Kinh nghiệm tách hộ chiếu trẻ em (Hộ chiếu Việt Nam)

Cách đây mấy năm, ông anh ruột của tôi làm hộ chiếu để đi du lịch Singapore theo chế độ du lịch mỗi năm một lần của công ty. Tiện thể thêm luôn “anh cu con” vào cùng một hộ chiếu để 2 cha con đi chung, khỏi mất công làm hộ chiếu riêng cho bé. Hồi đó thằng nhỏ mới có 5-6 tuổi.

Tới nay “cậu chàng” đã bước qua tuổi thứ 10 khiến cho tính toán của ông anh tôi trở nên “cồng kềnh”. Vì hộ chiếu trẻ em (trẻ từ 14 tuổi trở xuống) được chia 2 giai đoạn:

  • Từ 0 – 9 tuổi có thể làm hộ chiếu ghép chung với cha mẹ (người đỡ đầu, người giám hộ,…) hoặc làm hộ chiếu riêng
  • Từ 10 – dưới 14 tuổi chỉ được làm hộ chiếu riêng

Cháu tôi nay 10 tuổi phải đổi sang hộ chiếu riêng, còn ông anh tôi thì phải làm lại hộ chiếu mới. Hai công đoạn song song này gọi là tách hộ chiếu trẻ em khỏi hộ chiếu của cha mẹ.

Đấy, xem đấy! Ghép chung hộ chiếu làm gì để rồi lại mất công làm thủ tục tách! Đề nghị cấp hẳn lần đầu cho cu cậu đi có phải hơn không!

Điểm khác nhau giữa hộ chiếu trẻ em và người lớn

Hộ chiếu dành cho trẻ em về hình thức thì không khác gì hộ chiếu người lớn, chỉ có thời hạn sử dụng và cách làm có hơi khác tí tẹo.

  • Hộ chiếu trẻ em thời hạn sử dụng chỉ 5 năm, còn của người lớn thì 10 năm
  • Cách làm hộ chiếu cho người lớn thì ở đây, còn làm cho trẻ em thì đọc hết bài này 😉

Làm hộ chiếu trẻ em cần có gì?

(1) Tờ khai—có thể mua tại quầy bán hồ sơ ở Phòng Quản lí xuất nhập cảnh, hoặc điền online qua trang web rồi in ra (bên dưới tôi sẽ hướng dẫn cụ thể điền tờ khai như thế nào cho đúng)

(2) 2 ảnh 4×6 nền trắng—1 ảnh dán trực tiếp vào tờ khai, 1 ảnh dán hờ vào góc dưới bên trái tờ khai (hoặc khỏi dán, để nộp rời cũng được, nhân viên tiếp nhận hồ sơ sẽ dán cho)

Có thể ôm bé ra chụp tại hiệu ảnh, yêu cầu chụp ảnh để làm hộ chiếu. Hình chụp phải thấy được chân mày của bé, mắt nhìn thẳng, không đeo kính (nói chung là giống với yêu cầu hình chụp của người lớn)

Sau khi điền tờ khai và dán ảnh, bạn cần làm thêm một bước: kí xác nhận, đóng dấu giáp lai ảnh ở công an phường nơi bé có hộ khẩu hoặc đăng kí tạm trú.

Lưu ý, đăng kí tạm trú có sổ thì mới kí xác nhận ở công an phường nơi tạm trú được.

Kí tờ khai ở công an phường cần có giấy tờ gì?
  1. Tờ khai đã dán ảnh
  2. Giấy khai sinh bản chính (màu xanh) hoặc bản sao (màu đỏ) để đối chiếu kiểm tra
  3. Sổ hộ khẩu bản gốc để đối chiếu kiểm tra
  4. Sổ tạm trú bản gốc (trong trường hợp kí ở phường đăng kí tạm trú) để đối chiếu kiểm tra
  5. CMND/CCCD bản gốc của cha/mẹ (người kí tờ khai và nộp hồ sơ) để đối chiếu kiểm tra

Mấy chú công an bảo nếu kí xác nhận thì tất cả giấy tờ kiểm tra đối chiếu đều phải là bản gốc hết, bản sao có chứng thực cũng không được (trừ giấy khai sinh).

Kí xác nhận xong là hoàn thành phần tờ khai.

(3) Giấy khai sinh của bé (photo hoặc bản sao có chứng thực). Nếu là bản photo thì mang theo bản chính để đối chiếu kiểm tra

(4) Sổ hộ khẩu bản gốc hoặc có chứng thực, sổ tạm trú (nếu có) để đối chiếu

(5) CMND/CCCD bản gốc của cha/mẹ (người kí tờ khai và nộp hồ sơ) để kiểm tra & đối chiếu

(6) Lệ phí cấp mới hộ chiếu 160,000 đồng

Tất cả các mục trên tôi chuẩn bị sẵn hết ở nhà, chỉ có mang hồ sơ và tiền đi nộp thôi.

Sau khi kiểm tra đúng hết, bộ phận tiếp nhận hồ sơ tiến hành đóng dấu lên tờ khai, thu tờ khai + giấy khai sinh (photo hoặc bản sao) và 1 ảnh rời 4×6 cùng lệ phí 160,000 đồng (rẻ hơn hộ chiếu người lớn).


Thủ tục tách hộ chiếu trẻ em

Như đã nói ở trên, tách hộ chiếu bao gồm 2 công đoạn: đề nghị cấp hộ chiếu cho trẻ em và cấp lại hộ chiếu cho cha/mẹ. Hồ sơ chuẩn bị y xì đúc các mục như trên + hộ chiếu gốc của cha/mẹ (cái mà có chung hộ chiếu với trẻ í). Hộ chiếu nộp lại này sẽ bị tịch thu luôn nếu như không trình bày xin lại từ lúc nộp hồ sơ.


Cách điền tờ khai

Nội dung điền tờ khai cho trẻ em dễ hơn cho người lớn vì trẻ ít thông tin hơn. Dễ sai nhất là ở cách viết (sai chính tả, viết tắt, dấu phẩy dấu gạch viết loạn cả lên, nội dung đề nghị ghi… xí lụi) nên tôi hướng dẫn cụ thể tỉ mỉ luôn!

Họ và tên – ghi bằng chữ in hoa có dấu

Nơi sinh – chỉ ghi tỉnh hoặc thành phố (đối với thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…)

Giấy CMND/thẻ CCCD – bé chưa có, không cần điền

Ngày cấp – không cần điền

Nơi cấp – không cần điền

Số điện thoại – ghi số của cha/mẹ (người kí và nộp đơn), số có thể liên lạc được

Địa chỉ thường trú – ghi đúng theo địa chỉ trong sổ hộ khẩu, không ghi tắt, ngăn cách bằng dấu phẩy

Địa chỉ tạm trú (nếu có) – là địa chỉ đang ở hiện tại, nếu nơi ở hiện tại giống với địa chỉ thường trú ở trên thì không cần điền, nếu ở nơi khác thì ghi đúng theo địa chỉ trong sổ tạm trú

Nghề nghiệp – không cần điền

Tên và địa chỉ cơ quan (nếu có) – không cần điền

Tên cha, tên mẹ – ghi rõ họ tên cha mẹ, ngày tháng năm sinh của cha mẹ

Nội dung đề nghị – “Đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu” (nếu làm lần đầu)/“cấp lại hộ chiếu (tách cấp riêng hộ chiếu cho con)” (nếu tách hộ chiếu)

Làm tại – ghi tỉnh/thành phố, ngày tháng năm rồi cha/mẹ kí tên


Các bước tôi đã làm

Bước 1. Chụp hình 4×6 cho bé

Bước 2. Khai tờ khai online, in ra, dán hình 4×6 lên tờ khai. Chuẩn bị hết giấy tờ đã liệt kê bên trên, cho vào một bì hồ sơ

Bước 3. Đến công an phường kí xác nhận, đóng dấu giáp lai ảnh

Bước 4. Mang hồ sơ đến Phòng quản lí XNC nộp và đóng lệ phí, đăng kí giao hộ chiếu tận nhà

Nhân viên thu tiền chuyển phát tại phòng quản lí XNC sẽ cho biết ngày nhận được hộ chiếu, nếu không nhận được đúng hạn thì được quyền khiếu nại trực tiếp theo số điện thoại họ cung cấp. Xịn chưa!

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x