Kinh nghiệm du lịch Mumbai 4N3Đ

4N3Đ là 4 ngày 3 đêm ^^ Tôi đi Ấn Độ đợt này tổng cộng 8 ngày nhưng chỉ ở Mumbai 3 đêm, bao gồm cả đêm hạ cánh. Tôi cũng biết là không đủ thời gian để khám phá hay tìm hiểu thêm về văn hoá lịch sử, danh lam thắng cảnh, nhưng nói chung là cũng nắm được sơ sơ tình hình du lịch Mumbai tự túc.

Mặc dù đặt phòng cho 4N3Đ nhưng thực tế chỉ ở 3N2Đ vì nhập cảnh khuya nên mất tiêu 1N1Đ rồi


Một số thông tin về Mumbai

#1 — Mumbai sử dụng đồng Rupee

Bạn đừng nhầm lẫn Rupee (INR) của Ấn Độ với đồng Rupiah (IDR) của Indonesia nha!

100 Rupee ≈ 30k VND
100 Rupee ≈ 2 AUD
(tỷ giá tại sân bay Mumbai tháng 12/2023)

Indian Currency [Explored]
#2 — Mumbai có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô

Khí hậu Mumbai phân hóa khá đa dạng, không có sự dao động nhiệt độ quá lớn.

  • Xuân: từ tháng 1 đến tháng 3, thời tiết mát mẻ đôi khi nóng bức
  • Hạ: từ tháng 3 đến tháng 5, nắng nhiều, nóng ẩm
  • Thu: từ tháng 6 đến tháng 9 – mát mẻ có mưa lớn, nhiệt độ dao động từ 20 đến 30 độ
  • Đông: từ tháng 10 đến tháng 12 – từ tháng 10 lượng khách du lịch bắt đầu tăng lên

Thời gian tôi đi Mumbai là trước Giáng Sinh nửa tháng, thời tiết ẩm và nóng nực

#3 — Vé bay

Như mọi khi, tôi hay dùng Skyscanner để so sánh và tìm vé giá rẻ.

  • Từ Việt Nam có chuyến bay thẳng sang Mumbai (Vietjet Air)
  • Tôi bay từ Melbourne, ưu tiên giá rẻ nên chọn Vietjet quá cảnh 12 tiếng tại Sài Gòn

KINH NGHIỆM 1: Hành lý vẫn sẽ được Vietjet vận chuyển thẳng đến Mumbai nếu tôi muốn nhập cảnh Việt Nam để phè phỡn cà phê hủ tíu. Trước khi bay khoảng 1 tuần, tôi email lên tổng đài Vietjet để xác nhận lại chuyện hành lý có được chuyển thẳng hay không. Sau khi được xác nhận là có chuyển thẳng thì mới mạnh dạn nhập cảnh đi chơi.

Tôi mua vé lượt đi từ hơn nửa năm trước. Còn vé lượt về thì lại lần lữa chưa mua vì nhiều lí do. Cũng hên là chưa mua vé chiều về nên đổi kế hoạch còn kịp.

ĐỌC THÊM: Lí do tôi đổi kế hoạch ở phút thứ 30 (không cần đợi đến phút thứ 89 luôn) là gì?

#4 — Đặt phòng

Khi thuê phòng cần để ý:

  • Nhập cảnh Mumbai có khuya không?
  • Vị trí có dễ dàng cho oto đi vào không?
  • Khách sạn có bao gồm bữa sáng không?

Thường thì nếu nhập cảnh khuya tôi sẽ ưu tiên khách sạn gần sân bay để dễ bề đi bộ. Nhưng nay đã có bé Bôm làm cái đuôi theo cùng nên không dám mạo hiểm lang thang như trước nữa. Tôi chọn khách sạn gần trung tâm cho dễ đi tham quan các nơi. Cũng vì hạ cánh khuya nên di chuyển về khách sạn hơi mệt mỏi, phần vì không có nhiều sự lựa chọn nên bị lừa, phần vì tối thui tối hù khó nhìn quang cảnh đường phố từ sân bay về trung tâm thành phố.

Tôi quyết định ở chuyến du lịch Mumbai này sẽ không chi quá nhiều vào tiền khách sạn, xác định khách sạn chỉ là nơi để hành lý và ngủ đêm nhưng vẫn nên đặt luôn phòng đã bao gồm ăn sáng.

KINH NGHIỆM 2: Tôi dùng Booking.com thay vì Airbnb cho chuyến du lịch Mumbai này

#5 — Phương tiện
  • Taxi truyền thống
  • Taxi công nghệ: Uber, Ola
  • Xe ôm: xe cào cào, xe Honda 67, xe Simson… nói chung là mấy đời xe cũ cũ từ hồi xửa hồi xưa

Đi thử taxi truyền thống ở Mumbai mới biết, xe có máy lạnh nhưng có cũng như không, máy xe nổ to như tiếng máy cày. Khách thích thì thắt dây an toàn, không thích thì thôi, cũng không có ghế em bé. Taxi công nghệ thì đỡ hơn, xe đời mới hơn và các tính năng còn hoạt động tốt. Còn xe ôm thì ôi thôi, bạn xem phim Ấn Độ như nào thì đời thực y vậy: mũ bảo hiểm để làm kiểng, phóng ào ào, lạng lách đánh võng… Nhưng có một điều rất hay mà tôi quan sát được—chính là sự nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông. Không chỉ ở Mumbai mà các nơi khác tôi đi qua cũng vậy. Vào giờ cao điểm, khi các xe lỡ va quẹt vào nhau, họ không “bắt đền” nhau, họ còn nhường nhau chạy trước. Không những thế, họ còn cảnh báo nhau những đoạn đường có cảnh sát giao thông đang đứng.

#6 — Visa

Muốn du lịch Ấn Độ thì cần phải có visa.

ĐỌC THÊM: Hướng dẫn chi tiết xin e-Visa du lịch Ấn Độ


~ Ngày 1 ~

Hạ cánh, nhập cảnh

Nếu bạn đã đọc bài viết Mumbai – chuyến đi bất ổn của tôi thì hẳn cũng đã biết về sự việc nhập cảnh nửa đêm và “bị lừa” tiền taxi từ sân bay Mumbai về thành phố. Nói chung ngày 1 chỉ có nhiêu đó thôi -.-


~ Ngày 2 ~

Tham quan địa điểm gắn liền với lịch sử Mumbai

Khách sạn chúng tôi ở có quy định chỉ phục vụ bữa sáng đến 9 giờ, nên từ 7-8 giờ chúng tôi đã lịch kịch gọi nhau dậy ăn sáng. Sau khi ăn sáng, chúng tôi lên lại phòng để bật máy lạnh nằm thở thêm chút nữa vì chuyến bay quá cảnh thực sự tốn sức.

Đến 3 giờ chiều, bụng đứa nào đứa nấy réo sôi lên thì mới quyết định rủ nhau đi kiếm gì ăn. Để khỏi bị lạ bụng, ở bữa đầu tiên này, chúng tôi chọn những món “quốc tế” thay vì truyền thống và menu KFC được chốt trong vòng 5 phút.

Chúng tôi bắt Uber để đến tiệm KFC nằm ở khu vực tập trung các điểm du lịch nổi tiếng với hi vọng mùi vị sẽ “quốc tế” nhưng KHÔNG, tất cả các món ăn đều có gia vị truyền thống (nào là bột cà ri, nào là cumin – một loại thì là của Ai Cập, nào là bột masala) làm tôi có cảm tưởng đang ăn đồ Ấn chứ không phải KFC. Ngoài ra tất cả các món chúng tôi order đều có vị cay the, em bé Bôm không thể ăn được gì.

Bỏ qua thất vọng đầu tiên về đồ ăn ở Mumbai, chúng tôi kéo nhau tìm đường đến các biểu tượng lịch sử.

Gateway of India

Gateway of India là một cổng vòm được xây dựng theo trường phái kiến trúc Indo-Saracenic vào thế kỷ 20.

Trường phái kiến trúc Indo-Saracenic chỉ phong cách kiến trúc được phát triển ở Ấn Độ dưới ảnh hưởng của kiến trúc Hồi giáo, đặc biệt là trong thời kỳ Mughal (thế kỷ 16-18). Phong cách này thường kết hợp các yếu tố của kiến trúc Ấn Độ truyền thống với các chi tiết của kiến trúc Hồi giáo, tạo ra một hình thức độc đáo và sinh động

Cấu trúc của cổng vòm làm từ đá bazan, cao 26 mét. Ban đầu Gateway of India được dựng lên để kỷ niệm cuộc ghé thăm của Vua George V và Nữ hoàng Mary tại Apollo Bunder trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1911. Sau này cổng vòm được dùng trong nghi lễ mang tính biểu tượng dành cho các Phó vương và Thống đốc mới của Mumbai.

Gateway of India nằm bơ vơ ở bờ sông tại khu vực Apollo Bunder (Nam Mumbai) và nhìn ra Biển Ả Rập. Gateway of India còn được gọi là Taj Mahal của Mumbai và là điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của thành phố.

Gateway of India nhìn từ biển Ả Rập

Taj Mahal Palace Hotel

Taj Mahal Palace Hotel là khách sạn 5 sao sang trọng và là di sản của khu vực Colaba, nằm ngay gần Gateway of India. Taj Mahal Palace Hotel cũng được xây dựng theo phong cách Indo-Saracenic, mở cửa đón khách vào năm 1903 với tên gọi Khách sạn Taj Mahal và trong lịch sử thường được gọi đơn giản là The Taj. Khách sạn được tạo thành từ hai công trình kiến ​​trúc khác nhau: Taj Mahal Palace (được xây dựng vào năm 1903) và Taj Mahal Tower (được mở cửa vào năm 1972). Taj Mahal Palace có 6 tầng, còn Taj Mahal Tower có 20 tầng. Là một phần của Taj Hotels Resorts and Palaces, Taj Mahal Palace Hotel có khoảng 600 phòng tiêu chuẩn, 44 phòng suite, 9 nhà hàng cùng với 1,600 nhân viên.

Taj Mahal Palace Hotel bị một nhóm khủng bố tấn công vào ngày 26 tháng 11 năm 2008, gây thiệt hại về người (ít nhất 167 người thiệt mạng) và của (mái khách sạn bị phá hủy). Những người thương vong chủ yếu là công dân Ấn Độ.

Tuy chúng tôi đến đây vào “mùa đông” Ấn Độ nhưng vẫn cảm nhận được sâu sắc cái nóng ẩm khó chịu và nắng muốn bể đầu. Lúc đó là 4 giờ chiều, khách du lịch đông nghìn nghịt. Mọi người chen lấn nhau để chụp hình với background là 2 địa điểm lịch sử nổi tiếng trên.

Sau khi thoát khỏi rừng người, chúng tôi cứ thế đi dọc các con đường. Bản đồ có vẻ không giúp ích gì, chúng tôi cứ đi như “tổ tiên mách bảo”: chỗ nào đông người thì đi, chỗ nào có hàng quán đông đúc thì ghé. Quang cảnh và con người ở hai bên đường khiến tôi cảm thấy giống hệt đi du lịch Bangkok năm 2014. Các mặt hàng cũng giông giống, phong cách cũng giông giống. Chúng tôi tiện thế ngó nghiêng các cửa hàng bán đồ thời trang truyền thống xem có bộ nào để mặc dự tiệc cưới được không nhưng xem mãi chẳng thấy bộ nào phù hợp.

Cuối cùng em bé Bôm quá mệt, mặt mũi bơ phờ, mồ hôi ướt áo. Cả người lớn chúng tôi cũng thở không đều vì nắng nóng. Thế là lại bắt Uber về lại khách sạn. Kết thúc ngày thứ hai du lịch Mumbai.


~ Ngày 3 ~

Làm việc và shopping

“Có lộn hông?”

Bạn tôi ré lên khi nghe tôi kể về chuyến du lịch kinh điển của tôi trong năm 2023.

Vào ngày thứ ba trong lịch trình 4 ngày du lịch Mumbai, chúng tôi ĐI LÀM.

Khi chúng tôi khởi hành từ Melbourne, công ty vẫn đang làm việc, bận túi bụi vào cuối năm. Vì vậy nên những lúc công ty cần hỗ trợ về hệ thống, về IT… chúng tôi phải sẵn sàng. Khổ nỗi wifi ở khách sạn không ổn định và thậm chí không thể kết nối được đến phòng trên tầng 1, nên từ sáng sớm, sau khi ăn sáng, chúng tôi lại lóc cóc bắt Uber ra… Starbucks. Ít nhất Starbucks Mumbai cũng mát mẻ thoáng đãng và wifi ổn định.

KINH NGHIỆM 3: Để vào được wifi Starbucks bạn cần có số điện thoại Ấn Độ. Nhân viên của Starbucks lúc chúng tôi order đồ uống đã giúp chúng tôi nhận mật khẩu wifi qua số điện thoại của bạn ấy

Có một điều không vui cho lắm, đó là chúng tôi bị lú khi sử dụng tiền giấy Ấn Độ. Mặc dù đã có nhiều năm kinh nghiệm sử dụng tiền Việt Nam—tờ tiền có mệnh giá với nhiều số 0—thế nhưng khi dùng tiền Ấn Độ thì cứ loay hoay mãi, cuối cùng không nhận ra nhân viên thối thiếu tiền. Giống như uống 1 ly Starbucks nhưng tính tiền 2 ly vậy đó. Đến khi ra bàn ngồi làm việc được một lúc, tính ra mua thêm ly nữa mới phát hiện ra… Lúc đó thì còn bắt đền ai được nữa, rời khỏi quầy thì coi như là giao dịch xong rồi còn đâu :-<

Sau khi xong phần mình, tôi dẫn em bé Bôm đi lòng vòng quanh khu vực đó, đi mà không có lộ trình. Đi mãi thì thấy có shop thời trang trông cũng xịn xịn. Tôi thử được 2 bộ nhưng không mua bộ nào vì đắt quá. Nhưng đến giờ này thì hơi hối hận vì đã không mua.

KINH NGHIỆM 4: Nếu bạn muốn mua đồ truyền thống Ấn Độ để đi dự tiệc cưới giống tôi thì có thể tham khảo cửa hàng này ha—Biba ở Mumbai

Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi hội ngộ và rủ nhau đi ăn Pizza Hut—việc này chỉ tổ tự chuốc thêm một nỗi thất vọng mà thôi T.T


~ Ngày 4 ~

Trả phòng, đi Vasai

Chúng tôi ăn sáng xong, đặt Uber để đi Vasai, đến tận trước cổng nhà của Bònbon. Lúc đến nơi đúng boong “chính ngọ” 12 giờ trưa.

ĐỌC THÊM: Trải nghiệm ở nhà người bản xứ khi du lịch Ấn Độ

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan:

Xin chào!

TÔI LÀ THẢO, TÁC GIẢ CỦA BLOG NGÀY LANG THANG.

Tôi có sở thích viết lách và đi đây đi đó. Cuối cùng tôi đã duy trì được việc này gần 1 thập kỷ. Thật là đáng tự hào ^^

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
Xem tất cả
0
()
x