Khi đón mùa xuân đầu tiên ở Nhật, tôi cảm thấy thật “đã”. Một phần là vì thời tiết đang ấm dần lên, phần khác là do được đắm mình trong cảnh thực—cánh hoa anh đào bay trong không trung, chứ không còn là ao ước khi xem anime nữa. Nhưng mà tôi cũng ngạc nhiên khi thấy mùa sakura khá dài, cánh hoa cứ tà tà bay suốt từ tháng 2 đến hết tháng 4 trong khi cây đào Nhật Tân nhà tôi nở lâu lắm được 1 tuần là rụng nụ. Mimi - cô bạn gái người Nhật đã cười ngặt nghẽo khi tôi thắc mắc điều đó.
"Này, em sống ở Nhật mà lại không biết gì về sakura cả à?! :)))" — câu cảm thán xen lẫn giễu cợt làm tôi nóng mặt
Không biết phải hỏi, muốn giỏi phải học! Tôi bắt đầu tầm sư học đạo để chờ ngày “loè” lại Mimi.
Trời không phụ lòng người. Cuối cùng tôi cũng đã biết cách phân biệt “hoa anh đào”, “hoa anh đào” và hoa anh đào y như một nhà sinh vật học thứ thiệt 😎
Cách phân biệt hoa anh đào
“Hoa anh đào”, “hoa anh đào” và hoa anh đào khác nhau về thời gian nở hoa... ^^
Có 2 loài hoa mà ban đầu tôi bị nhầm với hoa anh đào là hoa mơ và hoa đào. Cũng tại tụi nó “hồng hồng trắng trắng”, nở hoa cũng be bé, cánh hoa cũng bay bay... ai mà chả bị nhầm chứ. Khối người Nhật còn không biết phân biệt kia kìa! — Đấy là tôi nói thế chứ thực tế đúng là vậy thật -.-
Hoa mơ, hoa đào và hoa anh đào khác nhau về thời gian nở hoa (còn tùy theo vùng và giống cây), nhưng phần lớn nở từ tháng 2 đến tháng 4:
- Hoa mơ sẽ là loài hoa nở sớm nhất, vào khoảng cuối tháng 1 đầu tháng 2 khi tiết trời còn lạnh
- Hoa đào nở từ khoảng giữa tháng 2 khi trời ấm dần
- Hoa anh đào nở muộn nhất, thường là từ đầu tháng 3
Về cơ bản thì có thể dừng bài viết ở đây được rồi. Chỉ cần dựa vào thời gian ra hoa thì đã có thể "phiên phiến" nhận ra 3 loài hoa này. Nhưng mà để cho "chuyên nghiệp hẳn” thì tôi sẽ so sánh chi tiết luôn ;))
Nụ hoa
- Hoa mơ → nụ hoa tròn ủm nhìn rất cưng; nụ hoa nhú trực tiếp từ thân cây từng cái một
- Hoa đào → nụ hơi nhọn; 2 nụ hoa + 1 “nụ” lá nhú ra cùng một chỗ, cũng nhú trực tiếp trên thân cây
- Hoa anh đào → nụ hoa dài; mọc thành chùm (có 2 hoặc nhiều hơn 2 nụ), nhiều gần đầu cành
Cánh hoa
- Hoa mơ → cánh tròn
- Hoa đào → cánh dài và nhọn
- Hoa anh đào → cánh dài, đầu cánh bị tách làm đôi; hoa nở chúc xuống như đang rơi
Lá
- Lá mơ → hoa tàn mới bắt đầu nhú lá; lá hình bầu dục tròn và có răng cưa
- Lá đào → hoa và lá nhú ra cùng một lúc; lá hình mũi mác dài, có răng cưa
Lá đào có hiệu quả trong việc trị bệnh ngoài da.
- Lá anh đào → có những giống anh đào có lá mọc ra sau khi hoa tàn, nhưng cũng có giống lá và hoa mọc cùng một lúc (Oshima, Yaezakura, Satozakura...); lá hình bầu dục lớn và có răng cưa
Lá được dùng để gói sakura mochi là lá anh đào giống Oshima
Thân cây
- Cây mơ → vỏ cây sần sùi nhiều vết nứt
- Cây đào → có mắt + sọc ngang mảnh trên vỏ thân cây
- Cây anh đào → thân cây láng bóng, có sọc ngang trên vỏ thân cây
Người Nhật có câu:
「桜切る馬鹿 梅切らぬ馬鹿」
(Sakura kiru baka, ume kiranu baka)
Dịch nghĩa: "Thật ngớ ngẩn khi cắt tỉa cây anh đào mà không cắt tỉa cây mơ."
Cây anh đào có một đặc tính là khi bị cắt, vi khuẩn dễ xâm nhập từ vết cắt dẫn đến việc bị thúi luôn đến lõi cây.
Ngược lại, cây mơ thì lại có khả năng phục hồi và phát triển sau khi cắt tỉa vì cành mơ nhỏ, nhiều mắt và mắt nào cũng có khả năng bật lên thành cành khi đủ nước đủ phân, nụ hoa cũng theo đó mà nhiều thêm.
Mùi hương
- Hoa mơ → có mùi thơm
- Hoa đào → không có mùi hương
- Hoa anh đào → nhiều hoa có mùi thơm nhưng cũng có loại không thơm
Viết đến đây cảm thấy như đang làm bài môn sinh học vậy :)) thôi nói chung là như thế!
Ba loài hoa này đều mong manh, gió thổi qua là cánh hoa lại bay theo gió. Nhưng vì cây anh đào có số lượng trồng dày đặc nên đến mùa anh đào nở thì cảnh sắc mới thực sự lãng mạn!
* Có một số trường hợp ngoại lệ, thứ tự mà hoa đào và hoa anh đào nở có thể thay đổi theo từng vùng
* Ở thị trấn Miharu (tỉnh Fukushima), có giả thuyết cho rằng 3 loài hoa đó ở trấn này nở cùng một lúc nên trấn mới có tên là Miharu (三春 - tam xuân)