Chia sẻ một số kinh nghiệm và thành quả thu được của mẹ bỉm sữa sau chuyến du lịch cùng con lúc con hơn 2 tuổi!
#1 Quầy đồ chơi
Sân bay Phù Cát là sân bay nhỏ, tận dụng tối đa diện tích để cho thuê mặt bằng, khác với những sân bay lớn. Vì thế mà khi Bé Bôm vừa bước vào sảnh ga đi, quầy đồ chơi với nguyên một dàn xe oto chễm chệ đã "rơi" trúng ngay vào đôi mắt to tròn trong veo ấy. Trong lúc tôi lo nhiệm vụ xếp hàng check-in thì mẹ và cháu tôi ra sức tách Bôm ra khỏi nơi đầy mê hoặc đó.
Sau khi nhận vé xong, nhà tôi lập tức vào khu kiểm tra an ninh.
Những tưởng mọi việc sẽ ổn khi em bé không còn nhìn thấy dàn siêu xe ở bên ngoài kia. Nhưng xui thay, bên trong phòng chờ bay đầy ắp cám dỗ còn hơn thế nữa. Các quầy đồ chơi bên trong phòng chờ như hiện thực hóa mơ ước của bé Bôm suốt thời gian qua -- đâu đâu cũng có xe oto, xe cảnh sát, xe cứu hộ, xe địa hình, xe tải to tải nhỏ... đủ mọi thể loại. Em bé được "mục kích sở thị" từng món đồ chơi đã thấy trên tivi. Không cần nói gì, Bôm lập tức sà vào một quầy và ngồi chơi quên hết mọi thứ xung quanh.
Năn nỉ không đi. Bế cũng không đi. Cho đến khi bà Ngoại mua cho một chiếc xe cứu hộ -.-
KINH NGHIỆM 1:
Dù đã mang theo cho con đồ chơi yêu thích nhưng vẫn không thể ngăn được cám dỗ từ những thứ mới mẻ hơn ^^
Tuy vậy, vẫn nên giữ bé tránh xa quầy bán đồ chơi để vừa đỡ tốn kém, vừa không mua phải hàng chất-lượng-không-phù-hợp-giá-cả.
#2 Ghế riêng
Em bé Bôm đã qua mốc 2 tuổi. Theo quy định thì phải mua vé riêng, có ghế ngồi riêng, không còn được miễn phí (ngồi chung với mẹ) như hồi 1 tuổi nữa.
Ban đầu chưa quen ngồi một mình một ghế trên máy bay, bé Bôm cứ đu sang mẹ đòi mẹ ôm. Các cô tiếp viên cứ phải nhắc liên tục rằng cần cho bé về chỗ ngồi và thắt dây an toàn. Còn mẹ thì dỗ dành mỏi miệng vẫn không thuyết phục được.
Đấy, cùng con đi chơi xa mệt nhất là lúc con không chịu nghe lời :-<
Em bé cứ bám lấy tôi cho đến khi tôi chợt nhớ ra và hỏi:
"Con thích xe cảnh sát không?"
(chiếc xe yêu thích của Bôm mà tôi có mang theo)
Em bé suy nghĩ, rồi gật đầu.
Tôi bắt đầu "thương lượng":
"Giờ con ngồi ra ghế này, cài dây an toàn vào, rồi mẹ lấy xe cảnh sát cho con! Con đồng ý không?"
Bé lại suy nghĩ, rồi lại gật đầu.
Tôi thầm mừng "Yay!!"
Sau đó bé rất hợp tác và tôi cũng giữ đúng lời nói của mình, lấy đồ chơi cho con và chơi cùng con. Em bé không chỉ hợp tác lần đó mà còn thêm nhiều lần sau nữa.
KINH NGHIỆM 2:
Cần có phương án 1, phương án 2, rồi 3, 4, 5... để phòng hờ bé "khó ở" để lấy ra xài.
Các phương án có thể là: đồ chơi yêu thích nhất, đồ chơi yêu thích nhì, đồ ăn yêu thích nhất, đồ ăn yêu thích nhì, snack, bánh ngọt lạ lạ để con có thêm trải nghiệm mới...
#3 BHYT
Chuyến bay từ Đà Lạt xuống Sài Gòn bị delay 40 phút, lúc hạ cánh đã 9h đêm. Tôi dự định hôm sau đưa con đi khám dinh dưỡng và “hậu Covid” thì con lại bị sốt không rõ nguyên nhân. Mẹ tôi cũng bị đau bụng quằn quại phải đi cấp cứu.
KINH NGHIỆM 3:
Đi xa nên mang theo BHYT. Dù có thể bổ sung sau nhưng nếu có luôn lúc nhập viện thì vẫn tốt hơn.
Nếu đi du lịch quốc tế thì nên chuẩn bị sẵn "hồ sơ y tế" đã dịch thuật công chứng để phòng hờ trường hợp cần hỗ trợ y tế tại nước ngoài, nhất là mấy chị bầu hoặc những người có bệnh nền
#4 Niềm tin
Từ lần sốt trước, em bé Bôm đã thể hiện ý chí "nói không với thuốc dạng bột, viên sủi, siro". Tôi không thể cho con uống Hapacol hạ sốt hay Prospan giảm ho. Tôi chỉ có thể dùng viên nhét đít và loại bột pha nước điện giải không màu không mùi vị để giúp con hạ sốt; thuốc viên để giảm ho tiêu đờm.
Đương nhiên việc uống thuốc viên đã diễn ra rất khổ sở. Con thích nhai đường phổi, tôi trộn thuốc vào đường phổi; con thích ăn chuối, tôi nhét thuốc vào chuối; con thích húp canh, tôi bỏ thuốc vào muỗng canh... sau đó con nghi ngờ tất cả mọi thứ tôi đưa 😢
KINH NGHIỆM 4:
Em bé 2 tuổi đã hiểu những gì cha mẹ nói. Việc tạo sự tin tưởng cho con cái là rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc và hình thành tính cách ở con
Sau một đêm suy nghĩ, tôi nghiêm túc kiểm điểm bản thân không được trộn thuốc vào đồ ăn như vậy nữa vì điều đó vừa đánh mất niềm tin của con dành cho mẹ, vừa khiến trải nghiệm của con về món ăn không được tròn vẹn. Tôi nghĩ con cần biết cái nào là thuốc, khi nào con cần uống thuốc, thuốc dùng để làm gì. Tôi áp dụng phương pháp của Kato Kumiko vào việc cho con uống thuốc khi con đau ốm.
Thuốc viên của con trong lần này được dặn phải uống sau khi ăn no. Rất may là bé Bôm không có thói quen cố tình nôn ọi thức ăn nên việc tập cho con uống thuốc đã có sẵn 1 lợi thế to lớn — tôi tự nhủ như vậy. Thế nhưng thực tế là dù có lợi thế đi chăng nữa thì việc tập cho con uống thuốc cũng không hề dễ dàng...
... cho đến khi bản thân tôi cũng bị cảm.
Tua lại về quá khứ một chút. Bé Bôm rất thích giúp bà Ngoại và mẹ uống thuốc. Mỗi buổi tối, em bé đều mang thuốc đút tận miệng bà và cười vui lắm. Nhưng đó là cho-người-khác-uống-thuốc thôi, còn đến lượt mình uống thuốc thì chàng ta giãy nảy lên, nằm lăn ra ăn vạ ^^
Sau vài ngày uống thuốc cùng con, tôi đã thu được thành quả: em bé đã tự giác uống thuốc, còn thích uống nữa là đằng khác. Đến bây giờ con vẫn duy trì việc uống thuốc viên vitamin mỗi ngày.
KINH NGHIỆM 5:
Làm cùng con, nói chuyện với con, hướng dẫn con, kiên trì và nhẫn nại với con. Đừng ép con hay làm con sợ.