4 trải nghiệm văn hóa thú vị sau khi đến Nhật Bản

Lúc vừa sang Nhật Bản, tôi ở một thành phố nhỏ nằm rìa phía tây Tokyo, có tên là Mitaka. Mitaka tích hợp “vừa đủ” sự nhộn nhịp và yên bình mà tôi cần. Cuộc sống không quá xô bồ và đắt đỏ khiến tôi cảm thấy dễ thích nghi và dễ sống hơn.

Tuy tôi tự nhận mình là một otaku, một Japanholic, tưởng như rằng mình đã có sự chuẩn bị kĩ càng trước khi quyết định đến với xứ Phù Tang, nhưng “dấn thân” vào rồi mới biết… đúng kiểu: những gì mình tìm hiểu chỉ là bề nổi của tảng băng trôi ?


#1 — Tích trữ tiền xu

Vụ tiền xu này làm tôi khốn khổ.

Nếu bạn thuộc “thế hệ đầu 9x” trở về trước, hay còn có tên khác là “gen X”, hẳn bạn còn nhớ những năm nhà nước Việt Nam cho lưu hành tiền xu. Tiền xu bị “bức tử” ở Việt Nam nhưng được sử dụng rộng rãi trên đất Nhật. Với thói quen “tiền nhét túi” thì tôi cực ghét mấy cái xu này bởi cứ bị rơi rớt mãi, lăn cả xuống cống (rất a-cay). Nhưng cũng khá mâu thuẫn cảm xúc khi vô tình… “xí mót” được tiền xu :)))

Tiền xu ở Nhật có 6 mệnh giá: 500 yên, 100 yên, 50 yên, 10 yên, 5 yên và 1 yên.

Kinh nghiệm dùng tiền xu của tôi:

  • Để tiết kiệm trong chi tiêu ăn uống hàng ngày, tôi thường mua rau củ ở nhà dân hoặc ở các máy tự động thay vì vào siêu thị (trừ những lúc giảm giá). Ngặt một nỗi mấy chỗ này chỉ thanh toán bằng xu. Đồ ăn đã rẻ lại không bị tính thuế VAT nên tôi chịu khó tích xu để lại mấy chỗ này mua
  • Mỗi lần đi siêu thị, nhân viên tính hóa đơn thu tiền chuẩn đến từng yên. Họ không lấy dư cũng không lấy thiếu. Mấy lần mua xong ra hóa đơn lẻ một vài yên thì tôi lại thấy “tức tức” vì sắp “bị” thối lại một mớ xu, rồi lại rơi rớt mất dần cho xem, nên sau đó tôi lo giữ xu loại 5 yên và 1 yên để trả kèm, mục đích là để được thối lại chẵn tiền

    Ví dụ như hóa đơn 452 yên, tôi sẽ trả đúng *452 yên* hoặc *552 yên để được thối lại xu 100 yên thay vì trả 500 yên rồi được thối lại một-mớ-xu 48 yên*
  • Don Quijote có hẳn một thùng “quyên góp” xu 1 yên để những hóa đơn nào lẻ vài yên thì nhân viên sẽ lấy tiền trực tiếp từ thùng đó để bù cho khách
  • Xe bus bán vé không quan tâm đoạn đường dài ngắn, niêm yết đồng giá 220 yên. Nếu không có đủ xu 220 yên hoặc 500 yên mà trả bằng tiền giấy thì y như rằng được thêm 1 mớ xu thối lại
  • Ở vùng quê hẻo lánh đồng không mông quạnh, có khi tiền giấy còn không thông dụng bằng tiền xu. Mang tiền xu đi mấy bước chân là có máy bán tự động. Nếu không mang xu đi thì cứ xác định lội thêm mấy kilomet mới mua được chai nước

Đấy, bạn đã thấy tầm quan trọng của tiền xu khi sống ở Nhật chưa? Nó ảnh hưởng đến cả kinh tế và tâm lí của chúng ta chứ không đùa! Vậy nên đầu tiên là chuẩn bị sẵn một túi đựng tiền xu để tích trữ, tránh thất thoát xu lãng xẹt nhe!


#2 — Bồn cầu có-âm-thanh

Có rất nhiều bài nói về cái bồn cầu thông minh này nhưng khi trải nghiệm thì tôi vẫn… “hú hồn chim én” =))) Nói sơ qua thì là nó có thêm một mớ chế độ (có hẳn 2 hàng nút bấm để điều chỉnh). Nhưng ấn tượng ám ảnh nhất là chế độ xịt đít; ấn tượng tốt đẹp nhất là chế độ sưởi mông; ấn tượng quê độ nhất là chế độ âm thanh.

5 điều ngạc nhiên về nước Nhật-japan toilet

Review nhanh 3 chế độ:

  • Chế độ xịt khiến tôi ám ảnh bởi… cái vòi xịt nước hình que từ đâu đó trong bồn cầu lòi ra kèm theo tiếng “eeeeeeeeeeee”… Tự nhiên trong đầu lại… lo sợ không hiểu tại sao. Lực xịt có thể điều chỉnh được nhưng vì dùng không quen nên… Sau đó, không có sau đó nữa ?
  • Vào những ngày thu đông lạnh lẽo, cái bệ ngồi có chế độ sưởi mông khiến cho mọi thứ trong ngày trở nên thoải mái nhẹ nhàng ấm áp ♥️
  • Chế độ âm thanh phát tiếng xì xào hay tiếng… chim hót khiến mọi ô toilet xung quanh đều biết “À, có đứa đang sử dụng toilet đó, và chắc chắn nó đang đi nặng“. Thật quê xệ khi ngồi trong toilet công cộng (như ga tàu điện) vì ở đó chế độ âm thanh là tự động…

Thêm chuyện này nữa. Năm 2017, Mizuki rủ tôi về nhà chơi đợt lễ Halloween. Cái bồn cầu nhà em ấy xịn đến nỗi khi tôi vừa bước vô, nó lập tức… bật nắp lên sẵn sàng phục vụ làm tôi giật mình lượn ngược ra, bị Mizuki cười cho một trận -.- thì ra nó có cảm ứng ?

Chỉ có loại bồn cầu cắm điện thì mới có các chế độ này.

Có một cách xử lí để bệ ngồi không bị lạnh là dán miếng dán bán đầy ở các cửa hàng 100 yên.

Shopee Việt Nam cũng có bán nhiều miếng dán bệ bồn cầu nhưng có vẻ không được ưa chuộng như bên Nhật vì Việt Nam độ ẩm cao, miếng dán đó sẽ nhanh bị mốc rất bất tiện…


#3 — Văn hóa KitKat

Lại thêm một vụ “ngơ” bên cạnh ukiyoe: Japanholic kiểu gì mà lại không biết KitKat.

Thật sự luôn.

Trong một lần đảo qua đảo lại mấy hàng bán bánh kẹo, tôi vô tình mua phải Kitkat. Về ăn xong còn tấm tắc khen ngon, rồi bị nghiện hồi nào hổng hay, mà hoàn toàn không hề biết nó nổi tiếng. Mãi sau mới biết là có hẳn một “văn hóa” Kitkat mà ai-cũng-biết-chỉ-một-người-không-biết ?

Tại sao lại gọi là “văn hóa” KitKat?

Người Nhật đi du lịch, đi về quê, đi công tác… đều mua quà omiyage (お土産) khi về–để tặng hàng xóm, đồng nghiệp, người thân… Quà cáp như vậy là nét truyền thống đặc trưng rồi. Trong sách dạy tiếng Nhật cũng hay có các đoạn hội thoại tặng quà nhau khi đi xa về bắt nguồn từ nét truyền thống này nè. KitKat nắm bắt được tâm lý khách hàng nên sản phẩm của KitKat luôn nhỏ gọn, giá rẻ, dễ mua mang về số lượng lớn, và quan trọng nhất là đậm tính đặc trưng vùng miền.

CÓ THỂ BẠN ĐÃ BIẾT:
KitKat “địa phương” giờ cũng đang được bày bán ở nhiều quầy miễn thuế của sân bay, tức là không cần phải đến Shizuoka để mua KitKat wasabi hay lặn lội xuống Hiroshima để mua KitKat momiji manju nữa…

5 điều ngạc nhiên về nước Nhật-kitkat-1

Vậy có phải KitKat nào cũng ngon?

Trong bộ sưu tập hơn 300 loại (vị) của KitKat thì cũng có một số vị hơi khó hiểu (như KitKat onsen… hay KitKat cà ri… hmm…). KitKat có vẻ đã cố gắng rất nhiều để “tái tạo” những hương vị đặc sắc nhất ở khắp nơi trên nước Nhật nhưng, một chữ NHƯNG to đùng, chỉ loè được những người đang-không-ở-Nhật-Bản mà thôi.

Đỉnh nhất theo tôi vẫn là vị trà xanh. Mà KitKat vị trà xanh sơ sơ cũng có đến 6 loại theo 6 mức độ ngọt đắng đậm đà khác nhau:

  1. Matcha Otona No Amasa KitKat – được làm từ lá trà Uji Gyokuro, có vị đắng thơm
  2. Dark Matcha Otona No Amasa KitKat – đậm màu đậm vị đắng hơn cái ở trên nhưng vẫn ngọt hơn cái ngay bên dưới
  3. Matcha Leaves KitKat – có lá trà xanh xay nhuyễn trộn trực tiếp vào luôn, dùng sô-cô-la trắng
  4. Kyoto Uji Matcha KitKat – xịn nhứt trong các loại KitKat trà xanh và chỉ có thể tìm thấy ở Kyoto. Tỷ lệ trà cao hơn các loại khác, có ngọt nhưng đắng nhiều hơn, chắc là đắng nhứt hiện tại luôn
  5. Matcha no Chikara KitKat – mùi vị trà rõ mà lại không bị đắng, màu xanh đậm hơn các loại KitKat matcha khác (có vẻ là có cung cấp các lợi ích sức khỏe của trà xanh nữa nên mới có tên là “matcha no chikara” – sức mạnh của trà xanh)
  6. Yuzu Matcha KitKat – sự kết hợp giữa trà xanh và yuzu (mà tôi hay gọi là quýt Nhật, gọi vậy cho dễ thôi chứ không phải quýt nha), vị nó cũng khá là hen (ý là biến thái í)

CÓ THỂ BẠN ĐÃ BIẾT: KitKat (đọc là “Kitto katto”) đọc trại đi thì thành “Kitto Katsu” (きっと勝つ) trong đó “kitto” nghĩa là “nhất định”, còn “katsu” là “chiến thắng”. Bằng hình thức marketing hiệu quả, KitKat tự nhiên trở thành món quà “lấy hên” cho các sĩ tử.

Trên bao bì mỗi chiếc KitKat còn có lời chúc thi cử mà điển hình là “自分を信じて” (jibun wo shinjite) – “Hãy tin vào bản thân mình”.

5 điều ngạc nhiên về nước Nhật-kitkat-2


Với ý nghĩa tương tự, người ta cũng hay ăn “Katsudon” (thịt cốc-lết chiên xù ăn kèm cơm và sốt), giống như người Việt hay ăn chè đậu để thi “đậu” vậy đó.

À, có cả KitKat vị natto nữa quý dị ;)) chỉ chưa thấy vị shottsuru (nước mắm) hay shiokara (ruột mực muối) thôi!

Android 4.4 còn được gọi là KitKat 4.4 😉


#4 — Nhật Bản nổi tiếng về tiến bộ công nghệ, nhưng…

… “cash is king”. Bạn phải mang theo tiền mặt mọi lúc mọi nơi vì rất ít cửa tiệm hỗ trợ thanh toán thẻ dù nó nằm ngay giữa trung tâm Tokyo. Có lần tôi đã rất mất mặt khi đi ăn tại Matsudo – hệ thống quán ăn bình dân – mà không mang đủ tiền mặt. Cũng may là nhân viên quán chịu thả cho đi rút tiền rồi quay lại trả chứ không thì tôi không biết tính sao luôn…

… rất ít nơi có Wi-Fi miễn phí, hầu như là tôi chưa từng xài được wifi miễn phí khi ra khỏi nhà. Wifi trong ga tàu hên thì xài được mà xui thì thôi.

… cước điện thoại trả theo tháng cao đến kì lạ. Tôi kí hợp đồng với docomo, phí cơ bản thuộc gói rẻ nhất (1,600 yên/tháng vào năm 2015). Có tháng chả gọi cho ai, chỉ nhắn vài tin cho sếp xin nghỉ phép mà bị charge quá trời tiền, chán chả buồn nói.

… người dân phải tự điền đơn tại những văn phòng chính phủ, ngân hàng, bưu điện… Hoàn toàn không được sung sướng như ở Việt Nam có nhân viên làm hết cho còn khách chỉ việc ngồi chơi xơi nước đâu.

… bạn phải viết tay từng bản sơ yếu lí lịch và CV cho mỗi công việc bạn muốn xin. Lần đầu tiên đi xin việc, tôi cầm trên tay bản CV thiết kế đầu tư và cẩn thận, in màu hẳn hoi (chất in ngoài 7-11 cũng rất đẹp), nhưng lại bị trả về, yêu cầu ngồi lại điền form như các form được gắn kèm trong các tờ báo miễn phí. Cứ như một trò đùa!!! Từ đó về sau, tôi cứ viết tay cho lành.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x