Khi phỏng vấn học bổng, tôi đã được hỏi: “Tại sao lại chọn Nhật Bản (để học tập và làm việc)?”
Tôi khi đó đã trả lời khá rập khuôn dù có dùng cách nói bài bản hơn bình thường, nhưng tựu chung lại vẫn là vì thích văn hoá (hoa anh đào, sushi, kimono, geisha…) và tính kỉ luật của người Nhật, muốn cống hiến blah blah blah…
Để mà nói về những điểm cuốn hút của Nhật để giải thích cho câu hỏi tại sao thì nhiều lắm nên thường những điểm tiêu cực hầu như chỉ như cành cây ngọn cỏ, đều không quan trọng. Nhưng khi bắt đầu sống trong xã hội Nhật Bản, bạn sẽ nhận thức được mọi thứ đều 50:50, tức là điều không tốt ở Nhật cũng rất nhiều. Những gì “vô hình” đáng sợ hơn những thứ có thể thấy được bằng mắt.
Quạ
Tokyo có cực kì nhiều quạ.
Tôi có 3 lần chuyển nhà ở Tokyo, lần thứ 2 trong số đó mới là lần “đi vào lòng đất”.
Chuyện là sau một thời gian làm quen cuộc sống, tôi chuyển từ kí túc xá trường ra một chung cư có tên là LeoPalace21—một hệ thống chung cư có tiếng ở Tokyo, xuất hiện trải dài khắp nước Nhật. Xung quanh chung cư là nhà dân, có vườn tược, nhìn rất mát mẻ và cảm giác yên bình.
Mọi chuyện cứ yên ả trôi qua cho đến một đêm nọ, housemate đi làm về khuya, tôi ở nhà một mình. Chả có gì đáng nói nếu bọn quạ không nhè đêm đó tập trung ngay tại khu nhà, thi nhau la hét “quạ quạ quạ…”
Hẳn là bạn biết cái tiếng kêu khó chịu đó chứ? Nếu chưa biết thì bạn có thể tham khảo ở đây.
Không chỉ thế, chúng nó còn giành nhau đậu trên hàng rào, khu vực để rác, trên cành cây… Bạn đã xem Harry Potter chưa? Tụi quạ đậu y chang như tụi cú trong Harry Potter vậy đó!!
Hình như tôi so sánh hơi quá -.-
Nhưng mà bạn cứ tưởng tượng vậy đi! Tiếng quạ kêu trong đêm và cảnh tượng không thể kinh dị hơn khi mấy con chim mỏ khoằm đen thui đậu khắp mọi nơi.
Tôi còn chả nhớ mình đã ngủ bằng cách nào, chỉ biết sáng thức dậy mặt mũi phờ phạc hốc hác, mắt thâm quầng.
Bước ra khỏi cửa nhà mới thực sự là nỗi ám ảnh: rác bay tung toé.
Thủ phạm còn ai khác ngoài lũ quạ.
So với việc dọn bãi chiến trường này thì việc lũ quạ kêu la đêm qua không là gì cả!
Tụi nó bươi rác cả ngày lẫn đêm. Đừng bảo Nhật sạch sẽ lắm. Cũng có những góc như bên dưới ngay giữa thủ đô vầy nè!
Lũ quạ quậy phá là vậy nhưng vẫn được lấy làm cảm hứng cho các nghệ sĩ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật.
Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi không thích quạ (có khi vì đã ám ảnh rằng chúng nó ăn cả thịt người, rỉa người ta cho tới khi chỉ còn bộ xương…) và không thích cả việc dọn rác rơi vãi ngoài đường vì lũ quạ. Mà Nhật Bản thì cứ như là căn cứ của chúng nó vậy!
Những kẻ biến thái
Cũng là khu nhà đó, tôi và housemate đều bị trộm đồ lót lúc phơi đồ. Nhà chúng tôi ở tầng trệt, có cái sân phơi riêng trải sỏi rõ to rõ tiện và cũng rõ dễ trộm.
Sau khi phát hiện ra bị mất đồ lót, tôi vội tưởng tượng trong đầu “chân dung” của tên biến thái: một tên râu ria đang đội quần chíp như Hentai Kamen (bạn có thể tìm nhân vật này trên google).
“Khu này trông an ninh thế mà cũng có biến thái Phương-chan ạ!”
– Nana bảo tôi
Sau khi thảo luận thì nhà tôi 3 người quyết định báo công an—đích thị là mấy anh công an đạp xe đạp nhìn có vẻ cực kì thân thiện trong các manga, anime và phim í!!
Các anh ấy đến, kiểm tra thẻ ngoại kiều, hỏi thăm dăm câu ba sợi, lật sổ ghi ghi xong… đi về. Đúng là ngoài cái thân thiện ra thì không được cái tích sự gì trong quá trình điều tra. Họ còn không cố gắng check camera, cứ như việc bị mất trộm đồ lót là việc bình thường ở huyện.
Từ sau vụ đó nhà tôi bắt đầu lo sợ những cái khác—những thứ nhan nhản trên báo đài: bắt cóc, giết người, hiếp dâm… làm tôi nhiều lúc “thần hồn nát thần tính”, cứ có cảm giác mình bị theo dõi khi đi qua những đoạn đường vắng nhiều cây cối ít nhà dân vào lúc trời nhập nhoạng :-<
Nỗi ám ảnh đó cứ theo suốt đến mãi bây giờ.
Virus cúm mùa influenza
Người Nhật rất ám ảnh cúm mùa influenza bởi đây là thủ phạm vô hình làm tăng số người chết vì cúm qua từng năm.
Biểu đồ thể hiện số người chết vì cúm mùa influenza trong 10 năm từ năm 2009 đến 2019
Cúm mùa influenza dễ bị “dính” nhất là từ tháng 12 đến tháng 3, khi giao mùa—chuyển từ mùa đông sang mùa xuân. Để biết được có phải bị cúm mùa hay không thì bạn cần phải đi khám ở bệnh viện, lấy mẫu xét nghiệm bằng cách dùng tăm bông ngoáy sâu bên trong mũi, giống như lấy mẫu xét nghiệm test nhanh Covid. Ở Nhật lại chỉ bán thuốc theo đơn nên không thể nào “tự chữa” tại nhà.
Tôi bị influenza vào tháng 2 năm 2016. Triệu chứng bệnh phát triển rất nhanh làm tôi xỉu up xỉu down theo nghĩa đen. Đi bệnh viện khám thì bác sĩ cho tôi cách ly hẳn 18 ngày, viết luôn tờ chỉ định cách ly để tôi nộp cho trường 😐
Bên cạnh đó, tôi phải gọi điện thoại xin nghỉ ở 2 chỗ làm part-time. Bình thường tenchou (quản lí) rất khó chịu nếu có ai đó xin nghỉ gấp, nhưng khi tôi chụp hình tờ chỉ định của bác sĩ gửi qua LINE thì thái độ “lão” (sinh năm 1990 thôi nhưng khó tính và nghiêm khắc như ông già) quay ngoắt 180 độ, vội hỏi thăm các kiểu, dặn dò cách ly cẩn thận, đừng có đi lung tung lây bệnh cho người khác, khi nào khỏe thì đi làm lại, không cần vội đâu 😐
Ấy thế nên khi nghe Nhật Bản “toang” vì coi thường Covid tôi đã rất ngạc nhiên. Người Nhật, từ người trẻ đến người già, đều sợ bị influenza nhưng lại không quan tâm lắm đến loại cúm còn kinh khủng hơn influenza. Ngay cả hiện tại, số người mắc Covid vẫn tăng mỗi ngày nhưng họ vẫn đi chơi, đi du lịch, tụ tập hội hè và vẫn còn một cơ số người không chịu đeo khẩu trang nơi công cộng.