Trong chuyến đi ăn cưới ở Ấn Độ cuối năm ngoái, chặng đường lắm gian truân như thế nào hẳn bạn đã biết rồi (nếu chưa thì đọc ở đây nè). Sau 3 ngày khám phá ẩm thực ở Mumbai, tụi tôi kiệt sức vì không biết ăn gì, vì món nào cũng không hợp khẩu vị. May mắn thay, Bònbon đề nghị cả đám về nhà bạn ấy ở 1 ngày trước khi lên đường đi Udupi - nơi tổ chức hôn lễ. Đương nhiên tụi tôi như cơn nắng hạn gặp mưa rào, không một ai từ chối, đồng ý ngay tắp lự, lên đường ngay và luôn. Trải nghiệm ở nhà người bản xứ 1 ngày gét-gô!
Từ Mumbai, tụi tôi đặt Uber đi Vasai, đâu đó 2 tiếng rưỡi.
Vasai là thành phố thuộc bang Maharashtra, một bang ở miền tây Ấn Độ. Đường xá ở Vasai nếu so ra thì rất giống miền quê Việt Nam 10 năm về trước với đường đất nhỏ khó đi và nhiều ổ gà ổ voi.
Maharashtra là bang lớn thứ ba về diện tích và lớn thứ nhì về dân số, thủ phủ là Mumbai.
Khi đến nơi đã giữa trưa, mẹ Bon tiếp đón chúng tôi nồng hậu và nhiệt tình bằng một bữa cơm cá ngon lành.
Có 22 ngôn ngữ chính thức được chấp nhận tại Ấn Độ. Ngoài ra người Ấn có thể nói tiếng Anh lưu loát, tuy giọng hơi nặng và khó nghe nhưng nếu nghe quen thì cũng rất dễ hiểu nhau, vì vậy tụi tôi có thể dễ dàng giao tiếp với gia đình Bon bằng tiếng Anh.
Tuy nhà của mẹ Bon nằm ở vùng sâu vùng xa nhưng vẫn có wifi chạy phà phà. Không những vậy, tụi tôi còn được phủ phê ăn uống ngày 3 bữa, trải nghiệm ẩm thực trong gia đình người Ấn. Bé Bôm rất mê món cơm tôm của bà. Hôm lên đường đi Udupi, tụi tôi được mẹ Bon chuẩn bị sẵn cho đồ ăn mang theo. Nhờ vậy mà chúng tôi cầm cự được 15 tiếng lắc lư theo cái tàu lửa.
Cần chú ý gì khi ở nhà người bản xứ
Tôn trọng truyền thống của họ
Điển hình như chuyện ăn bằng tay.
Mẹ Bon thì vẫn ngại khác nhau về văn hoá nên nói tụi tôi ăn trước, bà đợi con gái (chị của Bon) sang ăn cùng.
Bà chuẩn bị sẵn muỗng đũa cho chúng tôi. Những lúc Bon ăn chung thì ổng vẫn ăn bốc. Khi chúng tôi cùng nhau ăn uống ở Melbourne, tôi chưa thấy ổng bốc lần nào. Hẳn là ổng chỉ bốc khi ở "nhà".
Ăn bằng tay là một phong tục được trân trọng ở Ấn Độ, phản ánh di sản và văn hóa lâu đời của đất nước. Truyền thống Ấn Độ thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối với món ăn và hiểu được bản chất của nó. Trong thần thoại Ấn Độ, tầm quan trọng của việc ăn bằng tay được miêu tả qua nhiều văn bản tôn giáo và văn hóa dân gian. Mối liên hệ tâm linh với việc ăn uống này đã được truyền qua nhiều thế hệ và tiếp tục được trân trọng như một tập tục thiêng liêng.
"Eat with hand" có rất nhiều quy tắc. Ví dụ như là chỉ sử dụng tay phải để chạm vào đồ ăn hoặc đồ uống, chuyền bát đĩa và chào hỏi người khác. Vì tay trái (về mặt lịch sử) được dành riêng cho các hoạt động như đi vệ sinh. Nhìn chung, việc tránh sử dụng tay trái khi ăn là rất quan trọng. Đặc biệt hơn, bạn chỉ nên ăn bằng ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và chỉ nên liếm ngón tay sau khi ăn xong.
Việc sử dụng tay phải cho các hoạt động trong sạch và tay trái cho các hoạt động ô uế được quy định rõ ràng trong các hadith - bản ghi chép những lời dạy của Nhà tiên tri Muhammad trong đạo Hồi
Các quy định trong gia đình
Ví dụ như tôi muốn giúp đỡ mẹ Bon dọn rửa sau khi dùng bữa xong. Nhà Bon có 2 bồn rửa chén với 2 hệ thống nước khác nhau: để nấu ăn và để rửa nồi niêu... Và có cả hệ thống nước giếng. Mẹ Bon nói tôi không quen phân biệt nước nào là nước nào nên "đuổi" đi vào nhà.
Hoặc khi tắm, tuy không ai dặn nhưng chúng tôi tự giác tắm nhanh. Vì chỉ cần để ý quan sát sẽ thấy họ dùng nước rất tiết kiệm!
Đi đâu cũng phải có ít nhất một người bản xứ đi cùng
Người dân xung quanh có vẻ cũng hiền lành nhưng khi ra ngoài đi dạo thì vẫn nên cẩn thận. Vùng này đồng không mông quạnh, internet yếu xìu lỡ đi lạc thì cũng chả biết làm sao.
Phải bôi kem chống côn trùng
Điều quan trọng nên bài nào về Ấn Độ tôi cũng đều nhắc đến. Sau khi em bé bị cắn sưng người, tôi quá sợ cái đám côn trùng khổng lồ ở đây.