Hướng dẫn và duy trì thói quen đọc sách của con

Từ lúc Bôm bắt đầu chú ý nhiều hơn đến sách, thích đọc chữ, học số… tôi vừa phấn khởi vừa lo lắng vì đối với con những năm đầu đời rất quan trọng và tôi (đã, đang, sẽ) là người-ảnh-hưởng-chính đến con trong những năm này. Cũng do vậy, tôi đã cố gắng đọc thêm – bổ sung kiến thức để có thể hướng dẫn và giúp con duy trì thói quen đọc sách.


Tại sao tôi khuyến khích con đọc sách sớm

Theo tổng kết lượm lặt nhiều nguồn, tôi tóm tắt lại 6 lợi ích mà việc đọc sách mang đến:

  1. Nâng cao kiến thức
  2. Cải thiện sự tập trung, cải thiện trí nhớ, tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích
  3. Tăng vốn từ và khả năng diễn đạt (hoàn thiện kỹ năng viết, học được phong cách viết và cách dùng từ của tác giả…)
  4. Giảm căng thẳng, tránh lão hoá
  5. Điều chỉnh được cảm xúc bản thân, học được nhiều cách xử lí tình huống
  6. Tạo dựng được thói quen lành mạnh, bổ ích, hạn chế những thói quen xấu như tư duy thụ động, thờ ơ vô cảm…

Thói quen đọc của bé nếu được hình thành sớm sẽ có tác động sâu sắc đến sự phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, cảm xúc, nhân cách trong quá trình phát triển sau này. Không chỉ muốn con duy trì thói quen đọc sách, tôi còn muốn xây dựng “văn hoá đọc” trong gia đình mình.

“Văn hoá đọc là một khái niệm có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước… Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.”

Nguyễn Hữu Viêm, Văn hoá đọc và phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam | thư viện quốc gia Việt Nam

CHIA SẺ: Link download bài viết khá dài nhưng hay của tác giả Nguyễn Hữu Viêm trên Tạp chí Thư viện Việt Nam.


Cách hình thành thói quen đọc

Trong cuốn “The Power of Habit…” của Charles Duhigg có viết:

This process within our brains is a three-step loop. First, there is a cue, a trigger that tells your brain to go into automatic mode and which habit to use. Then there is the routine, which can be physical or mental or emotional. Finally, there is a reward, which helps your brain figure out if this particular loop is worth remembering for the future: THE HABIT LOOP.

Tạm dịch: Thói quen được hình thành dựa trên một vòng lặp ba bước. Đầu tiên, “sự gợi ý” như một nút bấm sẽ đưa não bộ vào trạng thái tự động và lựa chọn thói quen để sử dụng. Sau đó, một “hoạt động”, có thể thuộc về thể chất, tinh thần hay cảm xúc diễn ra. Cuối cùng, “phần thưởng” xuất hiện sẽ giúp não bộ xác định vòng lặp đó có cần ghi nhớ để sử dụng sau này không. Quá trình này gọi là vòng lặp thói quen.

Charles Duhigg, The Power of Habit: Why We Do What We Do in Life and Business

Thói quen đọc của bé, hay bất kì thói quen nào khác của con người, đều được vận hành trên cơ chế này. Vòng lặp thói quen đọc bắt đầu từ khi bé tiếp xúc với một cuốn sách (gợi ý). Cuốn sách mang lại sự vui vẻ, hứng thú cho bé (phần thưởng) qua những tương tác trong sách (hoạt động). Nếu quá trình này được lặp lại liên tục, nhiều lần, với một nhịp độ nhất định, nó sẽ dần hình thành nên thói quen đọc. Khi thói quen này đã ăn sâu vào tiềm thức thì sẽ trở thành động lực thôi thúc bé đọc mà không cần tới bất cứ một sự ép buộc hay khích lệ nào. Đây cũng là lí do mà các sách tương tác “lên ngôi”, hỗ trợ thêm cho phụ huynh giúp con tiếp cận với sách.

ĐỌC THÊM: Book Review | Sách tương tác con đọc khi 2 tuổi

Tôi tạo thói quen nghe mẹ đọc sách buổi tối trước khi đi ngủ từ khi bé được 7-8 tháng tuổi. Sau khi thói quen được hình thành, hôm nào tôi “giả vờ” quên thì bé sẽ tự lấy sách mang đến ra hiệu muốn mẹ đọc cho nghe. “Cơ chế” này cũng đã được Charles Duhigg phân tích trong sách (qua thí nghiệm của giáo sư Wolfram Schultz những năm 80) để chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa “gợi ý” và “phần thưởng”. Việc bé muốn đọc sách giống “sự thèm muốn” nước trái cây của con khỉ Julio trong thí nghiệm đó.

Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, ở nhiều nước người ta bắt đầu thực hiện từ tuổi trước khi đến trường, do các bậc cha mẹ thực hiện. Còn trong suốt cuộc đời đi học và sau khi ra đời là quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng đọc. Trong suốt quá trình học tập, mỗi cá nhân phát hiện ra sở thích đọc của chính họ để phát huy sở trường và hạn chế những sở đoản.

Nguyễn Hữu Viêm, Văn hoá đọc và phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam | thư viện quốc gia Việt Nam

Đến hiện tại, con không chỉ có thói quen đọc sách, mà còn có nhiều thói quen dễ thương khác như phụ ông tưới cây (vào mỗi buổi chiều), phụ mẹ xếp quần áo, lăn bụi giường trước khi đi ngủ…


Các yếu tố hỗ trợ xây dựng thói quen đọc cho con

Đọc sách là một quá trình đòi hỏi cao tính kiên trì và khoa học, là con đường ngắn nhất để tiếp nhận kinh nghiệm xã hội và kinh nghiệm sống. Việc tôi xây dựng văn hoá đọc trong gia đình chính vì mong muốn con giữ được thói quen đến khi lớn lên.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, con càng lớn thì càng thích chạy nhảy hơn là ngồi một chỗ đọc sách như trước, có quá nhiều điều thú vị trong cuộc sống cần con khám phá. Mà cũng không thể ép buộc con ngồi một chỗ, càng cưỡng ép càng gây nên sự chán ghét. Chính vì vậy mà tôi cứ từ từ, dần dần từng chút một hướng dẫn con bằng thực tế:

Yếu tố “cần”—môi trường (gia đình, trường lớp, bạn bè)
  • Làm gương cho con, đọc sách trước mặt con
  • Tạo không gian đọc cho con: vị trí đọc, ánh sáng, màu sắc, nhiệt độ, yên tĩnh…
  • Mua sách phù hợp lứa tuổi và sở thích
  • Thường xuyên cho con đi mua sách, đến thư viện
  • Cùng con đọc sách, tạo điều kiện để con đọc sách cùng bạn
  • Khích lệ, ghi nhận những tiến bộ để khơi dậy cảm giác tự tin, nuôi dưỡng cảm xúc của con
Yếu tố “đủ”—các quy tắc
Khoảng cách Harmon (Harmon Distance)

Khoảng cách lý tưởng để đọc sách/viết là khoảng cách Harmon—khoảng cách đo từ cùi chỏ đến đốt ngón tay giữa (theo “Harmon Distance” của Dr. Darrell Boyd Harmon).

Ở người lớn là cỡ 35-40cm, trẻ em thì khoảng cách này sẽ gần hơn.

Ngoài ra có thể áp dụng thêm 9 quy tắc khác được nhắc đến ở TEN RULES FOR MAXIMUM EYE COMFORT (tiếng Anh)

Áp dụng khoảng cách này vào việc đọc sách có thể giúp con bảo vệ mắt và cột sống.

Quy tắc 10,000 giờ (10,000 Hours Rule)

Quy tắc 10,000 giờ thường được dùng để “luyện tập có chủ đích” (deliberate practice) để trở nên xuất sắc vượt trội. Đối với việc đọc sách mà nói, tôi hi vọng con có thể duy trì được trước, rồi “luyện tập” để “xuất sắc vượt trội” sau.

Giả sử, nếu có thể dành ra 3 tiếng mỗi ngày để đọc (không nhất thiết chỉ sách học/sách giáo khoa, còn có thể là tạp chí, truyện tranh…), liên tục trong vòng 10 năm, thì coi như đã đáp ứng đủ 10,000 giờ còn kết quả có trở nên “xuất sắc vượt trội” không thì chưa biết. Bởi vậy cái tôi cần ở quy tắc này không chỉ là thói quen đọc được duy trì mà còn muốn biết thêm về “thiết kế hoạt động rèn luyện để đạt được mục tiêu” được nhắc tới trong quy tắc để có cách hướng dẫn thích hợp cho con.

Để “luyện tập có chủ đích” hiệu quả, cần chú ý quan sát và tạo thử thách cao hơn so với năng lực thực tế của con nhưng không được quá khó (tùy theo từng độ tuổi) để con phải cố gắng hết mức để hoàn thành.


Tâm sự

Mẹ tôi, tức là bà Ngoại của Bôm, mua những quyển truyện tranh đầu tiên cho tôi khi tôi học lớp 3. Vài năm sau tôi mới biết mẹ đã từng mua cho anh Hai tôi full bộ “7 viên ngọc rồng” và nhiều bộ truyện khác. Từ đó, tôi “kế thừa” tủ truyện của anh, bắt đầu sưu tầm và cho mấy đứa bạn trong xóm thuê để tích góp tiền mua thêm truyện mới. Có thể nói mẹ tôi là người đã dạy tôi đọc sách và “kinh doanh”–bắt đầu từ những cuốn truyện tranh.

Mẹ tôi ngày trẻ đến giờ đều rất chăm đọc sách. Những quyển sách như “Kiến thức ngày nay”, “Văn nghệ quân đội”, “Kiến thức gia đình”… mẹ tôi có không thiếu một số nào. Rồi lại sau đó vài năm tôi mới lại được biết thói quen đọc sách của mẹ là học từ mẹ-của-mẹ, tức là bà Ngoại tôi ^^

Việc đọc sách đối với nhà tôi có thể xem là ”truyền thống gia đình”. Tôi đánh giá cao vai trò của gia đình, môi trường trong sự phát triển của con trẻ. Điều kiện của tôi bây giờ tốt hơn thời của bà của mẹ nên có nhiều thời gian dành cho con, có thể đồng hành cùng con. Tôi vui vì điều đó ☺️

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x