Đi lặn biển ở Phú Quốc

Tôi đi lặn biển ở Phú Quốc vào tháng 8 năm 2013, tháng mùa mưa của đảo (trước khi đi tôi không biết là đang mùa mưa đâu, tự nhiên nổi hứng xách balo book vé đi vậy đó -.-). Cứ tưởng lặn biển khó thế nào, ai dè khó kinh khủng ?

Tôi thuê phòng ở nhà nghỉ Anh Dương trên đường Trần Hưng Đạo, gần chợ đêm Dinh Cậu. Nhiều khi lười đi ăn xa, tôi tạt sang “nhà hàng” sát bên để ăn tạm món gì đó. Tôi để “nhà hàng” trong ngoặc kép bởi đó không hẳn là nhà hàng mà là cửa hàng chuyên về các tour lặn biển, có phục vụ một số món đơn giản như cơm chiên thập cẩm, mì ý xốt bò bằm… cho khách tây, đa số là khách Nga. Dùng bữa ở đây được 2 lần thì tôi quyết định book tour lặn biển luôn.

Hôm tôi book tour thì trời trong nắng đẹp, sang hôm sau lên đường đi lặn thì lại âm u… ?


Có mấy kiểu lặn biển?

Hiện tại thì có 3, nhưng thời 2013 tôi đi thì chỉ có 2 kiểu lặn biển ở Phú Quốc. Mục đích lặn là để ngắm san hô và các loài động thực vật khác trong lòng đại dương. Dù là hồi đó hay bây giờ, lặn biển vẫn luôn là hoạt động thu hút nhiều khách du lịch.

#1 — SCUBA DIVING (LẶN CÓ BÌNH DƯỠNG KHÍ)

Bạn phải đeo bình dưỡng khí ở sau lưng và được trang bị đầy đủ từ đầu tới chân bằng đồ lặn chuyên dụng.

Ưu điểm:

  • có thể lặn được sâu để ngắm cảnh đại dương, người thường có thể lặn 5~10m, thợ lặn có thể xuống đến 13~15m và nếu là thợ lặn chuyên nghiệp thì có thể lặn sâu xuống 30m
  • không cần biết bơi vẫn lặn được

Nhược điểm:

  • giá tour cao
  • chỉ trải nghiệm trong 30 phút và lặn sâu chỉ 4m (5~10m là lí thuyết thôi, người mới chẳng bao giờ được lặn ở độ sâu đó đâu)
  • cách dùng trang bị khó

Bây giờ nhiều chỗ tư vấn rất khác hồi năm 2013 tôi đi. Bây giờ nếu muốn lặn biển thì bạn phải book tour kèm người hướng dẫn—có chứng chỉ lặn, tất nhiên phải thêm chi phí cho người kèm nên giá tour bị đội lên.

#2 — SNORKELING (LẶN BẰNG MẶT NẠ CÓ GẮN ỐNG THỞ)
lặn biển ở Cù Lao chàm
Snorkeling ở Cù Lao Chàm tháng 4/2014

Kiểu lặn bằng mặt nạ có ống thở phổ biến hơn scuba diving, thích hợp quan sát các bãi san hô nước nông. Có thể đeo mặt nạ xong úp mặt xuống nước xem luôn, hoặc bạn nào bơi giỏi cũng có thể lặn 1~2 mét rồi trồi lên lấy hơi lặn tiếp.

Ưu điểm:

  • không cần trang bị cồng kềnh, cách dùng đơn giản, cá nhân tự lặn không cần hỗ trợ
  • chi phí rẻ hơn nhiều so với scuba diving

Nhược điểm:

  • chỉ lặn được ở vùng nước nông, không xuống được sâu
#3 — SEA WALKER (ĐI BỘ DƯỚI BIỂN)

Kiểu này chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây ở Việt Nam. Tôi chưa thử bao giờ.

Ưu điểm:

  • có thể đi dưới đáy biển và thở bình thường như trên cạn, không bị ướt tóc
  • địa điểm thực hiện tour này được chăm sóc và bảo vệ cẩn thận nên san hô đẹp và nhiều màu

Nhược điểm:

  • cũng vì là hàng độc nên giá cũng khá chát

Trải nghiệm book tour lặn biển ở Phú Quốc

Tôi book hẳn tour lặn có bình dưỡng khí với giá trọn gói là 100 đô Mỹ/ngày/1 địa điểm lặn, quy ra tiền Việt là 2 triệu mốt. Tôi chỉ việc đóng tiền và lưu ý với họ là tôi bị cận 4 độ, rồi tới ngày được dẫn đi lặn thôi.

Nếu có vấn đề gì về sức khoẻ, tình trạng bản thân thì trước khi mua tour bạn nên hỏi trước để được tư vấn.

LỊCH TRÌNH

Chỗ tôi book tour—Flipper Diving Club—chỉ chuyên đi lặn nên lịch trình thẳng 1 mạch đến chỗ lặn chứ không kết hợp tham quan một số điểm du lịch khác trên đảo (như Nhà tù hay Trại nuôi cấy ngọc trai) như các tour Việt đang bán.

  • 8:30 Xe đón miễn phí tại khách sạn (tôi ở ngay sát bên nên chỉ cần có mặt trước khi xe chạy 10 phút)
  • 8:50 “Điểm danh” ^^
  • 9:00 Lên đường đi xuống phía Nam
  • 9:30 Tới cảng An Thới, lên tàu đi đến điểm lặn
  • 10:00 Tự do tắm biển
  • 12:00 Ăn trưa trên tàu (các món “truyền thống” như rau muống xào tỏi, trứng chiên, tôm kho, cá chiên chấm mắm…)
  • 13~14:00 Bắt đầu thay đồ, chia nhóm ra để training, sau đó đi lặn
  • 15:00 Lặn xong lên tàu nghỉ ngơi, được phát chuối + coca lót dạ, rồi tàu nổ máy quay về cảng An Thới
  • 16:00 Xe chở khách về lại thị trấn Dương Đông

Bạn có thể tham khảo lịch trình và giá tour lặn scuba diving của họ theo link này. Hiện giá tour của họ đã hạ xuống 1 xíu (còn 85 đô Mỹ—1 triệu 950k) nhưng so ra giá vẫn cao hơn mặt bằng chung. Khách của họ chắc phải hơn 90% là người nước ngoài.

lặn biển ở Phú Quốc
Thay đồ lặn, mang thiết bị theo hướng dẫn
TRANG THIẾT BỊ LẶN BIỂN Ở PHÚ QUỐC CÓ GÌ?

Đối với khách du lịch book tour thì được phát những món dưới đây:

  1. Bình dưỡng khí (tank) — làm bằng kim loại được nén khí trời tự nhiên vào bên trong
  2. Bộ đồ lặn (dive suit) — có 2 loại: “dry suit” và “wet suit” tác dụng để giữ ấm và bảo vệ cơ thể (phải mặc loại có kích thước vừa vặn với cơ thể: ốm/nhỏ con thì mặc size nhỏ, to con thì mặc size lớn)—ở Phú Quốc chủ yếu là dùng wet suit
  3. Mặt nạ lặn (mask) — loại mặt nạ chuyên dụng giúp nhìn thấy cảnh vật trong nước rõ nhất có thể, có tầm quan sát rộng và chống va đập tốt (cận dưới 2 độ thì dùng loại bình thường, trên 2 độ sẽ có mặt nạ riêng, báo với họ khi book)
  4. Ống thở (snorkel) — một đầu dùng miệng ngậm, có phần ống nối với bình dưỡng khí
  5. Chân vịt (fins) — giúp di chuyển dưới nước được nhẹ nhàng, đỡ tốn sức
  6. Áo phao kiểm soát độ nổi (buoyancy compensator diving – viết tắt BCD) — dạng áo gi-lê có túi đựng đồ, có thể bơm/xả khí để tùy chỉnh độ nổi ở dưới nước, có chỗ để gắn bình dưỡng khí
  7. Bộ điều chỉnh áp suất (regulator) — có dây nối với bình dưỡng khí và mặt nạ lặn, giúp chuyển đổi không khí áp suất cao (trong bình dưỡng khí) thành áp suất môi trường xung quanh để thở dễ dàng
  8. Bộ ống thở dự phòng (octopus)
  9. Đồng hồ đo áp suất chìm và máy đo độ sâu (instruments) — hiển thị lượng khí còn lại trong bình dưỡng khí, giúp theo dõi lượng khí cung cấp trong quá trình lặn và ghi lại độ sâu hiện tại và độ sâu tối đa đạt được trong một lần
thiết bị lặn biển

Dân chuyên, thợ lặn, người hỗ trợ lặn… thì có thêm:

  • Mũ, bao tay
  • Dao lặn — sử dụng để cắt, đào, móc… lúc cần thiết, thường được gắn ở ống khuyển hoặc để trong túi áo phao
  • Đồng hồ lặn điện tử (computer) — hiển thị độ sâu hiện tại, NDL, độ sâu tối đa, thời gian lặn, mức pin hoặc các số liệu liên quan đến hỗn hợp khí, cài đặt PO2…
  • La bàn — điều hướng lặn thích hợp, biết vị trí của mình trong quá trình lặn để không bị lạc
  • Đèn lặn (light)
  • Bộ sơ cứu
  • Máy ảnh chống thấm nước
TRƯỚC KHI LẶN

Có 2 thợ lặn hỗ trợ nhóm tour ghép 10 người bọn tôi: 1 tây 1 ta. Anh tây hình như là người Nga, tóc vàng quá vai. Anh “ta” là người địa phương, tên Tâm. Sau khi chia nhóm để lặn thì tôi được Tâm hướng dẫn trước khi lặn, bao gồm cách thở (ngậm ống thở tập hít thở bằng miệng), cách sử dụng chân vịt (để bơi, “đứng nước”, chèo chuyển hướng…), cách xử lí một số tình huống (nước tràn vào mặt nạ, có hơi nước đọng trên kính…) và các quy tắc, kí hiệu khi lặn (up, down, left, right, đổi hướng chân vịt…) để giao tiếp dưới nước.

Sau khi đã quen cách thở và qua được bài “kiểm tra miệng” thì Tâm giúp tôi đeo bình dưỡng khí, chuẩn bị làm “kiểm tra 15 phút” \m/

TRONG KHI LẶN

Cảm nhận đầu tiên sau khi được trang bị full bộ thiết bị lặn là… nặng “má ơi” :)) mà nặng nhất đương nhiên là bình dưỡng khí.

Tâm cho tôi “làm nháp” lặn sâu 1 mét để làm quen dần. Yêu cầu tôi phải ra hiệu nếu như muốn trồi lên.

Đang nổi lềnh phềnh, bằng một động tác “xả khí”, tôi bị chìm từ từ vào trong nước. Lúc đầu tôi bị chao đảo vì chưa quen áp suất nước. Tim có cảm giác bị ép nghẹt, tai lùng bùng ù đi giống như khi máy đang bay cất/hạ cánh. Khi đó Tâm ra hiệu cho tôi hít thở đều bằng miệng và dùng chân vịt như đã tập.

Sau khi đến độ sâu 1 mét, Tâm hỏi tôi bằng cách ra hiệu “Có ổn không?”

Tôi ra hiệu trả lời “Muốn lên huhu” =))

Và bằng một động tác “bơm khí”, cả Tâm và tôi hướng thẳng mặt nước biển để đi lên.

“Ổn chứ?” – Tâm hỏi lại

“Ui cảm giác không thở được luôn í!!” – Tôi đáp

Tâm cười, “xé nháp vài lần là ghiền cho coi :))”

Đúng là sau đó tôi ghiền thật ^^

Tôi được đưa xuống sâu 4 mét, được thử sờ vào san hô, chọc ghẹo đàn cá ? ? ? ?

Tâm chỉ cho tôi mấy con nhum (nhím biển), dẫn tôi bơi vòng vòng rồi nhập hội với mấy bạn tây trong nhóm. Mấy bạn đó mang theo máy ảnh, chụp bao nhiêu là hình, tôi cũng ké được 1 tấm.

lặn biển ở Phú Quốc
Fiding Nemo

Lúc “làm nháp” thì có nhiều thứ cảm xúc chứ còn khi đã quen, lặn được đến 4 mét thì chỉ còn một cảm giác duy nhất là “PHÊÊÊÊ”

SAU KHI LẶN

… thì trời bắt đầu lắc rắc mưa, biển động. Thuyền bị sóng nhồi, tôi ói lên ói xuống vì say sóng T.T


Kinh nghiệm lặn biển ở Phú Quốc

Thời điểm để du lịch Phú Quốc là từ giữa tháng 10 đến tháng 6 hàng năm, thời gian lặn tốt nhất ở phía Nam là tháng 5 tháng 6—biển lặng, nước trong, tầm nhìn xa từ 20-30m. Còn phía Bắc thì không được lặn từ tháng 5 đến tháng 10.

Bộ môn lặn có bình dưỡng khí (scuba diving) không chỉ khó và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu như người lặn không được chuẩn bị kĩ càng. Vì vậy,

Trước khi lặn cần kiểm tra xem:

  • Bộ đồ lặn có vừa không?
  • Mặt nạ có vừa vặn không? (mặt nạ chật gây khó chịu, rộng thì nước biển tràn vào)
  • Ống thở gắn với bình dưỡng khí có đủ chặt chưa?
  • Chân vịt mang có vừa không? (nếu rộng thì khi xuống nước dễ bị bung ra, khó di chuyển)

Ngoài ra cần lưu ý:

  • Không nên lặn lúc đang đói hoặc vừa mới ăn xong, nên lặn biển sau khi ăn chừng 1 tiếng
  • Xác định đi lặn thì không uống rượu bia, không say xỉn
  • Mặc bikini cho tiện thay đồ lặn
  • Cần theo sát hướng dẫn, học nhớ kí hiệu và các quy tắc mà người hướng dẫn truyền đạt
  • Không lặn tách đoàn, không lặn 1 mình
  • Trên tàu tuy có nước ngọt nhưng không đủ để tắm, chỉ đủ cho mỗi người xối 1 gáo cho bớt rít muối biển
  • Người có bệnh về tim mạch hay huyết áp, không chịu được áp lực nước thì không nên đi lặn

Cheers!


Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x