10 điều cần biết trước khi đến Melbourne

Từ sau dịch Covid, Melbourne và Sydney là điểm du lịch hot của nhiều nhà dù visa du lịch Úc không hề dễ xin chút nào. Thực ra bài viết này tôi không định dừng lại ở số 10 nhưng có vẻ bài hơi dài nên tôi tạm cắt phần kia qua bài khác (tập trung nhiều về chia sẻ cuộc sống ở Melbourne) thay vì những điều cần biết khi đi du lịch như 10 điều dưới đây—để khâu chuẩn bị được đầy đủ và tốt hơn, lên phương án tiết kiệm ngân sách hơn hay đỡ ngơ ngác (giống tôi) hơn ^^

1

Khí hậu và thời tiết

Khí hậu đỏng đảnh. Melbourne có khí hậu ôn đới hải dương—mùa hè nóng chảy mỡ và mùa đông thì lạnh cóng, ngoài ra còn nổi tiếng với thời tiết hay thay đổi kiểu “rất Đà Lạt”—có “bốn mùa trong một ngày”: sáng xuân ấm áp, trưa nắng bể đầu, chiều se thu lạnh, tối cóng tay chân. Không chỉ vậy, vào những tháng mùa xuân và hè đôi khi có bão và mưa đá, nhiệt độ tăng giảm thất thường và mưa to—điển hình là mùa xuân hè năm nay có đủ combo luôn.

Thời tiết ngược đời. Do vị trí địa lý mà Melbourne có thời tiết ngược hẳn với Việt Nam. Mùa đông Việt Nam là mùa hè ở Melbourne, mùa xuân Melbourne là mùa thu của Việt Nam. Những tháng đầu năm thường là giai đoạn cao điểm nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè ở Melbourne, có khi hơn 40°C. Năm nay hên sao lại không nắng nóng như vậy, khi tôi đang viết bài này (tháng 2/2023) thì Melbourne đang 20°C.

Melbourne mùa đông không có tuyết ở nội ô kể từ năm 1986. Tuyết hầu như chỉ có tại những khu vực núi cao ở ngoại ô thành phố.

2

Nước uống

Có thể uống trực tiếp từ vòi. Giống với Tokyo, dân Melbourne cũng uống nước từ vòi mà không cần nấu. Bản thân tôi dù đã quen với văn hoá đó nhưng vẫn cảm thấy khó uống vì có mùi khoáng chất nhiều. Thường tôi sẽ hứng nước ra chai, để mở nắp cho bay bớt mùi rồi mới uống. Một số người khác cẩn thận hơn thì mua bình lọc nước để dùng. Với riêng em bé Bôm thì tôi làm siêng nấu nước đun sôi để nguội cho uống.

Ở Úc không phải bang nào cũng có thể uống nước trực tiếp như vậy. Melbourne “nghe nói” đứng thứ 2 trên toàn nước Úc về độ an toàn của nước. Nước phải được kiểm định qua quá trời tiêu chí và cho kết quả tốt thì mới khuyến khích người dân dùng trực tiếp. Các tiêu chí cơ bản:

Nếu không muốn uống nước vòi thì có thể vô Costco mua 1 lốc mấy chục chai loại 500ml về uống dần cũng được

3

Giao thông

Đi bên trái. Cũng giống với Nhật hay Thái, Úc lưu thông bên trái.

Xe máy và oto chạy chung làn. Cái này mới kinh dị nè. Tự nhiên đi đường thấy xe máy chạy chung làn oto, phóng ào ào với tốc độ ngang với oto. Melbourne đang có nhiều cầu và công trình được xây dựng, các loại xe tải lớn, xe công trình lưu thông quá trời đất. Chỉ cần tưởng tượng đang chạy mà tự nhiên có cái xe lớn lù lù tới sát bên chắc mất hồn xỉu ngang T_T

Qua đường không theo tín hiệu đèn và không hề đúng nơi quy định. Bạn cứ nhìn người Việt Nam đi bộ qua đường như thế nào thì dân Úc ở Melbourne qua đường y hệt. Đây rõ ràng là cú sốc nhẹ của tôi về một đất nước văn minh phát triển (nhưng đôi khi lại… tiện vì các chỗ có vạch qua đường cách nhau khá xa). Chưa kể nhiều khi dù qua đường đúng nơi quy định và đúng tín hiệu đèn nhưng xe oto vẫn nhào tới muốn đứng tim.

Ở Úc hay du lịch Úc thì cứ nên mua bảo hiểm cho chắc cú, cả bảo hiểm về người lẫn xe cộ

4

Phương tiện

Có nhiều loại phương tiện. Ngoài các loại phương tiện phổ biến như xe hơi, xe máy, xe máy điện, xe đạp, bus, taxi, train ra thì còn có các loại ít phổ biến hơn như tram, e-scooter (loại scooter được chính phủ cho phép lưu thông và giám sát chứ không phải loại tự mua về chạy; nếu tự mua về chạy thì chỉ có chạy trong sân nhà, còn xách ra chạy ngoài đường thì là vi phạm luật giao thông, bị phạt chắc luôn!)

Bus thường xuyên trễ. Giờ bus trên app PTV hay Google Maps đều không đúng với thực tế. Đa phần bus tới trễ làm tôi cũng bị trễ tàu nên tôi không rõ tàu có hay bị trễ không -.-

5

Ung thư da

Ung thư da là loại ung thư phổ biến nhất ở Úc. Lỗ thủng tầng ozon nằm ngay trên đầu nước Úc nên dân Úc hưởng trọn toàn bộ tia cực tím (tia UV) đi qua lỗ thủng đó. Dân Úc không còn cách nào khác ngoài việc “sống chung với lũ”, chỉ có thể tự bảo vệ bản thân bằng việc mặc đồ chống nắng, dùng kem chống nắng SPF 30+ (bôi trước khi ra nắng 20 phút), đội mũ nón rộng vành, mang kính chống tia UV (bởi vậy mà lúc ở Việt Nam tôi lo đi cắt cặp kính cận thật tốt, có khả năng chống tia UV, chứ kính bên này dù có bảo hiểm cover vẫn đắt lắm).

Đọc thêm bài viết của Cancer Council nói về ung thư da ở Úc

6

Tiền xu

Úc cũng sử dụng tiền xu các loại mệnh giá nhỏ như 5 cent, 10 cent, 20 cent, 50 cent, 1 đô, 2 đô. Hộp đựng tiền xu One Piece Film Gold của tôi từng dùng ở Nhật phát huy tác dụng tối đa khi sang Úc. Có nhiều hàng quán chỉ nhận thanh toán tiền mặt nên tiền xu rất cần thiết khi bill lẻ tiền.

Cần nhiều nhất là $1, $2. Đố bạn biết để làm gì? ^^

Câu trả lời chính là: để lấy xe đẩy khi đi siêu thị.

Để tránh tình trạng xe đẩy thất lạc mỗi nơi mỗi cái thì họ gắn thêm cái móc xích, xích xe nọ nối với xe kia, chỉ khi nào bỏ tiền xu loại $1 hoặc $2 thì móc xích mới bung ra khỏi xe phía trước. Nếu không trả lại xe đẩy ở nơi quy định thì coi như mất luôn tiền.

ww melbourne
Xe đẩy trong siêu thị Woolworths. Cả Costco, Aldi hay Coles cũng đều dùng xe đẩy có xích kiểu này.
7

myki – thẻ tàu của riêng bang Victoria

Dù đi du lịch hay ở hẳn Melbourne thì bạn cũng nên sở hữu ít nhất 1 chiếc thẻ myki để đi phương tiện công cộng. myki cũng có thẻ riêng cho người lớn và trẻ em, người già và người có hoàn cảnh đặc biệt. Thẻ myki được bán ở hầu hết các ga tàu, cửa hàng 7-11, một số trạm dừng tram hay bus.

Ví dụ như thẻ myki của tôi có giá $30 nhưng chỉ có $24 trong thẻ (tức là phí giữ thẻ $6 và không được hoàn lại). Xem thêm thông tin ở đây.

Khi nào có thời gian tôi sẽ viết thêm về thẻ myki ha.

8

Mang theo thật nhiều dây sạc điện thoại…

… để không gặp phải tình huống dở khóc dở cười như tôi khi mới sang T.T

Tôi khá tự tin về độ bền của sợ dây sạc mua hơn 300k tại FPT Shop, nhưng không hiểu sao nó lại dở chứng không sạc được khi tôi đang cùng con đi dạo Melbourne CBD (trung tâm thành phố). Đã vậy lại không tìm được chỗ nào bán cáp sạc. Bạn cứ thử tưởng tượng, lạ nước lạ cái, điện thoại hết pin, không có map giấy dự phòng, dù có người sẵn sàng giúp chỉ đường đi chăng nữa thì cũng không biết mình cần lên ga nào xuống ga nào… Nói chung là mù đường—mù hẳn chứ không phải thấy mờ mờ nữa T.T

Lang thang trong sự bất lực, tôi vào đại cái shop có-vẻ-giống-tạp-hoá nằm trong QV Melbourne thì suýt chút nữa tôi rú lên mừng rỡ. Đứng ngó nghiêng ngắm nghía một hồi mới biết đây là chỗ bán lô-tô (dạng “vé số chiều xổ” giống Việt Nam í). Nhưng mà khổ quá, cái cọng sạc trong shop này chỉ khoảng $2 nhưng họ bán với giá $20, biết rõ ràng là vậy mà lúc đó tôi đâu có cách nào khác… đành cắn răng thanh toán trong sự ấm ức tột cùng.

Đồ dỏm nên xài được 2 tuần là “nghỉ hưu” luôn, chán chả buồn nói :-<

Ngoài việc mang theo chục cọng dây sạc sơ cua ra thì cũng nên thủ sẵn 2-3 cục pin dự phòng (để sạc điện thoại, máy ảnh) chứ đang đi thấy cảnh đẹp mà hết pin thì tức lắm.

Tiện thể thì cũng nên hỏi map giấy tại các ga tàu. Xác định trước những nơi cần đi, đánh dấu vô, xác định các ga gần đó nhất để lỡ có tiếc $20 thì còn phương án dự phòng.

9

Contactless

Nếu không có contactless thì phải tự nhét thẻ vào máy POS, chọn loại tài khoản, sau đó nhập mã PIN thì mới thanh toán được. Khi nhập PIN như vậy rất dễ bị lộ, nếu ai có ý đồ xấu thì mình dễ bị mất thẻ/mất thông tin thẻ luôn.

Các ngân hàng Úc và cả Việt Nam giờ đa số đều phát hành thẻ có contactless nên tại hầu như các cửa hàng đồng ý thanh toán thẻ—ở Melbourne nói riêng—đều có thể “chạm” để thanh toán, vừa tiện vừa không bị lộ thông tin.

Tôi dùng thêm blocking cards để tránh bị scan thẻ vì hacker Úc làm việc khá năng suất, không cẩn thận là mất tiền như chơi. Amazon bán nhiều lắm, tôi đang xài PROTEGO.

10

Những thứ được free ở Melbourne

#1 — Free wifi
#2 — Free tram

City Circle Tram (hay còn gọi là Free Tourist Tram) đi vòng quanh Federation Square, Flinders Street Station, Parliament HouseFlagstaff Gardens miễn phí.

Xem thêm lộ trình tại đây.

ĐỌC THÊM: Nửa ngày dạo Flinders Quarter

Hay Free Tram Zone — khu vực trung tâm Melbourne – di chuyển bằng tram, cho phép bất kì ai đi tram trong khu vực này đều được miễn phí. Nếu chỉ đi trong khu vực này thì không cần thẻ myki, nếu có thẻ myki cũng không cần touch on (quẹt thẻ lúc lên tàu). Nhưng lúc đi phải chú ý nghe thông báo điểm kết thúc của Free Tram Zone, chứ nếu đi lố qua zone khác thì tính phí như bình thường, không được miễn phí đâu.

Xem bản đồ Free Tram Zone

Nếu có em bé nhỏ và có xe đẩy thì không nên đi tram vì có bậc thang cao, dốc và hẹp, đi lên đi xuống lỉnh kỉnh lắm. Tuy có lối lên xuống dành cho xe lăn/xe đẩy nhưng vì thường đón tram ở giữa đường oto chạy, không có hướng dẫn cụ thể hay vạch vàng để phân biệt lối lên dành riêng như trạm bus nên tôi chỉ đi tram được 1 lần rồi nghỉ khoẻ luôn. Nếu không có xe đẩy thì tram vẫn là trải nghiệm ngắm cảnh thú vị!

#3 — Free museums & galleries

Có thể kể đến một số bảo tàng và phòng trưng bày có tiếng như:

  • National Gallery of Victoria (NGV)
  • The Ian Potter Centre: NGV Australia
  • State Library Victoria (thư viện bang Victoria)
  • Koorie Heritage Trust
  • Library at The Dock
  • The Australian Music Vault
  • Australian Centre for the Moving Image (ACMI)
  • Shrine of Remembrance
  • Justin Art House Museum
#4 — Free gardens
  • Royal Botanic Gardens Victoria
  • Fitzroy Gardens
  • Abbotsford Convent
  • Victoria State Rose Garden (Werribee Park)

Cơ bản là vậy ha!

*** Nội dung trên blog này hoàn toàn thuộc về cá nhân Thảo. Để tránh sự việc không vui giống việc xảy ra gần đây (bài viết tâm huyết của Thảo bị một-nhóm-Facebook-hơn-95k-thành-viên bê về fanpage và nhóm của họ mà không một lời thông báo lẫn trích nguồn, hiện tại họ đã xoá bài sau khi Thảo phát hiện và tỏ ý muốn họ để nguồn), Thảo mới phải thêm đoạn (khá dài) này vào mỗi bài viết với mong muốn nếu bạn cảm thấy nội dung bài viết của Thảo có ích và muốn chia sẻ rộng rãi, hãy bấm nút chia sẻ ngay bên trên; nếu bạn muốn đăng lại trên các mạng xã hội của bạn, xin vui lòng cho Thảo biết và dẫn nguồn. Hành động tuy đơn giản nhưng chứng tỏ sự văn minh lịch sự; còn với cá nhân Thảo thì như một lời động viên cổ vũ để chia sẻ nhiều điều chất lượng hơn nữa. Xin cảm ơn vì đã luôn theo dõi và đồng hành cùng Thảo! ***

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x