Q&A | Visa du lịch Nhật Bản

“Mặc kệ” thế giới ngoài kia đang nhộn nhịp vì chuyện đậu rớt visa du lịch Nhật Bản. Bài viết này tôi sẽ chủ yếu đề cập đến các câu hỏi thường gặp về những loại visa nhập cảnh Nhật Bản với mục đích du lịch.

Cập nhật mới nhất bước chuẩn bị hồ sơ: (CẬP NHẬT 2023) Du lịch Nhật Bản: Xin visa khó hay dễ?


Những câu hỏi thường gặp về visa du lịch Nhật Bản

Có tin đồn mùa này nhiều người bị rớt visa du lịch là do “hết chỉ tiêu”. Ví dụ chỉ tiêu tháng 11-12 là 500 “suất” thì sau khi cấp đủ visa cho 500 người, những hồ sơ sau đó có nguyện vọng đi du lịch Nhật vào tháng 11-12 (dù hồ sơ đẹp) đều bị đánh rớt. Ấy là người ta đồn vậy chứ còn thực hư thế nào chưa ai kiểm chứng được.

Tại sao người hồ sơ đẹp thì rớt, còn freelancer hay hộ chiếu trắng lại đậu?

1.

Kinh nghiệm tôi rút ra được qua những lần xin visa các nước chính là: hồ sơ thật—bao gồm cả yếu tố “thành thật” và có logic. Đơn cử, hồ sơ đẹp—chưa chắc đã là thật, hộ chiếu trắng—chưa đánh giá được hồ sơ mạnh hay không. Người xét duyệt hồ sơ sẽ dựa vào nghiệp vụ và kinh nghiệm của họ để nghiên cứu và đưa ra đánh giá cho bộ hồ sơ của bạn. Bất kể chi tiết nào khiến họ cảm thấy nghi ngờ mà không có gì giải thích hay chứng minh, họ sẽ cho bộ hồ sơ của bạn vào “vòng nguy hiểm”, khả năng cao sau đó bộ hồ sơ sẽ bị từ chối cấp visa.

Đương nhiên cũng có những trường hợp được cấp visa 3 lần, đến lần thứ 4 lại trượt thì phải xét đến những yếu tố khác. Có bạn nói với tôi, cùng 1 bộ hồ sơ mà lúc đậu lúc trượt. Lí do có khi là vì “cùng 1 bộ hồ sơ” í!

Hoặc 1 năm mà đi tới 4 lần nhưng không giải thích được lí do hợp lý thì người ta dễ đánh giá là bạn đi “đánh hàng” chứ không phải du lịch thuần tuý!

2.

Freelancer lương 20 triệu đương nhiên sẽ khác freelancer 5 triệu. Freelancer lương 20 triệu không có tài sản gì khác cũng sẽ khác freelancer lương 5 triệu nhưng có 1 căn nhà đứng tên, sổ tiết kiệm một-vài-trăm-triệu… Cho nên freelancer cũng có thisthat, khó nói lắm nếu chưa nhìn thấy bộ hồ sơ cụ thể!

Người xét duyệt mỗi ngày tiếp nhận và xử lý rất nhiều hồ sơ nên họ sẽ dựa vào barem chuẩn của sứ quán: hồ sơ nào đúng và đủ theo yêu cầu/tiêu chuẩn/tiêu chí thì sẽ qua ải thôi

3.

Nhật đang overtourism (quá tải vì khách du lịch) vào các mùa du lịch “hot” như mùa lá đỏmùa hoa anh đào. Nhật miễn visa cho 70 quốc gia, đa số là cách quốc gia tiên tiến và có nhu cầu du lịch cao. Mùa cuối năm lại trúng rất nhiều kỳ nghỉ lễ như Giáng Sinh, năm mới, school holiday… Họ chỉ cần xếp hành lý, mua vé máy bay và lên đường chứ không như Việt Nam phải xin visa trầy trật. Khi không thể ngăn cản số lượng khách du lịch từ các nước được miễn visa, Nhật sẽ đánh rớt có-chọn-lọc các nước phải xin visa.

Dấu A, B, C mà sứ quán đóng trong hộ chiếu có nghĩa gì?

Đây là “quả” đóng dấu mà người có người không.

Con dấu do bạn Jenny Nguyễn chia sẻ trên nhóm Facebook

Khác với một số nước khác trên thế giới, Nhật không nói lí do từ chối visa làm con dân hết đồn đoán cái này lại đồn đoán cái nọ, không biết cải thiện hồ sơ bằng cách nào, được nước cho nhiều bên dịch vụ không có tâm tự vẽ những lời tư vấn khác nhau—bao gồm cả nghĩa của các chữ cái A, B, C trên con dấu.

Nếu ai có con dấu này trong hộ chiếu, đừng quá lo lắng. Người xét duyệt sẽ không chỉ nhìn vào cuốn hộ chiếu có dấu này để đánh giá lịch sử du lịch hay hồ sơ của bạn đẹp hay không đẹp. Chưa kể đó không phải là dấu CANCELLED hay REJECTED, mà là con dấu ghi bằng tiếng Nhật “đóng dấu tại (đại sứ quán/lãnh sự quán) nước (nào đó) vào ngày (nào đó)

Vậy thực tế A, B, C là gì?

Đây là một cách thông báo lí do bạn không được cấp visa.

Trước khi viết bài này tôi đã thấy nhiều người chia sẻ về nghĩa của ba chữ cái này

Không có một nguồn tin chính thống nào về nghĩa của ba chữ cái A, B, C trong con dấu đóng vào hộ chiếu nên toàn bộ những thông tin trên mạng đều mang tính tham khảo, cần đọc có chọn lọc. Và những người chia sẻ thông tin không có nguồn chính thống nên có thêm câu “theo ý kiến cá nhân”, chứ ghi chắc nịch như đinh đóng cột như trên thì không biết là cột gì!

Sau khi tôi lội tám-chục cái diễn đàn từ Á qua Âu từ Âu qua Mỹ thì tôi đoán đoán ra nghĩa của các chữ cái nôm na được hiểu như sau:

Không chỉ người Việt mà công dân nhiều nước khác cũng bị đóng dấu này khi xin visa du lịch Nhật Bản

  • A (Black List) — những ai bị dấu này thường sẽ rơi vào các trường hợp:
    1. Vi phạm luật pháp hoặc quy định của Nhật Bản hoặc các quốc gia khác (ở quá hạn; có án tích như liên quan đến ma túy, mại dâm, trộm cắp…)
    2. Làm giả tài liệu (hay còn gọi là “hồ sơ dựng”)
    3. Hộ khẩu ở các vùng black list
  • B (Re-apply on Next Day) — có thể nộp lại hồ sơ vào ngày hôm sau. Những trường hợp bị khoanh vào B thường là:
    1. Sai sót nhỏ có thể bổ sung tài liệu như điền thông tin không đúng (sai số hộ chiếu, sai ngày sinh, thiếu thông tin…)
    2. Nếu sứ quán yêu cầu nhưng không bổ sung tài liệu hoặc không đến phỏng vấn, hồ sơ sẽ bị dừng xét duyệt
    3. Đang xét thì rút hồ sơ
  • C (After 6 Months) — không đủ thuyết phục người xét duyệt, nộp lại hộ sơ sau (ít nhất) 6 tháng. Đây là lí do gặp nhiều nhất. Thường là vì:
    1. Không nhất quán trong hồ sơ (số dư ngân hàng bất thường, trẻ mà sở hữu nhiều tài sản, lịch trình không hợp lý…)
    2. Ràng buộc quay lại Việt Nam hoặc yếu tố đảm bảo rời khỏi Nhật yếu (công việc không ổn định, công việc làm linh hoạt như freelancer hay công việc có thể làm online, gọi điện thoại để xác minh mà không ai nghe máy hoặc nghe máy mà trả lời không khớp…)
    3. Mục đích du lịch không rõ ràng (lịch sử du lịch yếu, không thể hiện được mong muốn mãnh liệt muốn đi du lịch đơn thuần)
    4. Không đủ tài chính

Nếu hồ sơ dựng thì sẽ bị xử lý rất nghiêm chứ không có chuyện 6 tháng sau có thể nộp lại. Ví dụ ở Úc mà nộp hồ sơ dựng thì sẽ bị cấm nhập cảnh luôn từ 3-10 năm tuỳ theo độ nghiêm trọng. Nhật cũng có cảnh báo “xử lý nghiêm trường hợp xin visa không đúng sự thật” nhưng không ghi rõ cụ thể sẽ xử lý thế nào. Nên chắc chắn nghi ngờ làm giả tài liệu thì không thể đơn giản khoanh vào C được đâu ha!

Nhiều bạn review ở đầu Sài Gòn không đóng dấu vào hộ chiếu. Tạch là auto 6 tháng sau nộp lại (nếu cùng mục đích). Còn đầu Hà Nội thì rất “siêng” đóng dấu

Nếu bạn có kinh nghiệm nào về vụ đóng dấu này, mời bình luận bên dưới để cùng trao đổi nhe!

Tại sao Nhật Bản lại không công bố lí do từ chối cấp visa cho từng trường hợp?

Chúng tôi không cung cấp lý do chi tiết của từng trường hợp lý có thể bị từ chối là vì một khi những thông tin đó được những người có ý định nhập cảnh hoặc đưa ra cảnh báo vào Nhật Bản với mục tiêu không chính xác sử dụng để trốn tránh kiểm tra, sẽ dẫn đến việc kiểm tra trình duyệt visa không chính xác, kéo theo lo rằng sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn và yên tâm của Nhật Bản.

Trích Những câu hỏi thường gặp về vấn đề từ chối visa
Thời gian lưu trú và thời hạn visa là gì?

Thời gian lưu trú (For stay(s) of) — Visa du lịch thì thường là 15 ngày, tối đa 30 ngày, tính từ ngày tiếp theo ngày nhập cảnh

Thời hạn visa (Date of issue và Date of expire) — Là thời gian được phép nhập cảnh Nhật Bản. Muốn biết visa có thời hạn 3 tháng, 1 năm, 3 năm hay 5 năm thì xem ở đây. Thời hạn hiệu lực sẽ tính từ ngày tiếp theo ngày cấp. Bạn chỉ nên xin visa khi có kế hoạch du lịch Nhật trong vòng 3 tháng, chứ nếu để quá hạn nhập cảnh thì vừa phí visa vừa phải giải trình cho lần xin visa tiếp theo

Ví dụ:

  • Date of issue: 28 AUG 2023
  • Date of expire: 28 NOV 2023
  • For stay(s) of: 15 days

    Thì,
  • Bạn có thể nhập cảnh Nhật Bản từ ngày 29/8/2023 đến 28/11/2023
  • Nếu bạn nhập cảnh vào ngày 28/11/2023, bạn được lưu trú 15 ngày tính từ ngày 29/11/2023. Tức là ngày 29/11/2023 sẽ được đếm là ngày 1 trong 15 ngày bạn được ở Nhật

Dạo này tôi thấy nhiều bạn hay mua vé sát ngày hết hạn visa hoặc ở đủ 15 ngày. Phủi phui lỡ không may chuyến bay delay thì có phải là “xôi hỏng bỏng không” không :-< Hết hạn visa thì thôi giải trình tí xíu là được; chứ mà ở quá hạn thì giải trình 5 trang giấy cũng không xi nhê vì họ sẽ xem lại lịch trình lúc bạn xin visa. Bạn mà viết lịch trình 10 ngày nhưng thực tế ở 15 ngày, rồi bị delay thành ở quá hạn 1-2 ngày thì thôi luôn!

Visa transit có dễ làm không? Trường hợp nào thì có thể làm visa transit Nhật Bản?

Visa transit cũng có thời hạn lưu trú 15 ngày với mục đích tham quan du lịch; hồ sơ chuẩn bị đơn giản, không cần phải chứng minh thu nhập, sao kê, công việc gì hết, lệ phí lại “mềm” hơn visa du lịch Nhật Bản thông thường. Đọc đến đây là thấy dễ rồi ha ^^

Nhưng lúc nào cũng có một chữ NHƯNG to đùng!

Tại sao NHƯNG thì đọc ở đây: chuẩn bị hồ sơ visa transit để nộp tại HCM | Hà Nội

NHƯNG phải có vé máy bay của nước thứ ba.

Vậy thì từ Việt Nam đi Thái, quá cảnh ở Nhật được không?

=)))

Rớt cái bịch liền nha =)))

Đương nhiên người xét duyệt sẽ xem hành trình bay có hợp lý hay không. Ví dụ từ Việt Nam hay Ấn Độ bay sang Mỹ hay Canada quá cảnh tại Nhật nghe còn có lý vì Nhật nằm giữa 2 điểm đầu cuối.

Loại visa này (ý nói visa transit) dùng để quá cảnh, từ Việt Nam đi qua Nhật sau đó đến thăm nước thứ ba, hoạt động khi lưu trú ở Nhật sẽ chỉ giới hạn là: du lịch, giải trí, nghỉ ngơi v.v. Không bao gồm thăm thân, thăm bạn bè, người quen v.v.

Trích Quá cảnh (Transit): Đi qua Nhật sau đó vào nước thứ ba

Lưu ý:

  • Vẫn phải nộp qua đại lý uỷ thác (danh sách công ty uỷ thác được chấp nhận tại HCM | Hà Nội)
  • Có thể xin visa transit với double entry nếu có nguyện vọng và có vé máy bay 2 chiều đều quá cảnh Nhật Bản
  • Thời hạn hiệu lực của visa transit là 4 tháng
  • Có trường hợp yêu cầu bổ sung chứng minh tài chính…
  • … sau đó bị từ chối cấp visa transit -.-
  • Những thông tin như “các trường hợp được miễn visa transit” đang la liệt trên mạng không được nhắc đến trên trang của sứ quán…
  • … nên để chắc ăn thì nên gọi lên sứ quán để hỏi từng trường hợp cụ thể

Nếu đã có visa transit mà không muốn đi nước thứ ba nữa, chỉ từ Việt Nam sang Nhật chơi vài ngày rồi về thì có được không?

Không luôn!

Khi nhập cảnh bằng visa transit, hải quan sẽ kiểm tra vé bay qua nước thứ ba. Nếu không trình ra được thì khỏi vô.

Nếu được cấp visa thì điền trước tờ khai nhập cảnh online để qua hải quan nhanh gọn lẹ hơn nè: https://vjw-lp.digital.go.jp/en/

Trường hợp nào thì có thể làm e-Visa Nhật Bản?

e-Visa tiện một cái là chỉ cần ngồi nhà nộp hồ sơ mà không cần lết mông đến sứ quán hay đại lý uỷ thác.

Nhưng ai, đối tượng nào thì đủ điều kiện xin e-Visa?

Công dân và thường trú nhân các nước Brazil, Campuchia, Canada, Mông Cổ, Ả Rập Saudi, Singapore, Nam Phi, Đài Loan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh và Mỹ thì mới có thể xin e-Visa.

Ví dụ thế này cho dễ hiểu:

  • Công dân Mỹ (quốc tịch Mỹ) được miễn visa, được lưu trú tối đa 90 ngày; nhưng người Việt có thẻ xanh Mỹ (thường trú nhân) thì không được miễn visa, nhưng có thể nộp hồ sơ xin e-Visa
  • Công dân Brazil sử dụng hộ chiếu gắn chip thì được miễn visa, nhưng nếu vẫn dùng hộ chiếu mẫu cũ không chip thì không được miễn, nhưng có thể xin e-Visa

ĐỌC THÊM: Các quốc gia mà Nhật Bản miễn visa

Lưu ý:

  • e-Visa chỉ được áp dụng cho việc nhập cảnh qua đường hàng không
  • e-Visa mục đích du lịch chỉ được single entry (nhập cảnh 1 lần, lưu trú tối đa 90 ngày)
  • Có thể làm e-Visa sớm nhất là trước ngày khởi hành 3 tháng
  • Nếu nộp hồ sơ trước ngày bay 1 tuần là auto tạch (họ quy định vậy)
  • Nếu có án tích như bị kết án phạm tội, bị trục xuất… ở bất kỳ quốc gia nào thì phải nộp offline (qua đại lý uỷ thác) chứ không được nộp online

Nếu đủ điều kiện xin e-Visa thì nộp hồ sơ online tại đây: https://www.evisa.mofa.go.jp/index

Nhật Bản có cấp visa on arrival không?
Japan Shore Pass

Japan Shore Pass là một dạng visa on arrival có hiệu lực 72 giờ, không phải ai cũng xin được.

  • Lý thuyết là nếu đã từng nhập cảnh Nhật Bản, bạn có thể xin Japan Shore Pass tại sân bay Nhật, chỉ cần xuất trình visa đi nước kế tiếp, lịch trình chuyến bay, visa nhập cảnh vào điểm cuối…
  • Thực tế là tuỳ vào từng trường hợp, ví dụ nếu phải nối chuyến đổi sân bay từ Narita sang Haneda hoặc ngược lại, hãng có thể sẽ hỗ trợ xin Japan Shore Pass
  • Thêm một thực tế nữa là điều bên trên chỉ làm được nếu bay hãng xịn như ANA, Japan Airlines hoặc có visa/PR của các nước uy tín hoặc có điểm đầu không phải Việt Nam
  • Thủ tục check-in tại đầu Việt Nam có khả năng cao không xuất vé nếu không có visa nhập cảnh (họ làm theo quy định của hãng nên không trách được)

Japan Shore Pass thực tế không xuất hiện chính thức trên bất kì trang thông tin nào của sứ quán Nhật Bản tại các nước nên việc có được cấp tại sân bay không rất hên xui

Nếu bạn cảm thấy không nắm chắc sẽ xin được Japan Shore Pass mà chấp niệm với nước Nhật quá lớn thì xin visa transit cho lành ha! Còn nếu bạn thoải mái với tâm thế, được thì được không được thì thôi thì cứ… thử xem ^^

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x