Học nấu món Nhật qua 3 bộ phim

Dưới đây là 3 bộ phim tôi khá thích về ẩm thực Nhật Bản.

  1. Little Forest (2 tập): bạn có thể tìm trên Google, không có trên Netflix
  2. Quán ăn đêm (2 phần): Netflix
  3. Izakaya Bottakuri (Phần 1 — 11 tập): Netflix

Trái ngược với những bộ phim tài liệu về ẩm thực cầu kì, lung linh đẹp mắt thì 3 bộ phim trên đều kể những câu chuyện về các món ăn quen thuộc, có thể dễ bắt gặp ở bất kì đâu trên nước Nhật, có cách làm đơn giản có thể tự nấu ở nhà. Điều làm nên sự gần gũi không chỉ vì nội dung nói về ẩm thực thường ngày, mà bởi còn có nhiều thông điệp nhân văn về gia đình, tình người, thiên nhiên, cuộc sống được lồng ghép trong mỗi tập phim.

#1 — Little Forest (Komori, リトル・フォレスト): Khu rừng nhỏ
phim ẩm thực Little Forest

Little Forest là bộ phim mà năm nào tôi cũng xem lại ít nhất một lần. Lí do một phần vì nó ngắn ^^ chỉ có 2 tập, mỗi tập khoảng 2 tiếng: summer / autumnwinter / spring với nội dung tương ứng là những câu chuyện nhỏ xoay quanh thức ngon mỗi mùa. Phần khác vì đầu óc tôi cảm thấy thư giãn khi xem những thước phim xanh mát vào hè, vàng ấm vào thu, trắng xoá vào đông hay hồng “bánh bèo” hoa anh đào nở rộ mùa xuân.

Nữ chính là nhân vật tháo vát, hầu như việc gì cô ấy cũng tự làm được: từ trồng lúa, rau quả đến gia cố lại một số chỗ trong nhà, chẻ củi bắt cá… Cô ấy vẫn có một công việc part-time nhưng vẫn giữ những hoạt động truyền thống. Cô ấy sinh hoạt hàng ngày theo kiểu “tự cung tự cấp” với khu vườn mùa nào cũng có rau quả để thu hoạch hoặc vào rừng nhặt hạt dẻ hái nấm… Bạn sẽ được nhìn thấy hình ảnh những cô gái trẻ sinh sống ở nông thôn Nhật Bản được khắc hoạ rõ nét qua nhân vật này.

Tôi tự nhận mình là một người khá tự lập, có thể làm được kha khá việc như sửa ống nước, trám trít sơn tường, thay đèn đóm… nhưng sau khi xem phim thì những khả năng tôi có lại vô cùng hời hợt, trong khi tôi luôn mong có cuộc sống êm đềm giống nữ chính. Bởi thế mới nói, trào lưu “bỏ phố về quê” cũng chỉ là trào lưu mà thôi chứ thực sự về quê sinh sống mà kiến thức về nông lâm ngư nghiệp và kiến thức thường thức không đủ thì chẳng khác nào tự làm khó mình.

Theo tôi cảm nhận, đây là một bộ phim healing, trong đó nữ chính tự chữa lành cho bản thân, còn bộ phim chữa lành cho người xem. Ngoài ra bạn còn có thể học cách làm nhiều món ăn 4 mùa theo cách “chuẩn Nhật” với công thức, nguyên liệu khá chi tiết—đây cũng là điểm tôi thích ở phiên bản gốc Nhật này hơn là bộ remake của Hàn.

#2 — Midnight Diner (Shinya Shokudo): Quán ăn đêm
phim ẩm thực Quán ăn đêm

Đoạn intro ở mỗi tập thu hút tôi ngay từ lần đầu—hình ảnh đường xá Tokyo ban đêm quen thuộc cứ lướt qua dưới ti tỉ ánh đèn đi kèm với tiếng nhạc chầm chậm. Intro của Shinya Shokudo có tính gây nghiện đối với tôi như thế. Cũng nhờ đoạn intro này mà tôi nảy sinh thiện cảm và bắt đầu xem phim mỗi khi rảnh rỗi.

Phim có bản điện ảnh và bản truyền hình. Tôi đã xem cả hai. Nếu bạn muốn xem đầy đủ chi tiết thì nên chọn bản truyền hình (20-30p/tập), mỗi tập là một câu chuyện của từng thực khách ở Shinya Shokudo. Còn nếu muốn coi lẹ lẹ nắm ý chính thì xem bản điện ảnh. Cả 2 bản đều dễ tìm bằng Google hoặc Netflix.

Quán ăn đêm mô tả rất chân thực cách thức hoạt động của các quán ăn ở trung tâm Tokyo vào ban đêm—mở cửa từ sập tối đến 2-3h sáng hôm sau, thời gian ban ngày là dành cho đi chợ và chuẩn bị nguyên liệu. Ngoài menu cố định thì còn có những món theo mùa, hoặc theo ý khách, hoặc có gì làm nấy freestyle tuỳ ý đầu bếp—nhiều khi khách hàng không biết mình sẽ được phục vụ món gì, một kiểu bất ngờ nhẹ nhàng mang lại niềm vui vào cuối ngày.

#3 — Izakaya Bottakuri: Quán nhậu Chặt Chém
phim ẩm thực Bottakuri

Izakaya Bottakuri cũng lấy bối cảnh là một quán ăn (nhậu) giống với Shinya Shokudo, cũng có giờ mở cửa là vào lúc tan tầm đến tận khuya, cũng menu theo mùa để hấp dẫn thực khách đến mỗi ngày, cũng có những câu chuyện nho nhỏ qua từng món ăn… Nhưng Izakaya Bottakuri có một điểm cộng lớn hơn (đối với tôi) là có phần hướng dẫn chi tiết cách làm món ăn sau mỗi tập phim và chuyên mục giới thiệu các loại đồ uống hoặc gia vị đi kèm.

Thực khách trong Bottakuri “thực” đến nỗi cứ như là bê từ ngoài đời vào phim vậy: các cụ ông cụ bà cao tuổi, không sống cùng con cái, thích đến quán quen nói dăm ba câu chuyện, ăn một vài món ngon, uống vài chén rượu; những người trẻ với áp lực công việc cần một nơi xả stress; những lời bông đùa và hành động “tự nhiên” đến mức khó chịu của một vài cụ ông khiếm nhã… Đây hoàn toàn là những hình tượng cơ bản của các đối tượng khách hàng tại Nhật mà tôi đã từng tiếp xúc thực tế. Tôi khá ngạc nhiên khi đạo diễn và biên kịch không có ý định giấu giếm những điều tiêu cực đó đi mà cứ “lồ lộ” hẳn trên phim.

Tôi vừa được giới thiệu thêm một vài bộ khác cũng theo hơi hướng giản dị như 3 bộ trên. Tôi sẽ review sau khi xem một vài tập ha! 😉
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x