Kinh nghiệm làm hộ chiếu lần đầu cho người cao tuổi

Hôm nay tôi cùng mẹ (hơn 60 tuổi) đi làm hộ chiếu. Cách làm khá khác với hồi xưa cả về cách hướng dẫn lẫn thời gian xử lí: bây giờ chuyên nghiệp và nhanh hơn nhiều. Sau khi đi rồi mới biết có nhiều bạn (dù trẻ, sở hữu smartphone) cũng không biết cách điền tờ khai nhưng không chịu hỏi cán bộ. Phòng quản lý xuất nhập cảnh mẹ tôi làm ở Quy Nhơn, không dán mẫu để điền theo. Nhiều chú lớn tuổi vô mua hồ sơ xong 5 phút sau quay lại trả chỉ vì... không biết điền, ngại hỏi. Hôm nay tôi viết bài này để kể về kinh nghiệm làm hộ chiếu lần đầu cho người cao tuổi, có hướng dẫn điền tờ khai cho mọi người tham khảo rồi mai mốt tự làm cho bản thân, hoặc dẫn người lớn tuổi trong nhà mình đi làm ha!

cac-loai-ho-chieu-Viet-Nam

Việt Nam đang sử dụng 3 loại hộ chiếu (passport): hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông. Mỗi loại hộ chiếu có điều kiện cấp, thời hạn sử dụng khác nhau.

  • Hộ chiếu ngoại giao màu đỏ -- được cấp cho cán bộ cấp cao như Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước,... có thời hạn sử dụng 5 năm.
  • Hộ chiếu công vụ màu xanh đậm (như hình) -- chỉ được cấp cho những trường hợp ra nước ngoài làm việc theo sự phân công của cơ quan Nhà nước, có thời hạn 5 năm.
  • Hộ chiếu phổ thông màu xanh lá -- được cấp cho mọi công dân Việt Nam và là loại hộ chiếu phổ biến nhất.
    Thời hạn sử dụng của hộ chiếu phổ thông cũng tùy thuộc vào độ tuổi: hộ chiếu cấp cho Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm; hộ chiếu được cấp riêng cho trẻ em dưới 14 tuổi có thời hạn 5 năm; hộ chiếu cấp chung cho công dân Việt Nam và con của công dân (dưới 09 tuổi) có thời hạn 5 năm.

Mọi công dân không phân biệt độ tuổi đều có quyền xin cấp hộ chiếu phổ thông. Riêng trẻ em dưới 14 tuổi có quyền lựa chọn cấp chung hộ chiếu cùng cha mẹ, người giám hộ hợp pháp hoặc cấp hộ chiếu riêng. Loại hộ chiếu sáng nay tôi dẫn mẹ đi làm là hộ chiếu phổ thông.

Kinh nghiệm tách hộ chiếu trẻ em khỏi hộ chiếu của cha mẹ


Làm hộ chiếu phổ thông cần có gì?

(1) Sổ hộ khẩu bản gốc hoặc có chứng thực, sổ tạm trú (nếu có) để đối chiếu

(2) CMND/Căn cước công dân bản gốc hợp lệ để kiểm tra & đối chiếu

Như thế nào là hợp lệ?
Còn thời hạn, không rách nát, số CMND rõ số, không ép dẻo, ép lụa

(3) 2 ảnh 4x6 sẽ được chụp tại nơi nộp hồ sơ. Không cần mang theo ảnh chụp sẵn. Ở nơi tiếp nhận hồ sơ có một phòng chụp hình, trên hình chụp có in luôn mã số. Chỉ được dùng hình có mã số này dán lên tờ khai.

Khi chụp mắt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền trắng. Thường thì sẽ bị yêu cầu thêm là vén tóc cho lòi tai ra, tóc mái phải được vét sang một bên để lộ trán, không cho mang cả kính cận.

Mẹ tôi chụp giá 25,000 đồng/4 tấm.

(4) Tờ khai mua tại phòng tiếp nhận hồ sơ, giá sáng nay là 10,000 đồng/bộ

(5) Lệ phí cấp mới hộ chiếu 200,000 đồng

ĐỌC THÊM: Thông tư quy định mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam

Vậy là khi đi chỉ cần mang theo mục (1), (2) với 235,000 đồng là được rồi nè.

Phần tiếp theo mới nan giải: điền tờ khai ↓↓↓


Cách điền tờ khai

Điền tờ khai quan trọng nhất là đọc kĩ. Chỗ nào bạn biết chắc ăn thì hãy điền, sau đó gom hết mấy mục không biết đi hỏi một lần, hỏi lắt nhắt người ta dễ đổ quạu.

Nhưng mà sau khi đọc bài này, đảm bảo là bạn điền đúng y boong khỏi cần phải hỏi luôn :">

mau-to-khai-lam-ho-chieu

Họ và tên -- ghi bằng chữ in hoa có dấu

Nơi sinh -- chỉ ghi tỉnh hoặc thành phố (đối với thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...)

Giấy CMND/thẻ CCCD -- đối với số CMND thì điền 9 ô đầu tiên, gạch chéo vào 3 ô cuối cùng; đối với thẻ CCCD thì điền đủ 12 số

Ngày cấp -- xem mặt sau của CMND/thẻ CCCD

Nơi cấp -- chỉ ghi tỉnh hoặc thành phố (đối với thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...)

Số điện thoại -- ghi số của người xin cấp hộ chiếu, số có thể liên lạc được

Địa chỉ thường trú -- ghi đúng theo địa chỉ trong sổ hộ khẩu, không ghi tắt, ngăn cách bằng dấu phẩy

Địa chỉ tạm trú (nếu có) -- là địa chỉ đang ở hiện tại, nếu nơi ở hiện tại giống với địa chỉ thường trú ở trên thì không cần điền, nếu ở nơi khác thì ghi đúng theo địa chỉ trong sổ tạm trú

Nghề nghiệp -- nghỉ hưu thì ghi "Hưu trí", đi học thì ghi "Học sinh" hoặc "Sinh viên", đi làm thì làm nghề gì ghi nghề đó ví dụ "Giáo viên" hoặc "Công nhân" hoặc "Nhân viên" hoặc "Lao động tự do"

Tên và địa chỉ cơ quan (nếu có) -- nghỉ hưu thì không cần điền mục này, đi học trường nào thì ghi cụ thể tên trường kèm địa chỉ, đi làm thì ghi cụ thể tên công ty kèm địa chỉ (không ghi tắt, ngăn cách bằng dấu phẩy). Ví dụ:

  • "Trường tiểu học/trung học A, số nhà, tên đường, phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành phố"
  • "Nhà máy B, số nhà, tên đường, phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành phố"
  • "Công ty C, số nhà, tên đường, phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành phố"

Tên cha, tên mẹ -- ghi rõ họ tên cha mẹ, ngày tháng năm sinh; đối với trường hợp của tôi sáng nay thì ông bà đã mất được mấy năm nên chỉ được yêu cầu điền năm sinh, không cần ngày tháng

Nội dung đề nghị -- "Đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu", "cấp lại hộ chiếu (do mất, hết hạn, tách cấp riêng hộ chiếu cho con)", "cấp đổi hộ chiếu", "thay đổi họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND", "sửa đổi nơi sinh trong hộ chiếu", đề nghị khác nếu có (ghi rõ lí do)

Làm tại -- ghi tỉnh/thành phố, ngày tháng năm rồi kí tên chính chủ

Đến đoạn này, dán hình có mã số vừa chụp dán vào tờ khai, ghi thông tin ngoài bìa hồ sơ đầy đủ rồi mang hết giấy tờ đã chuẩn bị vào nộp.

Sau khi kiểm tra đúng hết, bộ phận tiếp nhận hồ sơ tiến hành đóng dấu lên tờ khai, thu tờ khai và 1 ảnh rời 4x6 cùng lệ phí 200,000 đồng.


Lưu ý

→ Thời gian nộp hồ sơ và nhận kết quả từ 7:30 ~ 11:30 và từ 13:30 ~ 17:00 mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6, nghỉ ngày lễ

→ Người đề nghị cấp hộ chiếu cần có mặt tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh để nộp hồ sơ

→ Nhận hộ chiếu tại nơi đã nộp hồ sơ xin cấp theo thời gian ghi trong giấy hẹn

Hiện tại một số địa phương đã áp dụng hình thức trả hộ chiếu qua dịch vụ chuyển phát nhanh đến tận địa chỉ của người xin cấp hộ chiếu.

Ở Quy Nhơn có chuyển phát nội thành, giá công khai: 30,000 đồng; ngoại thành (vẫn trong tỉnh) thì 90,000 đồng.

→ Trong mùa cao điểm (từ tháng 2 đến tháng 6) bạn nên đến sớm để mua tờ khai và xếp hàng chụp hình, thường phải đợi khá lâu

→ Hồ sơ khi được nhận sẽ được cấp biên lai thu lệ phí + biên nhận hồ sơ, cần giữ kĩ tờ biên nhận để trình lúc nhận hộ chiếu

→ Thời hạn giải quyết hồ sơ và trả kết quả không quá 8 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc tạm trú

→ Thời hạn giải quyết hồ sơ và trả kết quả không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan:

Xin chào!

TÔI LÀ THẢO, TÁC GIẢ CỦA BLOG NGÀY LANG THANG.

Tôi có sở thích viết lách và đi đây đi đó. Cuối cùng tôi đã duy trì được việc này gần 1 thập kỷ. Thật là đáng tự hào ^^

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
Xem tất cả
0
()
x