Bị trộm mất tiền khi thuê “sai” phòng

Well, đây là một câu chuyện “đau thương”.

Tôi bị mất hơn 2,200 đô-la Úc vào tháng 5 năm 2019. Tuy đã gần 2 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn “cay” lắm. Người quen của tôi cũng chỉ có thể an ủi bằng những câu nói “tâm linh”, rằng:

  • Thôi thì “của đi thay người”, “nhân quả báo ứng”, “gieo nhân nào gặt quả nấy”…
  • Nên buông bỏ để thanh thản hơn
  • Hãy tập cách không sân si nữa, hãy ngồi thiền để hướng tâm thanh tịnh…

Nhưng bạn biết đó, tất cả chỉ là trên lí thuyết chứ làm sao mà nguôi ngoai được khi bị mất một khoản tiền không nhỏ. Nhưng mà tôi hối hận nhiều hơn là đổ lỗi cho đối phương (kẻ trộm) vì bản thân cũng chủ quan quá…

Tôi đã bị mất những gì?

Ngoài item chính là tiền ra, thì còn có:

  1. Niềm tin vào con người
  2. Sự tự tin khi chọn thuê phòng từ đó về sau
  3. Niềm tin đối với cơ quan điều tra. Họ thậm chí còn không kiểm tra hiện trường

Tại sao tôi lại giữ trong người nhiều tiền đến vậy (hơn 2,200 đô-la Úc)?

Công an cũng thắc mắc tại sao tôi lại giữ một số tiền lớn như vậy trong người mà lại rất hớ hênh. Vì tôi không nghĩ kẻ trộm sẽ lấy cắp đồ khi tôi đang ở ngay tại đó. Đây là khoản tiền thanh toán sửa nhà mà tôi đang gom để trả đợt 2 cho thợ. Chưa kịp đi đổi từ đô-la Úc sang tiền Việt thì đã bị trộm mất. Thực sự là đau không tả nổi khi mồ hôi công sức bị lấy cắp trắng trợn mà không được giải quyết.

Kinh nghiệm tôi rút ra được là gì?

#1 — Nên chia những thứ có giá trị thành từng nhóm

Thường có các nhóm chính sau:

  1. Tiền mặt, thẻ ngân hàng (ATM, credit card, debit card…)
  2. Giấy tờ tuỳ thân: CMND, hộ chiếu, bằng lái…
  3. Trang sức
  4. Vật dụng có giá trị (máy ảnh, laptop, gimbal…)
  5. Quà tặng cho bạn bè, quà làm quen
  6. Tài liệu liên quan đến công việc

Rồi mới suy nghĩ tiếp xem sẽ để những nhóm đồ đó ở đâu. Ưu tiên giữ kĩ thẻ ngân hàng và CMND/hộ chiếu vì nếu mất thì coi như “xong phim”. Ở Việt Nam còn hên là vô ngân hàng rút tiền bằng CMND được, chứ nếu đang du lịch nước ngoài mà mất cả tiền lẫn thẻ thì đúng là chỉ có khóc bằng 12 thứ tiếng thôi!!

Sau khi phân nhóm, hãy cố gắng mang theo người mọi lúc mọi nơi. Đừng bao giờ để xa khỏi tầm mắt. Cái nào giấu được trong người thì cứ giấu, giấu nhẹm đi để không ai biết bạn có đồ có giá trị.

Nhưng nếu bị mất thẻ hoặc mất cả thẻ lẫn CMND thì cần làm gì trước tiên?

#2 — Gọi điện thoại cho ngân hàng

… để báo mất thẻ và yêu cầu đóng băng tài khoản để ngăn việc tụi trộm “cà thẻ” rồi kí “xí lụi” lên hoá đơn.

Sẽ không có chuyện bắt được kẻ trộm một khi chúng nó cà thẻ và yêu cầu bồi thường thành công, rồi công an sẽ tống giam chúng nó hoặc blah blah viễn cảnh khác mà bạn có thể nghĩ ra. Bởi sau những gì mà tôi đã trải qua thì kinh nghiệm là sẽ chẳng ai, chẳng đồng chí công an nào giúp điều tra cả.

Sau khi gọi ngân hàng khoá tài khoản thì mới trình báo công an dù không trông đợi vào lực lượng này cho lắm.

#3 — Thuê phòng ở nơi bảo đảm an toàn

Như thế nào là an toàn?

  1. Có camera ở nhiều góc, ở hành lang/lối đi
  2. Phòng có khoá, có chốt xích bên trong, tủ có khoá (có thêm két an toàn thì càng tốt)
  3. Có nhân viên túc trực ở sảnh, quầy lễ tân 24/7
  4. Nếu tài chính cho phép thì nên chọn private room thay vì dorm

Trong sự cố lần này, tôi đã thuê giường dorm cho tiết kiệm tại một homestay có tên Feli Home ở Sài Gòn. Tôi đã nghĩ việc sửa nhà sẽ tốn khoảng 1 tháng, thuê phòng riêng thì tốn kém quá, mà có ai ngờ đó là bước đi sai lầm đâu ?

Gọi là “homestay” nhưng thực chất Feli Home là một căn hộ trong tòa chung cư cũ, hành lang không có camera. Host cũng chỉ là khách thuê, kê thêm giường tầng để kinh doanh lưu trú. Sau khi lên công an thì mới lòi ra là không đăng kí kinh doanh.

Kể từ lúc bị trộm, tôi thấy có nhiều thứ không thể không nghi ngờ. Ví dụ như nhận được email thông báo Feli Home note tôi “No show” trên Booking.com. Tôi phản hồi lại rằng “không đúng, tôi đã check-in hẳn hoi” thì tài khoản Feli Home này lập tức khoá luôn. Tôi kiểu “???”. Có kịch bản sẵn dạng: khách check-in nhưng không xác nhận, đợi khi “có biến” thì báo “no show”? Hay sợ bị “bad review”?

Tốt nhất là kiểm tra status của booking sau khi check-in để đánh giá host xem có đáng tin không nữa nha.

Nhân tiện tôi có một thắc mắc: Liệu host có thể block account của khách không? Giống facebook hay instagram í?

#4 — Không ngủ quá say

Khi nào đảm bảo được sự an toàn cho bản thân và tài sản thì bạn mới nên “quắc cần câu”. Còn nếu ngủ ở nơi công cộng (trên tàu xe máy bay, phòng dorm hoặc bất kỳ nơi nào khác) thì cố gắng đừng ngủ quá say.

Trong những “pha” này, sợ ngủ quên vì mệt quá thì mua ngay ổ khóa cho ba lô/vali và khoá dính vào người luôn hoặc nằm gối lên luôn như mấy lần tôi ngủ sân bay í. Nếu không bị đánh thuốc mê thì bạn sẽ thức dậy ngay nếu ai đó cố gắng mở khóa để lấy đồ của bạn.

Đặc biệt, không đeo tai nghe khi ngủ.

#5 — Chia nhỏ khoản tiền bạn có và cất ở nhiều nơi

Chia nhỏ tiền ra cũng có cái lợi:

  1. Chia theo mục chi tiêu: tiền ăn, tiền phòng, tiền đi chơi, tiền mua quà, tiền sơ-cua… để quản lí, tránh việc bị thâm hụt khi chi tiêu quá lố (thấy gì cũng mua, thấy gì cũng ăn). Trước khi chi gì cũng phải suy nghĩ 7749 lần vì mỗi mục “chỉ có nhiêu đó” thôi
  2. Bảo vệ được riêng lẻ từng khoản: mất tiền ăn thì may quá còn tiền phòng, cắt khoản mua quà để bù đắp sang tiền ăn bị mất chẳng hạn… Chứ để 1 cọc xong mất hết 1 cọc như tôi thì chỉ có “ú ớ” rồi khóc thầm từng đêm 🙁

Có thể cất ở nhiều vị trí:

  1. Trên người
  2. Trong hành lí
  3. Gửi ai đó mà bạn tin tưởng giữ giùm, tất nhiên người ta phải có khả năng đưa lại cho bạn lúc bạn yêu cầu

Phần này tuỳ sự “sáng tạo” của bạn để chế ra nhiều ngăn, nhiều túi “tàng hình” ở nhiều nơi khác nhau. Nhưng bạn cũng nên để ý đến “luật liên quan đến tiền” của nước mà bạn du lịch, ví dụ như ở Thái Lẻng bạn sẽ phải lên phường ngồi uống nước trà đóng phạt nếu có ai đó thấy bạn moi tiền ra từ giày/tất… vì trên tờ tiền có hình của Đức vua và họ sẽ cho đó là sự báng bổ!

Đừng bao giờ dại dột khoe tiền bạn có cho bất kì ai. Đừng để ai có cơ hội nhìn vào ví mình. Có khi ban đầu họ không có ý trộm tài sản của bạn, nhưng vì nhìn bạn có vẻ chủ quan/yếu đuối/thân cô thế cô/ví lắm tiền/nhiều đồ đắt tiền… thế là họ tìm cách để chôm thôi 🙂

#6 — Hỏi thăm thông tin từ nhân viên bảo vệ, lao công, dọn vệ sinh

Tôi đã bị mất luôn cả cái ví: bên trong có giấy tờ tuỳ thân, thẻ ngân hàng, thẻ thành viên Starbucks, giấy tờ xe, tiền (tiền Việt + ngoại tệ), hoá đơn các loại…

Sau đó thì cái ví đáp tại bàn của bảo vệ chung cư với tất cả giấy tờ bên trong, mất toàn bộ ngoại tệ có giá trị (đô-la Úc, đô-la Mỹ, yên Nhật, Euro) và thẻ Starbucks (tôi đoán trộm này cũng ăn chơi sang chảnh lắm, không lấy thẻ ngân hàng nhưng lại lấy thẻ thành viên Starbucks).

Tất nhiên là khi tôi hỏi thì bảo vệ mới đưa ra, vì không ai biết ai là ai để mà trả lại cả.

Sau 6 năm, lần đầu tiên tôi thấy hụt hẫng, mất đi tự tin vốn có, cảm thấy mệt mỏi và muốn dừng bước, trở về nhà.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x