Piazza del Duomo (Pisa) | Nơi lưu giữ quan tài đá đặc biệt thời Thánh chế La Mã

Nước Ý nổi tiếng là cái nôi của kiến trúc thế giới với vô số những cung điện lớn, tòa thành vĩ đại, quảng trường rộng hoành tráng. Một trong bốn quảng trường lớn nhất nước Ý, cũng là quảng trường duy nhất ở Ý được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 1987 không nằm đâu khác mà ở ngay trung tâm thành phố Pisa vùng Toscana—Campo dei Miracoli (Cánh đồng Màu nhiệm), hay còn có tên khác là Piazza dei Miracoli (Quảng trường Phép lạ). Tháp nghiêng Pisa là một phần trong quảng trường này.

Mặc dù toàn bộ Campo dei Miracoli được công nhận là di sản văn hóa thế giới song trên thực tế hầu hết mọi người chỉ biết đến Tháp nghiêng Pisa mà ít ai biết 3 kiến trúc nổi tiếng khác là Nhà thờ chánh toà Pisa (Piazza del Duomo), Nhà rửa tội (Baptistery) và Nghĩa trang tưởng niệm (Camposanto).

du lịch tự túc tiết kiệm châu Âu, du lịch Ý, Italy, du lịch Pisa, tháp nghiêng Pisa
Bên trong Camposanto

Nếu bạn có tìm hiểu về lịch sử thời Trung cổ, hẳn đã từng đọc qua về xung đột giữa Giáo hội Công giáo Roma và Thánh chế La Mã. Nhưng việc một Nhà thờ chánh toà của Công giáo lưu giữ hài cốt của một vị Hoàng đế của Thánh chế La Mã lại là điều bình thường, trong lịch sử đã có nhiều. Và tất nhiên ở Nhà thờ chánh toà Pisa cũng đang có lăng mộ của một vị Hoàng đế lừng lẫy–người được đại thi hào, nhà thơ kiệt xuất (của Ý và thế giới) Dante nể phục.

Nói đến đây lại phải nhắc đến Dante. Ông là tác giả của “Thần khúc”–một trường ca nổi tiếng được mệnh danh là “Kinh Thánh của thời Trung Cổ”, đến nay vẫn nhận được nhiều lời ngợi khen. Trong sách Ngữ văn 12 của Việt Nam cũng có một trích đoạn của tác phẩm này. Dante được mô tả là “người đã đến để cải cách nước Ý” [ch’a drizzare Italia verrà in prima ch’ella sia disposta].

Lăng mộ của vị Hoàng đế đó được thiết kế và chạm khắc hoành tráng, đến cả vị trí đặt cũng không phải là bình thường đối với một di tích lăng mộ. Kết hợp với sự ủng hộ của Dante lúc sinh thời thì có thể xem đây là một điều đặc biệt của Campo dei Miracoli cũng như Nhà thờ chánh toà Pisa.


Tôi xin phép được trích lại một đoạn lịch sử về Pisa trong bài viết của Uyn—phần mà tôi cho là thú vị về lịch sử và nguồn gốc của chiếc quan tài đá được đặt trong Nhà thờ chánh toà (có biên tập chỉnh sửa từ ngữ và chú thích thêm một xíu để người đọc dễ hình dung).

Bài gốc được viết bởi Uyn — từ nguyenX.

du lịch tự túc tiết kiệm châu Âu, du lịch Ý, Italy, du lịch Pisa, tháp nghiêng Pisa
Quần thể nhà thờ của Pisa dưới hoàng hôn

Từ thời xa xưa, lúc đó Công giáo chưa thống trị châu Âu, mà chỉ được xem là tôn giáo đơn thuần chăn dắt con chiên vào vòng tay Chúa. Nói thẳng ra, đó là tôn giáo cho người nghèo dưới ách thống trị của những lãnh chúa, địa chủ có quân đội riêng hoặc có của cải đất đai. Quyền lực thật sự nằm trong tay Hoàng đế, chứ không phải Giáo hoàng.

Đến thời Giáo hoàng Gregorius VII, ông cho rằng những lãnh đạo tham quyền không nên có quyền lực áp đảo đại diện của Chúa (tức là Giáo hoàng). Ông tìm cách tăng cường quyền lực của nhà thờ. Ông ban chức cho một Giám mục (Bishop) ở Milan, bất chấp việc Hoàng đế Heinrich IV của “Đế chế La Mã thần thánh” đã đề đạt một Giám mục khác. Như vậy, Milan tự nhiên có hai Giám mục, đại diện cho hai thế lực tôn giáo/thế tục đối đầu.

Đế chế La Mã thần thánh theo lời các nhà sử học nói: không mang tính chất đế chế, không phải của người La Mã, và càng không phải thần thánh.

Chiến tranh xảy ra không chỉ là tranh chấp quyền lực chính trị đơn thuần, mà còn là tranh chấp quyền thu thuế, bởi các Giám mục nộp thuế cho người trực tiếp ban chức tước và quyền lực cho họ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến của cải của Hoàng đế và Giáo hoàng. Tranh chấp này dẫn đến sự kiện Giáo hoàng Gregorius rút phép thông công của Hoàng đế Heirnich IV.

Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông côngrút phép thông công) là một hình phạt của Giáo hội Công giáo Rôma dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội.

wikipedia

Nhưng sâu xa hơn, đằng sau sự kiện này là một cuộc chiến tư tưởng dữ dội giữa quyền lực tuyệt đối và chế độ nhị nguyên. Tức là: thời đó quyền lực của Hoàng đế và Giáo hoàng được xem là kiềm chế lẫn nhau để tránh sự độc tài nhưng qua sự kiện này ta có thể thấy Giáo hoàng Gregorius chống lại thuyết nhị nguyên, muốn quyền lực của Giáo hội thống trị thế tục.

Thế tục: không liên quan đến tôn giáo

Đây là một sự kiện trọng yếu trong lịch sử phát triển của châu Âu. Giáo hoàng Gregorius với hành động này đã tăng đáng kể quyền lực của Giáo hội, đồng thời cũng khiến thẩm quyền của Giáo hội mang tính chính trị chứ không còn phục vụ Chúa một cách thuần tuý nữa.

Việc bị rút phép thông công lúc đó là vô cùng nghiêm trọng, bởi nếu Hoàng đế không được Giáo hoàng thừa nhận thì sẽ mất ngai vàng – vì ngai vàng của Hoàng đế La Mã thần thánh là được… bầu mà ra (được bầu từ hội đồng các triều đình châu Âu) mà hồi đó chủ yếu đều theo Công giáo. Nói cách khác, các đại gia tộc ném tiền hối lộ nhau để cướp ngai vàng và đứng sau duy trì quyền lực của Giáo hội như một công cụ cân bằng giữa các lãnh địa châu Âu.

Nhà thờ Pisa

Vậy Heinrich đã làm gì khi rơi vào cảnh đó?

Ông cởi bỏ quần áo hoàng đế, mặc vào bộ đồ hèn mọn, quỳ ba ngày ba đêm trước nhà thờ để cầu xin sự xá tội. Theo luật của Công giáo, Giáo hoàng không có bất cứ sự lựa chọn nào khác ngoài rút quyết định dứt phép thông công của Heinrich.

Hành động của Heinrich hoàn toàn không phải xuất phát từ ăn năn. Đối với Heinrich việc giả vờ quỳ dưới chân Giáo hoàng là một việc đơn giản để giữ quyền lực. Về sau này ông còn đối mặt với một lần bị rút phép thông công khác.

Ngay sau khi được xá tội, Heinrich lập tức trở về dập tắt các cuộc bạo loạn nhằm lật ngôi ông. Sau này còn chọn Clement III để thay thế Giáo hoàng Gregorius.

Cuộc chiến giữa Giáo hoàng và Hoàng đế là biểu hiện trực tiếp của cuộc chiến giữa hai thế lực: GhibellinesGuelphs. Nói đơn giản, Ghibellines là thế lực những người ủng hộ Hoàng đế, muốn Hoàng đế và Giáo hoàng kiềm chế lẫn nhau, tránh sự độc tài. Còn Guelphs là thế lực những người ủng hộ Giáo hoàng. Qua sự kiện trên, có thể nói Ghibellines thắng Guelphs vì Giáo hoàng không làm gì được Hoàng đế; nhưng đồng thời cũng là thắng lợi của Guelphs vì đã buộc được một Hoàng đế quỳ trước Giáo hoàng.

Chính từ sự kiện trên mà Giáo hội “đào tạo” con chiên và học giả rằng những người theo nhà thờ có linh hồn ưu việt hơn thế tục.

200 năm sau cái chết của Giáo hoàng Gregorius, sự tranh chấp không ngừng nghỉ của hai thế lực Hoàng đế và Giáo hoàng vẫn tiếp diễn. Năm 1289, phái Guelph thắng thế nhưng rồi lại chia ra thành phe Đen và phe Trắng. Nhà thơ vĩ đại nhất nước Ý là Dante–thuộc Guelph, đã quyết định theo phe Trắng, kiên quyết chống lại đường lối dựa vào Giáo hoàng. Năm 1301, quân Pháp tiến vào Florence, phe Đen theo quân Pháp, tổ chức đàn áp phục thù phe Trắng. Dante bị kết án hai lần, phải rời bỏ quê hương đi sống lưu vong và mai danh ẩn tích. 

Thời đó, Hoàng đế phải được trao miện ở ba nơi: Aachen (Đức), Milan (Ý), và Vatican. Mặc dù Dante là một Guelph thì ông vẫn được Hoàng đế Heinrich VII— con trai của Bá tước Heinrich VI của Luxembourg, lớn lên tại triều đình Pháp– đối xử với sự tôn trọng và thân tình. Điều đó đối với Dante – một người đã lạc lối quá lâu, thì sự công bình của Heinrich VII là một tia sáng trong hành trình dường như không có điểm dừng của ông. Hai người nhanh chóng có một mối quan hệ thân thiết.

Hoàng đế Heinrich VII trở thành vua của Đức vào năm 1308. Không lâu sau đó ông tuyên bố rằng ông sẽ lên ngôi Hoàng đế La Mã Thần thánh ở Rome nhằm chấm dứt sự kiểm soát đặt lên nhà thờ và khuấy loạn nước Ý của Pháp, dâng sĩ khí của lực lượng Ghibellines để chống lại Guelph dưới dưới sự thống trị của Pháp. Ông đến Ý vào năm 1310, tuyên bố thực hiện sứ mệnh hòa bình và được nhiều người ủng hộ, trong đó có Dante.

Trước sự tiến quân của Heinrich xuống Rome, vua Pháp đã trực tiếp giam Giáo hoàng, huy động quân của Lãnh chúa Anjou từ Naples đến Rome. Heinrich nhanh chóng diệt gọn đội quân này và lên ngôi Hoàng đế La Mã Thần thánh tại Vương cung thánh đường Lateran vào năm 1312. Ngay sau đó, Heinrich quay lại Pisa để chuẩn bị tiến công Florence – căn cứ địa của Guelph.

Florence là một công quốc mạnh, chống cự được Heinrich. Heinrich ngay lập tức bỏ qua Florence mà quay sang tấn công Naples dưới quyền Pháp, buộc Naples phải rút quân khỏi Florence. Lúc đó, chỉ cần ông hạ được Naples thì Florence sẽ nằm trong tầm tay.

Chiến thắng của Ghibellines đã rất gần nhưng Heinrich VII đột ngột bị bệnh sốt rét và chết ngay sau đó. Ông mất khi đại nghiệp chưa thành, trong sự thương tiếc vô hạn của Dante. Sau đó, hài cốt của ông được giữ tại Nhà thờ chánh toà của Pisa.

Mộ của Heinrich ban đầu được đặt phía sau bàn thờ cao của nhà thờ. Vị trí nổi bật như vậy không bình thường đối với một di tích lăng mộ, là dấu hiệu cho thấy lòng trung thành sâu sắc của người Pisa đối với chính nghĩa đế quốc. Một phân tích về các mảnh vỡ lăng mộ còn sót lại cho thấy một tượng đài hùng vĩ đã từng tồn tại như một tuyên bố quyền lực của đế quốc trong một thành trì lớn của Ghibelline.

du lịch tự túc tiết kiệm châu Âu, du lịch Ý, Italy, du lịch Pisa, tháp nghiêng Pisa
Bản vẽ quan tài của Henry VII trong Nhà thờ chánh toà ở Pisa: Heinrich VII nằm trên nắp quan tài, ở dưới có 11 tông đồ thân cận của Chúa. Theo truyền thuyết Chúa có 12 tông đồ. Người ta đoán rằng một tông đồ thiếu đó là Thánh John, tông đồ thân Chúa nhất.
du lịch tự túc tiết kiệm châu Âu, du lịch Ý, Italy, du lịch Pisa, tháp nghiêng Pisa
Quan tài Heinrich trong nhà thờ, đã được thêm cho đủ số tông đồ

Ngôi mộ bao gồm nhiều thành phần, trong số đó có một cỗ quan tài chạm khắc hình ảnh của 12 vị tông đồ bên dưới một hình người (Heinrich) nằm nghiêng, hai bên là các cố vấn (trong số đó có tượng đài Pisa), Đức Mẹ và Chúa hài đồng, và một hình của Thánh Bartholomew. Phía trên bức tượng Heinrich đang ngồi là bức tranh khảm mô tả Chúa Kitô Pantocrator, như thể đang ban phước cho Hoàng đế. Do đó, ngôi mộ có thể được hiểu là lời tuyên truyền của Ghibelline, ám chỉ quyền lực thần thánh là ban cho hoàng đế.


Nếu không biết về câu chuyện này có lẽ chúng ta sẽ không mấy để tâm khi nhìn thấy cỗ quan tài đá trong nhà thờ, và càng không để ý đến hình khắc các tông đồ chứ nói gì đến việc hiểu ẩn ý đằng sau con số 11 hay 12.

Nếu có cơ hội đến Ý, hãy cho Pisa vào danh sách điểm đến. Không phải chỉ để check-in thắp nghiêng Pisa, mà còn để đứng giữa nơi in đầy dấu tích lịch sử, chiêm ngưỡng điều đặc biệt của Pisa!

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x