Dù đã có kinh nghiệm sắp xếp hành lí đi du học cách đây 7 năm, nhưng so với hồi đó thì chuyến đi này có hơi khác – thay vì mang theo Gấu Đỏ mì gà sợi phở thì tôi mang theo bé Bôm ^^
7 năm trước tôi xếp thành 2 vali, tổng cộng khoảng 40kg (xách tay 7kg, kí gửi 32kg) nhưng không có sự tính toán nhiều với 2/3 thể tích là mì gói, cháo gói. Đi một mình thì đồ đạc cũng đơn giản hơn. Đi học lại càng đơn giản nữa. Đồ đạc mình quý cũng ít hơn hiện tại. Lần này sắp xếp hành lí tôi đã đặt tâm tư mà tự “build” luôn cả một quy trình -.-
“Quy trình” sắp xếp hành lí đi nước ngoài 2022 -.-
#1 – Mua vé trước khi sắp xếp
Tôi có 4 lí do chính để mua vé trước khi xếp hành lí:
- Mỗi hàng bay có quy định hành lí khác nhau, như Vietnamairlines thì được 12kg xách tay cho mỗi người,
còn Jetstar chỉ được 7kg(tôi tẩy chay hãng này sau vụ đùa giỡn về đồng Việt Nam rồi). Xác định trước hãng bay để dễ dàng tính toán sắp xếp hành lí cho hợp lí - Mua hành lí cùng vé để tự áp đặt khối lượng hành lí mang theo để không ôm đồm cái gì cũng muốn mang
- Mua vé sớm sẽ rẻ hơn mua sát ngày, đợi xếp hành lí xong mới mua thì chắc khóc ròng vì giá vé cao T.T
- Xếp xong mà bị dư kí thì có thể mua thêm hành lí với giá không khác gì lúc mua cùng vé
#2 – Phân chia đồ theo từng danh mục
Sau khi biết mình được mang bao nhiêu kí hành lí thì mới bắt đầu lấy giấy bút ra vẽ 3 ô, viết hết những gì nghĩ ra/muốn mang theo/thấy cần thiết/quan trọng… như bên dưới.
xách tay
Đồ cần thiết, đồ điện tử, đồ quý giá (2 kiện: 14kg)
- Đồ cho bé (mền, thú bông yêu thích, sữa, nước, khăn, bỉm, bánh kẹo…)
- Giấy tờ, bút viết
- Máy ảnh, laptop, pin sạc dự phòng
kí gửi
Quan trọng, đến nơi cần dùng ngay (1 kiện: 25kg)
- Quần áo (theo mùa)
- Mỹ phẩm (kem chống nắng, kem giữ ẩm…)
- Thuốc bé (thuốc nhỏ mắt, bình xịt rửa mũi, thuốc hạ sốt, vitamin…)
- Giày dép
gửi bưu điện
Ít quan trọng hơn, cồng kềnh/nặng (1 kiện)
- Sách của 2 mẹ con
- Bỉm bé
- Len, kim chỉ, vải vóc…
Vì tôi có em bé nhỏ nên ưu tiên gọn gàng, dễ di chuyển nên mới có mục gửi bưu điện. Đương nhiên xác định luôn là cước gửi bưu điện sẽ đắt hơn hành lí kí gửi, nếu là một cái giá hợp lí thì ô kê phát một. Nhưng phải đóng xong thành kiện thì mới tra được giá cước.
ĐỌC THÊM: “Check-list” cho chuyến đi dài ngày
#3 – Chọn vali
Nhà tôi không thiếu vali nhờ vào cái tính thích xê dịch. Vali tôi có đủ mọi kích cỡ và chất liệu nhưng tôi ưu tiên loại cứng cáp, 4 bánh dễ đẩy, có khoá từ 2 lớp trở lên, khó rạch mở, bé Bôm có thể ngồi lên mà không bị mỏi hay khó chịu.
#4 – Xếp đồ
Tôi sử dụng organized bag để xếp đồ thành từng khối, rồi mới xếp các khối vào vali. Một phần vì thói quen, phần khác để cho gọn gàng, dễ kiểm tra an ninh ở cả đầu Việt Nam và đầu Úc (đầu Việt Nam hay kiểm tra chất lỏng, còn đầu Úc hay kiểm tra thức ăn và thuốc).
Bổ sung đồ muốn mang trong lúc xếp, ghi thêm vào giấy để sau khi xếp xong mà cân có quá kí thì còn xem lại giấy, cân nhắc bỏ bớt món nào, biết vị trí ở đâu dễ lấy ra
Hành lí xách tay
- Vì hành lí xách tay bị giới hạn mỗi kiện 7kg nên tôi sắp xếp sao cho sau khi check-in cân đo xong thì lồng 2 kiện vào nhau thành 1, dễ di chuyển và gọn gàng. Tuy nhiên, nếu nặng quá thì khó bỏ lên khoang hành lí
- Cụ thể: vali 7kg + balo em bé 4kg + túi giấy tờ 2kg. Sau khi cân xong thì tôi nhét hết tất cả vào vali
- Có thể mang theo sữa cho bé nhưng phải uống hết hoặc bỏ đi trước khi nhập cảnh (Úc không cho phép mang chế phẩm từ sữa vào đất nước). Tôi mang cho bé Bôm 2 hộp sữa loại 180ml/hộp và bé uống hết trước khi hạ cánh
Hành lí kí gửi
- Xem trước thời tiết nơi sẽ đến để xếp quần áo. Úc đang là mùa xuân nhưng vẫn lạnh và có gió mạnh, nhiệt độ có khi chỉ còn 6 độ C. Tôi mang theo một ít đồ mặc ấm, đợi cuối năm có 2 đợt sale off lớn là Black Friday và Boxing Day thì sẽ đi mua sắm thêm
- Giày dép tôi không mang nhiều, chỉ có 1 đôi giày mang trong chân và 1 đôi xăng-đan để hè mặc váy
- Thuốc men các thứ như thuốc hạ sốt, berberin, vitamin…
- Đồ điện tử nhỏ nhỏ không có giá trị cao như USB, dây sạc các loại (tuyệt đối không để các loại pin trong hành lí kí gửi)
Hành lí gửi bưu điện
- Bưu điện và các công ty vận chuyển quốc tế có cách tính cước khác nhau:
- Công ty vận chuyển quốc tế: so sánh cân nặng thực tế (ví dụ 2 kg) và thể tích (dài x rộng x cao)/5000 (ví dụ kết quả bằng 3, tức 3kg) thì sẽ thu cước theo thể tích (cước cao hơn) -.-
- Bưu điện: cũng tính theo dài rộng cao nhưng cũng có tính theo kí (có thể tự tra cước tại đây: http://ipostal.vnpost.vn/tra-cuu-gia-cuoc)
- Ban đầu tôi định gửi bưu điện thật, nhưng cước tới gần 11 triệu – bằng luôn vé 1 chiều sang Úc, thế là lại thôi, rinh về để mua thêm kí gửi. Vậy nên mới được nghe em bé Bôm khen “Mẹ giỏi” ^^
- Không hiểu sao bưu điện lại báo cước 11 triệu trong khi có nhiều lựa chọn giá thấp hơn mà không báo cho khách biết
- Gửi bưu điện không được có chất lỏng, hoặc bột. Hàng hoá gửi bưu điện đều được nhân viên bưu điện khui ra kiểm tra lại. Vì vậy không cần chăm chút đóng hàng cho kĩ làm gì, cũng bị rạch ra thôi à
- Nên đóng thành kiện vuông vức hình lập phương thì sẽ lợi tiền cước hơn, hoặc nếu có mang theo kí gửi như tôi thì cũng dễ bê vác hơn
- Tôi ham mang sách giấy, riêng sách của 2 mẹ con đã gần 15kg -.- nhiều người góp ý scan ra lưu trong điện thoại nhưng sách ở nước ngoài khá đắt, nhất là mấy quyển sách tương tác tôi mua cho con đều hay, con rất thích. Mà đã là sách tương tác mà mang đi scan thì còn gì là tương tác nữa…
#5 – Cân hành lí
- Cân ở bưu điện chính xác hơn cái cân điện tử nhà tôi
- Tôi mua 25kg kí gửi nhưng chỉ xếp 23kg, để trừ hao, lỡ như cái cân nhà tôi chạy sai -.-
- Nếu quá kí thì nghiên cứu sắp xếp lại. Thực tế tôi đã xếp đi xếp lại không dưới chục lần, bỏ bớt lại không ít đồ, và vẫn phải mua thêm 30kg kí gửi (1 triệu 8) vì cước bưu điện quá đắt
Sau khi xếp hành lí xong thì chỉ còn đợi tới ngày bay nữa thôi 😉
CẬP NHẬT: Cuối cùng thì tôi cũng đã đưa được đống hành lí 70kg và bé Bôm qua đến Úc an toàn \m/