Chuyến bay từ Việt Nam sang Úc vừa rồi của tôi mất 70 tiếng, xuất nhập cảnh 4 quốc gia (tính cả đầu Việt Nam và Úc ^^). Chuyến đi tuy mệt nhưng có được thêm nhiều trải nghiệm mới như nhập cảnh Bali bằng hàng ưu tiên, lần đầu bay Philippines Airlines, quá cảnh nhiêu khê ở Manila… Thảo sẽ chia sẻ kinh nghiệm xuất nhập cảnh mới nhất tại 4 sân bay: Tân Sơn Nhất International Airport, Ngurah Rai International Airport, Ninoy Aquino International Airport, Melbourne Airport trong bài viết này.
#1 – Tân Sơn Nhất International Airport
(Hồ Chí Minh/Việt Nam)
Xuất cảnh
- Nhân viên check-in hỏi vé khứ hồi, tôi trả lời rằng mình nối chuyến tại Bali. Họ liền yêu cầu tôi show vé máy bay chặng kế tiếp và ghi chú vào hệ thống
- Mặc dù có bảng hướng dẫn hàng riêng dành cho xuất cảnh tự động nhưng không phải ai cũng vô được
- Tôi cảm giác nhân viên hải quan sân bay Tân Sơn Nhất dạo này có vẻ thân thiện hơn, chủ động giúp công dân và còn cười nữa—khác hẳn vẻ cau có khó chịu trước đây
- Mỗi quốc gia có quy định soi chiếu an ninh khác nhau dựa trên tiêu chuẩn cơ bản. Ví dụ Ấn Độ có thêm hàng soi chiếu riêng cho nữ thì Việt Nam lại có yêu cầu phải cởi giày dép ra. Đi máy bay ở Việt Nam nên tránh mang tất trắng, không thì dơ tất ráng chịu!
- Vietjet dạo này bay rất đúng giờ, cả chuyến quốc tế và quốc nội. Trên vé bay ghi 6:25 lên máy bay thì 6:20 tôi đã xếp hàng sẵn. Đúng y boong 6:25 nhân viên mặt đất mở cửa khởi hành, thông báo ra xe bus trung chuyển
Kinh nghiệm xử lý khi bị trễ chuyến bay Vietjet nội địa mùa-không-cao-điểm
#2 – Ngurah Rai International Airport
(Bali/Indonesia)
Nhập cảnh
- Trước khi xuống máy bay, Vietjet thông báo nhập cảnh Bali không còn phải điền tờ khai nhập cảnh như trước mà thay bằng khai điện tử. Đồng thời thông báo luôn nếu mang “ma toé” vào Bali thì sẽ bị tử hình
- Có hàng riêng cho người khuyết tật, người trên 65 tuổi, em bé dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai. Tôi đi hàng này, nhập cảnh nhanh chóng
- Thủ tục nhập cảnh dễ dàng, không hỏi vé khứ hồi hay vé đi ra khỏi Bali, chỉ cần trình ra hộ chiếu và cuống vé vừa bay đến Bali
6 năm trước khi du lịch Bali, tôi bị hỏi rất nhiều về vé khứ hồi và lịch trình. Có thể khi đó vì “thân gái dặm trường” một mình nhập cảnh, còn giờ có bé Bôm “đu càng” nên họ dễ chịu hơn chăng?
- Tôi dùng hộ chiếu Việt Nam cho cả 2 mẹ con vì hộ chiếu Úc nhập cảnh Bali sẽ bị thu phí visa on arrival ($50/người/30 ngày)
- Chú hải quan làm thủ tục cho 2 mẹ con trực tiếp hỏi Bôm “What’s your name?” “How old are you?”, hên là ảnh trả lời được hết, lỡ không trả lời được chắc tôi bị nghi là “mẹ mìn” quá -.-
Ủa mà ngộ ha, trình hộ chiếu Việt Nam mà, sao ổng biết em bé có thể nói tiếng Anh ta 😕
- Quầy điền tờ khai nhập cảnh điện tử nằm sát khu vực băng chuyền lấy hành lý kí gửi
Từ 14/2/2024, khi nhập cảnh Bali tất cả du khách đều phải đóng thuế du lịch IDR 150,000 (USD 10). Có thể đóng phí online qua app hoặc website Love Bali
Xuất cảnh
- Departure gate ở sân bay Ngurah Rai chia làm 2 khu vực: Departure A-B và Departure C-D-E. Vì vậy trước khi vào quầy check-in thì phải xem trước chuyến bay của mình check-in tại quầy nào
Hên là tôi đặt vé qua Trip nên trước giờ bay 4 tiếng, họ đã gửi thông báo quầy check-in. Trên bảng thông tin có quá trời chuyến bay, tôi đứng canh để kiểm tra lại mà mãi không thấy nên cứ theo hướng dẫn của Trip mà đi
- Trước khi vào được quầy check-in phải qua ải Security Check I — soi chiếu tất cả hành lý trừ những gì mang trên người (trên xe đẩy có gì là phải soi chiếu hết). Tuy nhiên kiểm tra không kĩ bằng Ấn Độ và sau khi kiểm tra xong cũng không có tem niêm phong như ở Ấn Độ
- Có thể check-in online rồi tới gửi hành lý, có quầy riêng để gửi hành lí cho Web check-in & Mobile check-in
- Lúc check-in tại quầy, ngoài hộ chiếu Việt Nam, tôi cần phải cung cấp thêm hộ chiếu Úc để chứng minh 2 mẹ con có thể nhập cảnh Úc. Nhân viên mặt đất dặn tôi xuất cảnh Bali dùng hộ chiếu Việt Nam (y như lúc nhập cảnh), còn nhập cảnh Úc thì dùng hộ chiếu Úc
- Ngoài ra còn được dặn cần làm gì khi quá cảnh tại Manila:
- Trước khi vào khu vực quá cảnh sẽ soi chiếu hành lý xách tay
- Đến Gate 18 để kiểm tra hành lý kí gửi
- Tôi bay Philippines Airlines, họ chỉ cân hành lý kí gửi, không cân hành lý xách tay
- Khi qua Security Check II, 2 kiện xách tay của tôi đều bị kiểm tra kĩ vì 1 kiện có nhiều đồ điện tử, còn 1 kiện thì có sữa và đồ ăn đồ chơi của em bé
- Tại quầy xuất cảnh, nhân viên hải quan lại hỏi Bôm “What’s your name?” “How old are you?” và cũng lại rất hên là dù đang quậy do buồn ngủ Bôm vẫn trả lời được hết
Xuất nhập cảnh quá khuya hoặc quá sớm thường rất mệt cho em bé tuổi lỡ cỡ như Bôm. Lúc quá buồn ngủ mà chưa được ngủ → quậy. Lúc quá buồn ngủ mà không được ngủ → cáu :)))
- Đồ ăn ở tiệm Made’s Warung ngon và đậm chất ẩm thực truyền thống Indonesia
- Có thùng nước lọc lấy miễn phí nằm đối diện Made’s Warung
- Bali vẫn rất sính Nhật nhưng dân Tung Của lại du lịch Bali nhiều hơn Nhật
#3 – Ninoy Aquino International Airport
(Manila/Philippines)
Quá cảnh
- Máy bay hạ cánh Manila lúc 5h sáng, em bé vẫn còn buồn ngủ, bị gọi dậy nên khá cáu. Sau khi đến được Transit Lounge, tôi tìm băng ghế trống để “lót ổ” cho ảnh, ảnh lại đánh một giấc đến 10h sáng luôn -.-
- Trước khi vào khu vực transit thì phải soi chiếu hành lý một lần nữa
- Vì bé Bôm buồn ngủ nên tôi phải vừa bế em bé vừa mang balo vừa kéo thêm một vali nhỏ nên được nhân viên sân bay chỉ chỗ cho đi thang máy lên Transit Lounge, còn người khác thì phải leo cầu thang đắm đuối (cầu thang khá cao)
- Wifi ở Transit Lounge có 2 loại: miễn phí (5 tiếng) và tính phí (phải có số điện thoại Philippines để nhận OTP)
- Đồ ăn chỉ toàn bánh kẹo, mì ly, đồ đông lạnh (pizza, spaghetti, bánh bao…) trông rất chán nhìn đã ngán. Cũng có Subway, Starbucks và không có đặc sắc ẩm thực địa phương nào khác
- Bù lại có rất nhiều chỗ cắm sạc và lấy nước miễn phí. Philippines dùng sạc 2 lỗ tròn giống Việt Nam
- Chủ yếu toàn đi thang bộ. Xuống cửa khởi hành thì có thang cuốn, nhưng mà chỉ có chiều xuống chứ không có chiều lên, muốn đi ngược lên phải leo cầu thang bộ
- Tại cửa khởi hành có wifi miễn phí không giới hạn thời gian
- Từ cửa khởi hành xuống Gate 18 có thang cuốn nhưng không hoạt động, phải đi bộ xuống rồi đi bộ ngược lên
- Tại Gate 18, nhân viên yêu cầu mở hành lý kí gửi để kiểm tra. Tôi thấy họ quét thủ công bằng một loại máy dò (cầm tay để quét)
Không nên quá cảnh tại Manila. Mang tiếng là hành lý chuyển thẳng nhưng vẫn phải đi mở hành lý cho người ta kiểm tra. Kiểm tra không mệt mà phải đi thang bộ mới mệt :-< Chưa kể là vali sau chuyến đi bị hư luôn
- Tại cửa khởi hành lại soi chiếu hành lý lần nữa, yêu cầu đổ đi/để lại toàn bộ nước uống. Họ nói “No drink!”, tôi hỏi tôi có 2 hộp sữa để bé uống thì sao, họ trả lời “Ok!”
#4 – Melbourne Airport
(Melbourne/Úc)
Nhập cảnh
- Từ đầu, lộ trình của tôi là Quy Nhơn – Melbourne nên tôi chỉ mang sữa lốc chứ không mang sữa bột, vì nếu mang sữa bột kiểu gì cũng bị vứt lại trên máy bay (theo quy định nhập cảnh Úc, không được mang theo sữa và các chế phẩm từ sữa)
- Phải để lại trên máy bay hoặc bỏ thùng rác đồ ăn của Bôm vì hầu hết đều có chứa sữa
- Phải điền giấy nhập cảnh dù là công dân Úc hay người nước ngoài
- Có 2 hàng nhập cảnh: công dân Úc và người nước ngoài. Công dân New Zealand nhập cảnh cùng hàng với công dân Úc
- Lúc làm thủ tục nhập cảnh thì cần đưa: (1) hộ chiếu, (2) tờ khai nhập cảnh, (3) cuống vé máy bay đến Úc
- Đợi hành lý kí gửi hơi lâu
Hướng dẫn điền tờ khai nhập cảnh Úc & 5 cách đi từ sân bay Melbourne về trung tâm thành phố