Gần đây tôi nhận được khá nhiều câu hỏi xoay quanh các loại vé tàu ở Tokyo:
“Có nên mua Tokyo Subway Ticket không?”
“Vé nào nên dùng để chạy quanh Tokyo (và các vùng lân cận)?”
“JR Pass có thể dùng để di chuyển trong Tokyo không?”
Trước khi trả lời loại vé tàu nào tốt nhất, tôi muốn giới thiệu qua về mạng lưới giao thông ở Tokyo. Nó là 1 mớ hầm bà lằng mà chỉ cần nhìn thôi cũng thấy loạn -.-
Mạng lưới giao thông ở Tokyo
Mạng lưới giao thông công cộng ở Tokyo y như cái mạng nhện. Tuy chỉ có vài loại phương tiện nhưng lại có rất nhiều công ty vận tải khai thác. Trong đó tổng công ty đường sắt quốc gia Japan Railway (JR) là đơn vị lớn nhất vận hành các loại phương tiện công cộng với độ bao phủ khắp nước Nhật. JR Pass hay các IC card như Suica, Icoca đều là do JR phát hành.
Khách du lịch hay người bản xứ hầu như dùng tàu điện để di chuyển mỗi ngày nên bài viết này tôi chỉ tập trung đến tàu điện và hạn chế nhắc đến các loại phương tiện khác như bus hay phà heng!
Tàu điện cũng có vài ba loại tàu điện. Tiếng Anh hay tiếng Nhật thì có phân biệt rạch ròi, chứ còn tiếng Việt thì chỉ gọi chung là “tàu điện” nên nhiều khi nói chuyện qua lại hay nhận nghe tư vấn dễ bị hiểu không đúng ý nhau là vậy.
Phân loại theo loại phương tiện
- Tàu điện (train) — đây là phương tiện có nhiều công ty tham gia cung cấp dịch vụ nhất
- JR East (đường sắt quốc gia)
Ngoài train ra JR còn vận hành thêm:- Shinkansen chạy khắp Nhật Bản
- Tokyo Monorail
- Bus
- Odakyu Electric Railway
- Keio Corporation
- Keikyu Corporation (có Keikyu line chạy giữa Tokyo và sân bay Haneda)
- Keisei Electric Railway (có Keisei line chạy giữa Tokyo và sân bay Narita)
- Seibu Railway
- Tokyu Corporation
- Tobu Railway
- Tokyo Rinkai Holdings
- JR East (đường sắt quốc gia)
- Tàu điện ngầm (subway) — chủ yếu ở trung tâm thành phố, được vận hành bởi 2 công ty:
- Tokyo Metro (tư nhân)
- Toei Subway (thuộc chính quyền Tokyo)
- Tàu điện hạng nhẹ (tram) — Toden (tên gọi tắt của Tokyo-to Densha) được vận hành bởi chính quyền Tokyo
Phân loại theo công ty vận tải
- JR East (đường sắt quốc gia) — có 6 tuyến chạy khắp khu vực Kanto
- Tokyo Metro (tư nhân) — có 9 tuyến chạy quanh 23 quận của Tokyo, trong đó có 1 số tuyến được vận hành cùng JR hoặc công ty đường sắt tư nhân khác
- Toei Subway (thuộc chính quyền Tokyo) — có 4 tuyến, transfer qua lại với JR và Tokyo Metro
- 8 công ty đường sắt tư nhân — có transfer tại ga tàu điện ngầm và các ga JR
Vậy thì vé tàu nào tốt nhất? – Chia sẻ kinh nghiệm du lịch
#1 Tiết kiệm nhất – Tokyo Subway Ticket
Tokyo Subway Ticket (có loại 24h / 48h / 72h) có giá cạnh tranh hơn các loại vé khác, đi không giới hạn trong thời hạn dùng. Chỉ cần hộ chiếu là mua được. Nếu bạn book khách sạn ở gần ga tàu điện ngầm thì lại thêm 1 điểm cộng khi mua loại vé này.
Tuy nhiên, loại vé này chỉ đi được tàu điện ngầm ở Tokyo (do Tokyo Metro và Toei Subway vận hành), không đi được các tuyến JR và các tuyến tư nhân khác. Các điểm du lịch chính hầu hết đều có subway của 2 công ty này nhưng khách du lịch tự túc lần đầu sẽ khó khăn để nhận biết tàu nào là tàu nào, ga nào là ga nào; có thể đi tuyến nào bằng loại vé này. Dù có Google Maps đi nữa thì trên Google Maps cũng không ghi cụ thể tuyến nào là subway, tuyến nào không phải subway.
# 2 Dễ nhất – Welcome Suica (hoặc PASMO PASSPORT)
Welcome Suica là loại thẻ chỉ bán cho khách du lịch, hạn dùng 28 ngày kể từ ngày mua. Thẻ này tiện 1 cái là không cần đặt cọc khi mua như Suica thông thường, lúc mua cũng chỉ cần xuất trình hộ chiếu.
ĐỌC THÊM: Suica, Pasmo, Icoca – 3 loại thẻ tiện dụng đi khắp nước Nhật
Khách du lịch dùng Welcome Suica không cần phải hiểu về hệ thống vận tải hay mạng lưới giao thông ở Tokyo nói riêng và Nhật nói chung, ga nào tàu nào cũng xài được chỉ cần trong thẻ có tiền mà thôi. Sau 28 ngày kể từ ngày mua thì thẻ hết hạn. Thẻ không thể trả lại để lấy lại tiền dư mà chỉ có thể mang về làm kỷ niệm. Nếu trước khi về mà trong thẻ vẫn còn tiền thì bạn vô kombini mua đồ ăn uống gì đó cho nhanh hết tiền ^^
Hoặc thay vì mua Welcome Suica, bạn có thể mua Suica thông thường nếu định quay lại Nhật trong vòng 10 năm (hạn dùng của Suica là 10 năm tính từ ngày cuối dùng thẻ), khi đó bạn khỏi mất công mua thẻ khác.
PASMO PASSPORT cách dùng tương tự Welcome Suica nhưng phải đặt cọc ¥500
#3 JR Pass thì sao?
JR Pass là vé do JR phát hành, chỉ dùng để đi các tuyến JR mà thôi. Nếu bạn là khách du lịch sành sõi hệ thống giao thông công cộng ở Nhật, có thể nhận ra ga nào tuyến nào là của JR, lịch trình di chuyển đường dài thì JR Pass có thể là 1 lựa chọn tối ưu để sử dụng đa mục đích.
ĐỌC THÊM: JR Pass (P.1) – Vé tiết kiệm khi đi du lịch Nhật Bản
Đọc đến đây hẳn là bạn đã có câu trả lời cho 3 câu hỏi ở đầu bài rồi phải không! Mỗi người có sở thích khác nhau, hành trình khác nhau, mức ngân sách khác nhau. Loại vé nào tốt nhất với người này có khi lại không tốt nhất với người kia. Thay vì tìm loại vé tốt nhất, chi bằng tìm loại vé phù hợp với chuyến đi của mình nhất chẳng phải sẽ tối ưu hơn sao? ^^
Hi vọng bạn có thể biết được loại vé nào phù hợp với hành trình của bạn sau khi đọc bài viết này xoxo