Q&A (hỏi đáp cùng Thảo) về hoa anh đào!
Những bông hoa anh đào - minh chứng cho vẻ đẹp hoàn hảo chóng tàn - như một lời nhắn nhủ "Không có gì trên đời này là vĩnh viễn, mọi thứ sẽ qua đi vào một lúc nào đó"
Hoa anh đào có mùi vị gì?
Mùi hoa rất nhẹ. Ngay cả khi để sát mũi cũng chỉ có mùi thoang thoảng.
Từ khoảng tháng 2 hàng năm, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi bắt đầu bày bán đồ ăn đồ uống "có vị" anh đào nhưng chỉ toàn là chiêu tiếp thị sản phẩm chứ không hề có "mùi vị thật sự" nào ở đây cả!
Người Nhật có một "mẹo" lưu giữ mùi hương anh đào: mang hoa còn nguyên vẹn đi ướp muối. Giống hoa thường dùng để ướp muối là Fugenzo hoặc Kanzan (có nhiều cánh), đem ngâm với muối hoặc giấm mận (plum vinegar). Ngoài hoa thì còn muối luôn cả lá (giống Oshima).
Hoa sau khi đã ngâm muối lấy bỏ vô ly/chén, đổ nước nóng vô. Hơi nước bốc lên có mùi thơm ngọt thanh, đó là mùi hương tự nhiên của hoa anh đào.
Hoa anh đào có ăn được không?
Câu trả lời là hoàn toàn được! Không chỉ ăn mà người Nhật còn tích cực dùng để trang trí cho món ăn thêm đẹp mắt nữa.
Có rất nhiều món trending như:
- Sakurayu (桜湯) - một loại trà pha bằng cách đổ nước nóng lên hoa anh đào ngâm trong vài phút; thường được phục vụ trong đám cưới hoặc lễ đính hôn hay lễ kỷ niệm thay cho trà xanh thông thường
- Sakura anpan (桜あんパン) - bánh mì cuộn nhân đậu đỏ, trang trí bằng 1 bông hoa ướp muối. Một trong những cửa hàng nổi tiếng nhất khi nói đến sakura anpan là Ginza Kimuraya
- Sakura onigiri (桜おにぎり) - món ăn truyền thống của Nhật mà tôi hay gọi bằng cái tên dân dã là cơm nắm. Cách làm giống với các loại onigiri khác, chỉ có gắn thêm một bông hoa anh đào ướp muối để tạo vẻ ngoài bắt mắt tinh tế nhẹ nhàng cho cục cơm
- Sakura mochi (桜餅) - mochi có màu hồng nhạt, nhưng thực hư màu sắc đó được tạo ra từ đâu cũng có nhiều luồng thông tin khác nhau. Quanh cục mochi được bọc bằng lá anh đào ngâm muối, có thể ăn chung
Hình dạng của sakura mochi khác nhau theo từng vùng.
Sakura mochi của vùng Kanto được gọi là chomeiji, có hình dạng hơi giống bánh crêpe với đậu đỏ sên đường ngọt lịm được bọc bên trong. Món chomeiji được đặt theo tên của ngôi chùa Phật giáo ở Tokyo -- nơi mà sakura mochi được bán lần đầu tiên. "Cha đẻ" của chomeiji đã nhặt lá anh đào từ bờ sông Sumida gần đó, chế biến và tạo ra mochi nổi tiếng ngày nay. Giá của chomeiji khá mềm, khoảng 200 yên mỗi cái.
Trong khi đó, ở Kansai, sakura mochi có tên là domyoji, có hình dạng nắm tròn; được làm từ bột gạo domyoji-ko (gạo nếp được nấu chín sấy khô, nghiền thành bột nếp, dễ làm, dễ bảo quản), nhân cũng là đậu đỏ sên đường. Cũng như vùng Kanto, domyoji được tạo ra lần đầu tiên tại chùa Domyoji ở Osaka. Loại sakura mochi này được bán với giá khoảng 150 yên tại tất cả các cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc.
Sakura mochi được bán trong khu thương mại thì đắt hơn một chút - khoảng 200 ~ 300 yên.
- Sakura sake (桜酒) - là loại rượu đựng trong chai thủy tinh trong suốt, bên trong có một (vài) bông hoa anh đào đang "bơi bơi". Rượu có hương vị chua ngọt, ngon hơn khi uống lạnh, được dùng trong cocktail
Tại sao có nhiều thứ được gọi kèm “sakura” trong khi chẳng có liên quan gì đến hoa anh đào?
Hình ảnh hoa anh đào cực kì quen thuộc đối với người Nhật, thành ra ngay cả những thứ "hơi giống" với hoa anh đào cũng được kèm "sakura" vào, ví dụ như màu sắc tương đồng hay hình dáng từa tựa nhau chẳng hạn:
- Shibazakura (芝桜) - còn được gọi là hanatsume kusa. Hoa có màu tím hoặc trắng, cánh hoa có hình dáng hơi giống loại anh đào somei yoshino. Shibazakura khá nổi tiếng ở núi Phú Sĩ—năm nào cũng có lễ hội hoa Shibazakura và tulip. Bạn cũng có thể thấy nguyên một đồi hoa shibazakura vô cùng rộng tại công viên Higashi Mokoto Shibazakura (ひがしもこと芝桜公園) ở Hokkaido
- Akizakura (秋桜) - hay còn gọi là hoa cosmos. Hoa có đủ màu từ hồng nhạt, hồng phớt, trắng, cam... Hoa nở vào mùa thu và được ví như "sakura của mùa thu"
- Sakuragai (桜貝) - những con nghêu này được thêm "sakura" vào vì nó có màu hồng nhạt giống hoa anh đào
- Sakuraebi (桜海老) - là loại tôm có vỏ hồng nhẹ nhẹ giống với màu hoa anh đào
- Sakuragayu (桜粥) - cháo đậu đỏ ăn trong dịp Tết, chính xác là vào ngày 15 tháng 1 để thanh trừng và xua đuổi ma quỷ và bệnh tật
- Tako sakurani (たこ桜煮) - món râu bạch tuộc hầm rượu sake + nước tương + mirin + đường. Món này nấu xong có màu hồnggggggg
- Sakuraniku & Sakuranabe (桜肉) - Thịt ngựa và lẫu ngựa. Khi thịt heo rừng được gọi là "thịt hoa mẫu đơn" (牡丹肉, bodanniku), thịt hươu nai được gọi là "thịt lá mùa thu" (紅葉肉, momijiniku), thịt gà còn được gọi là "thịt cây bách" (柏肉, kashiwaniku) thì thịt ngựa có một cái tên mĩ miều là "thịt hoa anh đào" (桜肉, sakuraniku) =))))
- Sakura (サクラ) - Người được thuê. Điển hình dễ thấy là trong mấy gameshow truyền hình, khi ghi hình cần có khán giả xem, vỗ tay, hưởng ứng... thì những người được thuê để làm khán giả được gọi là sakura. Hoặc những người được thuê để mua hàng ở một gian hàng tại hội chợ/triển lãm, tỏ ra hào hứng với sản phẩm gian hàng đó bán để thu hút khách hàng khác... cũng được gọi là sakura
- Sakura saku (さくら咲く) - một cụm từ quen thuộc mà các học sinh ở Nhật dùng để báo rằng các em đã đậu kì thi đại học
Nếu bạn có câu hỏi, mời comment bên dưới ;)