Tôi đã từng viết 2 bài khác:
- Tổng hợp các địa điểm du lịch ở Bali để mọi người khỏi bị hoang mang nhầm lẫn giữa tên các địa danh
- Tổng hợp 10 điều cần biết trước khi đến Bali
nhưng có vẻ chưa được đầy đủ lắm. Thế nên hôm nay làm tiếp thêm một bài tổng hợp các câu hỏi tôi nhận được về du lịch Bali 😉
Du lịch Bali tự túc có khó không?
Không hề 😆 Bali không cần visa nhập cảnh, đây là một lợi thế cho bạn nào thích du lịch Bali tự túc. Bạn chỉ cần có hộ chiếu + 1 số vốn tiếng Anh giao tiếp + kiến thức du lịch bụi/du lịch một mình/du lịch tự túc + khoản tiền để mua vé máy bay và đặt phòng, ăn uống đi lại ở Bali 😉
Thiên đường nghỉ dưỡng của Đông Nam Á nên giá cả rất đắt phải không? Chi phí một chuyến đi khoảng bao nhiêu?
Phải nhưng không phải. Giá cả rẻ hay đắt phụ thuộc vào bạn lên kế hoạch chuyến đi ra sao. Tôi sẽ liệt kê ra một số chi phí thiết yếu để bạn áng chừng thử ha:
- Đầu tiên là vé máy bay, khoảng từ 3 triệu rưỡi ~ 5 triệu khứ hồi cho 1 người (tôi thấy giá vé có xu hướng ngày càng giảm);
- Phòng khách sạn/resort thì tùy vào nhu cầu của mỗi người. Giá bèo nhèo nhất là US$15/phòng cho 2 người, canh trước vài tháng thì sẽ có phòng đẹp;
- Ăn uống ở Bali rất cực. Một phần vì khẩu vị. Phần còn lại là vệ sinh. Giá phần cơm dao động từ 50k ~ 80k. Mấy món đặc biệt hơn chút hay có thêm từ “traditional” là giá auto cao.
- Vào mấy địa điểm tham quan cũng phải mua vé, đi đảo cũng cần mua vé tàu, thuê xe cộ, đổ xăng… Phần này khá nặng. Thuê ô tô có tài xế có giá khoảng 700 ~ 1100k/ngày (450,000 ~ 650,000 Rupiah). Ở Bali mọi người hay dùng Gojek (giống Grab nhưng rẻ hơn, cách dùng cũng tương tự Grab)
Nếu bạn dự định đi 7 ngày thì chi phí không dưới 10 triệu – chỉ đi những địa điểm chính (Bali Swing, Nusa Penida, đền thờ chùa chiền, cổng trời…)
Sẽ tiết kiệm hơn nếu bạn đi theo nhóm đông người, dễ share tiền phòng và tiền xăng xe!
Có được mang kem chống nắng/dưỡng da/dưỡng tóc dạng xịt, nói chung là các thể loại bình xịt theo hành lí xách tay không?
Còn tùy! Nếu bình xịt bằng nhựa trong suốt và không có ghi chú “flammable” (dễ cháy nổ) thì bạn được mang lên máy bay. Còn bình xịt bằng chất liệu khác (kim loại, nhựa màu không nhìn thấy bên trong) hoặc có ghi chú “flammable” thì nhân viên an ninh lúc soi chiếu đồ sẽ yêu cầu bạn bỏ lại, bất kể thể tích trên hay dưới 100ml.
Có được mang Gopro, drone, tripod, gimbal, gậy selfie… theo hành lí xách tay không?
Tất cả gậy selfie, gimbal, tripod, gậy Gopro; flycam/drone các loại…; pin dự phòng dung lượng quá lớn đều bị cấm mang theo hành lí xách tay theo quy định an toàn hàng không. Những vật dụng đó nếu có pin rời thì tháo pin rồi để pin vào hành lí xách tay. Còn mấy vật dụng đó mà xài pin sạc thì… chắc nên để ở nhà cho an tâm.
Camera Gopro thì được mang theo hành lí vì là tài sản có giá trị, giống điện thoại máy ảnh, laptop vậy đó. À, camera Gopro và gậy Gopro là 2 sản phẩm khác nhau nha, nhiều bạn chỉ dùng từ “Gopro” rồi hiểu lầm ý nhau cãi nhau chí chóe trên mấy nhóm chia sẻ kinh nghiệm kìa -.-
LƯU Ý: Có những bạn qua trót lọt, không bị tịch thu thì là do các bạn hên đó. Trong quy định của AirAsia có mục cấm này luôn, có hình minh họa cụ thể. Tôi là tôi không dám mạo hiểm đâu!
Hạ cánh, nhập cảnh
Nhập cảnh Bali có dễ không?
Cực kì dễ! Bạn chỉ cần in sẵn:
- Vé máy bay chiều về hoặc vé xe/tàu/máy bay để sang nước khác
- Xác nhận đặt phòng khách sạn
- Vé vào cửa các khu tham quan, trò chơi (nếu có)
- Lịch trình của chuyến đi
- Bọc tiền trong ví, đủ để ăn uống khoảng 3 ngày + thẻ credit/debit
Nếu có bị hỏi thì cũng chỉ 1 vài câu đơn giản như đi đâu – mấy ngày – với ai…
Đáp xuống Bali lúc khuya thì có xe để vào trung tâm? Ngủ sân bay có ổn không?
Bali có taxi, Grab, Gojek. Bạn nên mua sim để đặt xe trên app cho tiện. Có gì còn tiện tra giá để khỏi bị “taxi dù” chặt chém.
Tiền lệ phí ra vào cổng sân bay là 30,000 Rupiah/lượt. Khoản này đương nhiên bạn phải trả luôn.
TAXI APP
Blue Bird. 24/7
- Giá 7,000 Rupiah cho km đầu tiên, sau đó 6,500 Rupiah/km tiếp theo
- Giá từ sân bay quốc tế DPS đi:
- Canggu 225,000 Rupiah;
- Denpasar 130,000 Rupiah;
- Jimbaran 100,000 Rupiah;
- Nusa Dua 150,000 Rupiah;
- Seminyak 110,000 Rupiah;
- Ubud 300,000 Rupiah.
Grab. 24/7
Gojek. 24/7
TÀI XẾ RIÊNG
Nếu bạn thuê luôn oto nguyên ngày hôm sau thì nhắn họ thông tin chuyến bay nhờ họ đón (tính tiền như đưa tiễn sân bay)
CHIA SẺ:
Tôi đọc thấy có khá nhiều bạn chia sẻ về việc đặt xe trên app Klook từ Việt Nam, được tặng kèm sim có thể dùng ở Bali (nhận sau khi gặp nhân viên Klook đón ở sân bay)
Sân bay Ngurah Rai không có chỗ khuất để ngủ. Cũng không nên lăn lết ở đó!
Trong bài viết Lịch trình 4 ngày khám phá Bali tôi có đề cập đến việc thuê khách sạn gần sân bay để đi bộ từ sân bay về đó lúc hạ cánh khuya (vì sợ đi taxi bị lừa bán -.-). Nhưng sau khi đã làm thì tôi không khuyến khích cách này lắm vì đường tối om, không có đèn đường, không có cả vỉa hè một đoạn dài… Nếu bạn đi theo nhóm thì nên book xe.
Có nên mua sim điện thoại? Nếu có thì nên mua ở đâu?
Nếu bạn chịu xài ké wifi ở mấy nhà hàng khách sạn, tải map offline hoặc chuẩn bị bản đồ giấy để xài, không dùng taxi app và sở hữu kha khá vốn liếng kinh nghiệm du lịch thì bạn khỏi mua sim cũng được, cứ cuốc bộ hoặc thuê xe máy mà long nhong như tôi thôi -.-
Nếu không, bạn nên sắm 1 cái. Lại càng nên sắm nếu đi nhóm, mua 1 sim để lắp vào 1 máy rồi phát wifi cho các máy còn lại. Có sim thì cũng tiện khi muốn đặt Grab, Blue Bird, Gojek.
Tôi không có kinh nghiệm mua sim -.-
Có nên book trước các dịch vụ trải nghiệm (như Snorkeling, Scuba diving, ngắm cá heo) không?
Không cần thiết. Bali là đảo du lịch, dịch vụ trải nghiệm đâu đâu cũng cung cấp. Bạn có thể tham khảo tại nơi bạn thuê phòng, hoặc la cà hỏi dọc đường, hoặc nếu có thuê oto đi cho khoẻ thì hỏi tài xế…
Nhưng bạn cần để ý giá cả: 1 địa điểm lặn, hay nhiều địa điểm lặn.
Giá tham khảo: 175,000 Rupiah/người/địa điểm (Kuta); 250,000 Rupiah/người/3 địa điểm (Nusa Penida)
Đi đền, chùa, tháp…
Có nên mua sarong (xà-rông) hay không? Con trai cần mặc xà rông không? Giá cả ra sao?
Mỗi đền đều có phát xà-rông miễn phí, bạn có thể mượn ở đó (nhớ trả lại) nếu không ngại mùi vì 8 tỷ năm họ mới giặt một lần :)) Trai gái gì cũng đều bị bắt phải quấn hết.
Bạn cũng có thể mua ở chợ, cứ mạnh dạn trả 1/3 giá mà họ đưa. Giá khoảng 25,000 ~ 30,000 Rupiah/cái. Các bạn gái chọn sarong màu mè nổi bật một chút, chụp hình cho đẹp 😉
Trên shopee cũng bán hầm bà lằng các thể loại khăn thổ cẩm size đại với giá từ 50k, bạn có thể tham khảo thử.
Những địa điểm đi chơi, mua sắm, ăn uống nào ổn ở Bali?
MUA SẮM
- Chợ đêm Ubud.
THAM QUAN
ĂN UỐNG
- Made’s Warung, Seminyak (Kuta).
- Sea Breeze Ceningan Bar dan Restaurant (Nusa Cinengan).
Từ Bali sang các nơi lân cận
Đi đảo Nusa Lembongan?
Tôi mua vé tàu cao tốc (tàu thủy) sang Nusa Lembongan tại trang web của Peramatour với giá 400,000 Rupiah/người khứ hồi (tức là 200,000 Rupiah/người/chiều) + thêm 6% phí dịch vụ đưa đón tận khách sạn để khỏi mất công “ngáo” khi book xe hoặc bị lạc. Bạn chỉ cần cung cấp địa chỉ khách sạn ở Bali và Nusa Lembongan lúc đặt mua vé, họ sẽ phản hồi qua email bạn đăng kí. Trang này ngộ cái là trên 2 khách mới cho mua vé.
Đi đảo Nusa Penida?
Giá vé tàu đi trực tiếp từ Bali sang Nusa Penida cao hơn. Giá vé mỗi lượt/người là 256,000 Rupiah.
Từ Nusa Lembongan cũng có thể sang Nusa Penida bằng cách mua riêng vé tại bến tàu ở Yellow Bridge (Cầu Vàng) với giá vé mỗi lượt/người là 75,000 Rupiah.
Nếu bạn dự tính ở Nusa Penida chơi bời vài ngày thì nên đi thẳng sang đó luôn, tiết kiệm được một khoản. Còn nếu bạn muốn check-in một số điểm tham quan ở Nusa Cinengan nữa (như Cầu Vàng, Blue Lagoon) thì nên mua vé sang Nusa Lembongan trước. Một phần cũng vì giá thuê phòng ở Cinengan rẻ hơn Lembongan và Penida.
Bầu bí thì có đi được Nusa Penida?
KHÔNG NÊN. Thời gian 30-45 phút ngồi cano siêu tốc với vô số lần cắt sóng nhồi sóng, cano bay lên khỏi mặt nước rồi nện cái ầm xuống ê ẩm, người khoẻ mạnh còn cảm thấy đuối thì bà bầu không nên mạo hiểm đâu. Ngoài ra đường trên đảo vừa nhỏ vừa xấu. Đoạn đường “đỡ xấu” nhất khoảng 2km tính từ bến cảng ở Penida theo hướng đi Kelingking. Càng đi càng gập ghềnh đá nhọn. Nói chung nguy hiểm, chống chỉ định bà bầu, dù là lái xe máy hay ngồi oto, ha!