IQ, EQ, AQ: chỉ số nào quan trọng với bé?

Trong bài Brain Development của First Things First có một đoạn:

At birth, the average baby’s brain is about a quarter of the size of the average adult brain. Incredibly, it doubles in size in the first year. It keeps growing to about 80% of adult size by age 3 and 90% – nearly full grown – by age 5.

Tạm dịch: Khi mới sinh, bộ não của trẻ trung bình có kích thước bằng một phần tư kích thước của bộ não trung bình của người lớn. Thật đáng kinh ngạc rằng nó tăng gấp đôi kích thước trong năm đầu tiên. Bộ não trẻ tiếp tục phát triển bằng khoảng 80% kích thước bộ não người trưởng thành vào năm 3 tuổi và 90% — gần như phát triển hoàn toàn — khi 5 tuổi.

Vậy mới thấy việc phát triển não bộ những năm đầu tiên ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sau này của bé. Não bộ phát triển như thế nào đều được thể hiện ra bằng hành động, cách cư xử, cách xử lí tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Phụ huynh thì thường ”sốt ruột” muốn biết con mình phát triển như thế nào, có bình thường đúng với số tuổi không… Các bài test theo độ tuổi để đánh giá các chỉ số phát triển của bé theo nhu cầu của phụ huynh cứ thế được ”đẻ” ra…

Nhưng có nên cho con test không, nên test những chỉ số thông minh nào, khi nào test thì chính xác…?

Theo như tôi tìm hiểu thì có “sơ sơ” khoảng chục-cái-chỉ-số-thông-minh thôi chứ không nhiều ? Trong đó nghe nhắc nhiều ở trẻ em nhất thì có chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ) và chỉ số vượt khó (AQ). Sau mấy ngày Tết này thì các-chị-mẹ chia sẻ thêm với nhau về cách phát triển chỉ số thông minh tài chính (FQ) để “quản lí lì xì” cho con nữa ^^

Để trả lời được câu hỏi chỉ số nào quan trọng với bé thì trước tiên cần hiểu các chỉ số này trước ha!


IQ — Chỉ số thông minh

Tôi trích một số đoạn mà tôi đã đọc được về chỉ số IQ ở trẻ:

At what age can you test a child’s IQ? While you can test a child’s IQ as early as 2 years and 6 months of age, the results may not be accurate and may in fact change with age. The best time to test IQ in children is between ages 5 and 8.

Tạm dịch: Bạn có thể kiểm tra chỉ số IQ của trẻ ở độ tuổi nào? Mặc dù bạn có thể kiểm tra chỉ số IQ của trẻ ngay từ 2 tuổi rưỡi, nhưng kết quả có thể không chính xác và trên thực tế có thể thay đổi theo độ tuổi. Thời điểm tốt nhất để kiểm tra chỉ số IQ ở trẻ em là từ 5 đến 8 tuổi.

Trích Verywellfamily

Chỉ số IQ của trẻ sẽ đại diện cho khả năng tư duy logic của đứa trẻ đó. IQ của trẻ đã bắt đầu hình thành từ khi 4 tuổi, và sẽ phát triển liên tục đến năm 16 tuổi. Chỉ số này sẽ giúp các bậc phụ huynh sớm nhận diện được khả năng của con em mình, từ đó đưa ra những định hướng học tập phù hợp với trẻ.

Sẽ có những bé với thiên bẩm sử dụng não trái (Logic) tốt thì kết quả IQ test sẽ cao, nhưng không có nghĩa là các bé đạt điểm IQ không cao là dở. Vì đơn giản đó là những bé thiên bẩm sử dụng não phải (Cảm xúc) nhiều hơn.

Trích Tổ chức trí tuệ cao Việt Nam

Bé Bôm chỉ mới 2 tuổi nên tôi vẫn chỉ cho con chơi đợi ”đủ tuổi” rồi tính ^^

Vậy thì trong lúc đợi “đủ tuổi”, có những cách nào giúp tăng IQ cho bé?

Nói rộng ra, chỉ số IQ thể hiện khả năng học, hiểu và áp dụng thông tin để dùng trong suy luận logic, kỹ năng toán học, tư duy trừu tượng và không gian, lọc thông tin… nên tôi đang cùng con rèn luyện những điều đó thông qua việc:

  1. Hàng ngày bày trò chơi liên quan đến con số như: tự chế trò pompom, đếm kẹo hay đếm bất kì thứ gì bé thích, nhận biết mặt số…
  2. Cho bé vẽ, tô màu, sau đó sẽ cùng bé tưởng tượng ra các sự vật, sự việc khác
  3. Cùng bé chơi xếp hình—một level cao hơn của bảng núm gỗ
  4. Quy định 10 phút cố định trong ngày để cho bé chơi game trên app (ABC123Learning, TinyTap, Toddler games, Babylearning…) để vừa luyện tư duy suy luận logic, vừa luyện vận động tinh

Ngoài ra tôi còn áp dụng 3 cách giúp bé tăng IQ theo Inc.:

  1. Bổ sung Omega-3 cho bé mỗi ngày
  2. Đọc sách cho bé nghe và nói chuyện với bé
  3. Kì vọng bé sẽ thông minh

Bên cạnh việc đọc sách cho bé nghe thì tôi còn cùng con duy trì việc đọc sách mỗi ngày

Thêm nữa, tôi áp dụng kèm những cách khác từ các nguồn thông tin nước ngoài (nếu bạn quan tâm thì có thể dùng keyword là “simple ways to boost your baby’s IQ/baby smarter” để tìm kiếm).


EQ — Chỉ số cảm xúc

Chỉ số cảm xúc (EQ) hay trí tuệ cảm xúc là khả năng xác định, đánh giá, kiểm soát và thể hiện cảm xúc của chính mình; nhận thức và đánh giá cảm xúc của người khác; sử dụng cảm xúc để suy nghĩ và hiểu các ý nghĩa tình cảm… Ở Việt Nam, EQ chưa được biết đến nhiều và đề cao như IQ nhưng tìm hiểu kĩ thì mới biết rằng những bé có chỉ số EQ cao sẽ có khả năng thành công và một cuộc sống hạnh phúc hơn những bé khác. Vì vậy mà việc hỗ trợ bé phát triển chỉ số cảm xúc rất quan trọng và cần phải thật cẩn trọng.

Khi bé còn nhỏ—chưa kiểm soát được hành vi—thì có thể dễ thấy bé:

  • tức giận khi không vừa ý
  • ăn vạ
  • ném đồ
  • đánh ba mẹ…

Mỗi lần như vậy phản ứng thông thường của bạn sẽ là gì? Hét lên với con, gằn giọng, hay sử dụng bạo lực…?

Một số cách tôi giúp con điều chỉnh cảm xúc, hành vi (tham khảo từ nhiều nguồn)
  1. Không phủ nhận cảm xúc của con bằng những câu “có đau đâu mà khóc, có thế thôi mà cũng sợ…” — việc phủ nhận cảm xúc của bé sẽ khiến con nghĩ rằng việc thể hiện cảm xúc như vậy là không đúng, dần dần con sẽ không dám bộc lộ cảm xúc của chính mình, ảnh hưởng đến tính cách sau này của con: tự ti, nhút nhát…
  2. Gọi tên cảm xúc của con — giúp con phân loại cảm xúc và hiểu được cảm xúc của bản thân: thích, không thích, sợ, đau, vui, buồn…
  3. Giúp con điều chỉnh cảm xúc — Bé Bôm giai đoạn “khủng hoảng lên 2” có những lúc “ngang ngược” không thể chịu nổi, tôi đến stress vì con. Tôi đã từng áp dụng đủ cách: ôm con rồi thủ thỉ hướng dẫn con cách thể hiện cảm xúc, ngồi bên cạnh đợi con gào khóc lăn lóc trên vỉa hè, quy định “góc phạt” và không thỏa hiếp với cơn ăn vạ… Cuối cùng thì sau 2 tháng kiên trì, con cũng đã có những biểu cảm rất dễ thương, tần suất cáu bẳn thưa dần, thường xuyên thể hiện tình cảm với mẹ với bà
  4. Quan trọng nhất, phụ huynh là nhân tố quyết đinh, cần phải “chăm sóc” cảm xúc của chính mình — để làm gương cho con, để đủ bình tĩnh hướng dẫn con, nuôi dưỡng cảm xúc của con. Không có đứa trẻ nào có thể vui vẻ nếu ba mẹ chúng luôn khó chịu và cằn nhằn.
    “Để trẻ em cảm thấy an toàn khi tham gia vào các cuộc đối thoại theo chủ đề cảm xúc, điều quan trọng là chúng ta, những người trưởng thành, cũng cần phải biết tự điều chỉnh cảm xúc của chính mình.”

IQ và EQ ”hot” đến nỗi được dùng làm đề bài viết luận trong kì thi học sinh giỏi Văn lớp 12 ở Huế vừa rồi ^^


AQ — Chỉ số vượt khó

Năm 1997, nhà tâm lý học người Mỹ Paul Stoltz lần đầu tiên đưa ra 1 khái niệm mới trong cuốn sách “Adversity Quotient: Turning Obstacles into Opportunities” — khái niệm AQ (viết tắt của Adversity Quotient), nghĩa là xoay chuyển trở ngại thành cơ hội. Trong đó, ông định nghĩa, AQ là đại lượng đo khả năng đối diện và xoay sở của một người trước các thay đổi, áp lực và các tình huống khó khăn. Tại sao một số người trở nên xuất chúng, rất thành công, trong khi những người khác lại nản lòng, thất bại cho dù họ có thừa thông minh hoặc tư cách tốt? Điểm khác nhau giữa họ chính là sự chênh lệch về AQ – khả năng đối mặt và đương đầu có hiệu quả trước những khó khăn và nghịch cảnh.

Trong cuốn sách xuất bản sau đó, “Adversity Quotient at Work”, bàn kỹ hơn về vấn đề tương tự, ông giải thích cụ thể hơn cách thức áp dụng khái niệm AQ để có thể mang lại lợi ích. Nhiều nhà tâm lý đã ủng hộ rất nhiệt tình cho thuyết AQ này.

Paul Sloltz cho rằng, những người có AQ thấp thường dễ xúc động và dễ buông xuôi trước nhiều vấn đề trong cuộc sống, trong khi những người có AQ cao sẽ ít khi đầu hàng và dễ dàng trở thành lãnh đạo trong tương lai. Ông phân định ra 3 dạng người dựa trên cách thức họ đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc đời là: Quitter, Camper và Climber.

  1. Quitter — là những người dễ buông xuôi. Họ dễ dàng nản chí, dễ dàng từ bỏ việc theo đuổi 1 công việc, 1 dự định và cao hơn là 1 mục đích sống. Và kết quả là thường giữa đường đứt gánh, nhận thất bại, hoặc kết quả không như ý
  2. Camper — là những người chịu khó, làm việc chăm chỉ, có ý thức phấn đấu rèn luyện bản thân, và sẽ làm nhiều thứ để đạt tới 1 mức độ nhất định nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, họ dễ hài lòng và thoả hiệp với bản thân để thấy như vậy là đủ
  3. Climber — là những người có sự kiên định và hoài bão lớn. Họ luôn học hỏi, rèn luyện bản thân, nỗ lực cố gắng để đạt tới những mức độ tốt nhất có thể trong khả năng. Họ cũng thường là tuýp người không chấp nhận 1 tình thế sẵn có, và tìm cách xoay sở để cải thiện nó tốt hơn

Theo đó, ông coi chỉ số đo khả năng vượt qua những điều kiện khó khăn là yếu tố lớn nhất trong những phẩm chất tạo nên sự thành công của con người. Theo Paul Sloltz, chỉ số AQ có thể đo mức độ hoài bão, nỗ lực, sự sáng tạo, năng lượng, sức khoẻ lý tính, xúc cảm và hạnh phúc của một người. Nó cũng chính là chỉ số đánh giá 4 mức độ cao thấp của bản lĩnh sống:

  • Đối diện khó khăn
  • Xoay chuyển cục diện
  • Vượt lên nghịch cảnh
  • Tìm được lối ra

Theo quan niệm của nhiều người, IQ là chỉ số quyết định tất cả, có nghĩa là phần nhiều thuộc về “thiên phú”, khó có khả năng thay đổi được. Trong khi đó, AQ là đại lượng có thể được rèn luyện để “cải thiện, nâng cao”.

Vậy mẹ cần làm gì để giúp con tăng chỉ số AQ?

Nói cho “cao siêu” vậy thôi chứ thực ra có rất nhiều việc thường ngày ba mẹ có thể giúp bé tăng chỉ số AQ. Và những bài tập/việc giúp bé tăng AQ cần phải phù hợp với lứa tuổi.

Ví dụ em bé Bôm đã được “luyện tập” bằng cách:

  • Trải nghiệm ngồi sau yên xe đạp (xe đạp mini có thêm 2 bánh phụ), đi trên đường nhỏ (tạo con đường với bề ngang hẹp để con đi trong đó), bịt mắt đi theo dây… để con cố gắng giữ thăng bằng, luyện tập khả năng định vị trong không gian tối
  • Phụ giúp làm việc nhà, bao gồm việc tự dọn đồ chơi, lăn bụi cho giường, quét nhà… để tập tính tự lập
  • Ăn dặm tự chỉ huy, tập dùng thìa, nĩa, đũa…
  • Cho con thời gian tự chơi với bạn
  • Cùng con chơi các trò vận động, tạo thử thách tăng dần đồ khó

Có những bài tập được các mẹ chia sẻ cho nhau như:

  1. Khi vừa sinh con ra mẹ cho con tập nằm sấp và đi tìm ti mẹ
  2. Cho con nằm sấp càng nhiều càng tốt
  3. Cho con tập trườn, bò có chướng ngại vật và trên các địa hình khác nhau
  4. Các bài não không gian giúp con định vị không gian và có một hệ tiền đình tốt

nhưng đây đều là các bài tập cần phải có chuyên gia hướng dẫn, không nên tự làm.

Ngoài ra còn có những bài test (tốn phí) dạng trắc nghiệm nhưng nói chung cũng còn quá sớm để cho bé làm test. Nếu muốn đánh giá khả năng vượt khó của con, đơn giản nhất là đồng hành cùng con trong các thử thách, trò chơi vận động thì cũng có thể đoán được “phiên phiến” rồi ^^


Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x