Sau vài tháng lặn không sủi tăm, nay tôi mới đủ sức khoẻ ngoi lên lại để chia sẻ kinh nghiệm truyền sắt tĩnh mạch (iron infusion). Vậy truyền sắt tĩnh mạch là gì và tại sao tôi lại phải truyền sắt tĩnh mạch?
Truyền sắt tĩnh mạch là gì?
Truyền sắt tĩnh mạch là một phương pháp điều trị thiếu máu do thiếu sắt, cung cấp sắt trực tiếp vào tĩnh mạch để nhanh chóng nâng cao nồng độ sắt trong máu. Phương pháp này thường được sử dụng khi thuốc uống không hiệu quả hoặc không dung nạp được.
Đối tượng nào có thể truyền sắt tĩnh mạch?
Những người có thể được chỉ định truyền sắt tĩnh mạch thường rơi vào nhóm thiếu sắt rõ rệt và không thể hoặc không nên dùng sắt đường uống như:
- Người có ferritin thấp nghiêm trọng (dưới 15–30 ng/mL) có kèm theo một hoặc nhiều yếu tố sau:
- Không dung nạp sắt uống, mỗi lẫn uống thuốc sắt thường bị buồn nôn, tiêu chảy, táo bón nặng…
- Hấp thu sắt kém do bệnh viêm ruột mãn tính, xuất huyết dạ dày, niêm mạc ruột non bị tổn thương…
- Thiếu máu nặng cần cải thiện nhanh
- Mất máu mãn tính
- Phụ nữ mang thai
- Nếu ferritin <30 ng/mL kèm thiếu máu hoặc có yếu tố nguy cơ đa thai, nôn nghén kéo dài… bác sĩ có thể chỉ định truyền sắt vào tam cá nguyệt 2–3
- Bệnh nhân ung thư hoặc bệnh mãn tính
- Nếu có thiếu máu do thiếu sắt (ferritin thấp, %TSAT thấp) thì truyền sắt giúp cải thiện triệu chứng và hỗ trợ điều trị
Một số tác dụng phụ có thể gặp
- Phản ứng dị ứng (phản vệ) — khó thở, nổi mẩn, tụt huyết áp, sưng mặt/môi/lưỡi
- Hiếm nhưng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng
- Phản ứng tại chỗ tiêm — đau, đỏ, sưng hoặc thâm tím
- Tác dụng phụ toàn thân (thường nhẹ và thoáng qua)
- Buồn nôn, đau đầu, đau khớp, đau cơ, chóng mặt
- Ớn lạnh, sốt nhẹ sau truyền (phản ứng viêm nhẹ)
- Tụt huyết áp tạm thời
- Có thể xảy ra trong hoặc sau truyền
- Do tác dụng giãn mạch hoặc phản ứng với thuốc
- Quá tải sắt
- Hiếm khi xảy ra nếu được chỉ định đúng liều và theo dõi kỹ
- Tương tác với các bệnh nền
- Bệnh nhân có suy thận, bệnh tự miễn, hen suyễn cần thận trọng vì nguy cơ phản ứng cao hơn
- Nguy hiểm nếu bệnh nhân có bệnh lý nền như bệnh gan, bệnh huyết sắc tố (thalassemia, hemochromatosis)
Lưu ý
- Truyền sắt chỉ nên thực hiện dưới chỉ định và theo dõi của bác sĩ
- Tuyệt đối không tự mua sắt về truyền nếu chưa có chỉ định bác sĩ
- Không phải cứ ferritin thấp là cần truyền – nếu uống được và đáp ứng tốt thì không cần truyền
- Cần loại trừ các bệnh lý gây mất sắt trước khi điều trị triệu chứng
- Không nên truyền khi đang bị sốt, nhiễm trùng cấp tính, có dấu hiệu quá tải sắt (ferritin quá cao, %TSAT >45%)
Ở Úc muốn mua thuốc sắt chuyên để chữa bệnh (dạng uống hay dạng tiêm) đều cần giấy bác sĩ. Nếu thuốc dạng tiêm thì cần có thêm giấy giới thiệu đi truyền sắt, nếu không có giấy này thì dù có thuốc cũng không làm gì được.
Tại sao tôi phải truyền sắt tĩnh mạch?
Mỗi năm tôi thường xét nghiệm máu ít nhất một lần.
Kết quả xét nghiệm máu năm ngoái cho thấy ferritin của tôi rất thấp. Mức bình thường là từ 30-300 ng/mL. Tôi khi đó chỉ có 9 ng/mL.
Ferritin là protein chứa sắt, phóng thích sắt khi cơ thể cần sắt. Ferritin tồn tại bên trong các thế bào cơ thể bạn, chỉ một số lượng rất ít tuần hoàn trong máu. […] Ferritin được dự trữ trong cơ thể bạn cho đến khi được sử dụng để tạo nhiều tế bào máu. […] Nếu cơ thể không có đủ ferritin, lượng sắt dự trữ sẽ suy giảm rất nhanh.
Vinmec
Nếu ferritin từ 15–30 ng/mL, đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cơ thể đang thiếu sắt nghiêm trọng, và thường liên quan đến các triệu chứng như mệt mỏi, da xanh xao, rụng tóc hoặc móng tay dễ gãy. Ngược lại, nếu ferritin cao (trên 300 ng/mL), điều này chưa chắc đồng nghĩa với việc cơ thể thừa sắt, vì ferritin cũng là một protein phản ứng cấp, có thể tăng cao trong các tình trạng viêm, nhiễm trùng, bệnh gan hoặc ung thư
Vì vậy bác sĩ đã kê cho tôi thuốc sắt uống. Nhưng cơ thể tôi gặp một số tác dụng phụ khi uống thuốc sắt, kèm theo một số triệu chứng khác sẵn có, khiến bác sĩ cho tôi đi làm thêm các xét nghiệm liên quan. Dù các xét nghiệm liên quan cho ra kết quả bình thường nhưng sau đó bác sĩ đã tiến hành đổi thuốc để phù hợp với tình trạng cơ thể. Tôi đã liên tục uống thuốc trong 10 tháng.
Khi hết thuốc vào tháng 3, tôi đi xét nghiệm máu lại. Kết quả xét nghiệm cho thấy ferritin của tôi sau 1 năm không hề cải thiện mà còn bị tuột thêm. Cuối cùng bác sĩ chỉ định tôi đi truyền chất sắt, tiếng Anh gọi là iron infusion, để giải quyết tình hình cấp bách trước mắt.
Tính đến thời điểm phải truyền sắt, cơ thể tôi gần như không còn sắt dự trữ.
Các triệu chứng tôi đã gặp
- Mệt mỏi kéo dài, luôn trong tình trạng buồn ngủ
- Da nhợt nhạt, móng tay dễ gãy
- Rụng tóc
- Thường xuyên nhức đầu, chóng mặt
- Dễ cáu gắt, mất tập trung
- Nhịp tim không ổn định, có lúc cảm thấy bị hụt hơi
Đỉnh điểm là tôi không thể sinh hoạt bình thường trong suốt mấy tuần qua. Cứ mỗi lần bước đi thì trời đất quay cuồng chao đảo, còn đầu thì đau như búa bổ, môi tê đi. Chưa kể, chỉ cần đi bộ hoặc leo cầu thang một chút cũng khiến nhịp tim hỗn loạn…
Thiếu sắt còn có thể gây suy tim nếu không chữa trị kịp thời.
ĐỌC THÊM: 8 biến chứng của thiếu máu thiếu sắt nguy hiểm bạn chưa biết
Chia sẻ kinh nghiệm truyền sắt tĩnh mạch
Trước khi truyền sắt
#1 — Khám và xét nghiệm đầy đủ
- Xác định rõ có phải thiếu sắt thật sự (ferritin thấp + % transferrin saturation thấp) hay không
- Loại trừ các nguyên nhân gây tăng ferritin giả (viêm, nhiễm trùng, bệnh gan)
- Làm các xét nghiệm cơ bản: công thức máu, sắt huyết thanh, ferritin, CRP, chức năng gan/thận
#2 — Thông báo cho bác sĩ
Báo cho bác sĩ về lịch sử dùng thuốc và bệnh nền (nếu có), ví dụ:
- Dị ứng với thực phẩm nào, các loại thuốc nào
- Từng uống thuốc sắt trước đây chưa, có bị dị ứng hay có tác dụng phụ nào khiến cơ thể khó chịu không
- Tiền sử hen suyễn, bệnh tự miễn, bệnh thận, các loại bệnh nền khác
- Đang mang thai, cho con bú hoặc dùng thuốc khác
- Đang dùng những loại thuốc nào
- …
Sau đó bác sĩ sẽ cho toa thuốc sắt để mua và giấy giới thiệu để đi truyền.

Trên giấy giới thiệu của bác sĩ có ghi địa chỉ và số liên lạc của cơ sở y tế uy tín chuyên truyền dịch/truyền sắt tĩnh mạch để có nhân viên y tế theo dõi sát và có sẵn phương tiện xử lý sốc phản vệ.
Bác sĩ có nói thêm rằng tôi có thể hỏi phòng mạch gần nhà, nếu họ có cung cấp dịch vụ truyền sắt tĩnh mạch thì cũng có thể truyền tại đó chứ không cần đi xa theo địa chỉ trong giấy giới thiệu.
Cuối cùng tôi chọn cơ sở y tế theo giấy giới thiệu: The Infusion Clinic.
#3 — Đặt lịch hẹn
(1) Lên trang web để đặt hẹn, họ trả lời lại bằng email rất nhanh
(2) Sau khi xác nhận đầy đủ thông tin: thời gian hẹn, truyền trong bao lâu, giá cả, đơn thuốc và giấy giới thiệu của bác sĩ… thì họ hoàn thành việc đặt hẹn
(3) Điền các form mà họ yêu cầu và gửi lại cho họ qua email
#4 — Đọc hướng dẫn của họ trước khi đến
- Đến trước giờ hẹn ít nhất 10 phút
- Không nên ăn no hoặc để bụng đói khi truyền
- Có thể uống nước hoặc ăn nhẹ trước truyền để tránh tụt huyết áp
- Có thể mang theo laptop, ipad để giải trí nhưng phải mang tai nghe, họ sẽ cung cấp wifi cho khách
- …
#5 — Đến đúng giờ
Khi đi mang theo:
- Giấy giới thiệu của bác sĩ (bản gốc)
- Thuốc theo đơn bác sĩ (tự mua)
- Medicare
- Thẻ thanh toán

Trong khi truyền sắt
#1 — Y tá hỏi lại thông tin cá nhân đã khai
Cô y tá hỏi kỹ để kiểm tra mức độ tỉnh táo, và hỏi rất nhiều lần rằng trước đây đã từng truyền chưa.
Nếu chưa từng truyền, họ sẽ theo dõi kỹ hơn về các tác dụng phụ có thể gặp phải, chuẩn bị cho tình huống sốc phản vệ trong quá trình truyền.
Nếu đã từng truyền, họ sẽ hỏi về lần truyền trước và các tác dụng phụ gặp phải sau khi truyền.

#2 — Theo dõi phản ứng
Tôi truyền 500 mg/5 mL (1 hộp) nên quá trình truyền chỉ diễn ra trong 1 tiếng. Y tá thường xuyên kiểm tra huyết áp, nhịp tim và nồng độ bão hoà oxi trong máu. Nếu gặp các triệu chứng cảm thấy khó chịu, không bình thường như khó thở, mẩn ngứa, tụt huyết áp, chóng mặt, đau ngực, nóng, mùi kim loại trong miệng, buồn nôn… thì phải nói ngay với y tá.

#3 — Y tá dặn dò

“Những loại thực phẩm giúp hấp thụ sắt:
- 2-3 lít nước (mỗi ngày)
- Sữa tươi nguyên kem
- Các loại cá trắng, tôm
- Thịt gà (gà thường, gà tây)
- Kẹo dẻo trái cây
- Bất kỳ lon coca màu đỏ nào – phải là lon, không phải chai – và phải chính là Coca Cola”
Và phải duy trì ít nhất 2-3 tuần để lượng sắt đã truyền hấp thụ vào cơ thể. Đến lúc đó tôi mới có thể thấy khá hơn.
CẬP NHẬT SAU 1 TUẦN: Tôi tích cực ăn thịt gà, uống sữa tươi nguyên kem, uống nước trái cây giàu vitamin C (cam, cóc ép…) nhưng vẫn chưa thấy khá hơn
Sau khi truyền sắt
#1 — Nằm nghỉ tại chỗ ít nhất 15–30 phút
Lý do là để theo dõi phản ứng chậm (nổi mẩn, ngứa, tụt huyết áp nhẹ…)
Tôi không nằm lại nghỉ mà đi về luôn. 45 phút sau tôi bị nổi mẩn ngứa toàn thân T.T
#2 — Quan sát vùng tiêm truyền
Nếu thấy đau, sưng, đỏ, rát nhiều thì phải báo ngay. Còn nếu bình thường thì thôi.
#3 — Tác dụng phụ có thể gặp sau truyền (tạm thời)
Đau khớp nhẹ, đau cơ, ớn lạnh, sốt nhẹ, đau đầu…
#4 — Tái khám và xét nghiệm lại sau 3 tháng
- Để kiểm tra ferritin có cải thiện không
- Tránh truyền lặp lại quá gần nhau nếu không cần thiết (nguy cơ quá tải sắt)
- Không tự ý truyền sắt nhiều lần nếu chưa kiểm tra lại
- Truyền sắt không phải thay thế chế độ ăn giàu sắt – vẫn cần bổ sung thực phẩm nhiều sắt và vitamin C
Túm cái váy…
Nên làm gì khi bị những triệu chứng giống tôi?
- Gặp bác sĩ sớm để xác định nguyên nhân: thiếu sắt (ăn thiếu sắt, kinh nguyệt nhiều, chảy máu dạ dày, viêm ruột…) hay nguyên nhân khác
- Nếu thiếu sắt, bắt đầu bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ (có thể dùng thuốc sắt uống hoặc truyền tĩnh mạch nếu không dung nạp hoặc hấp thu kém)
- Ăn uống thêm thực phẩm chứa nhiều chất sắt như thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, rau lá xanh đậm, đậu nành, hạt bí, và trái cây giàu vitamin C (giúp hấp thu sắt tốt hơn)
Sau điều trị, cần kiểm tra lại ferritin sau mỗi 3 tháng để chắc chắn sắt dự trữ đã phục hồi
Cập nhật
- Sau khi truyền xong, 45 phút sau tôi bị nổi mẩn ngứa toàn thân, phải uống thuốc kháng histamin
- Ngày 1 sau khi truyền: cảm thấy có vẻ khá hơn, tâm trạng tốt hơn, có thể đi chợ mua vài thứ nhẹ nhẹ, mua cà phê bánh ngọt…
- Ngày 2 sau khi truyền: cơ thể quay lại như cũ, đau đầu chóng mặt
- Ngày 3: nằm bẹp trên giường, không thể đi lại dễ dàng, telehealth với bác sĩ, bác sĩ kê thuốc giảm chóng mặt và đau đầu nhưng cũng không thể đi mua
- Ngày 4: vẫn không thể làm gì, choáng váng đến độ không thể đi lại
- Ngày 5: vẫn choáng váng và đau đầu nhưng đã có thể đi lại được
- Ngày 6: cảm thấy khá hơn dù các triệu chứng kia vẫn còn
- Ngày 7: đi làm lại, chiều trên đường về bị đau đầu chóng mặt buồn nôn, về được tới nhà là nằm luôn tại chỗ không thể làm gì khác
- Còn hôm nay là ngày thứ 8, ngồi viết được đoạn cập nhật này T.T