Du lịch cùng con | Xếp hành lí cho cả nhà

Đợt này nhà tôi đi Đà Lạt, xuất phát từ Quy Nhơn. Thành viên bao gồm 2 đứa nhỏ nhà tôi và mẹ tôi. Tôi chỉ là nhân vật phụ, “cu li” kiêm “trông trẻ” kiêm “hướng dẫn viên” kiêm “thợ chụp hình” kiêm “abc xyz”… -.-

Vì tôi có thâm niên trong “ngành” du lịch bụi nên công đoạn chuẩn bị hành lí cả nhà “nhường” tôi hết, chả ai thèm giành. Cũng vì chuyến đi toàn người già trẻ nhỏ nên hành lí phải được chuẩn bị sao cho vừa đầy đủ vừa gọn nhẹ vừa tiện lấy khi cần.

Nghe thì phức tạp vậy chứ thực ra cũng đau đầu lắm T.T


Trước khi xếp đồ tôi vẫn bám sát các câu hỏi trong bài Hành lí xách tay cho bé 1 tuổi:

  1. Nơi sẽ đi? Khí hậu?
  2. Đi bằng gì? Tàu, xe, máy bay, tàu thuỷ…?
  3. Đi mấy ngày?
  4. Cần lưu ý gì thêm?

Lần trước khi đi máy bay con chỉ mới 1 tuổi, vẫn bú mẹ hoàn toàn nên có nhiều chi tiết về hành lí xách tay tôi không quan tâm lắm. Giờ bé lớn hơn, cần chuẩn bị nhiều thứ hơn nên phải tìm hiểu để không bị mất quyền lợi, ví dụ như:

  • Được mang theo sữa lốc theo hành lí xách tay khi có bé đi cùng, mang bao nhiêu cũng được miễn không quá kí
  • Nước uống cũng có thể mang theo được 3 chai loại 500ml (cho 3 người lớn) và 1 bình uống của bé 280ml
  • Bình giữ nhiệt để có nước nóng pha sữa cho con cũng được chấp nhận
  • Mỗi hãng bay sẽ có thêm những quy định khác nhau, bạn có thể tìm thêm thông tin trên google về nôi, địu, ghế an toàn, xe đẩy… cho bé khi bay nội địa và quốc tế

Nhưng đương nhiên là phải trong hạn mức cân nặng của hành lí xách tay


Hành lí chiều đi

Lần này nhà tôi đi Đà Lạt, ở resort Đà Lạt Wonder gần hồ Tuyền Lâm — tức là cách rất xa trung tâm thành phố. Đà Lạt mùa này sáng nắng chiều mưa, ban ngày nắng ráo nhiệt độ lên tới 30 độ C, chiều tối dù mưa cũng không lạnh mấy. Tôi khá chủ quan khi xem dự báo thời tiết nên chỉ mang cho con những mục sau:

Đồ cá nhân
  1. 1 bộ đồ ngủ
  2. 3 bộ đồ đi chơi (trong đó để ra 1 bộ để mặc lúc khởi hành)
  3. Bỉm quần mỗi ngày 1 cái, cứ thế nhân lên (vì đã biết gọi mẹ khi có nhu cầu hay )
  4. 1 mũ đội che nắng (rộng vành) + 1 mũ len che lạnh
  5. 10 khẩu trang (bé Bôm đang dùng Wakamoto)
  6. 1 áo giữ ấm để mặc ở Đà Lạt
  7. 1 áo khoác mặc che nắng lúc đi
  8. 1 khăn choàng lớn bằng len để tuỳ cơ ứng biến, đa dụng (lót, đắp cho bé ngủ ở sân bay, trên máy bay…)
  9. 1 khăn tắm (tôi chọn loại khăn thỏ Merries có mũ trùm)
  10. 1 sữa tắm gội (tôi mang theo Body Care Travel Kit Dr. Belmeur được bạn tặng mà chưa có dịp dùng)
  11. 1 đôi xăng-đan (để đi cho nhẹ nhưng trong 10 ngày chỉ mang đúng 1 lần)
  12. 1 đôi giày (chính là đôi Skechers x One Piece, mang thường xuyên)
  13. 2 cái khăn lau mặt (khăn xô em bé)
  14. 1 gói khăn ướt
  15. Bàn chải + kem đánh răng em bé
  16. Bình uống nước

Quên không mang theo ô dù. Mặc dù ở resort cũng có, nhưng chúng tôi bị mắc mưa sau khi đã check-out, đang tìm chỗ ăn trưa ở trung tâm thành phố Đà Lạt.

Nên để đôi xăng-đan ở nhà. Nên mua thêm quần dài, legging cho bé (để chống lạnh, chống muỗi).

Thuốc men, thực phẩm
  1. Vitamin đang uống mỗi ngày
  2. Sữa tươi (mang theo đủ uống vì ở resort không dễ ra ngoài mua đồ)
    Bé Bôm không uống sữa bột nên tôi không cần mang theo combo lon sữa bột + bình giữ nhiệt + bình sữa
  3. Dầu tràm, dầu gió
  4. Gói Oracortia — trị nhiệt miệng, zona, muỗi cắn, xước da… hiệu quả
  5. Bánh yêu thích — 1 hộp Pocky dâu, lẽ ra nên mang theo nhiều nhiều đủ vị

Cái mà tôi không ngờ đến là việc con sẽ bị sốt (vì sốc nhiệt, mọc răng, hay lí do nào đó khác). Các chuyến đi sau chắc chắn không thể thiếu: kẹp nhiệt độ, thuốc hạ sốt, BHYT (phòng hờ trường hợp cần hỗ trợ y tế)

Đồ giải trí
  1. 1 quyển sách yêu thích (mỏng nhẹ nhất có thể)
  2. 1-2 món đồ chơi yêu thích (em bé tôi đang giai đoạn cực-kì-thích xe oto các loại, tôi chọn chiếc con thích nhất để mang theo)

Trong suốt chuyến đi 10 ngày, quyển sách có số phận hẩm hiu hơn cả đôi xăng-đan – không được mở ra đọc lần nào. Sách bị “thất sủng” vì Bôm có thêm 2 chiếc oto và 1 máy bay gia nhập đội xe “Bé Bôm Rescue” -.-

Trên đây là đồ của bé – nhân vật quan trọng nhất đội hình. Còn lại mỗi người lớn chỉ mang theo vài bộ đồ “vía”, pin sạc, hộ chiếu… như bài chia sẻ tôi đã viết từ hồi lâu lắc có điều rút gọn hơn: không mang laptop, tai nghe hay bất kì đồ công nghệ nào vì biết chắc sẽ không có thời gian dùng; ở resort nên cũng không mang theo dầu gội sữa tắm.

Đi du lịch cùng người già trẻ nhỏ thì xác định là dừng mọi công việc, đi xong rồi về bị deadline dí sau ^^

Sau khi gom hết đồ của cả 4 người, xếp đầy 1 giường, tôi mới bắt đầu tính toán xem cần chia ra mấy kiện cho gọn. Vì ngày đầu tiên còn sung sức, nhà tôi quyết định không mua kí gửi nên hành lí xách tay cần phải được tính toán kĩ.

  • Vali lớn kích thước chuẩn xách tay 56cm x 36cm x 23cm — để quần áo 2 người lớn (mẹ và tôi)
  • Vali mini 23cm x 33cm x 17cm có dây thun để móc mang bên ngoài vali lớn — chỉ đựng đồ cho bé
  • Balo — đồ của cháu tôi (laptop + quần áo)
  • Túi xách — đựng sạc, giấy tờ tuỳ thân để tiện lấy ra cất vào khi check-in, kiểm tra an ninh…
hành lí du lịch cùng gia đình
Vali có chỗ móc chai nước cũng khá tiện

Vì mỗi kiện không được quá 7kg nên vali lớn sau khi xếp đồ 2 người lớn thì vẫn còn chỗ trống. Mỗi phân loại đồ tôi xếp riêng biệt trong 1 organized bag, ví dụ: quần áo mẹ tôi, quần áo tôi, đồ dùng khác… để dễ dàng lấy bớt ra/thêm vào nếu quá kí/dư kí.

Dạo này các hãng bay làm khá gắt, không du di cho qua nếu “lỡ” quá kí đâu. Nếu dư kí mà vẫn được cho qua thì đừng vội mừng vì có thể bạn sẽ “được” cân lại tại cửa lên máy bay bằng chiếc cân “ối zồi ôi”. Tôi thấy có hành khách sắp ra cửa khởi hành còn bị gọi lại yêu cầu cân lại hành lí vì trông vali có-vẻ-nặng.

ĐỌC THÊM: Organized bag | Cách xếp đồ chuyên nghiệp


Hành lí chiều về

Tới lúc về, cả nhà đều bị cảm và đuối sức, tôi mua 20kg kí gửi và xếp hết quần áo của 3 người vô đó để đỡ cực khi di chuyển. Hành lí kí gửi lúc nào cũng nên là đồ ít giá trị nhất kẻo xui xẻo bị “cầm nhầm”. Vali mini của em bé thì luôn mang theo xách tay.

Sữa và bỉm em bé đã dùng gần hết nên dư ra một khoảng trống nhỏ, tôi mua thêm bánh mì ngọt, snack, trái cây… thêm vào để có cái dỗ dành khi con “khó ở” và cũng để tiếp thêm năng lượng cho nhóc cháu phàm ăn ^^

Nếu có ý định mua quà mang về thì nên để trống một khoảng vừa đủ ngay từ đầu để khỏi bị phát sinh thêm, mang vác lỉnh kỉnh.


Du lịch cùng người cao tuổi và em bé luôn là một thử thách, chưa bao giờ là điều dễ dàng. Ví dụ như mẹ tôi đã quen với kiểu đi tàu xe nên thích mang theo đồ ăn nước uống lỉnh kỉnh, bà cứ lo lắng rằng con cháu sẽ bị đói nếu không xách theo đồ ăn; hay cháu tôi trông to cao như lớp 9 nhưng thực ra chỉ mới lớp 6, không có nhiều kinh nghiệm đi máy bay nên cần được chỉ đạo thực hiện, chưa chủ động… Vì vậy đi du lịch là cơ hội để ông bà và con trẻ trải nghiệm, tích luỹ kinh nghiệm, khám phá nhiều điều mới và là dịp để gắn kết gia đình 3 thế hệ, lưu giữ kỉ niệm, rèn luyện tính kiên nhẫn của bản thân (tôi phải dằn lòng lắm mới không “bụp” 2 đứa nhỏ -.-).

Túm lại là, mệt xỉu nhưng vui ^^

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x