cay) rất khác với canh chua Việt Nam - không chua hẳn như canh chua miền Bắc, không lờ lợ ngòn ngọt như canh chua miền Nam. Tất cả các vị thơm ngon chua cay đậm đà beo béo hài hòa thu bé lại chỉ bằng 1 tô canh.

Tom yum kung | du lịch Bangkok, Thái Lan
Tom yum kung

Riêng Pad Thai thì giống miến xào của Việt Nam nhưng không ngon bằng mẹ tôi nấu. Pad Thai được khen nhiều trên các diễn đàn nhưng tôi ăn ở vài nhà hàng ở Bangkok lẫn Pattaya đều không thấy đặc biệt.

4

Phân cấp giàu nghèo nặng nề

Lần đầu du lịch Bangkok, ngoài sự ngạc nhiên về cái tên đầy-đủ-dễ-nhớ của Bangkok ra...

”Họ tên” đầy đủ là Krungthepmahanakhon Amonrattanakosin Mahintharayutthaya Mahadilokphop Noppharatratchathaniburirom Udomratchaniwetmahasathan Amonphimanawatansathit Sakkathattiyawitsanukamprasit

... tôi còn bị bất ngờ bởi sự phân cấp giàu nghèo rõ rệt ở thủ đô Thái Lan.

Ngày đầu đặt chân lên đất Thái, tôi và Đạt vẫy một chiếc taxi đi dạo thành phố. Hai đứa tôi cứ mắt tròn mắt dẹt khi nhìn thấy một bên thành phố sầm uất với các trung tâm thương mại lớn nhỏ, còn một bên là những người vô gia cư màn trời chiếu đất.

5

6 ngôi chùa nổi tiếng được in trên tiền xu

Trên 6 đồng xu của Thái với 6 mệnh giá khác nhau có in hình những ngôi chùa nổi tiếng xứ chùa Vàng:

  • Xu 10 Baht: Wat Arun vietsubChùa Bình Minh — Bangkok
  • Xu 5 Baht: Wat Benchamabophit hay còn biết với tên Chùa Cẩm Thạch — Bangkok
  • Xu 2 Baht: Wat Saket, tức là Chùa Núi Vàng — Bangkok
  • Xu 1 Baht: Wat Phra Kaew, vietsubChùa Phật Ngọc — Bangkok
  • Xu 50 Satang: Wat Phra That Doi Suthep — Chiang Mai
  • Xu 25 Satang: Wat Phra Mahathat — Nakhon Si Thammarat

Trong 6 chùa thì có đến 4 chùa ở Bangkok. Vậy sao không làm "thử thách check-in những ngôi chùa có trên tiền xu ở Bangkok" nhỉ ;)

Tiền xu | du lịch Bangkok, Thái Lan
6

"Cò"

Giống với bất kì thành phố du lịch nào, tài xế tuk tuk ở Bangkok cũng sẽ có khoản kiếm thêm nhờ vào việc giới thiệu khách đến mua sắm ở cửa hàng hoặc ăn uống ở nhà hàng nào đó. Khác cái là tài xế tuk tuk Thái dùng “yêu sách” kiểu:

  • hoặc là bạn phải trả thêm cho họ để đi thẳng 1 mạch đến nơi bạn muốn,
  • hoặc là họ sẽ chèo kéo bằng được với những câu như “Quý khách có thể làm ơn giúp tôi có được xăng miễn phí bằng cách ghé cửa hàng ABC… không? Quý khách không cần phải mua gì cả, chỉ cần ghé ngắm nghía chút rồi đi thôi!” sau khi bạn đã yên vị trên xe.

Nếu bạn từ chối trả thêm và từ chối ghé chỗ A chỗ B, thì họ không có thêm được khoản tiền “cò”. Khi đó họ sẽ chạy bạt mạng, lạng lách đánh võng cho bõ tức.

Tôi rất vui lòng giúp ai đó có thêm thu nhập nếu việc đó không phiền lắm. Thực tế là bọn tôi đã đồng ý ghé cửa hàng đá quý theo giới thiệu và mua vài món—hoàn toàn tự nguyện. Một số trang mạng gọi đây là “chiêu trò lừa đảo” thì không chính xác.

Cách hoạt động của tuk tuk là vậy. Nếu bạn không thích bị “yêu sách” hay kiểu lạng lách bạt mạng thì chọn phương tiện khác cho đỡ rước bực vào người nhe!

7

Chợ Pratunam

Chợ Pratunam là chợ đêm. Thay vì mua sắm thì nên khám phá ẩm thực vì có quá trời đồ ăn địa phương. Những món phổ biến như xiên que cá viên chiên, xúc xích nướng, kem dừa Thái Lan... nhưng cũng có loại đặc biệt hơn như... bò cạp, gián, nhộng T.T

Chợ đêm Pratunam nên đi dạo cho biết nhưng không nên mua vì chỉ tổ tốn tiền mà chất lượng cực kì cực kì thấp, không bền, dỏm ẹc. Tôi hứng chí mua một số đồ phụ kiện điện thoại nhưng được vài bữa thì bỏ gần hết.

8

Baiyoke Sky Hotel

Baiyoke Sky Hotel | du lịch Bangkok, Thái Lan

Baiyoke Sky Hotel gần chợ Pratunam. Tôi đề xuất tiết mục ngắm hoàng hôn Bangkok và ăn buffet tại nhà hàng ở tầng 75, 76 hoặc 78 của Baiyoke Sky Hotel. Nếu thích ẩm thực với nhiều sự lựa chọn cả Á cả Âu thì chọn mua vé buffet tầng 76 hoặc 78, còn nếu thích tìm hiểu ẩm thực truyền thống Thái Lan thì chọn mua vé buffet tầng 75.

Baiyoke Sky Hotel là 1 trong 9 điểm “săn” cityscape mà tôi thích

Buffet Baiyoke Sky Hotel | du lịch Bangkok, Thái Lan
Buffet tầng 78 Baiyoke Sky Hotel
9

7-11

Một điều đặc biệt tôi nhận ra sau khi đã đi du lịch Bangkok và có thời gian sinh sống ở Tokyo chính là: số lượng cửa hàng 7-11 ở Bangkok nhiều gần bằng Tokyo. Số liệu năm 2020 cho thấy có hơn 5,400 cửa hàng 7-11 ở Bangkok trong khi diện tích Bangkok chỉ 1,569 km². Cùng thời gian đó Tokyo (diện tích 2,194 km²) có hơn 7,000 cửa hàng. Tính ra cứ 1 km², cả Bangkok và Tokyo đều có hơn 3 cửa hàng 7-11. Đối với nước phát triển và “thân” Mỹ như Nhật Bản, việc có nhiều 7-11 không phải điều gì lạ. Nhưng một nước thuộc nhóm đang phát triển như Thái mà có số lượng dày đặc các cửa hàng 7-11 thì quả là đáng ngạc nhiên!

Tuy số lượng nhiều là vậy nhưng chất lượng đi kèm thì khá “hên xui”. Không ít lần tôi thấy chó mèo nằm ngủ trong cửa hàng, mùi đặc trưng nồng nặc. Nhiều cửa hàng nằm trong khu chợ/dân cư phức tạp, “ngoại hình” xập xệ, người dân buôn bán che khuất hết cả lối vào… Ở những khu chuyên khai thác du lịch như Pattaya hay phố tây Kohsan thì đỡ hơn.

10

Toilet

Toilet riêng cho "ladyboys". Tuy Thái Lan công nhận giới tính thứ 3 nhưng nhiều phụ nữ không muốn đi chung toilet với ladyboys và ladyboys cũng không muốn dùng chung toilet với đàn ông. Để công nhận cho "tới nơi tới chốn", chính phủ Thái Lan đã phê duyệt xây luôn toilet riêng cho họ. Nếu vào toilet mà thấy có bảng hiệu như bên dưới thì cũng đừng đứng ngẩn tò te ha, chỉ cần chọn toilet đúng giới tính thôi ^^

Ladyboys: những người chuyển giới từ nam sang nữ

du lịch Bangkok
Bangkok

Nhà xí ngồi xổm. Tuy hiện đại hơn Việt Nam là thế nhưng ở giữa thủ đô Thái Lan vẫn tồn tại “xí xổm” chứ chưa hoàn toàn nâng cấp lên “xí bệt” (giống Tokyo dễ sợ). Tôi “sang chấn” luôn khi thấy cái xí-xổm-vintage của Thái -.-

Tự mang theo giấy vệ sinh. Có thể là cuộn giấy, hoặc giấy ăn vuông, hoặc bất kì loại giấy nào mà bạn dùng được. Có lỡ quên thì… :))

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan:

Xin chào!

TÔI LÀ THẢO, TÁC GIẢ CỦA BLOG NGÀY LANG THANG.

Tôi có sở thích viết lách và đi đây đi đó. Cuối cùng tôi đã duy trì được việc này gần 1 thập kỷ. Thật là đáng tự hào ^^

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
Xem tất cả
0
()
x