Lịch trình 4 ngày khám phá Bali

Bali là tỉnh đảo thuộc Indonesia, được biết đến là thiên đường nghỉ dưỡng của Đông Nam Á nhờ cảnh đẹp và thiên nhiên hùng vĩ. Trước khi đến đây, tôi đã đọc khá nhiều và tìm hiểu khá kĩ từ các nguồn chia sẻ nước ngoài, nhưng khi đặt chân đến thì vẫn bị động ở một số thứ và rút ra thêm không ít kinh nghiệm.

10 điều cần biết trước khi đến Bali

4 ngày ở Bali - mặc dù chưa đi hết những nơi muốn đi, nhưng đã đi hết những nơi cần đi; chưa ăn hết những món muốn ăn, nhưng đã ăn hết những món cần ăn. Bài viết này tôi sẽ chia sẻ hành trình 4 ngày ở Bali, bao gồm thông tin, kinh nghiệm, các hoạt động vui chơi, vân vân và mây mây.... và bạn chỉ việc chọn lọc để phù hợp với hành trình của bản thân!


Một số thông tin về Bali

#1 — Bali sử dụng đồng Rupiah

Bạn đừng nhầm lẫn Rupiah (IDR) với đồng Rupee (INR) của Ấn Độ nha.

Theo giá tôi mới cập nhật (tháng 11/2020) thì cứ 10k VND thì đổi được khoảng 6k Rupiah. Tiền Việt mình có giá trị không bằng cả tiền Indo luôn á :(

#2 — Bali có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô

  • Xuân: từ tháng 1 đến tháng 4 là mùa mưa, nhiệt độ dao động từ 20 đến 28 độ, thời tiết mát mẻ đôi lúc đỏng đảnh, lất phất mưa
  • Hạ: từ tháng 7 đến tháng 9 - là mùa cao điểm ở Bali, nhiệt độ từ 23 đến 35 độ, nắng nhiều; nếu không thích đông đúc thì bạn nên tránh những tháng này
  • Thu: kết thúc tháng 10 Bali lại đi vào mùa mưa, nhiệt độ từ khoảng 18 đến 27 độ, tháng 10 lượng khách du lịch bắt đầu giãn ra
  • Đông: Bali quá tải vào Giáng sinh và Năm mới, tình trạng hết phòng là hiển nhiên nếu không lo đặt sớm, nhiệt độ dao động từ 20 đến 28 độ
Đặc biệt là mùa nào cũng cực kì hút dân lướt ván vì sóng ở đây to và đẹp

#3 — Vé bay

Như mọi khi, tôi hay dùng Skyscanner để so sánh và tìm vé giá rẻ. Skyscanner tiện cái là cho bạn xem giá vé của cả tháng luôn.

  • Từ Việt Nam đã có chuyến bay thẳng sang Bali (Vietjet Air - cập nhật 2020). Nếu canh thì cũng mua được vé giá rẻ.
  • Còn nếu bạn thích quá cảnh Kuala Lumpur hay Singapore dài giờ thì nên chọn quá cảnh trên 5 tiếng để kết hợp khám phá. Nhưng nhớ canh giờ quay lại sân bay kẻo trễ chuyến.
  • Để nhập cảnh Singapore hay KL, bạn chỉ cần trình cho nhân viên hải quan vé bay chuyến kế tiếp, lịch trình du lịch, xác nhận đặt phòng ở Bali là xong.

#4 — Đặt phòng

Khi thuê phòng cần để ý:

  • Nhập cảnh Bali có khuya không?
  • Vị trí có dễ dàng cho oto đi vào không?
  • Khách sạn có bao gồm bữa sáng không?

Đêm đầu tiên tôi book tại Grandmas Plus Hotel Airport - một khách sạn 3 sao cách sân bay khoảng 2 cây số rưỡi để tiện bề... đi bộ. Cuốc bộ tầm nửa tiếng.

Tiêu chí thuê phòng của tôi lúc nào cũng là sạch-đẹp-tiện lợi mà phải rẻ =)))

Tại sao tôi lại chọn khách sạn này?

  1. Thời gian nhập cảnh Bali của tôi khuya quá. Tôi sợ bị người lạ... lừa lúc đêm khuya hoang vắng, nên chọn phòng ở gần sân bay để đi bộ. Nhưng thực ra đi bộ càng dễ bị "bợ" hơn vì không có đèn đường -.-
  2. Lịch trình của tôi sáng hôm sau đi ra đảo luôn nên tôi nghĩ thuê phòng ở xa chỉ tổ tốn tiền taxi chứ không lợi lộc gì

Tôi canh quá chừng mới đặt được phòng giường king với giá 24 AUD/đêm, bao gồm ăn sáng. Phải nói ăn sáng ở đây xứng đáng là super breakfast - mỗi khách đều có 1 phần ăn sáng, 1 rổ bánh mì, 1 phần trái cây tráng miệng, 1 thức uống tự chọn.

Nếu không ăn sáng, giá phòng là 19 AUD/đêm.

Ở Bali, bạn nên đặt luôn phòng đã bao gồm ăn sáng.

Super breakfast

Để có giá phòng tốt nhất, giới thiệu bạn 2 trang đặt phòng tôi hay dùng là Booking.comExpedia. Nếu bạn thích ở chung cư hay nhà nguyên căn thì nên tham khảo thêm AirBnb để tăng phần trăm kiếm được chỗ ở nhanh lẹ.

#5 — Phương tiện

  • Bali không có xe buýt
  • Bali có taxi, Uber (đã rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á từ tháng 5/2018), Grab (GrabBike, GrabCar, GrabTaxi) và Gojek (Go-Ride, Go-Car, Go-Food...)
  • Bali có dịch vụ cho thuê xe máy
  • Một số con đường ở Bali cấm không cho phép Uber hay Grab đi vào đưa đón khách
  • Taxi Chim xanh (Blue Bird) rất được lòng khách du lịch
  • Gojek cũng được khách du lịch xài nhiều vì rẻ

#6 — Visa

Bạn chỉ phải cần visa khi du lịch Bali trên 30 ngày.

Thông tin Visa và Nhập cảnh Bali (tiếng Anh)


~ Ngày 1 ~

Bali đi Nusa Lembongan và Yellow Bridge

Để đi đảo Lembongan từ Bali, bạn cần phải đặt mua trước vé tàu cao tốc. Nếu không, bạn sẽ bị chém như chém chuối với giá không cố định kiểu chợ trời. Tôi đặt qua Peramatour với 400,000 Rupiah/người khứ hồi, thêm 6% phí dịch vụ đưa đón tận khách sạn. Bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và một khoản kha khá.

Nhưng hệ thống chỉ cho đặt từ 2 khách trở lên. Nếu bạn đi một mình thì ra thẳng bến mua cho tiện, vào phút thứ 89 có khi lại mua được vé với giá rẻ hơn nhiều.

Vé tàu khứ hồi của Marlin

Sau khi được đưa ra bến tàu tôi mới biết Peramatour và nhiều công ty du lịch khác dẫn khách cho Marlin Lembongan Cruiser, tuy nhiên giá vé mua từ Perama lại rẻ hơn mua trực tiếp từ Marlin.

Fast boat từ Bali sang đảo Lembongan

30 phút ngồi trên tàu cao tốc với vô số lần cắt sóng, nhồi sóng là 30 phút tra tấn đối với đứa hay bị say các thể loại tàu xe như tôi  8-O
Chống chỉ định với bà bầu và gia đình có con nhỏ xíu xìu xiu!

Ta nói đặt trước vé từ Peramatour nó tiện gì đâu!

Sau khi đến đảo, có người hướng dẫn "chia phe": khách nào đi khách sạn nào, họ sẽ gom lại để đi chung một tuyến đường. Xe chở về khách sạn không phải là kiểu xe du lịch hay xe hơi 7 chỗ như ở Bali đâu, mà là xe bán tải được make-up lại! Đường thì bé xíu ngoằn nghoèo, 2 bên là rừng là vực mà xe cứ lao đi vun vút, còn hơn cả chơi trò cảm giác mạnh. Tuy rất muốn quay chụp lại nhưng lúc đó tôi đã lo bám chặt vào thành xe để khỏi bị rớt dọc đường...

Xe bán tải sau khi make-up có thêm ghế ngồi và mái che

Check-in #1 — Yellow Bridge

Yellow Bridge
Yellow Bridge

Cầu Vàng nối hai đảo Lembongan và Ceningan, từng bị sập hồi năm 2016 làm 9 người thiệt mạng. Tôi đi mà muốn "qua cầu gió bay" — gió thổi mạnh hết hồn. Đây cũng là bến tàu chính của đảo để khách du lịch và dân địa phương di chuyển sang đảo Penida và ngược lại. Tôi đặt khách sạn ở ngay gần cầu để tiện hôm sau sang đảo Penida.

Tâm sự: Không biết là do khách sạn tôi book, hay là tình trạng chung của đảo, mà đảo không hề có nước ngọt, thậm chí nước tắm có vị lờ lợ mằn mặn. Tôi tắm vòi sen xong thì người còn rít hơn lúc chưa tắm. Và dù nhìn thấy phòng ốc sạch sẽ nhưng vẫn có kiến lửa bò vòng vòng trên giường.

Check-in #2 — Sea Breeze Ceningan Bar dan Restaurant

Tôi quẹo vô đây sau khi lượn lờ 8 vòng các nhà hàng quanh khách sạn.

Bên trong nhà hàng
Bàn chill hướng ra biển

Sau khi xem menu một lượt, 2 đứa phàm ăn bọn tôi order luôn 3 phần cơm:

  • Omelette rice -- Cơm với trứng ốp-la
  • Chicken satay (with rice) -- Gà xiên que nướng với sốt đậu phộng béo ngậy ăn cùng với cơm là món ăn truyền thống của Indonesia. Đã đến Bali thì đừng quên không thử.
  • Fried fillet fish (with rice) -- Cơm cá chiên với Balinese sambal (một-đống-hành-tím-và-ớt-băm-vẫn-còn-sống-nhăn) bên trên, mùi hành nồng át hết các mùi vị khác làm tôi muốn khóc luôn T_T

Trung bình mỗi phần 45,000 Rupiah - tôi nghĩ là tương đối rẻ.

Set cơm ở Sea Breeze Ceningan Bar dan Restaurant
Ăn tối @Sea Breeze Ceningan Bar dan Restaurant

~ Ngày 2 ~

Kelingking (Navagio của Châu Á)

Sáng sớm, sau khi thong thả ăn sáng xong, tôi đeo balo đi ra bến tàu để mua vé sang đảo Penida chơi. Tôi đọc được thông tin giá vé từ Lembongan hoặc Ceningan sang Penida là 100,000 Rupiah cho 1 người/lượt, nhưng lễ tân khách sạn đã “mách nhỏ” với tôi giá cho khách du lịch chỉ 75,000 Rupiah cho 1 người/lượt thôi, nếu ngoài bến tàu ra giá cao hơn thì trả giá nhiệt tình vô.

KINH NGHIỆM 1:
Để có được thông tin quan trọng, bạn nên thân thiện và siêng giao tiếp ^^

Vé tàu khứ hồi sang Penida

Từ bến tàu Penida, để đến bãi biển Kelingking thì không thể đi bộ được — xa tít mù tắp. Bạn cần thuê xe máy và tay lái cứng một chút thì mới đi được đoạn đường nhấp nhô xấu phát hờn vì bị thời tiết phá hủy. Tôi đã thuê được xe tốt giá 60,000 Rupiah với bình xăng đầy nhóc.

Nếu đi về trong ngày, giá thuê xe bạn nên thương lượng từ 50,000 đến 60,000 Rupiah

"Quả" xe ga tôi thuê được với giá 60,000 Rupiah

Check-in #3 — Kelingking Beach

Tất cả áp lực xuất hiện từ việc lạc đường, đường xấu, đói bụng, lạnh... đều tiêu tan hết khi nhìn thấy khung cảnh đẹp như phim.

Con đường dốc dẫn từ trên đỉnh xuống bãi biển cực kì thô sơ và nguy hiểm, thậm chí đã có biển báo nhưng một số người không quan tâm mấy, bất chấp hết mà men xuống, trong đó có tôi
Tốn hết 2 tiếng để xuống tới bãi biển, ngắm nghía, nhìn mấy cô gái mặc bikini đùa giỡn với sóng rồi leo lên lại

LƯU Ý: Sóng ở bãi biển Kelingking rất mạnh. Một cô gái bị sóng lôi tuột ra ngoài trước mắt tôi và nhiều người khác. Rất may là có một anh chàng cao-to-6-múi-rám-nắng-hấp-dẫn đã kịp thời bơi ra cứu. Mà cô gái đó biết bơi và đi chung với bạn nữa đó nha. Sau đó cổ hết hồn, chỉ dám ngồi trên bờ tránh xa những cơn sóng.

An aerial view of waves crashing against a shore.
Mọi thứ sẽ hoàn hảo nếu bãi biển không có rác
An aerial view of a field. A road runs through the upper right corner.
Rác everywhere :((

Tôi ăn sáng sớm để lên đường sang Penida, rồi đói meo ngay khi đến được Kelingking. 2 lát bánh mì sandwich phết mứt là không hề đủ :((( Vì vậy mà trước khi vận nội công để xuống được bãi biển, tôi đã lật đật have brunch đạm bạc ở 1 quán ăn dân dã ngay đỉnh núi với đĩa mie goreng (mì xào) + nước dừa + khoai tây chiên Pringles.

Sau khi lặn lội từ bãi biển trèo lên, lại đói và quyết định ăn tiếp mì xào + nước khoáng Pocari Sweat coi như là bữa trưa. Tuy không thích đồ ăn chiên xào dầu mỡ nhưng vì không còn sự lựa chọn nên cả 2 bữa đều order cùng 1 món.

Check-in #4 — Breeze Ceningan Bar dan Restaurant

Sau khi quay lại khách sạn vào lúc chiều tối, tôi lại ra đây ăn cho tiện. Đương nhiên là order món khác.

Cà ri gà truyền thống Bali
Cà ri gà truyền thống Bali

~ Ngày 3 ~

Blue Lagoon và quay lại Bali

Trong lúc ăn sáng, tôi buôn chuyện với anh lễ tân kiêm chef.

"Nếu đi bộ từ đây ra đến Blue Lagoon thì mất bao lâu vậy anh-gì-đó ơi?"

Anh chàng đáp ngay không suy nghĩ:

"One hour, dear! — Một tiếng nha cưng!"

"Gosh!!!"

— tôi buột miệng cảm thán kèm tiếng thở dài

"Vậy thì sao mà kịp chuyến tàu cao tốc về lại Bali lúc 11 giờ trưa! :-<"

Anh chàng suy nghĩ gì đó, bảo tôi chờ chút rồi chạy biến đi đâu mất. 5 phút sau ảnh chạy xe ga về rồi nói cho tôi mượn xe MIỄN PHÍ.

Ơ...???

Thật á???

Tôi kiểu... nghi ngờ.

"Is it really free? — Có thật là miễn phí hông á?"

Chàng ta xác nhận:

"Yeah, free! — Miễn phí luôn!"

Ôi trời đất thiên địa, tôi cảm động hết sức. Thế là tôi check-in được Blue Lagoon mà không bị trễ tàu.

Check-in #5 — Blue Lagoon

Blue Lagoon
Biển màu siêu đẹp

Đến chụp tấm hình check-in xong là quay về khách sạn dọn đồ trả phòng, cảm ơn (bo, tip các thứ), đợi xe đến rước ra bến tàu.

Sau khi trở lại Bali, tàu vừa cập bến đã có tài xế tới bốc tôi đưa về tận khách sạn. Lúc đi đường về khách sạn mới có dịp nhìn ngắm đường phố Bali. Bali 12 giờ trưa đông đúc và lộn xộn y chang Sài Gòn.

Check-in #6 — Ramada Encore Hotel Seminyak

Tôi đến sớm hơn giờ nhận phòng 1 tiếng nên vẫn chưa có phòng. Tôi được bạn lễ tân hướng dẫn ra nhà hàng uống welcome drink đợi đến giờ. Sẵn tiện đang đói bụng, tôi order luôn bữa ăn trưa.

An aerial view of waves crashing against a shore.
Herb Snapper Steak
An aerial view of a field. A road runs through the upper right corner.
Chinese Spring Rolls

Đồ ăn hợp khẩu vị của khách du lịch. Món Spring Rolls chỉ là phiên bản chả ram (nem rán) của Việt Nam thôi nhưng không ngon bằng.

Check-in #7 — Made's Warung Restaurant

Tối đến, tôi thuê xe máy tại khách sạn rồi chạy xe vòng vòng quanh khu Seminyak, vô tình thế nào lại ghé Made’s Warung.

Điều ấn tượng đầu tiên về nhà hàng này là có chỗ đậu xe siêu rộng, nguyên một khoảng sân to, bọc xung quanh là hành lang có nhiều cột chống bằng gỗ. Made’s Warung có 4 chi nhánh: ở Seminyak, Kuta, sân bay Ngurah Rai (nội địa) và Bewara (Canggu).

Bên trong nhà hàng không chỉ phục vụ ẩm thực mà còn có nhiều cửa hàng nhỏ bày bán đồ lưu niệm, quần áo, khăn khố… khá giống một shopping mall nhỏ theo phong cách cổ. Nhìn cách thiết kế, bài trí thì hiểu luôn tiềm lực tài chính của nhà hàng này.

Biểu diễn Legong dance

Hôm ấy là tối thứ 7, nhà hàng rất đông khách. Trên sân khấu đang biểu diễn Legong Dance — một loại hình nghệ thuật trong Balinese Dance. Vũ công trang điểm đậm, trang phục lộng lẫy và múa theo kịch bản là những trường đoạn trong sử thi, truyền thuyết, đôi khi là trào phúng, hài kịch… Khách ăn tối rất hưởng ứng, vỗ tay liên tục.

Và tôi — nhất thời cao hứng — đã khiến bản thân… “sạt nghiệp” -.-

An aerial view of waves crashing against a shore.
Nasi campur bebek…
An aerial view of a field. A road runs through the upper right corner.
... và nguyên kí cua sốt Bali

… bằng cách chén sạch tiền khi gọi món cua sốt truyền thống Bali (crab in Balinese sauce) ngay tại đây ;(( Một bữa ăn gần 400,000 Rupiah — sang quá trời sang, gấp đôi số tiền định chi ban đầu :(((

KINH NGHIỆM 2:
Không nên quyết định điều gì đó quá vội vàng, dù là ăn ngon đi nữa!


~ Ngày 4 ~

Ra sân bay

Kế hoạch Bali Swing bị phá sản một phần vì hệ quả của việc tôi lỡ... ăn hết tiền, phần nữa là vì dậy muộn, mà 12 giờ trưa đã phải ra sân bay.

KINH NGHIỆM 3:
Bạn nên cố gắng chia các khoản đi chơi và ăn uống thật rạch ròi để không bị thâm hụt lẫn lộn

Bali không có xe buýt.

Sau một hồi loay hoay hỏi dân địa phương về cách ra sân bay xong tôi thấy không hề ổn một xíu nào nên quyết định gọi taxi Blue Bird. Sau khi đọc trên mấy diễn đàn, tôi cứ nghĩ sẽ ngốn 200,000 Rupiah là ít, bonus giờ cao điểm nữa. Nhưng không, thực tế chỉ hết 70,000 Rupiah, rẻ hơn cả giá mà Uber và Grab thông báo.

Check-in #8 — Two Dragons (trong sân bay)

Ăn trưa ở sân bay: mie goreng và cơm bò lúc lắc

Nếu check-in online, bạn cần in vé ra giấy. Bali không chấp nhận vé dưới định dạng PDF boarding pass, mà yêu cầu phải in ra giấy, có QR code rõ ràng. Để tránh lằng nhằng ở sân bay, bạn cần chú ý chuẩn bị in sẵn hết giấy tờ ha!


Bali có thể là một tỉnh đảo nhỏ, nhưng có đủ những yếu tố hấp dẫn khách du lịch quay lại đây nhiều lần: cảnh đẹp, đồ ăn ngon, đậm chất truyền thống dân tộc. Hành trình của tôi thiên về sự thoải mái, không gò bó -- ghi ra những điểm muốn đi, đánh dấu theo mức độ mong muốn, rồi cứ theo đó mà đi. Đôi khi không làm hết được danh sách viết ra, nhưng vẫn cảm thấy hài lòng vì đã làm được những việc muốn làm nhất.

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan:

Xin chào!

TÔI LÀ THẢO, TÁC GIẢ CỦA BLOG NGÀY LANG THANG.

Tôi có sở thích viết lách và đi đây đi đó. Cuối cùng tôi đã duy trì được việc này gần 1 thập kỷ. Thật là đáng tự hào ^^

Subscribe
Notify of
guest
7 Comments
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
Xem tất cả
Kim Nguyen
Kim Nguyen
5 years ago

Hi Thea Phương Thảo. Mình là Kim và mình có kế hoạch đi Bali cũng 4 ngày bằng hãng Malaysia airline, chuyến bay quá cảnh KUL thời gian transit là 1h30 , mình đang lo ngại không biết thời gian quá cảnh ngắn như vậy có kịp không Thảo. Mong nhận được hồi âm của Thảo

KIM NGUYEN
KIM NGUYEN
Reply to  Thea
5 years ago

Hi Thảo, cảm ơn Thảo nhiều nhé, lần đầu mình đi transit .. Thảo ơi, Kim đi cùng hãng Malaysia airline luôn nên vậy hành lý ký gửi hãng bay tự chuyển cho mình hay Kim cần phải tự lấy vậy Thảo. Kim có tìm hiểu thì mấy bạn trên mạng nói tùy thuộc từng hãng nhưng nếu cùng hãng hai chặng bay thì hãng bay tự chuyển hành lý luôn đúng k Thảo.

Kim cảm ơn Thảo rất nhiều…

KIM NGUYEN
KIM NGUYEN
5 years ago

Kim cảm ơn Thảo nhiều nhé, giờ yên tâm,,, Thảo nhiệt tình quá trời luôn, thích quá. iu iu. cảm ơn Thảo lần nữa nhé.

Naszyjnik Baran
Naszyjnik Baran
5 months ago

You have a unique way of presenting ideas that makes your writing stand out. I learned a lot from this post. Thank you!

7
0
()
x