Ai từng sống ở Nhật Bản đều cảm nhận 2 mùa “đỉnh” nhất năm là mùa xuân hanami và mùa thu momiji. Nhiều khi mùa thu còn được đánh giá nhỉnh hơn mùa xuân nữa.
Mùa thu Nhật Bản bắt đầu từ nửa cuối tháng 9 đến khoảng giữa tháng 12 hàng năm. Mỗi năm đều có bảng dự báo mùa lá đỏ y như mùa hoa anh đào — ngày nào ở khu vực nào lá sẽ đỏ rộ... Trường tôi cũng dựa vào dự báo để tổ chức dã ngoại leo núi Takao ngắm koyo.
Tôi vẫn nhớ mùa thu Tokyo năm 2016, một buổi sáng thức dậy, cả khu nhà rần rần vì tuyết rơi giữa mùa lá đỏ. Đó là lần đầu tiên sau 54 năm Tokyo có tuyết rơi vào tháng 11. Lần trước đó là vào năm 1962. Tôi được dịp phấn khích khi thấy cảnh tượng tuyết vương trên lá cây ngân hạnh vàng.
À, có một hiểu lầm thường gặp ở từ “lá đỏ”, “koyo” (chỉ giai đoạn lá đổi màu) là lá chỉ đổi sang màu đỏ. Nhưng thực tế có nhiều loài cây có lá đổi sang màu vàng, tím, nâu nữa. Vậy nên “lá đỏ” chỉ là từ mang tính tượng trưng!
Đặc trưng mùa thu Nhật Bản
Cây ngân hạnh
Một trong những cây đầu tiên đổi màu lá là cây ngân hạnh (ichou 銀杏). Fan Conan hẳn không ai không biết cây này, vì nó đã từng được Gosho-sensei cho xuất hiện trong những chap về mối tình đầu của tiến sĩ Agasa với tên gọi là cây rẽ quạt.
Một trong những nơi ngắm cây ngân hạnh đẹp nhất Tokyo là khu vực Meiji Jingu Gaien. Đại lộ Jingu Gaien Ginkgo chỉ dài 300 mét thôi nhưng lại có tới 146 cây ngân hạnh trồng dọc 2 bên đường.
Cây bắt đầu đổi màu lá từ tháng 11. Khi đại lộ được phủ vàng, dân tình “đổ xô” ra đây để chụp ảnh. Background này vào hình thì chỉ có từ “đỉnh” đến “cực đỉnh”!!
Một số thông tin tôi cung cấp thêm về cây ngân hạnh mà có thể bạn đã biết:
- Lá cây ngân hạnh là biểu tượng chính thức của thủ đô Tokyo từ tháng 6/1989, nên logo của Tokyo Metropolitan Government là hình lá cây ngân hạnh
- Toei Bus là tuyến bus do Tokyo Metropolitan Government điều hành nên logo cũng y chang mục số 1
- Ngoài những cây ngân hạnh cao hơn 30 mét dễ thấy dọc đường ra, người Nhật còn trồng kiểu làm cảnh như bonsai
- Cây ngân hạnh là loài cây đại diện cho tỉnh Kumamoto (quê hương của Oda-sensei — tác giả manga đình đám One Piece)
- Trường Đại học Tokyo có logo là hình 2 lá rẽ quạt lồng vào nhau, Đại học Osaka cũng có logo là lá cây ngân hạnh
Ngân hạnh không chỉ có giá trị về mặt giáo dục, văn hóa, nghệ thuật mà còn được dùng trong ẩm thực, cụ thể là phần hạt của cây (gọi là ginnan). Ginnan được rang, luộc hoặc làm nguyên liệu trong món trứng hấp chawanmushi 茶わん蒸し.
Cây phong Nhật
Cây phong Nhật có lá nhỏ, mảnh mai, được ưu ái gọi là momiji 紅葉 để phân biệt với cây phong có lá lớn (kaede 楓 - biểu tượng của Canada).
Tại sao lại “ưu ái”? Momiji và koyo đều có nghĩa chỉ mùa lá đỏ. Tuy có nhiều loài cây đổi màu lá vào mùa lá đỏ nhưng chỉ có cây phong Nhật được gọi là momiji — cái tên đặc trưng cho cả một mùa
Ngược với hoa anh đào, lá phong đổi màu từ Bắc xuống Nam, bắt đầu từ Hokkaido tháng 9.
Điểm momijigari (săn lá đỏ) ở Tokyo phải kể đến Takaosan, nhưng cũng vì địa điểm núi Takao “bá cháy” quá nên mùa lá đỏ thường đông đen khách từ 5h sáng đến tận 5h chiều.
Một trong những nơi đẹp nhất để ngắm momiji của Nhật là các chùa và đền thờ ở Kyoto, điển hình là Vũ đài Kiyomizu và Arashiyama
Cũng giống như mùa hanami, mùa momiji cũng được người Nhật tận dụng triệt để trong kinh doanh ẩm thực, đặc biệt là 2 món liên quan lá phong:
- Momiji manjuu もみじ饅頭 — bánh ngọt nhân đậu đỏ có nguồn gốc từ Hiroshima, hình dạng lá phong
*** Tip: Ngồi ăn bánh, nhâm nhi tách trà xanh, thêm quả quýt mikan みかん bên bàn sưởi kotatsu 炬燵 là pơ-phệt một ngày thu ;;) - và Momiji tempura 紅葉天麩羅 — lá phong tẩm bột chiên giòn 😑
Các hoạt động mùa thu Nhật Bản
- Nhặt hạt dẻ trong rừng
- Hái lê, hồng, nho…
- Vẽ tranh — có nhiều cụ lớn tuổi mang hoạ cụ ra công viên ngồi vẽ trông rất chill