5 lí do thường “tạch” visa du lịch

Trong suốt những năm đi du lịch, tôi đa số du lịch đến những quốc gia và vùng lãnh thổ được miễn visa du lịch, chỉ một số ít phải xin visa. Và trong những lần xin visa, tôi có tận 2 lần “tạch” (đều là tự nộp hồ sơ chứ không qua dịch vụ).

#1 — Thiếu minh bạch, không trung thực

Khi làm hồ sơ xin visa, tính hợp lí và trung thực sẽ luôn được người-xét-hồ-sơ đặt lên hàng đầu. Nếu khai gian hay làm giả giấy tờ thì đảm bảo sẽ bị vô danh sách đen của quốc gia đó luôn, vô cùng mạo hiểm và nguy hiểm. Sứ quán họ không thiếu cách để xác minh độ trung thực của hồ sơ.

Nếu làm hồ sơ qua dịch vụ thì cũng nên theo sát quá trình để nắm được nội dung có trong hồ sơ (để lỡ có phỏng vấn thì còn biết đường trả lời).

#2 — Không cung cấp đủ giấy tờ

Ví dụ check-list hồ sơ có 10 mục cần nộp, mà bạn chỉ cung cấp được có 8 mục. Nếu may mắn thì bạn sẽ được yêu cầu bổ sung thêm 2 mục còn thiếu. Nếu không may thì sẽ bị đánh rớt visa luôn khỏi giải thích nhiều. Họ cũng sẽ không cho biết về lí do bị trượt.

Ví dụ bạn có đủ 10 mục như yêu cầu, nhưng vài mục trong đó sắp xếp không logic, chẳng hạn như:

  • Ngày giờ xuất nhập cảnh và ngày giờ trên lịch trình không khớp
  • 20 tuổi còn đang đi học hoặc 24 tuổi vừa mới ra trường mà có nhiều tài sản (bất động sản, sổ tiết kiệm…) mà không giải trình được lí do
  • Ngày mở sổ tiết kiệm quá gần ngày nộp hồ sơ, sẽ có nghi vấn vay mượn tiền ở đâu đó để giả vờ mở sổ…

không chứng minh được có đủ tài chính cho chuyến đi, chẳng hạn như:

  • Điểm đến là các nước châu Âu thì ngân sách trung bình mỗi ngày từ 100 ~ 120 Euro
  • Các nước ở châu Úc thì mỗi ngày 100 đô-la Úc
  • Các nước ở Đông Á như Nhật, Hàn thì mỗi ngày 100 đô-la Mỹ…

tuỳ vào từng quốc gia mà có mức ngân sách trung bình khác nhau, bạn dự tính ở bao lâu thì số dư tài khoản hoặc sổ tiết kiệm phải có ít nhất số tiền tương ứng;

không chứng minh được ràng buộc ở Việt Nam, chẳng hạn như:

  • Tôi xin visa du lịch Úc từ Tokyo năm 2016 nhưng bị trượt vì không chứng minh được ràng buộc ở Việt Nam và Nhật (không tài sản cố định, không công việc full-time vì còn đang đi học), dù tài khoản có tiền đi nữa thì cũng vẫn rớt cái “oạch”
  • Đi du lịch gia đình (đông người), dù từng người đều có travel history tốt (đã đi nhiều nước khó như Anh, Mỹ…) thì khả năng bị đánh rớt vẫn cao vì sứ quán họ sợ đi cả gia đình thì ở Việt Nam đâu còn ràng buộc gì, trốn lại nước họ nguyên gia đình thì sao…
visas
#3 — Chủ quan

Cụ thể là tự tin thái quá.

Tự tin về thông tin mình có. Tự tin về kinh nghiệm mình sở hữu.

Mà quên mất rằng luật thay đổi theo từng năm, hay có những “mẹo” áp dụng riêng cho từng quốc gia mà phải bị trượt một (vài) lần mới tự ngộ ra.

Chẳng hạn như:

  • Chọn sai diện nộp hồ sơ — có không ít người nghĩ rằng xin visa diện thăm bạn, bạn trai bạn gái thì khả năng đậu visa sẽ cao hơn nhưng đó thực ra là sai lầm.
    Một là, hồ sơ sẽ phải chuẩn bị nhiều hơn, chứng minh mối quan hệ các thứ.
    Hai là, có cơ sở để dự đoán rằng sẽ trốn lại -.- Vì vậy mà hồ sơ dễ “tạch” hơn visa du lịch
  • Chọn sai thời điểm nộp hồ sơ — các nước phát triển như Canada hay các nước thuộc Schengen sẽ có kiểu xét visa giống nhau: mỗi năm sẽ có một giới hạn số lượng khách du lịch nên nộp vào đầu năm thì kết quả sẽ nhanh hơn và dễ đậu hơn, còn nộp vào cuối năm khi quota cấp visa cho người mang hộ chiếu Việt Nam đã hết thì rất khó đậu, nhất là khi đi nhóm đông người (gia đình, nhóm bạn)
    *** Kinh nghiệm: xin sau Tết âm lịch có kết quả rất nhanh
#4 — Đánh giá thấp lịch sử visa

Hộ chiếu trắng, hộ chiếu bị “dính vết” cũng là lí do dễ rớt khi xin visa.

Hộ chiếu “dính vết” thường là những trường hợp bị trục xuất, được cấp visa sau đó vì lí do gì đó mà bị hủy visa + đóng dấu hủy lên hộ chiếu, ở trái phép tại quốc gia nào đó (như đi du học, hết hạn visa nhưng không gia hạn), bị phát hiện làm việc part-time quá giờ lúc đi du học… Những trường hợp này khó mà quay lại được quốc gia đã dính vết.

Hộ chiếu trắng thì dễ xử lí hơn, lấp đầy đầy để tạo uy tín bằng cách đi du lịch khu vực Đông Nam Á và các nước miễn thị thực cho người Việt trước. Khi hộ chiếu “hết trắng” thì mới nên mạnh dạn xin visa Mỹ, Anh, Úc, Châu Âu…

Tuy nhiên cũng có trường hợp đặc biệt, hộ chiếu trắng-tinh-tươm-thuần-khiết nhưng làm hồ sơ xin visa du lịch các nước “khó khó” như Úc, Schengen đậu ngay lần đầu. Những trường hợp đó thường rơi vào người cao tuổi đã nghỉ hưu, cung cấp được bằng chứng hưu trí, ngoài độ tuổi lao động, có tài sản và mục đích rõ ràng khi xin visa…

ĐỌC THÊM: Hướng dẫn làm hộ chiếu lần đầu cho người cao tuổi

#5 — Không có sự chuẩn bị lúc phỏng vấn

Một số nước có vòng phỏng vấn như Mỹ, Úc, châu Âu. Các câu hỏi chỉ nằm trong hồ sơ nên trước khi phỏng vấn phải… học bài, cố nhớ hết những gì mình đã khai để trả lời được lưu loát. Dù là làm qua dịch vụ đi nữa cũng cần phải nắm được những thứ như:

  1. Kiến thức về nơi định đi du lịch (nước nào, đặc điểm gì, có gì ngon…)
  2. Lịch trình (đi đâu làm gì)
  3. Ngày tháng xuất nhập cảnh (nhập cảnh ở đâu, sân bay nào, xuất cảnh ở đâu, sân bay nào…)

Nếu ậm ờ những câu này thì người phỏng vấn có thể đánh giá rằng mục đích chính của bạn không phải là đi du lịch vì bạn không quan tâm lắm đến chuyến đi, có phải bạn âm mưu toan tính trốn lại không?… Họ sẽ đặt những nghi vấn kiểu vậy đó.


Bạn thấy đó, không phải cứ làm qua dịch vụ thì sẽ đậu “trăm phần trăm”, hay tự làm thì sẽ dễ “tạch” mà quan trọng là ở bản thân mình khi nộp hồ sơ nữa.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x