Kinh nghiệm tham quan 7 ngôi đền ở Bali

Chuyến đi Bali của tôi hồi tháng 1/2018 chỉ có 4 ngày nên không kịp tham quan các điểm du lịch tâm linh Bali. May quá chị Hằng Nga lại có ngay một bài review tôi cần để làm kinh nghiệm chuẩn bị cho lịch trình đi đền "sắp tới" (không biết khi nào ^^). Tôi liền xin phép chị chia sẻ và biên tập lại đôi chỗ và được chị đồng ý.

Bài gốc được viết bởi chị Hằng Nga


Từ 26/2 đến 06/3/2019 nhóm mình (4 nữ) đã có 9 ngày 8 đêm ở thiên đường nhiệt đới Bali. Ở bài viết này mình sẽ không liệt kê chi tiết lịch trình từ ngày 1 đến ngày 9 nhóm đã đi đâu làm gì mà chỉ viết cảm nhận (ý kiến cá nhân) + hình ảnh những ngôi đền - nơi tụi mình đã tham quan để các bạn chưa đi tham khảo ;)


Những điều cần biết

Trang phục. Có vài ngôi đền ở Bali bắt buộc khách tham quan phải quấn sarong dù bạn đang mặc quần dài/váy dài. Có thể mặc áo ba lỗ, không cổ nhưng không nên mặc váy hở lưng. Mình quan sát thấy những người bán và soát vé ở cổng đền chỉ nhắc nhở du khách quấn sarong chứ không quá chú ý bạn đang mặc áo gì.

Vật dụng cần thiết.

  • Ô (dù), mũ để che nắng hoặc không may gặp những cơn mưa bất chợt. Cá nhân mình thích mang ô hơn. Bạn nên chọn ô có thể gập/mở và màu sắc sặc sỡ, biết đâu có thể làm đạo cụ để chụp ảnh ;)
  • Nên sử dụng dép, xăng-đan hoặc giày bệt để đi bộ trong các ngôi đền cho thoải mái
  • Nên mang theo nước đóng chai để uống. Đừng để cơ thể bạn thiếu nước
    Ở cổng các ngôi đền đều có bán đủ loại nước giải khát, đặc biệt là nước dừa. Giá một quả dừa dao động từ 20,000 - 30,000 Rupiah. Dừa ở Bali thua xa dừa Việt Nam về độ ngọt tự nhiên

Các ngôi đền ở Bali phần lớn không cho phép khách du lịch vào bên trong (trừ 2 ngôi đền là Đền VoiĐền Dơi mình nhắc đến ở phía dưới) nên bạn xác định tư tưởng là chỉ được phép đứng ngắm kiến trúc và cảnh quan ở bên ngoài thôi ha. Thông tin này mình cũng đã đọc và biết trước khi đến Bali nhưng thực tế đến nơi trong lòng vẫn cảm thấy vô cùng tiếc nuối vì không được tận mắt ngắm kiến trúc bên trong và cũng không biết ở trong đền cách họ bài trí và thờ thần như thế nào.

Nếu muốn tham quan những ngôi đền nổi tiếng linh thiêng thì nên:

  • Tránh thứ bảy, chủ nhật
  • Khi xây dựng lịch trình cố gắng tìm hiểu kỹ những ngày lễ của địa phương nơi mình dự kiến đến
  • Trước khi đến nên hỏi kỹ lái xe hoặc người dân bản địa, biết đâu họ biết và cung cấp cho mình những thông tin có giá trị
  • Chuẩn bị trước tinh thần là đường đi không dễ chịu chút nào...

... nhất là đường đến nơi có cổng trời huyền thoại Pura Lempuyang Luhur, được cho là địa lợi giao thoa giữa đất trời và thần linh.

Để đến được đây bạn phải băng qua những cung đường đồi vòng vèo, dốc cao và nhỏ xíu đến nỗi hai ô tô đi ngược chiều phải tránh nhau một cách khó khăn. Mình ngồi trong xe còn có cảm giác chúng sắp chạm vào nhau đến nơi - một cảm giác cực kỳ lo sợ và đau tim, đặc biệt đối với người say xe như mình 😞 Đã vậy, cảm giác lâng lâng mệt mỏi còn kéo dài hàng chục phút khi tự nhiên hàng dài xe đứng yên một chỗ. "Đặc sản" tắc đường của Ubud là đây chứ đâu 😭

Sau 2 tiếng rưỡi ngồi trên xe, đến khoảng 3 giờ chiều thì tụi mình đến nơi. Nhưng lập tức sau đó đã phải quay về trong sự hụt hẫng.

Tại sao? Vì sáng Chủ nhật vừa rồi (okay Chủ nhật, nên mình mới bảo phải tránh Chủ nhật ra) có một lễ hội diễn ra tại đền. Khi lễ hội kết thúc, đền cũng đã đóng cửa nghỉ thêm cả ngày hôm sau (tức là thứ 2 - ngày nhóm mình đến). Bạn lái xe cũng tỏ thái độ buồn bã pha chút tiếc nuối.

ĐỌC THÊM: 10 điều cần biết trước khi đến Bali

Cá nhân mình bị say xe nên việc tham quan Đền Mẹ Besakih ngay sau đó bị hủy. Trong khi đồng đội đi tham quan Đền Pura Tirta EmpulĐền Pura Gunung Kawi thì mình phải ở lại resort nghỉ ngơi T_T

Sau đây mình sẽ liệt kê những ngôi đền nhóm mình đã đi để các bạn tham khảo điểm nào nên đi, điểm nào bỏ qua ha!


Đền thờ ở Bali

Temple in Bali
#1 -- Đền Uluwatu

Vé vào cổng: 30,000 Rupiah/người

Trang phục: không bắt buộc quấn sarong nếu bạn đã mặc váy dài/quần dài

Đường vào đền khá rộng. Đi sâu vào bên trong bạn sẽ thấy con đường cạnh biển có 1 bên được chằng dây thép gai như một lời nhắc nhở du khách: hãy cẩn thận, đừng trèo lên đây chụp ảnh, nguy hiểm đấy (mình nghĩ thế thôi chứ thực tế không có biển báo nào cả).

Nhóm mình có mặt ở đền lúc 13:15 (giờ địa phương). Nắng chói chang như muốn vỡ đầu. Tuy vậy lượng khách tham quan vẫn đông nghịt, thỉnh thoảng mình lại được “khuyến mãi” thêm tý khói thuốc làm không khí lại càng trở nên ngột ngạt, nóng bức, khó chịu hơn.

Mình đọc thông tin thấy các bạn nói đền này có khỉ hay giật đồ của khách nhưng thời điểm mình đi chắc nắng to quá nên chả gặp chú khỉ nào.

Sau khoảng 20p đi đi lại lại hết ngắm biển, ngắm cây rồi đến ngắm người, nhóm mình quay lại hỏi nhau: mình đi đền này làm gì vậy? :|

Nếu mục đích của bạn là chiêm ngưỡng cảnh quan hay kiến trúc thì sẽ đây không phải là địa điểm đó

#2 -- Đền Tanah Lot

Vé vào cổng: 60,000 Rupiah/người

Trang phục: không bắt buộc quấn sarong nếu bạn đã mặc váy dài/quần dài

Trước khi sang Bali mình đã từng nghe một người quen đi đền này về và nói: đền này chán lắm, chả có gì để xem đâu. Sự thật thì sao?

Ngay khi bước chân qua cổng đền và đi vào bên trong, một cảm giác choáng ngợp: cảnh quan của ngôi đền này đẹp quá sức tưởng tượng! Mặc dù lúc đến đây mình bị say xe, mệt mỏi lắm nhưng khi được chiêm ngưỡng không gian bao la, đầy nắng và gió biển cộng thêm những vách núi đá lớn nhỏ tạo nên tổng thể một bức tranh vừa nhiều màu sắc, vừa sống động khiến sự mệt mỏi tan biến lúc nào không hay. Ở đây, nhóm mình đã say sưa ngắm cảnh, chụp và chụp dưới cái nắng như thiêu mà không thấy mệt. Điểm này đáng đi lắm nên mình không viết thêm nữa, để các bạn đi và trải nghiệm ;)

Rửa mặt cầu may xong các bạn nên để lại 1,000 Rupiah nha. Ai cũng làm vậy!

#3 -- Đền Voi Goa Gajah

Vé vào cổng: 50,000 Rupiah/người

Trang phục: bắt buộc quấn sarong khi vào đền

những ngôi đền ở Bali-Goa Gajah Temple

Đây là một ngôi đền có khung cảnh đẹp. Đẹp từ ngọn cỏ cho tới hàng cây và những phiến đá phủ rêu xanh mướt mát. Hơn nữa mình còn được vào bên trong để tham quan, nhìn ngắm và chụp ảnh (còn gì sướng hơn nữa).

Khi nhóm mình đang tham quan thì bỗng nhiên trời đổ cơn mưa to, mưa rào luôn, trong khi mọi người chạy lên phía trên để trú mưa thì mình và một bạn trong nhóm vẫn tiếp tục đi xuống phía dưới để tiếp tục hành trình. Ở phía dưới của đền mới thực sự là một bức tranh thơ mộng, chỉ cần ngắm nhìn, hít thở bầu không khí cũng đủ cho bạn nạp thêm năng lượng để tiếp tục hành trình dù trước đó mệt rã rời.

Là một điểm đáng đi. Tháng 3 mưa nắng thất thường, các bạn đi đâu cũng nên mang theo ô (dù) hoặc áo mưa!

#4 -- Bảo tàng nghệ thuật Neka

Vé vào cổng: Miễn phí

Trang phục: không bắt buộc quấn sarong nếu bạn đã mặc váy dài/quần dài

Bảo tàng khá vắng khách (giống Việt Nam mình hay sao ý), không gian yên tĩnh, rộng rãi và được phủ xanh bởi rất nhiều cây cối, hoa lá và cả tiếng chim hót líu lo. Có vẻ là nơi phù hợp cho bạn nào thích sống chậm.

Bảo tàng có hai tầng với mấy chục phòng trưng bày, diện tích lớn nhỏ khác nhau (nhỏ nhất tầm 20m2, còn lớn nhất mình không có thông tin vì không đi hết các phòng). Có một chuyện vui vui ở đây là mình đã gặp cặp vợ chồng người Singapore. Thấy mình mặc áo dài họ đã gọi mình là Vietnam và còn chụp ảnh lưu niệm cho mình nữa, đúng là số hưởng về ảnh mà!

Nếu bạn ở Bali Ubud Villas View hoặc gần đó, có thể bắt grab đến bảo tàng (24,000 Rupiah/2.2 km). Mà thực ra với khoảng cách này bạn đi bộ cũng được. Lúc trở về mình đã đi bộ để có nhiều thời gian nhìn ngắm những ngôi đền nhỏ bé xinh xinh trên các con phố.

#5 -- Quần thể Đền Pura Tunjung Beji Ulun Danu Beratan

Vé vào cổng: 50,000 Rupiah/người; Giá vé thuê thuyền đạp vịt: 35,000 Rupiah/thuyền/2 người

Trang phục: không yêu cầu quấn sarong khi vào đền

những ngôi đền ở Bali-Pura Tunjung Beji Ulun Danu Beratan

Nhóm mình đến đây lúc 15:30 (sau khi đã mất tầm 2 tiếng rưỡi trú mưa tại 1 nhà hàng ăn trưa) và thời điểm này trời còn nhiều mây lắm. Quần thể dền rộng, khung cảnh đẹp, khách tham quan rất đông nhưng kiểu gì bạn cũng sẽ săn được vài tấm ảnh đẹp.

#6 -- Cung điện nước Tirta Gangga

Vé vào cổng: 30,000 Rupiah/người; Mua thức ăn cho cá: 5,000 Rupiah/3 gói nhỏ hoặc 1 gói to

Trang phục: nên chọn đồ màu nổi như cam, vàng, hồng, đỏ để lên hình cho xinh

những ngôi đền ở Bali-Tirta Gangga

Trước khi đến đây mình đã tham khảo thông tin và hình ảnh của nhiều bạn nên cũng có chút hiểu biết. Lúc xuống các bậc đá bạn hãy rắc thức ăn xuống nước cho cá. Rắc gần chân bạn và từ từ để cá bu vào, canh lúc nào nhiều cá nhất thì nhờ photographer nhanh tay chộp hình nha. Ở đây người đông hơn cá, ráng chọn được góc đẹp, vắng người ;)

#7 -- Đền Goa Lawah - nơi trú ngụ của hàng nghìn con dơi

Vé vào cổng: 25,000 Rupiah/người; Đồ lễ: 10,000 Rupiah/bộ

Trang phục: bắt buộc quấn sarong khi vào đền

Goa Lawah

Lúc làm lịch trình mình có tìm hiểu thông tin và hình ảnh nhưng thấy ít bạn đi đền này quá. Nhóm mình tham quan đền này do vị trí của đền nằm trên đường mình về khách sạn. Đền có không gian vừa phải, không quá rộng, mình đi ngắm nghía tầm 5 phút là hết. Lúc nhóm mình đến, đền rất vắng khách (vắng đến nỗi mình liên tưởng tới chùa Bà Đanh ở Hà Nam cơ). Tranh thủ bên ngoài có bán đồ lễ nên mình cũng mua 1 bộ để thắp hương cầu may :)))


ĐÔI LỜI CỦA THẢO

Đền thờ ở Bali thì nhiều lắm, giống như chùa ở Việt Nam vậy: có chùa to chùa nhỏ, chùa nổi tiếng chùa không nổi tiếng. Sở thích mỗi người cũng khác: có người thích kiến trúc cảnh quan để chụp hình, có người thích tìm hiểu phong tục tập quán văn hóa địa phương, có người lại thích đi chỗ nào chụp ảnh "ảo lòi" chứ không hẳn là thích đi đền... Vậy nên hi vọng bài viết này của chị Nga có thể giúp bạn mường tượng ra được để lên kế hoạch tốt nhất cho bản thân.

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan:

Xin chào!

TÔI LÀ THẢO, TÁC GIẢ CỦA BLOG NGÀY LANG THANG.

Tôi có sở thích viết lách và đi đây đi đó. Cuối cùng tôi đã duy trì được việc này gần 1 thập kỷ. Thật là đáng tự hào ^^

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
Xem tất cả
0
()
x