Chuyện chi tiêu mỗi tháng ở Nhật

Trong lúc đang lướt facebook thì tôi đọc được bài đăng của một bạn thực tập sinh chia sẻ về khoản chi chỉ 2 triệu đồng mỗi tháng cho ăn uống ở Nhật. Bên dưới bài đăng có nhiều ý kiến trái chiều — một số không tin, số khác thì bảo mình chi tiêu thậm chí ít hơn 2 triệu nữa. Tôi đọc bình luận thấy xôm tụ quá, lại nhớ đến bài viết về cụ ông sống bằng phiếu mua hàng vừa đọc cách đây không lâu, nên cũng “góp vui” bằng bài viết này: chia sẻ về mức chi tiêu của bản thân ở Tokyo.


Các khoản chi cơ bản của tôi mỗi tháng

#1 — Tiền nhà

Tùy theo khu vực và loại hình nhà ở mà giá thuê sẽ khác nhau. Sau 3 lần chuyển nhà thì tôi có kinh nghiệm với 3 kiểu nhà ở như sau:

  • Ký túc xá trường — trường tôi có ký túc xá khá xịn, có bếp và toilet nhà tắm trong phòng, trang bị sẵn tủ lạnh, lò vi sóng, bếp điện, điều hoà, nồi cơm điện… nói chung chỉ việc xách vali đến và ở thôi. Vì vậy dù phòng bé tí hin (khoảng 15m2 cho 2 người) mà giá thì cao ngất ngưởng: 38,000 yên/tháng/người (khoảng 7 triệu 6) trọn gói luôn cả điện nước mạng mẽo; mỗi lần đóng tiền nhà là đóng luôn 6 tháng. Dù ưng cái bụng thì tôi cũng đành phải chuyển đi cho tài chính dễ thở
  • Căn hộ LeoPalace21 — hệ thống căn hộ chung cư chuyên cho thuê nổi tiếng ở Nhật, nói đến LeoPalace21 thì không ai không biết. Trong nhà có sẵn bếp điện, tủ lạnh, lò vi sóng, máy giặt, còn lại thì phải tự sắm sửa. Đợt đó tôi và housemate được người thuê trước cho lại khá nhiều đồ nên không cần mua thêm gì. Giá nhà cũng nhẹ nhàng hơn: 70,000 yên (khoảng 14 triệu)/3 người chưa tính điện nước. Điện nước tính theo số như ở Việt Nam. Tiền nhà hay tiền điện nước wifi đóng tại các kombini (Ministop, Lawson, 7-11…). Hợp đồng nhà 2 năm, tiền cọc bằng 2 tháng tiền nhà, huỷ hợp đồng coi như mất cọc
  • Nhà nguyên căn Oak House — một dạng nhà nguyên căn 3 tầng ở ghép khá nổi trong cộng đồng người nước ngoài ở Nhật, bao trọn gói và xịn xò hơn cả ký túc trường, giá tròn trĩnh 40,000 yên/tháng/người (khoảng 8 triệu), không cọc, ở tháng nào trả tháng đó, chỉ cần báo trước khi chuyển đi 1 tháng là được. Tiền đóng thẳng cho chủ nhà qua tài khoản ngân hàng. Vì ưu điểm không cọc nên dân châu Âu, châu Mỹ, Nam Á và có cả người Nhật ở đây nhiều. Có mỗi mình tôi là người Việt. Tôi quen với cô Michiko cũng nhờ chúng tôi chung phòng

Một khi muốn thuê nhà riêng thì có thể đến các công ty bất động sản để nhờ tư vấn miễn phí. Họ tận tình lắm vì khách hàng là nguồn thu tiềm năng của họ mà. Tôi còn “mặt dày” nhờ Akai-san (nhân viên bất động sản của Oak House) phụ tôi khiêng đồ lúc chuyển nhà nữa cơ ?

#2 — Tiền điện thoại

Nhật Bản là “bạn” của Mỹ nên những sản phẩm của Mỹ được sản xuất và ưa chuộng dùng tại Nhật như Apple hay Starbucks không phải là chuyện lạ. Thêm ưu đãi “mua iPhone với giá 0 yên” vào 2 dịp nhập học mỗi năm (tháng 4 và tháng 10) càng làm cho iPhone tiếp cận nhiều hơn đến học sinh sinh viên.

Tôi thay vì mua iPhone + sim 3G như đa số du học sinh khác — thanh toán cố định mỗi tháng khoảng 10,000 yên (2 triệu đồng) trong vòng 2 năm — thì tôi dùng luôn Blackberry Q10 (bản quốc tế) mang từ nhà sang, rồi mua sim gắn vào xài. Loay hoay một thời gian tôi cũng chọn được sim 3G gói rẻ nhất: 1,600 yên/tháng + nhắn gọi bao nhiêu thì tính tiền bấy nhiêu. Cách này giúp tôi tiết kiệm được 1 khoản kha khá.

#3 — Tiền ăn uống

Tiền chi cho ăn uống đối với một số bạn là khoản tốn kém nhất khi sống ở Nhật. Nhưng đối với tôi thì khoản tốn nhất là tiền nhà (ở bên trên).

Tôi thấy khoản ăn uống là khoản “dễ kiểm soát” nhất bởi tôi có thể lựa chọn ăn gì, chi bao nhiêu, đỡ hơn khoản trừ vô tội vạ của công ty điện thoại, hay khoản cố định nhưng đắt đỏ như tiền nhà.

Một số kinh nghiệm để tiết kiệm tiền ăn uống của tôi:

  • Thấy siêu thị nào giảm giá là nhào vô xem coi có gì mua để trữ ăn dần — tôi thường tan ca lúc 2h chiều hoặc 8h tối nên trên đường từ chỗ làm thêm về nhà, siêu thị nào có giảm giá thì tôi đều lân la vào xem. Các siêu thị thường bắt đầu giảm giá từ 3h chiều trở đi — tôi tiết kiệm được tiền khi mua thịt cá hải sản bằng cách này
  • Mua hàng ở tạp hóa/nhà dân — ở siêu thị thì bị tính thêm thuế VAT (từ giữa năm tài chính 2019 đã tăng lên thành 10%, trước đó là 8%), còn ở nhà dân /tạp hóa tại nhà/máy bán tự động thì vừa không bị áp thuế vừa rẻ — tôi tiết kiệm được tiền khi mua rau củ trái cây bằng cách này
  • Mua hàng ở các cửa hàng bán đồ Việt Nam — tôi hay mua hàng ở Gyomu Super, trong này bán đủ mọi thứ từ đồ khô (gạo, nếp, lương khô, bún phở mì gói…) đến đồ đông lạnh (thịt, cá, há cảo, bánh bao…) hay gia vị (nước mắm, xì dầu Việt Nam…) với giá cực rẻ. Gyomu không chỉ bán đồ Việt mà còn bán đồ Thái, Ấn, Hàn, Trung… nên dù chuyển nhà bao nhiêu lần thì tôi đều tìm Gyomu gần nhất để ghé mua
  • Làm thêm ở quán ăn — đây là cách tôi tiết kiệm tiền ăn uống hiệu quả nhất. Du học sinh chỉ được làm 28 giờ/tuần, các kì nghỉ thì được làm 40 giờ/tuần. Tôi hay đăng ký lịch làm dài quá 4 tiếng để đủ tiêu chuẩn ăn 1 bữa tại quán và sắp xếp lịch học để có thể đi làm mỗi ngày: vừa có tiền, vừa no bụng ^^
  • Làm thêm ở siêu thị — đồ ăn được giảm giá ở siêu thị thường là đồ ăn sắp hết hạn in trên bao bì từ 1~4 tiếng. Những món khi “hết hạn” mà chưa ai mua sẽ bị đổ đi. Tôi chọn làm siêu thị để… ăn đồ hết hạn :)) Nghe thì có vẻ “khổ” nhưng nhờ vậy mà tôi tiết kiệm được thêm 1 khoản nữa

Các khoản phát sinh

#1 — Bị bệnh

Đợt tháng 2/2016, tôi bị cúm mùa (influenza). Người Nhật rất sợ loại cúm này. Tôi đã phải đi khám bệnh và cách ly theo chỉ định với mức viện phí cao hết hồn. Tôi “được” cách ly hẳn 18 ngày.

#2 — Giao lưu bạn bè

Nhiều khi nổi hứng tôi và housemate rủ nhau đi ăn ngoài (hôm thì sushi băng chuyền, hôm thì lẫu, hôm thì món Ý) rồi lang thang trung tâm thương mại để xem đồ decor. Tôi và chị ấy đều nghiện bếp núc.

Hay những lúc tôi và chị Thủy rảnh rỗi thì lại hẹn nhau để cập nhật tình hình của nhau, đi ăn đi uống mua sắm mĩ phẩm; có tháng gặp nhau tới 2-3 lần, có tháng không gặp nhau lần nào. Sau này chị Thủy bận quá thì tôi hay đi ăn và xem mĩ phẩm cùng cô Michiko.

Hay những lần bất chợt đi hơi xa mà không hẹn trước…

#3 — Giải trí, sở thích

Ví dụ đi xem One Piece Film Gold ở Shinjuku Wald 9 Cinema

Hay đi dạo mấy shop One Piece ở Tokyo khi được rủ rê…

Hay la cà “coi cọp” truyện tranh rồi không mua truyện mà đi mua mấy thứ linh tinh khác có trong shop -.-

#4 — Lễ, Tết

Thường thì lễ, Tết tôi chọn đi làm để được tăng tiền lương nhưng khi có nhiều người cùng đăng kí quá thì tenchou (quản lí quán) sẽ phải xếp lịch cho đồng đều để ai cũng “có phần”. Tết mà nằm nhà thì hơi phí nên tôi cũng hay đi dạo dạo xung quanh rồi sà vào mấy shop thú vị để ngó nghiêng và… tiêu tiền :((

#5 — Các khoản khác

Như các khoản phạt (để xe sai chỗ, đổ rác sai ngày), đóng tiền thi các chứng chỉ, nộp hồ sơ học lái xe, phí gia hạn visa…


Bạn thực tập sinh kia vì sinh hoạt ăn ở cùng với nghiệp đoàn (đoàn bao gồm nhiều thực tập sinh cùng làm trong công ty/xưởng) nên tiền nhà, điện nước đã được trừ trong lương luôn rồi; chỉ còn tiền ăn uống và điện thoại là bạn tự chi trả thôi, nên bạn mới giật tít là “chi tiêu mỗi tháng chỉ với xxx yên” chứ thực sự không phải là “chỉ với xxx yên” đâu!

Mỗi tháng nếu không phát sinh gì thì tôi chi dùng từ 5~7 man (tức là 50,000~70,000 yên; khoảng 10~14 triệu). Lương tháng của tôi đủ xài và tiết kiệm học phí cho kì kế tiếp.

Có thể tiết kiệm được nhiều hay ít đều phụ thuộc nhiều vào tiền nhà ít hay nhiều.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x