Review xông hơi ở SOL by Meliá Phú Quốc Resort

Trong lần gần nhất đi Phú Quốc, tôi vớ được deal rẻ của SOL by Meliá Phú Quốc Resort (tên cũ là Sol Beach House Phú Quốc) 3N2Đ. Resort nằm cách sân bay chỉ có 3km, cách chợ đêm Dinh Cậu chừng 5km. Nói chung vị trí chuẩn nghỉ dưỡng, không náo nhiệt. Sau 2 ngày chạy quanh Phú Quốc khá mệt mỏi, tôi quyết định gọi điện xuống spa đặt chỗ mát-xa thư giãn. Nói chuyện một hồi mới biết resort có phòng xông hơi, thế là tôi “lật kèo” đổi đặt chỗ mát-xa thành sauna. Hẹn giờ các kiểu đà điểu rồi cảm ơn tạm biệt.

3 giờ chiều y hẹn, tôi xách đồ xuống phòng xông hơi theo chỉ dẫn của nhân viên spa.

Cần mang theo gì?
  • 1-2 chai nước loại chai Aquafina 500ml/người để uống trong quá trình xông hơi cho khỏi bị mất nước
  • Quần áo để thay
  • Khăn mặt/khăn vắt lên cổ để lau mồ hôi (nhân viên chỉ chuẩn bị khăn tắm thôi)
  • Túi nilon đựng đồ ướt mang về

Sauna (xông hơi) Sol by Meliá có gì?

SOL by Meliá Phú Quốc Resort có 2 phòng xông hơi theo 2 kiểu: khô và ướt. Tác dụng của 2 kiểu giống nhau nhưng cách vận hành và môi trường bên trong thì khác nhau. Bạn có thể thử luôn cả 2 kiểu cho biết. Vì là dịch vụ đi kèm với phòng ở nên hoàn toàn miễn phí, nhân viên cũng chỉ hướng dẫn tủ đồ cá nhân, set up nhiệt độ rồi ra bàn lễ tân spa ngồi tiếp, thậm chí còn không hướng dẫn cách xông hơi nếu khách không hỏi.

Ở nhiều nước khác, xông hơi/tắm hơi là văn hóa và là cách để chăm sóc sức khỏe — như Jjimjilbang ở Hàn hay tắm onsen kết hợp xông mặt từ suối nước nóng ở Nhật.

Tôi giới thiệu sơ về 2 kiểu xông hơi có ở Meliá Phú Quốc:

#1 — Sauna ướt
Review xông hơi ở Sol by Meliá Phú Quốc Resort
Trong phòng có nước lấp xấp dưới chân. Sau khi nhân viên cài đặt nhiệt độ phòng thì đợi 10 phút cho phòng nóng lên, sau đó có thể tùy chỉnh.

Nhiệt độ tôi hay dùng dao động từ 40-50 độ C. Nếu không quen sẽ cảm thấy ngộp thở và “sặc nước” dù nước đã chuyển sang dạng hơi nước. Căn phòng được ốp gạch men toàn bộ, có 2 tầng để ngồi.
#2 — Sauna khô
Review xông hơi ở Sol by Meliá Phú Quốc Resort
Đây là phòng xông hơi bằng gỗ có bếp đá bên trong. Khác với sauna ướt, sauna khô không có nước lấp xấp. Nguồn nhiệt được tạo ra từ một máy tạo nhiệt độ khô (không có hơi nước). Điều quan trọng của sauna khô là để đạt được tác dụng tốt nhất, bạn cần đổ thêm nước vào bếp đá.

Hướng dẫn xông hơi ở Meliá nói riêng, khách sạn/resort nói chung

(1) Gọi xuống spa đặt hẹn

(2) Chuẩn bị đồ mang theo — cho vào balo nhỏ hoặc túi cho lịch sự

(3) Trước khi đi xông hơi 30-60 phút — uống 1-2 ly nước

(4) Xuống spa — nói số phòng để xác nhận lịch hẹn với nhân viên quầy lễ tân spa

(5) Nhân viên spa sẽ hướng dẫn vào tủ cất đồ — bạn thay đồ, cất đồ vào tủ, rồi được dẫn vào phòng sauna (nhớ mang theo chai nước và khăn). Phòng xông hơi lúc này đã được nhân viên cài đặt nhiệt độ sẵn rồi (làm nóng phòng sauna ít nhất 15 phút trước khi vào). Nhân viên sẽ hướng dẫn tiếp đâu là phòng sauna khô, sauna ướt, phòng tắm tráng, đâu là toilet

(6) Vào bên trong phòng xông hơi — dù là sauna khô hay ướt, bạn sẽ thấy băng ghế nhiều tầng dọc theo các bức tường. Tầng càng cao thì càng nóng.

   Khăn tắm được chuẩn bị sẵn có thể dùng để lót ngồi hoặc trải nằm trong phòng xông hơi cho khỏi bị bỏng da ^^ nhưng đúng ra công dụng chính là quấn người như thế này nè:


Nếu ngại những khách khác thì bạn có thể mặc một bộ đồ thấm hút tốt, hoặc đồ bơi, hoặc như em gái bên dưới:

xông hơi


Nói chung là sao cũng được ^^

Còn áo choàng tắm là dùng để tắm tráng lại rồi mặc đi thay đồ.

 

(7) Nếu ở phòng xông hơi khô — cứ 2 phút/lần múc nước tưới vô bếp đá

(8) Sau 8-10 phút đổ mồ hôi — vào phòng tắm xối nước lạnh. Thời gian tối đa có thể ở trong phòng xông hơi là 15 phút; nhưng nếu thấy không ổn thì ra ngay chứ ko xỉu lăn đùng ra thì khổ

Ngoài việc tắm nước lạnh dưới vòi sen, bạn cũng có thể nhảy vào hồ nước lạnh (nếu có) sau khi rời khỏi phòng sauna! Khi toàn thân đang nóng được tiếp xúc với nước lạnh ngay lập tức sẽ tốt cho hệ tuần hoàn và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

(9) Trong và sau khi xông hơi — uống thêm nước, trà hay trà thảo dược nóng. Không uống đồ lạnh.

Mang theo chai nước vô xông hơi thì chai nước auto được ướp nóng

(10) Trở lại phòng xông hơi và lặp lại quá trình “xông hơi – làm mát” nhiều lần tùy thích! Trong trường hợp bạn mới làm quen với kiểu này thì hãy DỪNG khi bắt đầu cảm thấy chóng mặt

(11) Kết thúc bằng việc tắm lại dưới vòi sen và ngồi nghỉ ở phòng có nhiệt độ bình thường, kín gió


Có thể bạn đã biết

Một số điều cần lưu ý
  • Mỗi tuần nên xông hơi ít nhất một lần!
  • Phòng xông hơi có khu nam nữ riêng biệt, một số nơi thì chung
  • Luôn uống nước trước, trong và sau mỗi lần vào phòng xông hơi
  • Không uống rượu trước, trong và sau khi xông hơi
  • Những dạng bệnh không nên đi sauna: bệnh tim mạch nặng, bệnh cao huyết áp nặng không ổn định, di chứng tai biến mạch máu não, bệnh tâm phế mãn tính, bệnh viêm phế quản phổi tắc nghẽn, bệnh hen suyễn nặng… Nói chung là các thể loại bệnh mãn tính (*)
  • Những trường hợp đã mất nhiều mồ hôi do lao động nặng nhọc hay chơi thể thao, gym “gủng” thì bù nước vô nghỉ ngơi hồi lại lượng nước bị mất trước rồi muốn xông gì thì xông sau!
Xông hơi ở Bắc Âu

Ở các nước Bắc Âu bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những căn phòng xông hơi nằm độc lập ở khoảng đất trống. Bên cạnh là đống củi to để khi nào xông hơi thì họ sẽ đi “nhóm lò”.

xông hơi Bắc Âu
xông hơi ở Bắc Âu
xông hơi mùa đông Bắc Âu
Tác dụng của sauna (*)
  • Những chất độc, những chất cặn bã trong cơ thể được thải ra ngoài theo đường mồ hôi
  • Sức nóng cũng làm cho các lỗ chân lông giãn nở, tăng cường hiện tượng trao đổi chất ở da, làm cho da mịn màng và tươi trẻ
  • Khi xông hơi nóng, nhiệt lượng làm cho lượng mỡ thừa trong cơ thể tiêu tan đi khá nhiều nên rất tốt cho những người thừa cân, béo phì
  • Làm tăng cường hoạt động của các cơ quan, đặc biệt là hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể
  • Sauna kết hợp với xoa bóp toàn thân có khả năng hóa giải những mệt mỏi, stress, tái tạo lại năng lượng sống đã bị tiêu hao hàng ngày

Lần nào xông hơi xong da mặt tôi đều bị bong tróc như da rắn thấy mà ghê, nhưng sau đó thì đẹp hẳn.

(*) Tắm sauna như thế nào để có lợi cho sức khỏe? / BS Lê Hùng – Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Có thể xông hơi ở đâu?
  • Spa
  • Khách sạn/resort
  • Tại nhà (sauna “từng phần” — xông mặt, hay sauna toàn thân — tự nấu nồi nước lá rồi trùm mền ngồi hít hà, vừa giải cảm, vừa thải độc da…)
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x