Bảo tàng Kamigata Ukiyoe—Nơi lưu giữ nghệ thuật thời Edo

Tôi chỉ biết đến Ukiyoe sau khi đã đến Nhật được nửa năm. Điều này đối với một kẻ tự xưng là “Japanholic” là một nỗi xấu hổ ?

Vào một ngày đẹp trời mùa xuân, hoa anh đào rơi chíu chíu, tôi dạo Osaka với Nana và nó chỉ vào một nơi hỏi “Này là gì vậy Phương-chan?”

Khỏi phải nói tôi quê độ hết sức, vì tôi đứng ra làm hướng dẫn viên cơ mà. Hướng dẫn viên kiểu này có mà mất việc!

Ậm ờ xong tôi cũng phải thú nhận: “Tui cũng không biết nữa, vô ngó cái là biết liền!”

Và đó cũng là lần đầu tiên tôi bước vào một bảo tàng trưng bày tranh.

Bảo tàng mỹ thuật Kamigata Ukiyoe
osaka-info.jp

Kamigata Ukiyoe Museum (Osaka)

Kamigata Ukiyoe là bảo tàng mỹ thuật lưu giữ và trưng bày tranh khắc gỗ ukiyo vùng Kamigata duy nhất trên thế giới. Bảo tàng do tư nhân mở, nằm phía trước chùa Hozen-ji quận Namba, ngay khu Dotonbori Osaka.

Kamigata là tên gọi vùng Kyoto-Osaka trong thời Edo (1603-1868). Vùng Kamigata là nơi có truyền thống nghệ thuật và văn hoá ukiyoe lâu đời hơn, tạo ra các bản in khắc gỗ khác biệt hơn hẳn các vùng khác. Cùng vì vậy mà tranh ukiyo vùng này khá nổi tiếng.

Ukiyoe là gì?

Ukiyoe là một loại hình nghệ thuật Nhật Bản xuất hiện vào cuối thế kỷ 17, phát triển đến thế kỷ 19 và rất phổ biến với tầng lớp thương gia.

Cắt nghĩa về “ukiyoe” khá là trừu tượng:

  • thuật ngữ ukiyo (浮世) có thể được dịch là “thế giới ảo mộng phù du”;
  • ukiyo đồng âm với một thuật ngữ Phật giáo cổ đại mang ý nghĩa “thế giới đau khổ và đau buồn”;
  • đôi khi được dùng với nghĩa “khiêu dâm” hoặc “sành điệu” để mô tả tinh thần đam mê khoái lạc của thời bấy giờ nữa

Còn e (絵) có nghĩa là bức tranh.

Ukiyoe là những bức tranh ghi lại thế thời phù du/dâm dục của Edo.

Định nghĩa thế thôi chứ nó cũng có phần dâm dục thật ?

yakushae-bijinga
Bảo tàng Ukiyoe có gì thú vị?

Bảo tàng tuy không gian hẹp, nhưng bù lại có tới 4 tầng. Cách bài trí khá cổ điển với một bàn trà truyền thống ở giữa phòng, đèn được bật sáng trưng. Tuy chủ đề “khiêu dâm” là chủ đề hot mà các nghệ sĩ xưa khai thác nhưng lại không được xuất hiện ở đây, mà chủ yếu là tranh về yakushae (các diễn viên kabuki), bijinga (mĩ nhân), cây cỏ hoa lá, phong cảnh…

Bạn sẽ phải mua vé từ cổng vào và được bonus một xấp tài liệu về Kamigata và ukiyoe.

Giờ mở cửa: từ 11:00 đến 18:00; quầy lưu niệm tầng 1 mở đến 20:00

Đóng cửa thứ 2 hàng tuần. Nếu thứ 2 rơi vào quốc lễ thì nghỉ bù vào ngày tiếp theo

Giá vé: ¥500 cho khách từ 12 tuổi trở lên; ¥300 cho học sinh tiểu học; ¥300 cho người có chứng nhận khuyết tật

Sau đó theo lối cầu thang dẫn thẳng lên tầng 2, 3, 4. Mỗi tầng có một chủ đề riêng:

  • tầng 2 trưng bày tranh theo quý, 3 tháng sẽ thay đổi chủ đề một lần;
  • tầng 3 trưng bày tranh khu phố Dotonbori đầu thời kì Showa;
  • tầng 4 triển lãm công cụ chế tác, bản khắc gỗ và cho trải nghiệm thử chế tác ukiyoe

Hiện tại bảo tàng Kamigata Ukiyoe có khoảng 50 tác phẩm được trưng bày cố định.

Cầu thang và ghế ngồi nghỉ
Bạn có thể mang theo sổ tay để sưu tầm mấy con dấu này (ga tàu và các nơi tham quan đều có đóng dấu cho khách du lịch)

Sau khi tham quan xong tầng 4 sẽ có một lối ra dẫn xuống tầng 1 bán quà lưu niệm.

Còn nếu bạn chỉ tò mò như Nana thì cứ “cưỡi ngựa xem hoa” 1 vòng rồi xuống mua đồ về làm quà tặng thôi cũng được. Quà lưu niệm khá đa dạng: bookmark (đánh dấu trang sách), hagaki (bưu thiếp), ví đựng xu… Tất nhiên hoa văn và chủ đề được minh hoạ bằng các tác phẩm ukiyoe nổi tiếng!

Tôi cũng có mua một số món để dùng và làm quà.

Bookmarks của tôi nè

Có một trò chơi dành cho khách mua quà: đọc lưu loát không vấp một câu theo yêu cầu của người bán, bạn sẽ được giảm giá 20% hoá đơn hoặc nhận một phần quà tặng.

“Kamigata Ukiyoe” là câu password cho phần quà của tôi 😉

Tiếp theo dưới đây là thông tin về ukiyoe mà tôi thu thập được. Khá dài nhưng cũng khá hay.

Lịch sử về ukiyoe

Có thể tóm lược thành 5 ý như sau:

  1. Khi mới xuất hiện ukiyoe có nội dung chủ yếu là mô tả cuộc sống hàng ngày ở Kyoto. Đến thế kỷ 18 thì phát triển thành một loại hình nghệ thuật độc đáo nhờ vào những tiến bộ trong kỹ thuật in mộc bản (khắc gỗ): có thể sản xuất số lượng lớn các bức tranh giống nhau
  2. Ban đầu là những bản in đơn sắc bằng sumi (墨 – mực đen), sau được thêm màu. Lúc đầu thêm màu bằng cách vẽ tay, sau thì thêm bằng cách sử dụng nhiều bản khắc gỗ để in các vùng màu
  3. Sau cái chết của hai bậc thầy Katsushika Hokusai—tác giả của bức tranh Kanagawa Oki Nami Ura (Sóng lớn ngoài khơi) và Utagawa Hiroshige—tác giả của loạt tác phẩm Hoeido Tokaido (Năm mươi ba điểm dừng của Tōkaidō), cộng với cuộc Phục hưng Meiji (明治維新, Meiji Ishin) năm 1868, thì sản xuất ukiyoe đã xuống dốc không phanh, bị giảm mạnh về số lượng và chất lượng
  4. Quá trình Tây phương hóa quá nhanh của thời kỳ Meiji đã đẩy in mộc bản qua phục vụ cho báo chí và đối mặt với sự cạnh tranh từ nhiếp ảnh
  5. Đến những năm 1890, ukiyoe đã biến mất
Kanagawa Oki Nami Ura - hoeido tokaido

Cách tạo bản in khắc gỗ

Tạo bản in mộc bản là một quá trình gồm ba giai đoạn:

  1. vẽ một thiết kế trên giấy,
  2. khắc thiết kế lên các khối gỗ,
  3. bôi mực màu lên các khối và ép các tờ giấy lên bản khắc gỗ để in
woodblock printing ukiyoe

Các hoạ sĩ hiếm khi tự chạm khắc mộc bản để in vì toàn bộ quá trình mất rất nhiều công sức. Thay vào đó, quy trình sản xuất được phân chia giữa các chuyên gia: hoạ sĩ vẽ tranh; thợ khắc gỗ; người phụ trách khâu in ấn các bản khắc gỗ lên giấy; và nhà xuất bản—người tài trợ, quảng bá và phân phối các tác phẩm in. Các bản in được sản xuất hàng loạt theo cách này đã được lưu hành rộng rãi.


Các bí mật “bật mí”

Ukiyoe từng sử dụng nguyên tắc hội họa cổ điển Trung Quốc

Ukiyoe thời kỳ đầu có phối cảnh học theo phong cách phương Tây, còn bố cục thì học theo phong cách Trung Quốc—đã được sử dụng trong các bức tranh Phật giáo (một hình lớn được đặt ở phía trước, nhỏ hơn ở giữa, và nhỏ hơn ở hậu cảnh). Điều này có thể được nhìn thấy trong bức tranh Sóng lớn của Hokusai, với một chiếc thuyền lớn ở phía trước, chiếc thuyền khác nhỏ hơn và núi Phú Sĩ nhỏ hơn nữa ở phía sau. Dần dần các hoạ sĩ ukiyoe đời đầu đã rũ bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc để phát triển thành hội họa riêng của Nhật Bản.

chinese color in ukiyoe

Ukiyoe đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 18 dưới thời Tanuma Okitsugu. Những bản in màu đặc sắc thời kì này được gọi là nishiki-e (錦絵, tranh gấm) vì màu sắc có vẻ giống với gấm Tứ Xuyên–người Nhật gọi là shokkō nishiki–nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mực vẽ được làm từ khoáng chất hoặc các chất hữu cơ
color ukiyoe

… như hồng hoa, vỏ sò, chì, chu sa. Sau còn nhập thêm thuốc nhuộm tổng hợp từ phương Tây như xanh Paris và xanh phổ (màu xanh được sử dụng trong bức Sóng lớn).

Các bản in khắc gỗ cũng được mua bán

Nhà xuất bản có thể sử dụng lại hoặc bán mộc bản cho các nhà xuất bản hoặc hiệu cầm đồ khác để kiếm lời mà không phải chi thêm tiền cho họa sĩ và thợ khắc gỗ. Ngoài con dấu chữ kí của họa sĩ, các nhà xuất bản cũng đánh dấu các bản in bằng con dấu của riêng họ: logo đơn giản hoặc phức tạp tuỳ sở thích, kết hợp địa chỉ hoặc thông tin khác cũng tùy ý luôn.

Ảnh hưởng đến nghệ thuật phương Tây
vangogh-monet-ukiyoe

Vào khoảng cuối thế kỷ 19, họa sĩ châu Âu bị ấn tượng mạnh khi thấy các bản in ukiyoe. Trước đó họ chưa từng bắt gặp các kỹ thuật mà các nghệ sĩ ukiyoe đã sử dụng. Sau đó ukiyoe có ảnh hưởng lớn đến các họa sĩ trường phái ấn tượng như Vincent van GoghClaude Monet.


Các chủ đề của ukiyoe

style-ukiyoe-1
style-ukiyoe
  1. Yakushae (役者絵)—Tranh vẽ diễn viên Kabuki, quang cảnh khán giả xem kabuki
  2. Bijinga (美人画)—Tranh mĩ nhân, thường là hầu gái và geisha
  3. Kachoue (花鳥画)—Tranh hoa lá chim muông
  4. Shibaie (芝居絵)—Tranh vẽ lại các cảnh trong kịch
  5. Giga (戯画)—Tranh hí hoạ, hài hước
  6. Shunga (春画)—Tranh khiêu dâm
  7. Mushae (武者絵)—Tranh vẽ anh hùng, chiến binh, nhân vật phi thường, các vị tướng quân đội, những trận chiến lịch sử
  8. Sumoe (相撲絵)—Tranh chân dung đô vật sumo, các trận đấu sumo và lễ trao nhẫn cho các đô vật sumo
  9. Fukeiga (風景画)—Tranh vẽ các địa danh nổi tiếng hoặc phong cảnh đẹp
  10. Fuzokuga (風俗画)—Tranh về cuộc sống hàng ngày
  11. Kyokunga (教訓画)—Tranh châm ngôn
  12. Fushiga (風刺画)—Tranh biếm họa
  13. Kyozaiga (教狂画)—Hình ảnh hướng dẫn, tài liệu giảng dạy
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x