Chuyện chi tiêu mỗi tháng ở Úc

Sau một thời gian bỡ ngỡ vì quá trời chi phí thì nay tôi đã hoàn hồn để chia sẻ kinh nghiệm chi tiêu ở Úc, mà cụ thể là Melbourne, mỗi tháng.

ĐỌC THÊM: Chuyện chi tiêu mỗi tháng ở Nhật


Các khoản chi cơ bản của tôi mỗi tháng

#1 — Tiền nhà

Tùy theo khu vực và loại hình nhà ở mà giá thuê sẽ khác nhau, giá cũng sẽ tăng qua từng năm. Melbourne đang gặp khủng hoảng về giá thuê nhàcầu cao hơn cung gấp nhiều lần. Thường nhà/phòng cho thuê sẽ là nhà/phòng trống, giá cũng sẽ rẻ hơn nhà đã có nội thất. Nhà thuê qua môi giới cũng cao hơn thuê trực tiếp từ chủ, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều rủi ro hơn. Tiền cọc thường là 1 tháng tiền nhà. Bỏ qua thủ tục thuê mướn rườm rà, tôi sẽ chỉ nhắc đến giá thuê phòng. Nếu là nhà nguyên căn/chung cư có bao nhiêu phòng thì cứ lấy giá thuê mỗi phòng mà nhân lên thôi ha:

Nhà ở Úc tính tiền thuê theo tuần

  • Ở trung tâm thành phố (Melbourne CBD) — xác định là phòng ở ngay trung tâm sẽ bé tí hin mà giá thì cao ngất ngưởng: $320 – 380/tuần/người (khoảng từ 5 triệu 2 – 6 triệu mốt) chưa bao gồm điện nước mạng mẽo gì hết hoặc khoảng $460/tuần/người (khoảng 7 triệu rưỡi) bao bills (tức là trọn gói). Đây thường là “giá sinh viên”: khách thuê là sinh viên học các trường quanh đó như RMIT, Victoria Uni City Campus
  • Rìa trung tâm (như Footscray, South Melbourne, Richmond…) — gần Victoria Uni Footscray Campus, khu người Việt, giá nhà nhẹ nhàng hơn: $250 (khoảng 4 triệu)/tuần/người hoặc trên dưới $850/tháng/người chưa tính điện nước
  • Xa trung tâm và không phải khu hot (như Braybrook, St Alban, Sunshine, Springvale…) — riêng mấy khu này giá nhà tính theo tháng: $550 – 650 (khoảng từ 9 triệu đến 10 triệu rưỡi)/tháng/người chưa tính điện nước
  • Các khu không phải trung tâm nhưng là khu “hot” (St Kilda, Toorak, Glen Iris, Box Hill, Burwood…) — mấy khu này còn được gọi là “khu nhà giàu”, giá thuê từ $550 (khoảng 9 triệu)/tuần/người trở lên chưa tính điện nước. Mấy khu này thường dành cho người đi làm có thu nhập khá

Điện nước ga internet rơi vào khoảng $60 – 100/tháng/người. Tiền nhà hay tiền điện nước wifi gì cũng đều đóng qua tài khoản ngân hàng nên không tốn thời gian chạy tới chạy lui đến kombini như hồi tôi ở Nhật

Đấy là giá thuê phòng ở trong nhà nguyên căn tại Melbourne 2023. Thay vì đi thuê, nếu có thể vay tiền ngân hàng để mua nhà, mỗi tháng cũng phải trả cỡ đó nhưng sau 30 năm thì nhà đó là nhà của mình 😉

#2 — Tiền điện thoại

Úc cũng như Nhật Bản hay Mỹ, đều có ưu đãi “mua điện thoại với giá xxx AUD” (các mẫu điện thoại có thể là Samsung, iPhone) kèm theo gói cước data vào dịp nhập học mỗi năm (cuối tháng 1 hàng năm), thanh toán cố định mỗi tháng trong vòng 2 năm. Học sinh sinh viên ở Úc có thể dễ dàng sở hữu iPhone mới nhất thông qua hình thức này, giống như trả góp vậy đó.

Tôi không có nhu cầu chạy theo xu thế nên trung thành với cách làm “truyền thống” xưa nay: dùng điện thoại cũ và chỉ mua sim. Cách này luôn giúp tôi tiết kiệm được 1 khoản kha khá dù là trước đây ở Nhật hay bây giờ ở Úc.

Tôi dùng amaysim và yearly plan là $150, tính ra là $12.5/tháng

#3 — Tiền ăn uống

Tiền chi cho ăn uống đối với tôi không phải là khoản tốn kém nhất nhưng là khoản nhức đầu nhất.

Ở Úc có hằng hà các quán ăn với đủ các kiểu ẩm thực Á Âu Phi Mỹ nhưng không biết có phải vì đã… lớn tuổi nên biết thương thân mình hay không mà tôi sợ những món ăn nhanh, chiên nướng dầu mỡ, những thức uống có ga có đường, sợ luôn cả việc ăn thịt vì nếu ăn không đúng cũng sẽ dẫn đến hàng tá bệnh tật… Ăn uống ở Úc tự nhiên trở thành một vấn đề khó khăn đối với tôi.

Hồi ở Nhật tôi không nghĩ nhiều đến vậy vì phong cách ẩm thực Nhật dù gì cũng na ná Việt Nam, thức ăn nhanh có vẻ không được ưa chuộng như ẩm thực địa phương, các hàng quán thuần Nhật nhiều hơn du nhập từ nước khác—khác hẳn Úc: là đất nước đa dạng văn hoá, nhiều dân nhập cư nên thực chất Úc không có văn hoá ẩm thực riêng, pizza và gà rán được ưa chuộng vì tiện và rẻ

Anyway, tôi chia sẻ một số kinh nghiệm tiết kiệm tiền ăn uống:

  • So sánh giá cả từng siêu thị để chọn ra “chân ái” — có 4 siêu thị tôi hay mua đồ ăn: ALDI, Woolworth, ColesFresh Market trong đó chỉ có Fresh Market là bán mỗi rau củ đậu trái, không bán thịt cá. Trong 4 siêu thị này ALDIFresh Market có giá rẻ nhất vì không có tích điểm thành viên. WoolworthColes thì có tích điểm thành viên để tặng coupon/voucher kích thích mua sắm, thực chất vẫn là lấy tiền của mình để tặng cho mình. Fresh Market đa dạng rau củ quả và tươi hơn 3 siêu thị kia. Coles có nhiều khi giảm giá đồ đông lạnh 50% hoặc các mặt hàng sử dụng hàng ngày như nước rửa chén, sửa rửa mặt… (tải app Coles về để xem)
  • Làm thẻ tích điểm FlybuysColes, Kmart tích điểm bằng tài khoản Flybuys. Commbank nhiều khi cũng cho coupon giảm giá khi mua sắm tại Coles
  • Mua hàng ở các cửa hàng bán đồ Việt Nam, Trung Quốc — tôi hay mua hàng ở KFL, trong này bán đủ mọi thứ từ đồ khô (gạo, nếp, lương khô, bún phở mì gói…) đến đồ đông lạnh (thịt, cá, há cảo, bánh bao…) hay gia vị châu Á (nước mắm, xì dầu…) với giá cũng mềm
  • Mua hàng ở chợ Việt — nổi tiếng nhất là chợ Footscraychợ Springvale, thèm ăn rau trái Việt Nam thì ra đây
  • Mua hàng ở Costco — đây là siêu thị bán sỉ nên giá tiết kiệm hơn bên ngoài nhiều, nhưng với điều kiện là mua thường xuyên hoặc gom nhiều người/nhiều nhà đi mua cùng rồi chia nhau thì mới lời, vì thẻ thành viên tốn khoảng $60/năm
  • Cầm tiền mặt khi đi chợ, đi ăn — quẹt thẻ ở khu người Việt lúc nào cũng tốn thêm một khoản surcharge từ 1,5 – 5% tuỳ theo quy định từng chỗ; có một số quán tây vẫn áp dụng surcharge nên lúc nào cũng có tiền mặt trong túi thì tốt hơn để lỡ surcharge có cao quá thì trả tiền mặt cho đỡ tốn tiền zô ziên

Nếu đa số tự nấu ăn tại nhà, mỗi tuần ăn ngoài 1-2 lần thì khoảng $500/tháng/người lớn, em bé 4 tuổi đính kèm người lớn thì chủ yếu thêm tiền sữa $70/tháng

#4 — Tiền học của con

Em bé học kinder 15 tiếng chia thành 3 buổi/tuần thì được miễn phí, còn 3 ngày đi daycare thì tốn tiền. Tuy ẻm được chính phủ hỗ trợ CCS hơn 80% và FTB Part A nhưng vì childcare cứ tăng học phí mỗi năm 2 lần nên gần đây tôi phải bỏ tiền túi ra trả một ít.

#5 — Tiền xăng cộ, tiền đi lại

Chiếc moto của tôi mỗi lần đổ xăng thì chạy được khoảng 10 ngày, hết $26. Nhiều khi tôi chạy xe máy điện thì không tốn tiền (dùng điện năng lượng mặt trời để sạc). Ngoài ra tôi còn đi tàu với bus nữa, mỗi ngày $10. Chi phí cho mỗi loại không cố định nhưng nằm khoảng $50/tháng.

#6 — Tiền giặt sấy

Mỗi tuần tôi giặt quần áo 1 lần, mỗi lần $10. Mỗi 2 tuần tôi giặt mùng mền chăn chiếu 1 lần, mỗi lần $15. Mỗi tháng tốn $70 tiền giặt sấy.


Các khoản phát sinh

#1 — Bị bệnh

Ở Úc bị bệnh đi khám theo bảo hiểm Medicare thì không tốn tiền, chỉ có tốn tiền mua thuốc thôi. Mẹ con tôi hay bị bệnh nhất mùa thu đông, chủ yếu bị cúm (không biết là cúm mùa influenza hay là COVID).

#2 — Giao lưu bạn bè

Lúc nào tôi cũng trích ra một khoản cho các mối quan hệ xã hội như cà phê cà pháo với bạn bè đồng nghiệp, mua quà sinh nhật cho bạn bè của Bôm…

#3 — Giải trí, sở thích

Mua đồ chơi cho con, dẫn con đi chơi (làm thẻ thành viên đi sở thú $11.5/tháng).

Hoặc đi xem One Piece Film RED hồi tháng 11/2022.

#4 — Public Holiday

Thường là đi cắm trại, đi du lịch xa xa vài trăm cây số như đợt đi Portland hồi Giáng Sinh 2022 hay đi Ấn Độ cuối 2023.

#5 — Các khoản khác

Như các khoản học thi lái xe oto, moto, mỹ phẩm skincare, thực phẩm chức năng (vitamins, collagen, fish oil…), tiết kiệm hàng tháng, tiền donate cho kinder của council (thường cuối mỗi năm học kinder sẽ kêu gọi quyên góp để tổ chức party hoặc chuẩn bị quà nho nhỏ kết thúc năm cho bé, như năm 2023 là quyên góp ít nhất $40)…


Chi tiêuChi tiếtGiá tiền (AUD)
Cố định1. Tiền nhà$1,500
2. Tiền điện thoại$12.5
3. Tiền ăn$600
4. Tiền học của bé$250
5. Tiền đi lại$50
6. Tiền giặt sấy$70
7. Sở thú$11.5
Không cố định8. Thuốc men
9. Quan hệ xã hội
10. Giải trí khác
11. Holiday
12. Khác
Tổng cộng$2,494

Nếu không phát sinh gì thêm thì chi tiêu ở Úc mỗi tháng của 2 mẹ con tôi khoảng $2,500. Nếu phát sinh du lịch ăn chơi tung tẩy thì thêm khoảng $500.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x