Tuy là chỉ mới đầu hè nhưng tôi muốn giới thiệu núi Takao ở Hachioji (Tokyo) để bạn lên sẵn kế hoạch đợi tới mùa thu đi là vừa đẹp ha! Hồi còn đi học, trường tôi năm nào cũng tổ chức ngoại khóa trên đỉnh Takaosan vào Chủ nhật đầu tiên của tháng 11---khi lá bắt đầu thay màu. Cảnh vật thời gian đó nên thơ mà hùng vĩ hết nấc!!
Đôi nét về Takaosan
Takaosan có gì?
Tôi giới thiệu sơ qua về núi Takao để bạn cân nhắc coi có “hạp vía” không nha:
- Takaosan cao 599 mét so với mặt đất (thuộc dạng núi thấp), dễ leo
- Núi Takao là nơi linh thiêng trong hơn 1,000 năm qua, các ẩn sĩ yamabushi đã ẩn cư ở Takaosan để tu tập (thiền định khổ hạnh dưới thác nước Biwa và đọc kinh)
- Vào những ngày trời trong, đứng ở đài quan sát trên đỉnh có thể nhìn thấy đỉnh núi Phú Sĩ; đặc biệt là nếu leo núi vào lúc đông chí (tháng 12) bạn có thể sẽ bắt gặp cảnh tượng hiếm thấy được gọi là Diamond Fuji — thời điểm mặt trời (lặn) trên đỉnh Fuji-san
- Có rất nhiều điểm tham quan dọc theo đường lên đỉnh núi (Monkey Park, Wild Plant Garden, đền thờ)
- Có sự kiện theo mùa: mùa hè có Takaosan Beer Mount, mùa thu đến mùa xuân có Kitchen Musasabi
- Có cable car và chair-lift, nếu bạn bị bệnh khớp, nhanh đau gót chân khi đi bộ hoặc chỉ đơn giản là không thích đi bộ lên dốc thì đây là lựa chọn “leo” núi hoàn hảo dành cho bạn =)))
- Nếu bạn không có hứng thú "on top" thì dưới chân núi có Trick Art Museum và TAKAO 599 MUSEUM khá "được lòng" trẻ em
- Có một nhà hàng tên là Takahashiya nổi tiếng vì đã phục vụ món Tororo Soba được 170 năm và có một cây hồng 150 năm tuổi ở bên trong khu nhà (tôi nghe thông tin này là muốn check-in liền, tại tôi thích mấy-cái-gì-lâu-năm-cổ-cổ 😋)
Tororo soba nổi tiếng là món giúp phục hồi sức khỏe sau khi leo núi. Đây là món mì lạnh, ăn chung với tororo (khoai mỡ bào) và trứng sống — ăn vừa đã khát vừa bổ sung năng lượng nhanh chóng
- Ngoài ra, nếu muốn trải nghiệm khóa tu Phật giáo ở đền Daihonbo của Yakuo-in và ăn shojin ryouri (món chay truyền thống nhà Phật) thì có thể đăng kí
Đối tượng thích hợp leo núi Takao
- Cặp đôi hẹn hò leo núi tăng tình cảm, picnic bạn bè hoặc gia đình
- Trẻ em (tiểu học), thanh thiếu niên
- Em bé 1-2 tuổi cũng đi được, có thể bế hoặc đẩy xe đẩy (có cable car và chair-lift nên cũng dễ, tuy là đẩy xe sẽ lạch cạch vì đường hơi gồ ghề)
- Các cụ rèn luyện sức khỏe (số lượng các cụ leo núi cũng không ít đâu à nha)
Đi Takaosan dịp nào thì được?
- Có thể đi quanh năm
- Đông chí để săn Diamond Fuji
- Mùa thu săn lá đỏ 🍁
- Tuần lễ vàng và mùa thu lá đỏ khá đông, nếu bạn chọn thời gian này thì có khi phải đợi đến lượt đi cable car và chair-lift khoảng một vài tiếng, còn đường mòn leo núi thì ách tắc
- Mùa hè khá nóng. Đa số mọi người nghĩ mùa hè trên đỉnh núi sẽ mát mẻ nhưng vì là núi thấp nên dù ở trên đỉnh cũng không mát mấy, nóng y chang nơi phố thị
Đấy là tôi cứ nói trước thế, còn bạn thích đi hồi nào thì đi =)))
Leo núi Takao cần chuẩn bị gì?
Như đã giới thiệu sơ sơ ở trên, bạn có 2 cách để lên đỉnh núi: leo núi hoặc đi cable car, chair-lift. Cho nên việc đầu tiên là bạn cần xác định:
- Leo núi hay đi cáp?
- Thời tiết hôm đó như thế nào? Nhiệt độ ra sao? Nắng, mưa, âm u…?
- Mấy giờ đi, mấy giờ về? Có cắm trại qua đêm trên núi không?
- Tham quan những đâu?
Việc trả lời những câu hỏi này rất quan trọng vì leo núi khác với những hoạt động "đồng bằng" khác. Không chuẩn bị kĩ sẽ gặp phải những tình huống trớ trêu, có khi sẽ thành nguy hiểm. Sau khi đã có câu trả lời thì công tác chuẩn bị các mục dưới đây sẽ trở nên dễ dàng hẳn vì đã có định hướng rồi.
#1 - Quần áo?
Nếu không có nhu cầu lên đỉnh, chỉ muốn lòng vòng quanh quẩn đền thờ ngay chỗ trạm cáp treo thì bạn có thể đi cáp treo luôn cho tiện. Mặc quần áo như bình thường, dễ di chuyển là được.
Đi đền thờ thì hạn chế mặc váy ngắn hay thời trang thoáng mát nghen các chị gái ^^
Còn nếu bạn quyết định leo núi thì khâu chọn trang phục cần phải để tâm nhiều:
- Điều khó khăn nhất khi leo núi là bị đổ mồ hôi. Nếu mồ hôi thấm vào quần áo không nhanh khô thì không khác nào bạn đang mặc đồ ướt. Nước sẽ thấm ngược lại cơ thể làm cho nhiệt độ cơ thể giảm xuống, dễ bị cảm lạnh. Vào mùa đông thì vụ giảm nhiệt độ cơ thể sẽ gây ra nhiều nguy hiểm hơn. Vì vậy nên mang theo quần áo sơ cua hoặc mặc đồ nhanh khô
- Nên mặc quần áo loại dễ mặc dễ cởi. Quần jean không thích hợp để leo núi
- Nên mang theo khăn mặt/khăn tắm để vòng qua cổ giúp thấm hút mồ hôi hoặc lau người
- Mùa đông lạnh dần về chiều, trời lại nhanh tối. Chưa kể thời tiết vùng núi rất nhanh thay đổi, xem dự báo thời tiết nếu nghi ngờ trời có mưa, bạn có thể cân nhắc mang theo áo mưa hoặc ô dù. Mà tốt nhất là ở nhà luôn, đợi trời đẹp hẵng đi
#2 - Giày?
Đường từ chân núi lên đến đền Yakuo-in (may quá) được trải nhựa. Đoạn này mang giày thể thao (sneaker) cũng vẫn ổn, không gặp vấn đề gì. Nhưng nếu muốn lên đỉnh thì nên dùng giày chuyên dụng để leo núi, đi đường rừng sẽ yên tâm hơn, nhất là vào mùa đông ẩm ướt, tuyết và bùn sẽ thành nguy cơ trượt ngã. Với lại mang giày chuyên dụng sẽ giúp ít mệt hơn giày thể thao thông thường.
#3 - Nước uống, đồ ăn nhẹ
Cửa hàng ăn uống và máy bán hàng tự động tập trung dọc Trail 1, những lối khác sẽ không có bất kỳ cửa hàng hay máy bán hàng nào. Nếu bạn có ý định đi bằng lối khác thì phải chuẩn bị đồ ăn uống.
Còn nếu bạn đi theo Trail 1 thì dễ rồi, khỏi cần mang gì cũng được. Hoặc nhà có em bé nhỏ thì chỉ cần mang đồ ăn uống cho bé.
Mà để chắc ăn thì dù đi Trail 1 cũng nên mang theo đồ ăn nước uống đề phòng vì các máy bán hàng tự động trên Takaosan đắt gần gấp đôi so với dưới đồng bằng 🥲
#4 - Đèn đóm
Đường lên đền Yakuo-in tuy được trải nhựa nhưng dọc đường không có đèn đường. Khi hoàng hôn doesn’t fine thì xác định là khu vực này tối đen như mực.
Nếu bạn thích cắm trại lại trên đài quan sát hay muốn săn Diamond Fuji thì nên mang theo nguồn sáng: đèn pin, đèn dầu, đèn báo hiệu…
#5 - Pin sạc
Có một điều khá yên tâm là điện thoại di động vẫn bắt sóng tốt ở khu vực núi Takao. Đem theo pin sạc kịp thời nạp điện để việc kết nối với thế giới không bị gián đoạn =)))
#6 - Các lưu ý khác để khỏi bỡ ngỡ
- Trong các quy tắc tại Takaosan, có 1 quy tắc là tất cả du khách phải mang rác về nhà, thành ra là phải mang theo túi đựng rác để tự giác gom rác mang về nghen!!
- Dọc Trail 1 sẽ có nhà vệ sinh nên không phải lo chuyện bị “mót” mà không có chỗ giải quyết đâu ha!!!
- Có rắn 🙃
Lần lượt từ trái qua: rắn cỏ Nhật (yamakagashi), rắn mamushi (thuộc họ rắn lục, loài này cùng loài habu Okinawa nằm trong nhóm độc nhất Nhật Bản), rắn chuột rừng Nhật (jimuguri, thuộc họ rắn nước), rắn hibakari, rắn daishou xanh. Chưa cần nhìn thấy rắn, nhìn thấy bảng chú ý này là tôi sợ xanh mặt rồi -.-
Sau khi thấy hình mấy con rắn mà vẫn thấy ổn thì... đi thôi!
Let's go!!!
Cách đi từ Tokyo đến Takaosan
Ga tàu gần Takaosan nhất là Takaosan-guchi Station (thuộc Keio Line). Để cho việc tìm tàu được chính xác thì bạn bật định vị GPS rồi tra tàu đến ga Takaosan-guchi. Ở đây tôi lấy Shinjuku làm điểm đầu cho dễ hình dung:
- Từ Shinjuku Station bắt tàu tuyến Keio Line để đến Takaosanguchi Station, đi 1 lèo khoảng 1 tiếng là tới nơi. Tuyến này giá chỉ ¥390/chiều.
*** Có tuyến phải đổi tàu nữa, để không lạc thì cứ canh giờ tuyến-chạy-1-lèo í mà lên nha quí dị!! - Sau khi ra khỏi ga Takaosanguchi, rẽ phải xong đi thẳng khoảng 500m thì sẽ đến trạm cáp treo, nếu muốn lên đỉnh bằng cách này thì bạn mua vé rồi đợi đến lượt; còn nếu muốn leo núi thì…
- rẽ phải có con đường trải nhựa, đường đó chính là Trail 1 để lên núi
Gợi ý cung đường leo Takaosan
Gợi ý #1 — Đi cable car/chair-lift
Bạn có thể bắt cable car hoặc chair-lift ngay dưới chân núi. Ưu điểm của đi cáp là không bị mệt, tiết kiệm thời gian. Nhưng cáp chỉ chở bạn đến đài quan sát ở giữa núi chứ không lên tới đỉnh.
- Bạn có thể quanh quẩn ngắm cảnh, chụp ảnh, tham gia sự kiện Takaosan Beer Mount (mùa hè) hoặc Kitchen Musasabi (từ mùa thu đến mùa xuân) ở đài quan sát
- Sau đó dạo Monkey Park và Wild Plant Garden gần đó
- Tiếp theo, khám phá Trail 2 đi bộ một vòng xuyên rừng quanh 2 công viên bên trên — đây là đường dễ đi nhất và ngắn nhất: 0.9 km
- Đi bộ thêm 15 phút theo Trail 1 sẽ đến đền Yakuo-in
- Nếu muốn lên đỉnh núi thì tiếp tục đi bộ theo Trail 1 khoảng 25 phút nữa
Có locker giữ đồ ở các ga, bạn có thể gửi những đồ không cần thiết ở đó để tiện di chuyển.
MẸO TIẾT KIỆM: Đối với cung đường này, bạn có thể tiết kiệm được một khoản với loại vé Keio Line One-Day Takaosan giá ¥1,690
Vé Keio Line One-Day Takaosan cho phép:
- Đi không giới hạn các tuyến thuộc Keio Line trong 1 ngày
- Vé cable car hoặc chair-lift khứ hồi
- Vé vào cổng Monkey Park và Wild Plant Garden; hoặc tắm onsen miễn phí ở Keio Takaosan Onsen Gokurakuyu
- Coupon giảm giá 5% sử dụng tại Keio Department Store Shinjuku
Tiệt kiệm ở đâu?
- Cable car chạy mỗi 15 phút/chuyến từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều hoặc 6 giờ chiều tùy theo mùa. Riêng trong thời gian diễn ra sự kiện Takaosan Beer Mount mùa hè thì đến 9 giờ tối
- Chair-lift 2 chỗ ngồi có mái che cứ 12 phút/chuyến, chạy từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều hoặc 4 giờ 30 chiều tùy theo mùa
- Cả hai đều có giá ¥490/chiều/người lớn và ¥250/chiều/trẻ em
Nếu không sử dụng vé Keio Line One-Day Takaosan thì sẽ tốn ít nhất: ¥390 x 2 (khứ hồi Keio Line) + ¥490 x 2 (khứ hồi cable car/chair-lift) + ¥420 (1 vé vào được cả Monkey Park và Wild Plant Garden) = ¥2,180/người lớn
Nếu dùng thì sẽ tiết kiệm được ít nhất ¥490/người lớn (ngang giá một bữa ăn trưa)
Gợi ý #2 — Leo núi bằng Trail 1
Hầu hết mọi người chọn Trail 1 — Omotesando dài 3.8 km vì phần lớn con đường được bê tông hoá và đi qua tất cả các điểm tham quan chính. Cũng bởi ưu điểm này mà Trail 1 đông người và nhộn nhịp hơn các lối khác. Tuyến đường này có độ khó trung bình.
Sau khi theo lối Trail 1 lên tới đài quan sát giữa núi, bạn có thể cân nhắc chọn 1 trong 3 lối để lên đỉnh núi:
- Tiếp tục đi Trail 1: dễ đi hơn, không sợ lạc vì đông người đi cùng
- Rẽ sang Trail 3 — đi xuyên rừng Katsura: 2.4 km với suối, rừng, phong cảnh thiên nhiên yên tĩnh
- Rẽ sang Trail 4 — cầu treo Miyamabashi: 1.5 km xuyên rừng và băng qua cầu treo, mùa lá đỏ đoạn đường này đẹp hết xẩy
Nếu muốn đi Trail 3 và Trail 4 thì bạn nên cẩn thận kẻo bị lạc lối nghen -.-
Gợi ý #3 — Leo núi bằng Trail 6
Trail 6 là con đường bắt đầu từ chân núi và không hề giao với các lối còn lại nên xác định đi đường này rồi là không thay đổi được trừ khi đi lên tới đỉnh rồi lúc về đi lối khác. Ý tôi là vấn đề ăn uống hoặc “đi nặng đi nhẹ” các thứ í ;))
Nhưng bù lại, đây là một lối đi khá thử thách dài 3.3km, với:
- Rừng cây
- Thác Biwa
- Và các ẩn sĩ đang tu tập dưới dòng thác bất kể đông hay hè
Sau khi lên đến đỉnh, bạn có thể theo Trail 1, Trail 3 hoặc Trail 4 để xuống núi; ghé ngang qua Monkey Park và Garden; rồi đi cable car/chair-lift xuống chân núi.
Gợi ý #4 — Leo núi bằng Inariyama Trail
Cũng giống với Trail 6, đây là con đường hoàn toàn riêng biệt, dài 3.1 km qua núi Inari. Tôi chưa đi lối này bao giờ nhưng nghe nói là có nhiều loài cây và hoa 4 mùa, đi mùa nào cũng đẹp.
Gợi ý #5 — Bonus: Trekking từ Takaosan đến Jimbasan
Bạn có thể đi theo lối Takaosan - Jimbasan Trail trên đỉnh Takao để đến một đài quan sát xa hơn có tên là Itchodaira. Vào mùa xuân chỗ này là điểm hanami lí tưởng. Còn các mùa còn lại thì khá yên tĩnh. Nhưng muốn đi lối này cần có kinh nghiệm chứ không là lạc chắc luôn 🤪 Lối này không dành cho “newbie” đâu nghen!!
Bạn thấy đó, hiking hay trekking đều không phải là hành trình đơn giản. Ngoài những điều kiện tự nhiên như mưa nắng ra thì còn những vấn đề khác như rắn rết, trượt té. Takaosan là ngọn núi tuy dễ leo nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Mặc dù vậy thì cũng rất đáng dành ít nhất 1 ngày ở đây nếu bạn đã sẵn sàng ;)
ad ơi ad học trường 東京国際交流学院 phải k ạ? tại e học trg đấy 2 năm mà năm nào cũng cho đi leo takaosan :))))