10 hộ chiếu ấn tượng, nhìn là thích ngay

Tiếp nối Hàn Quốc đổi màu hộ chiếu (xanh lá sang xanh dương) hồi năm 2020, Việt Nam cũng đang tiến hành thay đổi màu hộ chiếu cho công dân (xanh lá sang xanh tím) từ 1/7/2022. Trong lúc chờ đợi sự xuất hiện của chiếc hộ chiếu mới, tôi giới thiệu một số hộ chiếu ấn tượng, nhìn xong muốn có 1 cái ngay ha!

#1 — Hộ chiếu Nhật Bản – “triển lãm” tác phẩm nghệ thuật
hộ chiếu ấn tượng Nhật Bản
Hộ chiếu Nhật có hoa cúc vàng nổi bật trên nền đỏ.
Hoa cúc – biểu tượng cho mùa thu, mùa màng, sự cao quý và đại diện cho chế độ quân chủ Nhật Bản từ xưa đến nay

Hộ chiếu 10 năm của Nhật có 54 trang cả bìa. Điều khiến cho hộ chiếu Nhật ấn tượng với tôi không hẳn vì bìa đẹp hay đứng đầu bảng trong Danh sách các hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, mà vì hình ảnh in trong những trang để đóng dấu nhập cảnh và dán thị thực (từ giờ sẽ gọi ngắn gọn là “trang visa”) đều là các tác phẩm nghệ thuật ukiyo-e nổi tiếng trong series 富嶽三十六景 (36 cảnh quan núi Phú Sĩ) của hoạ sĩ Katsushika Hokusai thời Edo.

Trong series 富嶽三十六景 (36 cảnh quan núi Phú Sĩ) của hoạ sĩ Katsushika Hokusai có 36 tác phẩm + 10 tác phẩm bổ sung. 1 tác phẩm được in trên 2 trang liền nhau, khi mở hộ chiếu ra sẽ thấy đầy đủ tác phẩm.
Hộ chiếu hạn 10 năm dùng 24 art works cho 48 trang. Hộ chiếu hạn 5 năm dùng 16 art works cho 32 trang.

Art work đầu tiên trong hộ chiếu: Aoyamaenza no matsu
Art work 8: Kanagawa Okinami Ura
Art work 17: Joshu Ushi bori
Có cả tên của tác phẩm (tiếng Nhật và tiếng Anh) ở góc dưới bên trái. Art work 21: Soshu Umezawa

Cũng vì sử dụng full thiết kế phức tạp từ ukiyo-e kết hợp gắn chip IC để hộ chiếu khó bị làm giả nên phí làm hộ chiếu Nhật cũng khá chát, tận 16,000 yên (khoảng 2 triệu 8).


5 hộ chiếu ấn tượng được “bật mí bí mật” dưới tia UV

#2 — Na Uy
hộ chiếu ấn tượng Na Uy
Hộ chiếu mới của Na Uy từ tháng 10/2020

Ngoài trang bìa có thiết kế hiện đại, hộ chiếu Na Uy còn “ẩn chứa” nhiều thứ bên trong. Bộ thiết kế in ở trang visa được đặt tên là “Norway Lanscapes” (phong cảnh Na Uy) trông khá đơn giản với các hình polygon tưởng chừng không có gì đặc sắc, nhưng dưới ánh sáng tia cực tím thì…

Phí làm hộ chiếu Na Uy là NOK570 (khoảng 1 triệu 3). Mà hộ chiếu Na Uy chia làm 4 thời hạn cho 4 lứa tuổi chứ không được tiện như Việt Nam.

CÓ THỂ BẠN ĐÃ BIẾT:

Hộ chiếu của hàng xóm phía Bắc của chúng ta – Trung Quốc – cũng xịn không kém, cũng có nhiều thứ mà chỉ khi soi dưới tia UV mới thấy. Các trang visa in hình các địa danh được coi là biểu tượng của 34 tỉnh và thành phố của Trung Quốc: từ Tử Cấm Thành (Bắc Kinh), Chiến binh đất nung trong Lăng mộ Tần Thủy Hoàng (Thiểm Tây) đến Rừng dừa (Đảo Hải Nam). Ngoài ra còn có Cảng Victoria của Hồng Kông, Cầu Sài Vân của Ma Cao, Hồ Nhật Nguyệt của Đài Loan và đường lưỡi bò bao gồm Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Cũng chính vì sự “bố láo” này mà khi người Trung Quốc xin visa nhập cảnh Việt Nam, thị thực mà Việt Nam ta cấp cho họ là “visa rời”, tức là không dán vào hộ chiếu (nếu dán vào thì chẳng khác nào ngầm đồng ý rằng đường lưỡi bò mắc dịch ấy là đúng cả).

Hộ chiếu Trung Quốc…
#3 — Canada
hộ chiếu ấn tượng canada
Hộ chiếu Canada nhìn bên ngoài thì cũng bình thường thôi, trang bìa có in hình quốc huy Canada. Hộ chiếu được dùng từ giữa năm 2013.

Bên trong, mỗi trang visa có các địa danh, nhân vật lịch sử và kỳ quan thiên nhiên của Canada. Khi được chiếu tia UV, các địa danh màu sắc buồn tẻ ngay lập tức hô biến ấn tượng với một loạt các màu sắc neon nổi bật.

hộ chiếu ấn tượng canada
 Parliament Hill ở Ottawa

Sặc sỡ là vậy nhưng hộ chiếu Canada cũng ngang phí với hộ chiếu Nhật, CAN$160 (khoảng 2 triệu 8)

#4 — Hungary

Trong khi Na Uy hay Trung Quốc ẩn các địa điểm tham quan nổi tiếng và Canada đầy màu sắc dưới ánh sáng tia cực tím thì Hungary đã chơi “khác người” hơn khi ẩn hẳn một bản nhạc trong hộ chiếu của quốc gia mình. Hộ chiếu này được dùng từ tháng 3 năm 2012.

Dưới ánh sáng tia cực tím, bản nhạc Szózat – bài hát yêu nước của Hungary xuất hiện rực rỡ. Bài hát này được coi là quốc ca thứ hai của Hungary (sau bài Himnusz).

hộ chiếu ấn tượng hungary
Trang cuối của hộ chiếu Hungary

Hộ chiếu Hungary bìa đẹp, có tính năng UV, gắn chip IC hẳn hoi nhưng giá lại rẻ hơn các nước khác nhiều: 14,000 HUF (khoảng 830k)

#5 — Bỉ
hộ chiếu ấn tượng bỉ

Hộ chiếu hiện tại của Bỉ vừa được sử dụng từ tháng 5/2014. Trang bìa vẫn là màu đỏ tía cùng quốc huy mạ vàng, còn các trang bên trong được thay thế bằng nhân vật trong các bộ truyện tranh nổi tiếng của Bỉ như Tintin, Xì Trum (trước đây là các địa danh nổi tiếng).

Truyện tranh Bỉ nổi tiếng thế giới xưa giờ với các bộ như: Cao bồi Lucky Luke, Những cuộc phiêu lưu của Asterix, Xì Trum

Hộ chiếu Bỉ có 2 loại: 32 trang và 64 trang. Giá làm hộ chiếu tùy thuộc vào số trang, số tuổi. Ví dụ “người từ 18 tuổi – 32 trang” (€65) sẽ có giá khác với “người dưới 18 tuổi – 32 trang” (€35).

Giá làm cho 64 trang cho người từ 18 tuổi thì cao chót vót: €245 (khoảng 5 triệu 8)

#6 — Thụy Điển
hộ chiếu ấn tượng thụy điển
Hộ chiếu Thuỵ Điển gây ấn tượng với tôi bởi vẻ ngoài “luxury” – thiết kế lạ mắt, màu sắc sang chảnh
đương nhiên khi tôi liệt kê trong nhóm này thì tức là nó cũng rất “chói” dưới tia cực tím

Hộ chiếu này được dùng từ năm 2012, bên trong có hình các địa danh và vùng lân cận mang tính biểu tượng của đất nước. Phí làm hộ chiếu cũng mềm mại dễ thương: SEK 400 (khoảng 890k)

Bên cạnh Thụy Điển, hộ chiếu Thụy Sĩ cũng tạo thiện cảm cho tôi với thiết kế hiện đại và tối giản nhưng các trang visa thì màu mè quá…

Hộ chiếu Thụy Sĩ
Trang visa

2 hộ chiếu dạng flipbook

Tuy vẫn rất “này nọ“ dưới tia UV nhưng 2 hộ chiếu này tôi thích xếp vào nhóm flipbook hơn.

#7 — Phần Lan
Hộ chiếu hiện tại của Phần Lan. Khi lật liên tục, hình thiên nga ở góc dưới bên trái cuốn hộ chiếu giống như đang bay

Phí €152 (khoảng 3 triệu 6). Chát ha!

Trong hộ chiếu cũ, các trang visa vẫn theo dạng flipbook nhưng không phải thiên nga mà là một con nai sừng tấm đang đi (hay phi nước đại gì đó chả rõ)
#8 — Li-băng
hộ chiếu ấn tượng li băng
Hộ chiếu Li-băng cũ (nằm dưới) và mới (nằm trên, được ghi bằng 3 thứ tiếng)

Hộ chiếu mới của Li-băng được dùng từ năm 2016. Trang bìa trông đẹp hơn với cây tuyết tùng “sinh trắc học” in dập nổi to chà bá trên màu nền xanh biển Địa Trung Hải.

Những khu rừng tuyết tùng cổ đại từng phát triển phong phú trên khắp các ngọn núi Li-băng. Cây tuyết tùng luôn là biểu tượng về tuổi thọ người Li-băng và là niềm tự hào của họ

Trong các trang visa có 22 cảnh đẹp được in trên 44 trang (Raouche Rock, Tyre Temple, Beaufort Castle, Thành cổ Hasbaya, Jezzine, Sidon Castle, Beiteddine Palace, Lake Qaraoun, Niha Temple, Anjar Castle, Beirut Forest, Martyr’s Square, Beirut, Jeita Grotto, Baalbek Lebanon, Fakra Temple, Kfarzebian, Byblos Castle, Qannoubine Valley, Msailha Castle, Tripoli CastleBarouk Cedar)
Hộ chiếu Na Uy
Khi lật qua các trang sẽ thấy mặt trời di chuyển qua từng trang – mọc từ phía Đông (trang đầu tiên) và lặn ở phía Tây (trang cuối cùng)
Dưới ánh sáng tia cực tím, cảnh đêm sẽ hiện ra với chu kì tròn khuyết của mặt trăng

Một điều khiến tôi ấn tượng “mất hồn” về hộ chiếu này chính là phí làm hộ chiếu. Tôi còn tưởng mình nhìn nhầm. Nhưng không, quả thật hộ chiếu Li-băng là một trong những hộ chiếu có phí đắt nhất thế giới với 1,200,000 L.L (hơn 18 triệu rưỡi) cho hạn 10 năm và 600,000 LL (khoảng 9 triệu 3) cho hạn 5 năm.


#9 — Hộ chiếu Úc
Bên dưới chữ Australia là quốc huy Khối thịnh vượng chung (có hai loài động vật bản địa được yêu thích của Úc: kangarooemu, mỗi con đỡ một bên của tấm khiên, trên tấm khiên có 6 biểu tượng đại diện cho sáu tiểu bang của đất nước)
Trang đầu tiên rất đẹp

Úc là quốc gia đầu tiên sử dụng công nghệ Colour Floating Security trên hộ chiếu. Công nghệ tối tân này sử dụng tia laser để tạo ra hình ảnh bên trong lớp dữ liệu của trang thông tin, khiến tội phạm khó giả mạo hơn.

Hộ chiếu “xịn xò” này được dùng từ năm 2014. Khi mở hộ chiếu ở trang thông tin, cầm hộ chiếu nghiêng các trang ở góc nhất định và xem dưới ánh sáng UV, hình ảnh cách điệu của 5 cặp kangaroo màu xanh và đỏ lồng vào nhau sẽ “xuất hiện”. Nghiêng qua nghiêng lại sẽ thấy tụi nó ẩn hiện. Nói chung là khó tả quá -.-

Cũng vì xài công nghệ tối tân nên giá làm hộ chiếu Úc quá trời đắt. Hộ chiếu hạn 10 năm cho người từ 16 tuổi có phí AU$308 (khoảng 5 triệu) với 42 trang; còn dưới 16 và trên 75 thì rẻ hơn gần 1 nửa: AU$152 (khoảng 2 triệu 4).

#4 — Hộ chiếu New Zealand

Hộ chiếu New Zealand có bìa màu đen – một trong những màu hộ chiếu hiếm nhất (hiện tại chỉ có 7 quốc gia có bìa màu đen) – được thêm những lá dương xỉ bạc (một loài cây thuộc họ dương xỉ đặc thù của New Zealand) tạo nên sự tương phản bắt mắt. Phía trên quốc huy New Zealand, dòng chữ “Hộ chiếu New Zealand” bằng tiếng Anh và “Uruwhenua Aotearoa” bằng tiếng Maori được khắc nổi.

Trang đầu tiên

Truyền thuyết của người Maori kể lại rằng, dương xỉ bạc ngày xưa sinh sống trong nước, sau đó cây di chuyển lên bờ và sống trong rừng để dẫn đường cho người Maori. Trong rừng rậm tối tăm, các chiến binh và thợ săn Maori có thể tìm đường về nhà nhờ vào ánh sáng bạc của lá cây dương xỉ.

Phải sống trong điều kiện khô khan, khắc nghiệt, dương xỉ bạc luôn vươn lên và không chịu đứng dưới tán lá của những cây khác. Cũng chính vì đặc điểm này mà dương xỉ bạc đã trở thành biểu tượng của đất nước New Zealand.

Dưới ánh đèn UV, hình ảnh cách điệu của đọt (lá non) dương xỉ “quắn quéo” hiện ra

Giá làm hộ chiếu New Zealand $199 (khoảng 4 triệu 6).

Các quốc gia dần sử dụng hộ chiếu để tôn vinh văn hóa của nước mình: cực quang, kì quan nổi tiếng, phong cảnh biểu tượng, bản nhạc nổi tiếng, truyện tranh nổi tiếng, thế giới động thực vật…


CẬP NHẬT 1/7/2022: Cũng không kém cạnh các nước bên trên, Việt Nam cũng đang dần cải tiến và giới thiệu các danh lam thắng cảnh của đất nước như cuốn sổ tay du lịch (giống với hộ chiếu Indonesia hay Trung Quốc, Na Uy) với Phố cổ Hội An, Vịnh Hạ Long, Cột cờ Lũng Cú, Đỉnh Fansipan…

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x