Tôi sống ở Tokyo, học tập và làm việc ở Tokyo, viết khá nhiều về Tokyo. Vừa rồi còn đi tư vấn du lịch Tokyo và được hỏi:
“Không có smartphone thì tìm đường đi thế nào?”
Mặt tôi kiểu “🙄”
Hầu như ai cũng có smartphone nên tôi không nghĩ mình sẽ được hỏi câu này. Ngày xưa lúc tôi vừa sang Nhật, tôi nhất quyết không mua iPhone bản Nhật mà trung thành với Blackberry bản quốc tế mang từ nhà theo, nên thời gian đầu tôi đi lạc nhiều lắm -.-
Địa chỉ nhà ở Nhật khá phức tạp. Đường nhỏ thì sẽ không có tên. Địa chỉ được đặt theo từng khu. Nhiều lúc còn chả biết cách phân biệt giữa các khu. Các tòa nhà trong khu đó được đánh số, đánh kiểu bí ẩn nào đó mà có khi nhà số 1 lại nằm gần nhà số 15 -.-
Nếu không có smartphone, hoặc không biết đọc địa chỉ trên bản đồ thì chỉ có nước nhờ cảnh sát dẫn đi giùm thôi!!
Bằng kinh nghiệm và những thông tin lượm lặt “phỏng vấn” từ những người bạn Nhật của tôi, dưới đây là bài tổng hợp hướng dẫn bạn đọc và tra địa chỉ Nhật Bản trên bản đồ \m/
Chúng ta thử tạo tình huống ha — giả sử bạn không thể sử dụng một thiết bị thông minh nào bao gồm cả điện thoại hay tablet…
Cách đọc địa chỉ chuẩn Nhật
Đây là một địa chỉ theo chuẩn “Chà-pen”:
〒104-0061 Tōkyō-to, Chūō-ku, Ginza 3 Chome 5−12
(〒104-0061 東京都中央区銀座3丁目5−12 サヱグサビル本館)
Nếu bạn Google Map thì sẽ biết đó là Apple Store nằm ở khu Ginza.
Vậy dòng địa chỉ ở trên có nghĩa gì?
〒104-0061 : mã bưu điện
Tōkyō-to : (thành phố) thủ đô Tokyo
Chūō-ku : (thành phố) quận (khu) Chuo
TẠI SAO GỌI LÀ THÀNH PHỐ NẰM TRONG THÀNH PHỐ?
wikipedia
Các quận đặc biệt của Tokyo là những đơn vị hành chính thực quyền, có cơ cấu hoạt động giám sát và chấp chính. Chúng được gọi là các quận đặc biệt hay quận khu để phân biệt với các quận nhưng lại không phải là đơn vị hành chính thực sự thường thấy ở các thành phố cấp quốc gia ở Nhật. Trong Luật Tự trị Địa phương của Nhật Bản, các quận này được gọi là “quận của thủ đô”. Cư dân Tokyo coi mỗi quận này như là một thành phố riêng. Người nước ngoài dùng từ tiếng Anh “ward” để chỉ các quận này, song trụ sở chính quyền khu (区役所 (Khu dịch sở) Ku-yakusho?) vẫn được gọi là “city hall”, tức tòa thị sảnh
Ginza : quận Ginza
3 Chome : tiểu khu 3 trong quận khu Chuo (đoạn này mới bắt đầu rối nè)
5 : block 5 trong “3 Chome” (block là khối bao gồm nhiều nhà/tòa nhà sát nhau)
12 : nhà/tòa nhà số 12 trong block 5
Ngược với Việt Nam bắt đầu một chuỗi địa chỉ nhà bằng số nhà + tên đường rồi mới đến phường quận blah blah… và cuối cùng là tỉnh — thì địa chỉ ở Nhật bắt đầu bằng bằng tỉnh (ken, 県) ví dụ như Chiba-ken, Saitama-ken rồi đằng sau mới đến thành phố hay quận, thị trấn gì gì đó…
Nhưng có ba trường hợp ngoại lệ không dùng “ken” mà dùng: “to” (都) cho Tokyo, “dō” (道) cho Hokkaidō và “fu” (府) cho Osaka và Kyoto.
Sau tỉnh là thành phố. Các thành phố có dân số đủ lớn (hơn 500 ngàn dân) thì được chia nhỏ thành các thành phố/quận khu (ku, 区). Ngoài ra còn có các tiểu thành phố (shi, 市). Các đô thị nhỏ hơn thì được chia thành khu vực nhỏ hơn (gun, 郡) rồi đến thị trấn (chō /machi, 町) hay làng (mura /son, 村).
Việc đọc địa chỉ đâu là thành phố, quận, đâu là đường, đâu là tòa nhà thì đơn giản hơn nhiều so với việc… tìm nó trên bản đồ.
Kyoto – trường hợp đặc biệt
Ngày trước Sapporo vẫn nằm trong trường hợp đặc biệt nhưng giờ thì cũng đã chuyển sang dùng hệ thống địa chỉ quốc gia. Còn Kyoto vẫn giữ nét đặc trưng cho riêng mình.
Cách viết địa chỉ như trên là theo hệ thống chuẩn quốc gia. Nhưng vì cách viết đó có quá nhiều phần, nào là shi, ku, machi, chō, chome… rắc rối quá, nên hầu hết người dân Kyoto quay ra sử dụng một hệ thống “không chính thức” thay vào đó. Để thêm độ chính xác thì tên của chủ nhà cũng được ghi lên địa chỉ (tên chủ nhà thường được gắn trên hyōsatsu (札, bảng tên) phía trước nhà). Hệ thống này vẫn được công nhận bởi bưu điện và các cơ quan chính phủ.
Ví dụ địa chỉ Kyoto Tower:
〒600-8216 Kyōto-shi, Shimogyō-ku, Karasuma-Shichijō-sagaru, Higashi-Shiokōji 721-1
(〒600-8216 京都市下京区烏丸通七条下ル 東塩小路町 721-1)
Mổ xẻ điều đặc biệt trong địa chỉ ở Kyoto
〒600-8216 : mã bưu điện
Kyōto-shi, Shimogyō-ku : quận Shimogyo, Kyoto
Karasuma-Shichijō-sagaru : ngã tư Karasuma và Shichijō – phía Nam (đường Karasuma chạy theo hướng Bắc – Nam, giao với đường Shichijō chạy theo hướng Đông – Tây)
Higashi-Shiokōji : bên phải (phía Đông) đường Shichijō
721 : block 721 trong “Shimogyō-ku”
1 : nhà/tòa nhà số 1 trong block 721
Dịch nghĩa: nếu đi trên đường Karasuma thì đi về hướng Nam sẽ giao với Shichijō, quẹo phải để vào đường Shichijō, tìm block 721 tòa nhà số 1.
Hệ thống địa chỉ Kyoto hoạt động bằng cách đặt tên giao điểm của hai con đường. Nếu địa chỉ ở phía Bắc thì ghi thêm agaru (上ル, phía trên), phía Nam thì sagaru (下ル, bên dưới), phía Đông thì higashi-iru (東入ル, đi về phía đông) hoặc phía Tây thì nishi-iru (西入ル, đi về phía tây) của giao lộ. Tức là một tòa nhà có thể có nhiều hơn một địa chỉ tùy thuộc vào giao lộ đường nào được chọn. Đọc đến đây chắc bạn đã bắt đầu hoang mang rồi phải không? :)))
Cá nhân tôi thấy địa chỉ ở Kyoto khó xác định hơn ở các thành phố khác dù đường phố thì đơn giản hơn. Nếu bạn không có ý định đi Kyoto thì không cần phải lo mấy đâu. Còn nếu có đi thì lội xuống đọc ngay phần kết luận luôn cũng được ^^
Cách xem địa chỉ trên bản đồ
Hãy nhớ đang giả sử rằng bạn không thể sử dụng thiết bị điện tử thông minh nào. Sau đây là ví dụ. Bạn có thể áp dụng với bất kì tỉnh nào trên nước Nhật. Nếu có thể đọc được chính xác vị trí của địa chỉ trên bản đồ thì có thể thả bạn du lịch Nhật Bản một mình mà không cần lo lắng gì rồi ^^
Địa chỉ bên trên nằm ở Chuo, vì vậy hãy tìm bản đồ thành phố Chuo (hay Chuo-ku). Có 2 cách để có được bản đồ Chuo-ku trong trường hợp bạn không có smartphone:
- Lấy bản đồ tại nhà ga, sân bay
- Lấy bản đồ tại khách sạn đang lưu trú, các điểm du lịch hay bưu điện
Sau khi có được bản đồ Chuo-ku, hãy đến với công cuộc mò mẫm tiếp theo. Chuo-ku trên bản đồ sẽ thể hiện rất rõ bao gồm quận Ginza, Shintomi, Yaesu, Nihonbashi, Harumi, Tsukishima, Shinkawa…
Soi tiếp chi tiết quận Ginza sẽ thấy các tiểu khu (chome): Ginza-1, Ginza-5, Ginza-8… Tập trung tìm Ginza 3, block 5 rồi vẽ đường đi đến đó!
Viết đến đây cũng không chắc là có ai hiểu tôi đang cố nói điều gì không nữa -.-
Túm cái váy là…
Du lịch Nhật Bản mà không có smartphone vẫn là điều có thể làm được, dù là nơi có đường phố phức tạp như Tokyo hay vùng có địa chỉ kì lạ như Kyoto đi nữa. Nếu có thể đọc hiểu và tra địa chỉ trên bản đồ thì lại càng “ngầu” hơn. Đọc hiểu bản đồ là điều tối thiểu phải biết của trẻ em nước ngoài, nhưng lại trở nên khó nhằn đối với nhiều người lớn Việt Nam. Nếu bạn muốn đi nhiều, bạn sẽ cảm thấy việc đó là cần thiết.
Tuy vậy, nếu vẫn chưa quen với đọc bản đồ, xác định địa chỉ trên đó thì tốt nhất khi đi du lịch Nhật Bản, bạn vẫn nên mang theo:
- Tải sẵn map offline vào điện thoại
- Sim có internet để dùng hoặc thuê cục wifi di động ở sân bay
- Lên hẳn một lịch trình chi tiết để in tất cả các bản đồ liên quan đến nơi cần đến. Không thể dùng 2 cái ở trên thì quay ra lấy bản đồ giấy ra mò tiếp :)))
Tra tàu ở Nhật Bản khi không có smartphone cũng dở khóc dở cười lắm, nhưng mà tôi sẽ viết riêng ở một bài khác sau ^^