Trước khi vào bài thì tôi note một vài lưu ý cần biết khi ăn ramen ở Nhật nha!
Những lưu ý khi ăn ramen ở Nhật
- Xếp hàng - có những quán ramen rất đông khách mà quán thì không đủ chỗ ngồi, nên khách sẽ phải xếp hàng ngoài cửa đợi nhân viên điều phối; xếp hàng, không chen hàng
- Cách order món - có 3 trường hợp:
✓ (1) Order set, mỗi người 1 món
✓ (2) Order tô nhỏ với "câu thần chú": Sumimasen, men sukuname kudasai! (Làm ơn cho ít mì lại/tô nhỏ!) nếu cảm thấy không ăn hết; order tô lớn gấp rưỡi với câu: Oomori kudasai!
✘ (3) Đi 2-3 người nhưng chỉ order 1 tô
Tiệm ramen ở Nhật thường rất nhỏ hẹp, ít chỗ ngồi. Nếu bạn không có nhu cầu ăn uống tại tiệm thì sẽ được mời ra ngoài luôn. Còn nếu có nhu cầu thì mạnh dạn order 1 phần. - Có thể húp xì xụp - đây có vẻ là đặc trưng riêng của người Nhật và Hàn, khi ăn mì thì phát ra tiếng nhưng ăn cơm thì không; cách họ "hít" cọng mì lên cũng rất điệu nghệ, tôi đã phải tập mãi, sặc bao lần mới thành thạo được ^^
- Phải ăn nhanh - vì quán ramen thường nhỏ nên thực khách thường phải nhanh kết thúc bữa ăn để nhường chỗ cho người khác, đặc biệt là giờ cao điểm
- Phải hỏi xin phép trước khi chụp hình/quay phim - ở Nhật có nhiều nơi không cho phép chụp hình, quay phim, sử dụng gậy selfie, máy ảnh chuyên nghiệp... kể cả quán ăn; ở Nhật tôn trọng tính riêng tư rất cao, bạn cần có sự đồng ý của "gia chủ" thì mới được làm
- Không thể mua mang về - ramen chỉ ăn tại chỗ, không có cột bì mang về hay mang theo tô để đựng như bún phở cháo miến ở Việt Nam
- Trước khi đứng dậy đi ra thì cần dọn gọn gàng tô chén - bạn chỉ cần gom gọn lại tại chỗ bạn ngồi rồi sẽ có nhân viên dọn đi; việc này sẽ giúp nhân viên dọn dẹp và chuẩn bị bàn cho khách tiếp theo được nhanh hơn, còn thể hiện sự văn minh lịch sự - một vài động tác nhỏ mà ảnh hưởng đến tận 3 đối tượng ;)
- Nói cảm ơn - câu đơn giản dễ nhớ nhất là Gochisousama! hay Gochisousan!, trịnh trọng thêm chút nữa là Gochisousama deshita!
Đơn giản mà ha? Toàn là phép xử sự cơ bản.
Tôi từng ăn khá nhiều ramen ở Tokyo, đến mức phân biệt được nước lèo được ninh bằng gì: gà, heo, cá, tôm hay rau củ... Như đã nói ở trên ramen ở Nhật nhiều vô số kể, vì vậy bài viết này tôi sẽ giới thiệu cho bạn 5 quán ramen độc đáo ở Tokyo.
Độc đáo—từ màu sắc đến hương vị, từ cách trình bày món ăn đến cách bài trí decor trong quán.
#1
Green Ramen
Menya Rokkando toạ lạc ở Ikebukuro, quận trung tâm nhộn nhịp nhất nhì Tokyo. Rokkando có thực đơn đa dạng. Đặc trưng của quán là sợi mì homemade có màu xanh lá từ tảo euglena. Nước dùng ninh từ rau củ nên trong và ngọt.
Bạn có thể thử “shio green ramen” - nước dùng chỉ được nêm bằng muối; gọi thêm topping best-seller là trứng ngâm “ajitama” hoặc thịt xá xíu. Một tô ramen dao động từ ¥1,000 ~ ¥1,200.
Menya Rokkando cũng có thực đơn ramen theo mùa.
#2
Ramen Kipposhi
Tiếp nối món ramen xanh lá là ramen xanh da trời - đây là món bán chạy nhất Kipposhi, cách Tokyo Skytree 10 phút đi bộ.
Tên gọi trong thực đơn là Tori chintao ao (鶏清湯 青). Món này khác ramen ở Rokkando ở chỗ cọng mì màu xanh do sự thẩm thấu của nước lèo (nước lèo màu xanh) - chứ không phải màu xanh bắt đầu từ sợi mì. Màu xanh này không phải là phẩm màu mà được chiết xuất từ tảo Spirulina - có công dụng góp phần ngăn ngừa ung thư, duy trì ổn định đường huyết, thanh lọc giải độc gan, giảm mỡ trong gan, và còn là thực phẩm bổ sung lý tưởng cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Mấy chỗ kusuri của Nhật có bán thực phẩm chức năng tảo Spirulina dạng viên nhiều lắm.
Nước dùng ở Kipposhi được ninh từ thịt và xương gà nên có vị thanh. Giá từ ¥800 ~ ¥1,200
Tuy Blue Ramen nổi tiếng nhưng tôi lại hứng thú với những sự kết hợp "táo bạo" khác ở Kipposhi. Mà sự táo bạo này chỉ được "trình diễn" theo mùa. Ví dụ như ramen Valentine (バレンタイン) - topping là sour-cream và dâu tây chỉ được bán vào ngày 14/2, hay ramen White Valentine (ホワイトデー) - topping là miếng chocolate trắng và bánh xốp chỉ được bán vào 14/3, hay ramen Halloween (ハロウィン) rùng rợn chỉ được bán 1 tuần trước ngày Halloween...
#3
Ramen động quỷ
Điều làm nên sự độc đáo độc nhất của Kikanbo là cách bài trí quán ăn như bước vào “động quỷ”.
Ramen ở Kikanbo được phục vụ theo 5 cấp độ cay—sự kết hợp của ớt Nhật và tiêu Tứ Xuyên. Cấp độ 1 là ít cay nhất. Bình thường miso ramen đã rất được ưa chuộng với nước dùng đậm, nay kết hợp thêm vị cay the của Tứ Xuyên làm món ăn từ màu sắc đến hương vị đều có sức kích thích thị giác và vị giác mãnh liệt.
Độc đáo là vậy nhưng giá lại nhẹ nhàng hơn 2 món color ramen ở trên, chỉ ¥800.
Vì cách bài trí quá ấn tượng từ ngoài cửa vào, đến chi tiết nhỏ như hoa văn trên tô ramen mà Kikanbo hấp dẫn nhiều khách du lịch. Cũng vì vậy mà đôi khi cũng phải xếp hàng dài, đợi lúc lâu mới đến lượt.
#4
Ramen Mensho
Điểm đặc biệt của Mensho mà tôi ngạc nhiên là cách sử dụng tô đựng ramen - không phải loại tô như thường thấy mà giống đĩa đựng mì Ý hơn, là loại đĩa sâu lòng.
Vì vậy mà các món ramen ở Mensho có chút hơi hướng "tây tây".
#5
Cheese Ramen
Tsukumo sử dụng phô-mai Gouda có nguồn gốc từ Hokkaido, được bảo quản đông lạnh trước khi "hô biến" nó thành topping của tô mì. Nước dùng khá đậm vị với sự mix-match của tonkotsu và miso.