Mumbai – chuyến đi bất ổn

New Delhi hay Ladakh được khen bao nhiêu thì tôi lại hi vọng về một Mumbai "tám lạng nửa cân" bấy nhiêu. Nhưng sự thật thật sự bất ổn. Rất may là tôi đã thay đổi kế hoạch vào phút 89 nên trải nghiệm Mumbai chỉ còn vỏn vẹn 8 ngày. Nếu lưu lại lâu hơn chắc tôi khóc lụt Ấn Độ luôn T_T

Những sự "bất ổn" này là những gì mà tôi cảm nhận và trải qua. Nếu không giống với trải nghiệm của bạn thì comment chia sẻ cho zui nha ((:

1

Nhập cảnh nửa đêm

Nhập cảnh nửa đêm có cái lợi mà cũng có cái bất lợi. Cái lợi trước mắt là quầy hải quan rộng rãi thoáng đãng, không phải xếp hàng đông đúc, không phải chờ đợi lâu. Còn cái bất lợi là em bé Bôm ngủ quắc cần câu không chịu dậy nên lúc làm thủ tục nhập cảnh có chút khó khăn. Tại quầy nhập cảnh có yêu cầu lăn tay và chụp ảnh. Sau một hồi cố gắng đánh thức mà em bé mãi không chịu dậy, chú hải quan chán ngán phất tay như muốn nói "thôi đi giùm đi" -.-

Trước đó thì phải kể đến phần điền giấy nhập cảnh. Giấy nhập cảnh không phát trước trên máy bay mà phải tự tìm sau khi hạ cánh—giống Singapore 10 năm về trước nhưng ở Singapore hồi đó có gắn cho mấy cây bút bi, còn sân bay Mumbai đã không có bút mà nếu không nhìn kĩ thì sẽ không thấy giấy nhập cảnh ở đâu luôn.

Tôi làm rớt mất cây bút bi mang từ Úc đi. Sau đó phải mượn khách đi cùng chuyến, rồi mượn cả của nhân viên hải quan -.-

KINH NGHIỆM 1: Hãy sơ-cua thật nhiều bút

2

Một cú lừa không-hề-ngoạn-mục

Sau khi nhập cảnh lấy hành lý và đổi tiền xong, chúng tôi lơ ngơ đi theo bảng hướng dẫn để đi đến điểm bắt taxi.

Sân bay Mumbai chia ra 2 khu vực bắt taxi: taxi công nghệ (Uber, Ola) và taxi truyền thống (prepaid taxi). Uber có thêm dịch vụ thuê xe tự lái, nếu có thể lái xe ở Ấn thì chọn dịch vụ này sẽ ra khỏi sân bay mau lẹ hơn, không phải chờ đợi. App Uber tôi có sẵn tài khoản đã tạo ở Úc nên cứ thế dùng, còn app Ola vì không có số điện thoại Ấn Độ nên tải xong cũng không thể đăng ký tài khoản và mọi chuyện bắt đầu từ đây!

Lúc đó là 1 giờ sáng. Giá Uber từ sân bay về khách sạn là 1,200 Rupees, khoảng $24 (đô Úc nha) cho 18km. Giá này ổn, tôi đã tham khảo trước rồi. Ngặt nỗi, vì tôi chọn UberGO (có giá rẻ nhất) nên mãi không có tài xế nào nhận cuốc xe. Kinh nghiệm rút ra được sau đó là nên chọn Uber Green hoặc Uber Premier.

Vì đặt không được Uber nên chúng tôi bắt chuyện với một tài xế đang đứng bắt khách trước quầy Uber Green. Tôi tưởng chàng ta chạy Uber nhưng không, chàng mở app Ola lên báo giá 3,600 Rupees—gấp 3 lần giá thông thường

Trời xui đất khiến kiểu gì hay vì quá buồn ngủ mà "ông thần nước lợ" của nhóm tôi chốt ngay lập tức. Tôi thì đang vừa bế em bé ngủ vừa nảy số trong đầu: giá chênh lệch quá nhiều như vậy thì chỉ có "bùa phép" ở đây thôi. Một dạo ở sân bay Tân Sơn Nhất, mấy ông xe ôm giả danh Grab, dùng app Grab pha-ke để chèo kéo những khách nào không rành công nghệ, y chang như tình huống lúc này. Mặc dù cả lũ bọn tôi đều có thể gọi là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và du lịch, nhưng rồi cuối cùng lại bị rơi vào cái mánh khoé này bằng cách không thể nào dễ dàng hơn.

KINH NGHIỆM 2: Đặt Uber Green hoặc Uber Premier, đừng đặt UberGo. Mua sim Ấn để đăng ký sơ cua tài khoản Ola phòng trường hợp không đặt được Uber!

3

Khách sạn bất ổn

Chiếc khách sạn này tôi đặt trước ngày bay đâu đó dưới 1 tuần. Tôi cũng công nhận rằng vì không chú tâm lắm vào chuyện đặt phòng nên phòng khách sạn lần này thật sự bất ổn.

Tôi để tên khách sạn ở đây để bạn tham khảo: Treebo Trend Amber Palace địa chỉ 253-255 Duncan Road

Bất ổn đầu tiên là vị trí. Mặc dù vị trí của khách sạn cách các điểm du lịch, các địa điểm nổi tiếng (thắng cảnh được UNESCO công nhận) chỉ khoảng vài ki-lô-mét thôi nhưng nó lại nằm trong khu... người Hồi. Vào ngày thứ hai ở Mumbai, tài xế taxi Uber chở bọn tôi không dám dừng trước cửa khách sạn mà thả chúng tôi ở ngã tư đường cách khách sạn khoảng 300 mét. Tôi đoán là ổng sợ xung đột tôn giáo. Nhưng ổng vẫn thu đủ tiền cước nha (:

Thêm nữa, xung quanh không có quán xá gì để ăn khuya. Đường xá lúc 6 giờ chiều tối mịt và vắng hoe. Người vô gia cư kéo mấy tờ báo ra lót ngủ trên vỉa hè.

Bất ổn thứ hai là về tiện nghi của khách sạn. Khách sạn không có nước nóng để tắm. Tuy Mumbai thời gian này nóng nực phải bật máy lạnh liên tục, nhưng đi tắm lại là chuyện khác: nước lạnh như nước đá. Tôi tắm đúng 1 lần trong 3 ngày ở Mumbai, còn em bé Bôm thì khỏi tắm mà chỉ lau người.

Ngoài ra, wifi cũng khá là ẹ. Wifi chỉ có tín hiệu khi ngồi ở quầy lễ tân, còn lên phòng hay vào phòng ăn thì coi như đứt mạng.

Bất ổn thứ ba là về đồ ăn. Mặc dù tôi đã dặn làm đồ ăn không cay cho em bé nhưng không hiểu do thói quen hay do thông tin truyền đạt từ nhân viên lễ tân đến nhân viên bếp mà 2 món tôi gọi đều không thể ăn được vì cay.

Nhưng được cái nó là khách sạn rẻ nhất trong khu vực đó (gần các điểm du lịch nổi tiếng)

KINH NGHIỆM 3: Đừng đặt khách sạn này nếu không muốn có trải nghiệm như tôi! Bạn có thể chi thêm tiền để được phòng tốt hơn, ít nhất nước tắm đừng lạnh như nước đá (:

4

Trải nghiệm đi tàu

Ngày đầu tiên ở Mumbai, tôi hết hồn vì thấy tàu lửa đang chạy mà không đóng cửa...

mumbai-railway
... giống zầy nè!

Tôi kiểu chột dạ: Cà Rỡn đã mua vé tàu để chúng tôi đi từ Mumbai đến Udupi (nơi tổ chức hôn lễ), không lẽ giờ mình huỷ chuyến... Huỷ thì cũng được thôi vì vé tàu rẻ bèo, nhưng mà huỷ xong sẽ đi bằng gì...

Suy đi nghĩ lại, phóng lao theo lao, chúng tôi giữ nguyên kế hoạch đi bằng tàu. Hên sao chuyến tàu mà chúng tôi đi có đóng cửa. Nhưng trải nghiệm vật vờ 15 tiếng làm tôi không bao giờ có ý muốn trải nghiệm lần nữa T_T

KINH NGHIỆM 4: Đi tàu lửa ở Ấn cũng là trải nghiệm có 1-0-2, nhưng nếu hỏi có muốn làm lại lần nữa không thì tôi trả lời là KHÔNG nha -.- có em bé nhỏ mà đi vậy thì cực tội lắm

5

Muỗi cắn em bé

Em bé Bôm lúc ở Mumbai ngày cuối bị muỗi cắn rất nhiều ở mặt. Chỗ nào không có đồ dài che chắn và bôi kem chống côn trùng thì chỗ đó bị cắn. Vết cắn bị sưng tấy đỏ và cứng, lan to và ngứa. Tôi đã phải liên tục tắm sạch cho bé rồi bôi kem đặc trị chống côn trùng trong 2 ngày trời. Vết bị cắn xẹp sau đó 3 ngày và trở thành vết thâm mờ.

Nhìn vết cắn trên người con, một bên mắt sưng húp và khuôn mặt tùm lum vết đỏ mà tôi xót hết cả ruột. Chưa kể muỗi Ấn to như con ruồi và là muỗi vằn, nhìn thôi cũng thấy sợ.

KINH NGHIỆM 5: Ghiền Ấn quá hoặc muốn đi cho biết thì nên thủ sẵn kem chống côn trùng và chuẩn bị sẵn tâm lý bị muỗi cắn ha!

6

Đồ ăn "rất Ấn"

Không chỉ đồ ăn ở khách sạn bất ổn mà có vẻ đồ ăn ở Ấn Độ nói chung không hợp với mẹ con tôi. Ẩm thực Ấn thực tế khác xa với những gì tôi đã từng trải nghiệm ở Melbourne (bao gồm ăn tiệm và ăn đồ Cà Rỡn nấu).

Trong 8 ngày ở Ấn Độ, mẹ con tôi chỉ uống sữa và ăn trái cây. Bởi bất kể các món có tên dù "rất" Trung Hoa đi chăng nữa (như Chinese noodles, Hakka noodles hay Singapore fried rice) thì mùi vị cũng y hệt cà ri, rô-ti Ấn; hay bất kể KFC hay Mc Donald's đều được thêm gia vị và nước sốt cay xè đặc trưng của ẩm thực Ấn.

KINH NGHIỆM 6: Mang theo mì ly, mì gói; tìm các quán Việt hay Nhật, Hàn để ăn tạm

7

Internet bất ổn

Chúng tôi chia làm 2 phe: phe eSim và phe sim card.

Chia cho vui vậy thôi chứ tất cả đều là sim internet để đi du lịch (dù ở nước nào cũng đều dùng được internet) chứ không phải loại sim nội địa Ấn.

Không biết có phải vì lí do đó không mà internet chập chờn lúc được lúc không. Đối với team IT bọn tôi, cái gì cũng có thể thiếu chỉ trừ đồ ăn và internet, vậy nên việc internet chậm như rùa bò đúng là một sự trên-cả-bất-ổn >.<

KINH NGHIỆM 7: Phải mua sim Ấn, loại có internet -.-

8

Mém tí không đặt được vé về

Tuy tôi không mua trước vé lượt về nhưng đã xem giá từ khi còn ở Úc. Cũng vì chưa mua vé về nên tôi thay đổi kế hoạch ngay khi cảm thấy bất ổn. Nhưng xui một cái, ở Ấn tôi không thể đặt trực tiếp với hãng bay.

Tôi không hiểu lí do tại sao.

Tôi đã thử đặt vé trên nhiều trang hãng chính thức như Scoot, Air India, IndiGo, Vietjet... đều gặp vấn đề ở bước thanh toán dù các bước trước đó đều rất mượt mà.

Ban đầu tôi tưởng do internet. Sau đó tôi tưởng do thẻ thanh toán của mình bị lỗi. Cuối cùng tôi mới phát hiện ra mình chỉ có thể đặt vé qua trung gian.

Điều này chỉ xảy ra khi ở Ấn, sau khi về Việt Nam tôi lại có thể đặt trực tiếp với hãng bay như bình thường

KINH NGHIỆM 8: Tải sẵn app Booking hoặc Trip để khi cần đặt vé thì có ngay

9

Té trặc chân

4 giờ sáng ngày cuối cùng ở Ấn Độ, khi đang lịch kịch chuyển vali từ phòng xuống taxi, tôi bị hụt chân té cái đụi. Bong gân.

Vùng quanh mắt cá chân bắt đầu sưng to, phải đi cà nhắc, di chuyển khó khăn. Tôi nghĩ, chuyến đi này đúng là bất ổn từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng.

KINH NGHIỆM 9: Cần đi đứng cẩn thận. Tôi may mắn chỉ bị trặc chân chứ nếu bị gì đó nặng hơn thì không biết làm sao luôn :-<

10

Quên đồ

Sau khi yên vị tại nhà, mở vali để lấy đồ dơ ra giặt tôi mới phát hiện mình quên đồ tại khách sạn ở Udupi. Hết nói nổi, lại quên ngay chiếc quần yêu thích.

Tôi nhắn cho Cà Rỡn một tin liền sau đó, rằng giúp tôi check với khách sạn về cái quần.

Lão bận đi "dập mật" nên hờ hững đáp:

"I'll try"

Đọc xong tin nhắn tôi hiểu là tôi mất luôn cái quần rồi đó :((

KINH NGHIỆM 10: Kiểm tra 7749 lần trước khi xách valy đi, nhiều khi để quên đồ nhưng cứ tưởng đã mang theo :((


Ít có chuyến đi nào tôi lại thiếu chuẩn bị và gặp đủ thứ vấn đề như chuyến đi này. Có lẽ một phần vì tự tin/tự phụ, một phần vì thiếu thông tin, phần khác là các kinh nghiệm du lịch Ấn Độ tôi đọc đều được tô vẽ màu hồng khiến tôi chủ quan nhiều. Tóm lại, đây là một chuyến đi cực kỳ bất ổn hiuhiu

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan:

Xin chào!

TÔI LÀ THẢO, TÁC GIẢ CỦA BLOG NGÀY LANG THANG.

Tôi có sở thích viết lách và đi đây đi đó. Cuối cùng tôi đã duy trì được việc này gần 1 thập kỷ. Thật là đáng tự hào ^^

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
Xem tất cả
0
()
x