Nhật Bản tuần cuối năm

Người Nhật – họ làm gì vào tuần cuối năm?


Lễ Giáng Sinh

Tuần cuối năm tại Nhật bắt đầu với Lễ Giáng Sinh. Người Nhật rất đầu tư trang trí Giáng sinh dù họ không phải đa số là theo Đạo Chúa, a.k.a ta thích thì ta làm thôi chứ không liên quan gì đến tôn giáo =))

Giáng Sinh của người Nhật: ngày Tình yêu?

Nhật Bản tuần cuối năm-christmas-couple-cake-ngaylangthang

Đêm Giáng sinh, người Nhật ít khi đến nhà thờ mà thường tổ chức tiệc tùng cùng gia đình và bạn bè. Có một sự thật thú vị: đêm Giáng sinh được xem là Valentine “phiên bản Nhật”. Để chuẩn bị cho dịp này, các cặp đôi thường phải đặt bàn trước vài tuần đến một tháng. Nếu mà đã FA lại còn không có bạn bè để tụ tập thì họ thà trốn luôn vào một góc nào đó chứ không ló mặt ra đường một mình đâu vì sẽ cảm thấy cô đơn hơn bình thường nhiều lắm luôn í!!!

KỂ VUI TÍ TẸO: Đợt Giáng Sinh năm 2015, anh bạn hàng xóm người Hàn Quốc thích cô bạn Moeka người Nhật của tôi. Ảnh mong muốn được tìm hiểu cô nàng lắm, ra sức nhờ tôi vun vén cho. Cuối cùng vào đêm hẹn, anh chàng vì xấu hổ + ngại ngùng mà… dẫn theo cậu bạn thân. Sau đó nghe kể lại rằng, Moeka đã không liên lạc lại với anh bạn tôi thêm một lần nào nữa =)))

Thành ra anh nào mà muốn cầm cưa cưa đổ một cô gái Nhật thì nên ý thức mức độ quan trọng của ngày Giáng Sinh đối với cô ấy nha!!

Thực đơn Giáng Sinh: vẫn là gà, nhưng….

… không phải gà Tây shichimenchou 七面鳥 (turkey) mà thịt gà toriniku (鶏肉). Toriniku được dùng trong Giáng Sinh thường là cánh gà, đùi gà, thịt gà xiên que rồi nướng lên cùng với nước sốt, được bán ở quán nhậu, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi…

Nhật Bản tuần cuối năm-toriniku-ngaylangthang

Khi nhắc đến gà thì người ta hay nghĩ đến KFC. Nhưng ở Nhật, hay ít nhất là ở Tokyo, họ chuộng Mc Donald’s hơn. Tuy liên tục chạy chương trình quảng cáo giảm giá, tặng voucher kích thích người tiêu dùng đi nữa thì vẫn rất ít người chọn KFC để ghé chân.

Bánh Giáng sinh kiểu Nhật

… là bánh gato phủ kem và trang trí dâu tây, ông già Noel hay nhiều kiểu khác theo chủ đề và tông màu Giáng Sinh (đỏ-xanh-trắng) thay vì những chiếc bánh quy hình người truyền thống (Gingerbread Men), bánh quy bơ hay bánh nướng như của châu Âu, châu Mỹ.

Nhật Bản tuần cuối năm-christmas-cake-ngaylangthang

Sau đó họ sẽ trao tặng nhau những món quà ý nghĩa oseibo (お歳暮).

Bội thực với những “bữa tiệc ánh sáng”

Từ Noel đến Valentine ở Nhật có khá nhiều ngày lễ. Bắt đầu từ tháng 11 đã có nhiều lễ hội ánh sáng trên khắp cả nước, như Tokyo StationTokyo, thủy cung Kaiyukan AquariumOsaka hay công viên Nabana no Sato ở Mie.

Nhật Bản tuần cuối năm-Illumination-ngaylangthang

Tokyo Disneyland mùa Giáng Sinh năm nào cũng đông đúc vì tổ chức các sự kiện đặc biệt có quà tặng, bắn pháo hoa, các trò chơi Giáng sinh… thu hút nhiều em bé, các bạn trẻ và khách du lịch.


Họp mặt cuối năm

Bonenkai (忘年会) là sự kiện diễn ra vào cuối mỗi năm, được tổ chức để quên đi những gì không vui, hay những việc không thuận lợi trong năm và hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới sắp tới. Bonenkai có chút giống giống với tiệc tất niên của Việt Nam vậy đó.

ĐƯỢC TỔ CHỨC GIỮA:

Đồng nghiệp
Thành viên câu lạc bộ
Bạn cùng lớp đại học
Bạn bè…

Nói chung là quen biết nhau đến mức có thể ăn nhậu chung thì đều có thể gom lại tổ chức bonenkai được hết.

Trong buổi họp mặt có thể có tổ chức một số trò chơi như bingo (trò này rất phổ biến ở Nhật) hay văn nghệ hát hò, nhưng phần lớn vẫn là dành thời gian uống rượu và trò chuyện với nhau.

THƯỜNG TỔ CHỨC VÀO:

Cuối tháng 12, tránh đêm giao thừa
Thường là tối thứ sáu hoặc thứ bảy (để tẹt ga say xỉn không phải lo lắng hôm sau đi làm)

KỂ VUI TÍ TẸO: Như bonenkai năm 2016, quán mì Hidakaya mà tôi làm part-time cũng có lên lịch giao lưu với nhau xả stress. Hẹn tối thứ 4 hẳn hoi, vì thường quán ăn giữa tuần sẽ thưa khách hơn cuối tuần. Cuối cùng thì bể kèo vì cuối năm đông khách quá, toàn bị yêu cầu tăng ca.

Nên là trong một số trường hợp bất khả kháng thì không có bonenkai!

Nhật Bản tuần cuối năm-izakaya-bonenkai-ngaylangthang
TỔ CHỨC Ở:

Quán nhậu Izakaya (quán bar bình thường theo phong cách Nhật Bản)

Izakaya thường có sức chứa lớn, giá cả cũng hợp lý. Có chỗ còn phục vụ gói “uống thả ga” nomihodai nữa.

THỰC ĐƠN BAO GỒM:

Các món ăn truyền thống như nabe (lẩu Nhật – cuối năm lạnh ăn lẩu là hợp lý), edamame (đậu nành non luộc, rắc thêm tí muối), sushi, sashimi, yakitori (gà xiên que nướng), karaage (gà rán)
Bia, rượu sake, cocktail (như haiboru ハイボール – whisky pha với nước chanh và soda)

Nhật Bản tuần cuối năm-menu-bonenkai-ngaylangthang

Chuẩn bị cho năm mới

Trong các công việc cuối năm cần phải làm thì tổng vệ sinh, trang trí nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn cho năm mới… là không thể thiếu. Cái này Thảo thấy Nhật hay Việt gì cũng vậy nè. Người Việt chuẩn bị Tết âm như nào thì người Nhật cũng từa tựa vậy đó.

Tổng vệ sinh nhà cửa (oosouji – 大掃除)

Từ những chỗ ngày thường ít được dọn dẹp như cửa lưới (amido – 網戸), hệ thống thông gió (kankisen – 換気扇), cho đến đèn đóm các thứ (shoumeikigu – 照明器具), sân vườn, vân vân và mây mây… cũng đều được quét dọn.

Ở công ty thì thường phải dọn dẹp xong trước kỳ nghỉ đông. Kỳ nghỉ đông bắt đầu khoảng từ giữa tháng 12. Còn ở nhà thì thong thả từ từ dọn cũng được.

Chuẩn bị thức ăn ngày tết (osechi ryouri – おせち料理)

Việc nấu ăn, đi ra ngoài, dọn dẹp, thậm chí là tắm rửa vào ngày đầu năm mới được coi là mang lại điều không may mắn, nên người Nhật thường làm trước osechi ryouri (おせち料理) để ăn trong 3 ngày Tết.

Osechi ryouri bao gồm những món ăn truyền thống được bày biện đẹp mắt đựng trong hộp nhiều tầng ojubako

Osechi-Nhật Bản tuần cuối năm

Osechi ryouri (おせち料理) thường có:

  1. Trứng cuộn (Datemaki) 伊達巻
  2. Hạt dẻ mix khoai lang mật ngào đường (Kuri Kinton) 栗きんとん
  3. Cá mòi ngào đường (Tazukuri) 田作り
  4. Chè đậu đen (Kuromame) 黒豆
  5. Trứng cá trích (Kazunoko) 数の子
  6. Củ cải trắng + cà rốt ngâm chua ngọt (Namasu) 紅白なます
  7. Củ cải Turnip ngâm chua ngọt (Kikka Kabu) 菊花かぶ
  8. Ngó sen ngâm chua ngọt (Su Renkon) 酢れんこん
  9. Rễ cây ngưu bàng sốt mè (Tataki Gobo) たたきごぼう
  10. Gà hầm rau củ (Chikuzenni) 筑前煮
  11. Rau củ hầm (Níhime) 煮しめ
  12. Tôm hầm nước tương dashi (Ebi no Umani) えびのうま煮
  13. Tảo bẹ kombu cuộn cá hồi (Kobumaki) 鮭の昆布巻き
  14. Cá cam Nhật sốt Teriyaki (Buri no Teriyaki) ぶりの照り焼き
  15. Chả cá Nhật (Kamaboko) かまぼこ飾り切り
  16. Chả cá Nhật mix trứng cá hồi 蒲鉾いくらのせ
  17. Súp Ozoni theo xì-tai Kanto 関東風お雑煮
  18. Súp Ozoni theo xì-tai Kansai 関西風お雑煮
  19. Mochi homemade お餅の作り方
  20. Bánh gạo Nhật お餅各種
  21. Chè đậu đỏ (Anko) 餡子

Tùy khẩu vị sở thích của từng nhà mà thêm bớt món này món kia.

KỂ VUI TÍ TẸO: Trước khi chuẩn bị được osechi ryouri cho 3 ngày thì người Nhật sẽ phải đi chợ. Bình thường họ đi siêu thị nhưng dịp cuối năm nghỉ dài ngày, cần mua lượng thức ăn lớn và rẻ nên họ chọn đi những khu chợ ở xa hơn. Tôi từng hộ tống gia đình của bạn tôi đi chợ Ameya-yokocho vào ngày 30/12. Mỗi người trong nhà bạn ấy đi chợ đều kéo theo… va-li.

Yeah! Va-li! Một (vài) chiếc vali để đựng cho đủ thức ăn mua về! Cuối năm, người Nhật mua mấy chục kí thức ăn tươi sống thì cũng gọi là bình thường.

Tại sao lại mang theo va-li?

Vì nó có bánh xe, dễ dàng kéo đi tới đi lui quanh chợ, lên tàu điện, đi bộ về nhà.

Hôm đó, tôi mua được cá hố ở chỗ người Việt bán trong chợ. osechi ryouri của tôi là món cá hố kho sốt cay ăn suốt 3 ngày Tết :))

Trang trí nhà cửa

Cây nêu kadomatsu (門松) — được đặt trước cổng để trang trí giống như Việt Nam hay trưng cây quất hay cúc vàng vậy đó. Mấy cây nhỏ xinh thì được để trên bàn TV hoặc bàn thờ thay cho hoa cúng

Nhật Bản tuần cuối năm-kadomatsu-ngaylangthang

Chú liên thừng shimenawa (注連縄) — được treo trước cổng đền chùa, trên cổng torii, trên cây hoặc trên bàn thờ Thần đạo. Shimenawa được làm bằng một sợi dây thừng và các vật liệu khác như dương xỉ và dải giấy trắng.

Nhật Bản tuần cuối năm-shimenawa-ngaylangthang

Vòng hoa shime-kazari (しめ飾り) — được đặt trước bậc thềm vào nhà hoặc văn phòng, công ty, trung tâm thương mại… Vòng hoa được làm bằng dây bện, cành cây, dải giấy và mikan (ngày xưa xài cam nhưng hiện nay chủ yếu được thay bằng mikan cả)

Nhật Bản tuần cuối năm-shimekazari-ngaylangthang

Bánh gạo kagamimochi (鏡餅) — đặt trên bàn thờ Thần đạo. Bao gồm hai chiếc bánh gạo, cái nhỏ ở trên, cái lớn hơn ở dưới và một loại cam gọi là daidai ở trên cùng (hiện nay hầu hết được đổi thành mikan). Ở một số vùng khác, người ta còn chế ra phiên bản kagamimochi 3 lớp nữa.

Ngày xưa, kagamimochi còn được đặt ở nhiều vị trí khác như trên bàn TV, trước cổng nhà…

Nhật Bản tuần cuối năm-kagamimochi-ngaylangthang

Viết nengajo (年賀状)

Người Nhật thường gửi thiệp chúc Tết nengajo (年賀状) cho bạn bè, đồng nghiệp, người thân hay khách hàng… vào cuối năm để sang năm mới, mỗi gia đình đều nhận được thiệp. Họ sẽ vừa thưởng thức osechi ryouri, vừa chuyền tay nhau đọc thiệp mừng chúc Tết.

Nhật Bản tuần cuối năm-nengajo-ngaylangthang

Thiệp mừng nengajo có nhiều loại. Có loại bán sẵn, chỉ cần mua về viết lời chúc. Có người thích tự làm thủ công. Có người thích tự thiết kế tự in.

Gửi tặng oseibo (お歳暮)

Đi kèm với nengajo là oseibo (お歳暮) – quà tặng cuối năm. Việc tặng quà này cũng là dành cho bạn bè, người thân, khách hàng… Tuỳ vào sở thích, mức độ thân mật, tính chất công việc… mà người Nhật sẽ suy xét tặng quà gì.

Oseibo có thể là đồ ngọt, rượu bia, trái cây, thịt sống (như thịt bò hay heo thượng hạng), mì soba/udon

Nhật Bản tuần cuối năm-oseibo-ngaylangthang

Đêm giao thừa

Kì nghỉ năm mới ít nhất từ 29/12 đến 3/1 trừ những ngành dịch vụ ăn uống. Theo truyền thống, oomisoka là thời gian dành cho gia đình. Giờ thì giới trẻ thích ra ngoài chơi hơn là ở nhà.

Vào đêm giao thừa oomisoka (大晦日), mọi người thường hay cùng nhau ăn bánh, ngồi quanh bàn lò sưởi kotatsu (火燵), xem chương trình Kohaku Uta Gassen (紅白歌合戦) cuối năm trên kênh NHK, chờ đợi tiếng chuông giao thừa và ăn mì trường thọ toshikoshisoba (年越しそば), mong được khỏe mạnh và sống lâu.

*** Kohaku Uta Gassen (紅白歌合戦) là một cuộc thi âm nhạc giữa hai đội: đỏ (nữ) và trắng (nam), bao gồm các ca sĩ và ban nhạc nổi tiếng của Nhật Bản thi đấu với nhau. Chương trình khá sôi động và hài hước.

Nhật Bản-toshikoshisoba-ngaylangthang

Khi tiếng chuông điểm 12 giờ, mọi người sẽ trao nhau câu chúc « 良いお年を! » (yoi o-toshi o) – một năm mới tốt lành!


Giáng sinh không phải là quốc lễ của Nhật Bản nên các cửa hàng hay trung tâm thương mại đều mở cửa bình thường. Nhưng năm mới là một trong những ngày lễ lớn nhất của đất nước này nên nhiều cửa hàng, nhà hàng và điểm giải trí sẽ đóng cửa từ 29/12 đến 4/1. Đây cũng là dịp thu hút nhiều khách du lịch nhất.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x