(CẬP NHẬT 2023) Lang thang trong ngày ở “Tiểu Edo”

Vào một sáng chủ nhật đẹp trời, Michiko-san đến bên giường kéo kéo tay tôi hỏi: “Ne-ne, Tony tìm con kìa, vậy con đi công viên với Tony hay đi Kawagoe với mama?”

Tôi lập tức bật dậy như cái lò xo, sắp xếp đồ để đi Kawagoe =))

Ngày xưa Tokyo có tên là Edo và cũng là thủ đô của nước Nhật

Kawagoe (hay còn gọi là Tiểu Edo) thuộc tỉnh Saitama, cách Tokyo khoảng 30km là một thị trấn cổ còn lưu giữ lại văn hóa của Edo.

Tôi và Mi-chan (Michiko-san thích tôi gọi cổ như vậy, dù cổ đã hơn 50 tuổi ^^ ) đón xe buýt dạo một vòng thị trấn. Mi-chan tuy cũng lần đầu đến đây, nhưng vì đã đọc trước thông tin nên cổ như hướng dẫn viên du lịch thực thụ, giới thiệu và giải thích cho tôi rất nhiều thứ.

Tuy nói là “một ngày” đi chơi nhưng thực ra khi Michiko-san gọi tôi dậy đã là 10h sáng, rồi thêm thời gian đi lại, thành ra đến Kawagoe đã gần 12h trưa. Nếu bạn lên kế hoạch từ đầu, hãy cố gắng đi càng sớm càng tốt, vì ngoài những gì tôi liệt kê dưới đây (trải nghiệm thực tế của tôi) thì còn có nhiều địa điểm tham quan thú vị khác ở Kawagoe—mà đặc biệt phải kể đến là Starbucks theo phong cách Edo!

Starbucks @Kawagoe

Mời bạn đọc thêm Những địa điểm nổi bật ở Kawagoe (tiếng Anh) để tiện bề lên kế hoạch

Một ngày ở Kawagoe

Từ nhà ga đi đến con đường Taisho Roman Yume (nên thuê kimono hoặc yukata ở cửa hàng Yuzuya trên đường này luôn), xuyên qua vài cái đèn xanh đèn đỏ bạn sẽ bước vào một khu phố cổ như Hội An — cái gì cũng cũ kĩ. Dọc phố là những cửa tiệm buôn hàng kỷ niệm, bánh trái, quán ăn, bưu điện, bảo tàng… Con phố dày đặc nhà cửa, quán xá 2 bên đường như trong phim Nhật cổ. Thấy tôi say sưa dán mắt vào hàng chục cái noren trên phố, Mi-chan nói, noren được coi là một nét văn hóa ở cổ trấn này nói riêng và trên toàn nước Nhật nói chung đấy!

Nakacho có nhiều bảo tàng và điểm tham quan vào cửa miễn phí. Bạn chỉ việc lấy ở bảo tàng nào đó một tấm bản đồ là có thể đi khắp nơi.

Ngoài ra, tôi vốn là một kẻ có tâm hồn ăn uống vô tận. Đi đến đâu cũng chăm chăm ăn bằng hết các món ngon thì lần này cũng không ngoại lệ—lại ăn và chỉ ăn. Mi-chan rất khoái tôi vì cổ cũng ăn cực siêu :))))

Đọc thêm về Top 10 món nên thử ở Tokyo theo kinh nghiệm của tôi

Thịt heo xiên xen kẽ với hành baro nướng than hoa được gọi là kurobuta yakiton thơm phức một góc phố. Tôi không ăn hành, bao gồm các thể loại hành lá hay hành tím, vậy mà hành baro này lại ăn được. Hành ngọt lịm và không có mùi hăng như mấy loại tôi từng biết. Một xiên 200 yên, sốt tự chọn (tương ớt, miso, teriyaki…). Cả 3 loại sốt đều ngon, nhưng du khách thường chọn sốt misoteriyaki hơn.

Kawagoe-Kurobuta Yakiton
Cửa hàng bán kurobuta yakiton đông khách nhất Nakacho

Là một loại đồ ăn vặt làm từ gạo nếp giã nhuyễn vo viên, bên trong có thể có nhân đậu đỏ hoặc không có nhân. Vài ba viên xiên vào một cái que. Ban đầu tôi nghĩ nó giống bánh dày, nhưng không phải, nó mềm hơn bánh dày. Bên ngoài rưới thêm một loại sốt được trộn giữa sốt đậu nành và đường có màu cánh gián. Đây là loại mochi dango phổ biến nhất. Một xiên 200 yên.

Là loại dưa leo muối chua ngọt nguyên quả, ăn khá bắt cơm. Bình thường ở các quán ăn, nhà hàng thì đồ ăn kèm (còn gọi là tsukemono) cũng có dưa leo muối nhưng đã được cắt nhỏ ra rồi. 2 người ăn 1 quả thì ổn chứ một mình “dọng” nguyên quả cỡ này đảm bảo sẽ bị combo rát lưỡi + bụng xót tại nó chua té đái T_T Đồng giá 200 yên.

Măng tre ngâm nước tương cũng là một loại tsukemono ăn chung với cơm. Một bịch 734 yên.

Kawagoe-Mochi dango

Đến Kawagoe thì phải ăn Udon! Ăn để biết vị udon-của-Edo như thế nào. 

“Udon ở Kawagoe được gọi là đặc sản đó” — Mi-chan giới thiệu

Kawagoe-Udon
Mỗi một phần này hình như 950 yên. Mi-chan thanh toán nên tôi không nắm được giá

Phần của Mi-chan là combo bánh khoai lang imoyoukan 芋羊羹 và trà pha từ matcha, giá 648 yên. Còn của tôi là combo kem nước tương (?) shouyu monakaaisu 醤油もなかアイス và trà, 350 yên. Ban đầu vì tò mò nên tôi mới gọi món “kem xì dầu” này, sau khi gọi rồi thì thấy hoang mang vì không biết nó có mặn không, vị như thế nào. Mi-chan phải trấn an tôi rằng “Ngon lắm! Không sao đâu!” ^^

Món được mang ra, tôi lo lắng nếm thử. Kem có mùi thơm vani, vị ngọt nhẹ không gắt, lớp bánh bên ngoài xốp (y như bánh xốp của Việt Nam). , quan trọng là không hề có chút cảm giác nào trong kem có xì dầu, ấy vậy mà Mi-chan bảo chắc chắn có.

Kawagoe-Dezato

Nếu bạn hay theo dõi Ngày lang thang, hẳn bạn sẽ biết tôi mê hoạt hình Ghibli thế nào—đến mức hạ quyết tâm sẽ “tha thu” kín chân các nhân vật hoạt hình Ghibli luôn! Thành ra khi chui vô đây xong tôi hết muốn đi đâu nữa :))))

Kawagoe-Ghibli
La cà lựa lựa chọn chọn xong kết quả là tậu một mớ Totoro mang về.

Kawagoe đông người, nhộn nhịp, nhiều đoàn diễu hành, các cô gái mặc kimono, cứ như ngày nào cũng là ngày hội. Ngoài những việc đã liệt kê, tôi còn la cà ở một số đền thờ Thần đạo, một số bảo tàng và mua cafe bánh trái ăn thêm lúc đi dạo nữa…

Mi-chan chụp tôi trong bảo tàng “gì đó”
Bị đoàn diễu hành Star Wars kéo lại chụp hình

Đến lúc phải về thì lại nghĩ, biết vậy đồng ý với Michiko-san từ đầu để đi sớm sớm thì đã được đi nhiều chỗ hơn rồi. Tiếc quá!!!


Cách đi Kawagoe từ Tokyo

Từ Tokyo, bạn có thể đến thẳng đến Kawagoe thông qua 3 công ty đường sắt: Tobu, Seibu và JR.

Từ ga Ikebukuro:

  • Bạn đón Tobu Tojo line chuyến Rapid Express để đến ga Kawagoe hoặc ga Kawagoe-shi. Chỉ mất khoảng 30 phút​. Giá vé một chiều 850 yên. Cứ 20 phút có 1 chuyến.
tobu.co.jp
  • Hoặc bạn có thể mua Kawagoe Discount Pass là loại vé sử dụng trong ngày, tại Ikebukuro Central 1 Ticket Gate, Central 2 Ticket Gate, Tobu Top Tours, hoặc South Ticket Gate. Có 2 loại vé cho bạn chọn:
    1. 700 710 yên — bao gồm khứ hồi Ikebukuro – Kawagoe/Kawagoe-shi + các ưu đãi đặc biệt tại 10 cửa hàng hoặc giảm giá 5% khi mua sắm tại trung tâm thương mại Tobu ở Ikebukuro
    2. 950 1,050 yên — Quyền lợi như vé 710 yên, có thêm đi lại không giới hạn trong thành phố bằng xe buýt
tobu.co.jp

Kawagoe Discount Pass chỉ bán cho khách du lịch, không cho phép người Nhật dùng.

Từ ga Shinjuku đón tàu chuyến Seibu Shinjuku Line Limited Express đi đến ga Hon-Kawagoe, khoảng 52 phút, giá vé 1,010 yên một lượt, cứ 30 phút có 1 chuyến. Hoặc đón tàu Shinjuku Line, chạy trong khoảng 1 tiếng 10 phút, giá 510 yên một lượt, 12 phút/chuyến

Từ ga Shinjuku đón tàu chuyến JR Saikyo/ Kawagoe Line đi đến ga Kawagoe, khoảng 56 phút, giá vé 770 yên một lượt. Cứ 20 phút 1 chuyến.

Vì không có nhu cầu nào khác và muốn nhanh gọn lẹ nên tôi sử dụng Tobu Tojo Line

Kinh nghiệm

→  Tất cả các cửa hàng và quán ăn đều sẽ đóng cửa lúc 6 giờ chiều hoặc sớm hơn. Hàng quán đóng cửa hết trông trấn buồn và có phần… âm u—ý tôi là cái cảm giác rợn tóc gáy, nổi da ga khi đi bộ từ trấn về lại nhà ga í. Nhưng cũng khá hào hứng vì cảnh giống như mấy drama xuyên không :)))

→  Để ý đến giờ chạy của xe buýt chứ không lúc muốn về lại không có xe. Michiko-san và tôi đã phải cuốc bộ 15-20 phút về nhà ga

Bảng giờ xe buýt ở Nakacho

Trong hình, cột màu đen là giờ. Ba cột còn lại là phút. Cột màu xanh giờ chạy của xe buýt từ thứ 2 đến thứ 6; cột màu đỏ là thứ 7, chủ nhật và ngày lễ; cột màu trắng là riêng thứ 4.

Ví dụ: chuyến xe buýt cuối của thứ 2 là 22 giờ 18 phút, 21 giờ không có chuyến nào hết; trong đoạn 19 giờ có 3 chuyến vào lúc 19 giờ 02, 19 giờ 32, 19 giờ 53. Đó, vậy đó, dễ ha!

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x