Kì nghỉ hè 2 tuần ở Kuala Lumpur

Đây là một chuyến đi khá tùy hứng, tôi không có sự chuẩn bị nào cả. Tự nhiên được rủ, thế là đi thôi. Lúc đó tôi về Việt Nam chơi trong dịp nghỉ hè. Thay vì bay thẳng sang Tokyo, tôi “quá cảnh” lại Kuala Lumpur luôn… 2 tuần.


Một số thông tin về KL

du lịch Kuala Lumpur-Ringgit
Malaysia sử dụng đồng Ringgit, viết tắt là RM hay MYR.
du lịch Kuala Lumpur-Ringgit
Money trees. Tiền cổ hồi xưa trong bảo tàng ở KL.

RM1 = VND5,702 (tỷ giá tháng 2/2019)

Một số lưu ý:

  • Nên đổi tiền ở ngân hàng trước khi đi
  • Cũng có thể đổi ở quầy đổi tiền gần Lot 10 Hutong, giá rất được

Lưu ý vậy thôi chứ tiện chỗ nào đổi chỗ đó à :))

Tôi hay dùng Skyscanner để so sánh và tìm vé giá rẻ. Nó còn cho lọc xem vé của cả tháng, đưa ra chặng bay rẻ nhất.

Từ Việt Nam bay thẳng sang Kuala Lumpur hết có 2 tiếng hơn, khứ hồi khoảng 2 triệu. Lúc tôi đi thì canh được vé giá rẻ hơn một chút, 700 ngàn/chiều của AirAsia.

du lịch Kuala Lumpur-Airbnb
Thuê Airbnb rộng đẹp sang xịn rẻ thì hơi xa trung tâm
du lịch Kuala Lumpur-Airbnb
Còn gần trung tâm thì giá cao hoặc phòng bé tí.

Chuyện thuê khách sạn là mối bận tâm lớn không phải của riêng ai!! Tôi đã phải gấp rút tìm chỗ để ở nên có phần thiếu tìm hiểu kĩ. Vì vậy kinh nghiệm là:

  • Nếu ở ngắn ngày thì nên đặt phòng ở khu vực trung tâm Kuala Lumpur, quanh KL Sentral như Little India hay Bukit Bintang. Những khu này có nhiều đồ ăn, lại gần các điểm đón khách của xe buýt, gần ga tàu điện.
  • Nếu ở dài ngày thì nên thuê phòng có cho phép nấu ăn, có thể tiết kiệm một khoản kha khá. Phòng đó mà ở trung tâm nữa thì càng tốt.

Tôi đặt một phòng trong một căn hộ ở Le Yuan Resident khu Happy Garden qua Airbnb. Giá khi đó là 11$/đêm/người. Đây không phải là khách sạn nên đương nhiên không bao gồm ăn sáng nhưng bạn có thể sử dụng bếp, tủ lạnh hay bất kì vật dụng nào ở khu vực chung của căn hộ (cảm giác mỗi ngày ở đây rất giống ở nhà).

Khu này cách Petronas Twin Tower 13km, cách phương tiện công cộng xa tít mù. Tôi đã phải miệt mài đi bộ để ra ga tàu hôm đầu tiên, xong mấy ngày sau đó quyết định gọi GrabUber theo giới thiệu của chủ nhà với giá 1km = RM1. Tính tiết kiệm mà suy tính thất bại =)))))

Bù lại, căn hộ rất rộng và đẹp. Đồ nội thất mới tinh. Tầng P của Resident có hồ bơi, biển nhân tạo, phòng sauna, phòng gym… đủ cả. Chủ nhà thân thiện, tôi với chị ấy vẫn liên lạc với nhau đến tận bây giờ.

Đăng kí tài khoản Airbnb ở đây để tiết kiệm AUD$48 trong lần đặt phòng đầu tiên nè bạn ơi 😉

ĐỌC THÊM: Làm thế nào để kiếm tiền từ Airbnb?

Ngoài Uber và Grab ra còn có Hop On Hop Off – một loại xe buýt 2 tầng chạy quanh 23 điểm du lịch nổi tiếng của Kuala Lumpur;

Nhấn vào đây để đọc thêm về Hop-On Hop-Off

CÁCH MUA VÉ: Bạn có thể mua vé online hoặc mua trực tiếp tại xe ở 23 trạm dừng của Hop-On Hop-Off.

Nếu mua online thì bạn có thể tiết kiệm RM5 cho mỗi vé. Trẻ em dưới 5 tuổi được miễn phí.

Chú ý: Không được ăn uống trên xe.

CÁC LOẠI VÉ:

  • Vé dùng 24 giờ: người lớn RM55, trẻ em RM30;
  • Vé 48 giờ: người lớn RM79, trẻ em RM43;
  • Vé gia đình 24 giờ (2 người lớn + 2 trẻ em từ 5~12 tuổi): RM150

23 điểm dừng của xe buýt: Hop-On Hop-Off Tourmap (có thể tải về)

hoặc GoKL – là loại xe buýt màu hường, chạy quanh các điểm du lịch nổi tiếng của Kuala Lumpur MIỄN PHÍ;

hoặc taxi truyền thống.

5 điều cần biết trước khi đến Kuala Lumpur

Ban đầu tôi tính sẽ đi xe buýt GoKL cho tiết kiệm nhưng thực tế lại hơi phũ phàng. GoKL là xe buýt miễn phí nên dân tình đổ xô leo lên đó đi cho đỡ tốn tiền. Bọn tôi thấy chen chúc trong cái nóng và mùi mồ hôi người lạ thì oải quá nên sau đó quyết định mua vé của Hop On Hop Off đi cho khỏe.

Với taxi truyền thống, bạn nên kiểm tra tiền phải trả bằng app Uber hoặc Grab trước, không có app thì dùng Google Map đo xem quãng đường bạn cần đi dài bao nhiêu kilomet, cứ mỗi km giá RM1, rồi cứ vậy mà trả giá với mấy chú taxi ← cách này bao hiệu quả 😉

Bạn chỉ phải cần visa khi du lịch Malaysia trên 30 ngày. Bạn cần chuẩn bị sẵn vé máy bay khứ hồi hoặc vé máy bay bay sang nước khác để trình ở cửa nhập cảnh. Chứ không bị giữ lại ráng chịu.

Để tránh việc kể chuyện tâm tình dài dòng và sa đà vào chi tiết như thường viết, lần này tôi sẽ chỉ ghi địa điểm vui hoặc thú vị khi du lịch Kuala Lumpur thôi ha. Chứ lăn lê tận 2 tuần liền, kể đi đâu làm gì sẽ khá chán. Chỉ liệt kê các điểm du lịch đã đi thôi mà tôi đã thấy chán rồi nè!


20 điểm trong 3x điểm du lịch tôi đã đến trong 2 tuần

#1 — Jalan Alor
du lịch Kuala Lumpur-Jalan Alor

Jalan Alor xuất hiện trong mọi bài giới thiệu hướng dẫn du lịch Kuala Lumpur; nhộn nhịp từ 7 rưỡi tối, có hầm bà lằng các món từ hải sản đến mấy món truyền thống như Hokkien mee (mì tương đen Phúc Kiến), satay (thịt xiên, thịt bò và cừu ngon bá cháy) :-> Nếu thuê phòng ở gần đây sẽ không sợ bị đói vào ban đêm :))

Tôi cũng vì tò mò muốn khám phá ẩm thực địa phương nên rất hào hứng note lại trong sổ về địa điểm này. Ở đây không chỉ có các món ăn địa phương mà còn có đặc sản các nước, ví dụ như có một tiệm Little Vietnam bán phở và các món lẫu nướng.

2 ga xe lửa gần Jalan Alor nhất là Imbi Hang Tuah.

#2 — Little India

Little India là một mê cung đầy màu sắc của các cửa hàng dệt may, trang sức, nhà hàng chuyên phục vụ các sản phẩm từ Nam Ấn.

Chim bồ câu ở đây rất dạn người, có thể “canh me” chụp vài tấm.

Có hai món mà tôi có note trước khi đi nhưng không có cơ hội ăn là Masala dosacà ri lá chuối — 2 món truyền thống trong ẩm thực Nam Ấn du nhập vào KL hàng trăm năm nay.

Cà ri lá chuối: người Ấn sẽ ăn bằng cách dùng tay để bốc, còn khách du lịch thì được cho muỗng nĩa
#3 — KL Sentral

Nằm cách trung tâm thành phố 2 km, KL Sentral tích hợp một loạt các khách sạn “chanh sả”, các nhà hàng nổi tiếng. Con đường đi bộ từ Brickfields (Little India) đến KL Sentral có nhiều ngôi đền Phật giáo và hằng hà cửa hàng màu sắc rực rỡ vùng Nam Ấn.

KL Sentral còn có các trạm xe lửa LRT, KTM và Monorail. Các trung tâm mua sắm lớn của Kuala Lumpur cũng nằm cách ​​KL Sentral vài trạm tàu cho nên thuê phòng ở khu này là tiện nhất.

#4 — National Museum

Bảo tàng quốc gia được xây dựng năm 1963, có mái che kiểu Minangkabau truyền thống. Nếu bạn có hứng thú với các lĩnh vực lịch sử, kinh tế, địa lí, nghệ thuật, hàng thủ công và văn hóa của Malaysia thì Bảo tàng quốc gia này là điểm đến lí tưởng. Mà tôi hổng có hứng thú nên chỉ có lòng vòng bên ngoài chụp ảnh thoai :))

du lịch Kuala Lumpur-National Museum

Sau khi chụp hình check-in xong thì xe buýt màu hường GoKL cũng vừa tới. Nhìn vào xe thấy nhốn nháo quá nên tôi quyết định mua vé Hop-On Hop-Off 48-giờ (ngay tại điểm dừng dành cho xe buýt ở Bảo tàng) để đi cho sạch sẽ mát mẻ. Sau đó xe buýt Hop-On Hop-Off chạy các địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố.

#5 ~ #10

Tôi ngồi tầng trên của xe buýt cưỡi ngựa xem hoa, quyết không xuống xe vì lười. Trong suốt 23 điểm dừng (mà giờ là 27 – cập nhật tháng 3/2019), chỉ có thủy cung Aquaria là đông nghịt người (người chờ vào xếp cả hàng dài tràn cả ra đường). Nếu quay lại KL lần nữa, tôi sẽ không lười nữa ^^

du lịch Kuala Lumpur-6 trong 23 điểm mà Hop On Hop Off đi qua

Sau khi đi 1 vòng đói bụng, tôi xuống ở trạm Bukit Bintang, ghé vào Lot 10 Hutong Food Court ăn bữa xế.

#11 — Lot 10 Hutong Food Court

Lot 10 có 29 thương hiệu ẩm thực Trung Hoa nổi tiếng với các món ăn từ Phúc Kiến, Khách Gia, Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu, Macau được bày bán. Trong 2 tuần ở KL, tôi lui tới chỗ này tận 3 lần mặc dù từ chỗ tôi ở đến Lot 10 không gần một xíu nào. Nhưng vì đồ ăn ngon quá nên… ^^

du lịch Kuala Lumpur-29 thương hiệu nổi tiếng trong Lot 10 Hutong
#12 — Kinokuniya ở KLCC

Là chuỗi cửa hàng sách của Nhật được mở tại nhiều nơi trên thế giới, hiện đang là chuỗi cửa hàng sách lớn nhất ở Malaysia, bán nhiều loại sách từ văn hóa, chính trị, xã hội đến tiểu thuyết, giải trí, sách chuyên ngành, đĩa CD… và tôi chỉ có chôn chân ở góc bán vật dụng viết thư pháp Trung Hoa trong khi bạn tôi cắm đầu vào mớ sách học. Hai lần lui tới của 2 đứa tốn hết tổng cộng hơn 700 đô-la (cho mớ sách này đây…).

du lịch Kuala Lumpur-Kinokuniya
#13 — Chinatown

Được gọi là khu phố không bao giờ ngủ, sôi động và nhiều màu sắc rực rỡ hơn người hàng xóm KLCC và Bukit Bintang.

Khu Chinatown nằm ở đường Petaling. Tuy nổi tiếng và là điểm đến hấp dẫn khách du lịch nhưng tôi nghĩ đến đây không nên mua sắm gì cả, kể cả thảo mộc Trung Hoa bởi kiểu vàng thau lẫn lộn thượng vàng hạ cám chả biết đường nào mà lần.

du lịch Kuala Lumpur-Chinatown @Kuala Lumpur
#14 — Central Market KL

Là một trong những điểm đến quen thuộc nhất của KL và cũng nằm trên tuyến đường đi của GoKL và Hop On Hop Off. Từ Chinatown, dọc theo Jalan Hang Katsuri, đi bộ khoảng 500 mét là đến Central Market.

Chợ được xây vào năm 1928, còn có tên khác là Pasar Seni. Bắt đầu từ những năm 1980 đến nay, chợ được cải tạo thành thị trường chuyên buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ.

du lịch Kuala Lumpur-Central Market KL
#15 — Jonker Walk

Hay còn có tên Jalan Hang Jebat, là một con phố trong khu Chinatown của Melaka. Hai bên đường là những ngôi nhà di sản có từ thế kỉ 17; nhiều cửa hàng bán đồ cổ, hàng dệt, đồ thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm (tương tự những thứ bạn có thể tìm thấy ở Central Market KL).

Vào ngày thường, xe cộ lưu thông bình thường. Từ 6h tối thứ 6 hàng tuần đến hết ngày chủ nhật, phố cấm xe cộ và nguyên con đường trở thành chợ đêm đông đúc.

du lịch Kuala Lumpur-Jonker Walk
#16 — Christ Church Melaka

Là nhà thờ Tin Lành lớn nhất và hoạt động lâu đời nhất ở Malaysia được người Hà Lan xây dựng khi chiếm đóng Malacca vào thế kỉ 18. Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Hà Lan. Quanh khu vực quảng trường lúc nào cũng có nhiều xe xích lô được trang hoàng rực rỡ khoa trương với tiếng nhạc ồn ã phát ra từ radio gắn trên mỗi xe.

Christ Church Melaka
Còn được gọi là Quảng trường đỏ
#17 — A Famosa

Là pháo đài mà người Bồ Đào Nha xây dựng năm 1511 trong thời gian chiếm đóng Malacca. Đây là một trong những di sản kiến ​​trúc của châu Âu lâu đời nhất còn sót lại ở Đông Nam Á.

A Famosa
#18 — Plaza Low Yat

Kể từ khi thành lập vào năm 1999, Plaza Low Yat luôn là nơi buôn bán các thiết bị điện tử, máy tính xách tay, smartphone, phụ kiện… Ngay cả sau khi giành được danh hiệu Trung tâm Thương mại lớn nhất Malaysia năm 2009, Plaza Low Yat vẫn tiếp tục nâng cao vị thế và được mệnh danh là thiên đường điện tử của Kuala Lumpur. Nhưng tôi thấy giống thiên đường của Samsung hơn. Samsung chiếm thị phần lớn và các mặt hàng điện tử không mấy đa dạng. Điều tôi thích nhất ở đây là khu ăn uống có nhiều món ngon :))))

Low Yat Plaza

#19 — Batu Caves

Nằm cách KL Sentral khoảng 15 km, là một ngọn núi đá vôi gồm ba hang động lớn và một số hang động nhỏ hơn – một trong những điểm thu hút du khách thường xuyên nhất của Kuala Lumpur. Theo hết lối bậc thang đi lên, bạn sẽ thấy một ngôi đền 100 năm tuổi với các vách đá vôi hình thành được cho là khoảng 400 triệu năm tuổi. Ngôi đền được coi là một điểm mốc quan trọng của đạo Hindu.

Lúc đến đây thì ngôi đền đang được trùng tu, giàn giáo để đầy, dơi bay ị cũng lắm. Ngại quá nên chỉ đứng ngoài chơi với khỉ rồi đi xuống.

Batu Caves
#20 — Mid Valley Megamall

Khai trương tháng 11 năm 1999, Mid Valley có hơn 430 cửa hàng trải rộng khắp 5 tầng; là khu phức hợp được biết đến như một trung tâm mua sắm tốt nhất giữa lòng thành phố.  Mid Valley là một trong những dự án phát triển đô thị lớn nhất của Malaysia có tòa tháp gồm 30 văn phòng và 3 khách sạn:

  • Ngay tại Mid Valley — khách sạn Cititel Mid Valley 646 phòng;
  • Đại lộ The Boulevard — khách sạn St. Giles Premier 390 phòng;
  • Đại lộ The Boulevard — khách sạn The Gardens Hotel and Residences 647 phòng.

Trung tâm mua sắm này đã được tạp chí FIABCI Malaysia trao giải Best Shopping Complex năm 2000  và giải Best Retail Development Award năm 2001.

Mid Valley Megamall

Hai tuần nghỉ hè ở KL gói gọn trong 20/3x điểm trên và ăn uống mập mặt. Tôi đang suy nghĩ nếu quay lại KL, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc khám phá ẩm thực :))

Kinh nghiệm DIY Food Tour Kuala Lumpur

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x