Là do tôi đang ở Úc nên thông tin về Úc cứ hiện ra trên mạng xã hội? Hay thực sự Úc là điểm du lịch hot hiện nay? Mỗi lần tôi lướt Facebook hay Thread, các bài đăng về visa du lịch Úc, lịch trình du lịch Úc, cuộc sống ở Úc… cứ xuất hiện nhan nhản. Mà mỗi lần như vậy thì tôi lại… bấm vào coi. Mà coi xong thì thấy đa số mọi người thắc mắc về các điều kiện đi kèm theo visa được cấp. Tôi sẽ tổng hợp và giải thích tất tần tật trong bài viết này ha!
Các điều kiện đi kèm theo visa
Dưới đây là các điều kiện có thể đi kèm (CẬP NHẬT 2025) trên trang immi
Visitor (Subclass 600) – Tourist (Outside Australia) & Tourist (In Australia)
Thời gian lưu trú nếu nộp ngoài Úc tối đa 12 tháng (visa được cấp có thể là 3, 6 hay 12 tháng), nộp trong Úc nếu được cấp sẽ là 12 tháng
8101 – No work
Không được làm việc nhận lương tại Úc, nhưng vẫn có thể làm tình nguyện không lương hay làm online cho Việt Nam (không phát sinh thu nhập tại Úc)
8201 – Maximum 3 months study
Được đi học nhưng tổng cộng các khoá không quá 3 tháng
8501 – Maintain adequate health insurance
Phải có bảo hiểm sức khoẻ trong thời gian ở Úc
ĐỌC THÊM: Mua bảo hiểm sức khoẻ ở Úc cho mẹ
8503 – No further stay
Trong visa mà có điều kiện này thì có nghĩa đương đơn sẽ không được nộp bất kỳ hồ sơ xin visa nào khác khi đang ở Úc, ngoại trừ visa tị nạn. Nhưng hiện nay người Việt Nam không được cấp visa tị nạn nên một khi nộp visa tị nạn thì đồng nghĩa với việc kết thúc con đường định cư Úc. Đừng dại dột nghe lời người khác qua bằng visa du lịch rồi nộp visa tị nạn nha quí zị!!!
8531 – Must leave before visa expiry
Phải rời khỏi Úc trước ngày hết hạn trên visa.
Visa Úc nếu không bị dính điều kiện này, chỉ cần nhập cảnh trước ngày hết hạn (must not arrive after) thì sẽ được ở tối đa số ngày mà Bộ Di Trú cho phép (length of stay).
Còn nếu bị dính điều kiện này thì bắt buộc phải rời khỏi Úc trước ngày hết hạn (must not arrive after).
8558 – Non Resident
Không được ở quá 12 trên 18 tháng BẤT KỲ
Visitor (Subclass 600) – Sponsored Family
Thời gian lưu trú tối đa 12 tháng
8201 – Maximum 3 months study
8501 – Maintain adequate health insurance
8503 – No further stay
8531 – Must leave before visa expiry
Các điều kiện của visa du lịch bảo lãnh thân nhân ít hơn visa du lịch tự túc, nhưng nếu theo loại visa này có thể sẽ phải đóng tiền bảo lãnh nếu Bộ Di Trú yêu cầu (đâu đó khoảng AU$10,000; sẽ được hoàn lại sau khi thân nhân rời khỏi Úc).
Nhiều người muốn bảo lãnh cha mẹ sang bằng visa du lịch, sau đó sẽ nộp visa khác để cha mẹ ở lại Úc luôn, nhưng nếu trên visa có điều kiện 8503 – No further stay thì coi như kế hoạch bể dĩa.
Visitor (Subclass 600) – Business Visitor
Thời gian lưu trú tối đa 3 tháng
8115 – Limited Activities
Đương đơn không được làm việc ở Úc, nhưng có thể tham gia một số hoạt động như:
- họp hành, khảo sát, đàm phán, ký kết hoặc xem xét các hợp đồng kinh doanh
- dự các hội nghị, hội chợ thương mại hoặc hội thảo tại Úc, nhưng các nhà tổ chức không được trả tiền cho đương đơn để tham gia
Không được:
- cung cấp dịch vụ cho một tổ chức hoặc cá nhân có trụ sở tại Úc
- trực tiếp bán hàng hóa hoặc dịch vụ thu tiền tại Úc
8201 – Maximum 3 months study
8503 – No further stay
Visitor (Subclass 600) – Approved Destination Status
Thời gian lưu trú tuỳ thuộc vào Bộ Di Trú cho
8101 – No work
8207 – No study
8503 – No further stay
8530 – Must follow your approved tour arrangements
Đây là visa du lịch theo tour, do công ty du lịch ở Việt Nam tổ chức. Đương đơn phải đảm bảo theo lịch trình của tour, không tự ý tách đoàn
Visitor (Subclass 600) – Frequent Traveller
Thời hạn visa là 10 năm, thời gian lưu trú tối đa 3 tháng cho mỗi lần nhập cảnh
8115 – Limited Activities
8201 – Maximum 3 months study
8503 – No further stay
8516 – Continue to satisfy the criteria for the grant of the visa
Tiếp tục đáp ứng các tiêu chí để được cấp visa. Ví dụ như lúc nộp hồ sơ xin visa có sổ tiết kiệm 500 triệu, thì trong thời hạn visa (10 năm) phải giữ sổ tiết kiệm lúc nào cũng phải có 500 triệu hoặc hơn
8527 – Must be free from Tuberculosis
Phải không mắc bệnh lao phổi
8531 – Must leave before visa expiry
8550 – Notify change of details
Phải thông báo cho Bộ Di Trú trước ít nhất 2 ngày làm việc nếu có bất kỳ thay đổi nào về:
- tên
- địa chỉ
- số điện thoại
- địa chỉ email
Điều kiện này chỉ áp dụng cho visa được cấp trước ngày 28/02/2020
8572 – Must have a medical assessment
Phải có đánh giá y khoa
8573 – Must not stay in Australia for more than 12 months in 24 months
Không được ở quá 12 trên 24 tháng BẤT KỲ
8574 – Continue to meet the visa’s eligibility criteria
Nếu Bộ Di Trú có yêu cầu kiểm tra một tài liệu nào đó trong hồ sơ, thì đương đơn phải nộp ra được. Ví dụ yêu cầu cho xem lại sổ tiết kiệm, thì phải lấy giấy xác nhận từ ngân hàng tại thời điểm được yêu cầu kèm theo sổ tiết kiệm để chứng minh đương đơn vẫn đang duy trì đáp ứng đúng các tiêu chí khi được cấp visa
8609 – Notify new details
Phải thông báo trong vòng 14 ngày sau khi có bất kỳ thay đổi nào về:
- tên
- địa chỉ
- số điện thoại
- địa chỉ email
- chi tiết hộ chiếu
Các điều kiện dễ gây mất ngủ nhất
Điều kiện khiến nhiều người bối rối nhất có lẽ là 8558 – Non Resident và 8573 – Must not stay in Australia for more than 12 months in 24 months.
Để theo dõi và không bị vi phạm điều kiện này, tôi đã phải tự lập một bảng excel để tính. Nhưng may thay, mẹ không bị dính điều kiện này.
Ví dụ mẹ tôi được cấp visa 3 năm, nếu trên visa có điều kiện 8558 – Non Resident thì buộc mẹ phải đảm bảo không được ở quá 12 trên 18 tháng BẤT KỲ. Nhiều người hiểu lầm rằng, “không ở quá 12 trên 18 tháng” có nghĩa là chia 3 năm (tức là 36 tháng) ra thành 2 phần: 18 tháng đầu tiên và 18 tháng sau đó; và trong mỗi 18 tháng đó không được ở quá 12 tháng. Hiểu như vậy là trậc lấc rồi!!!
Bộ Di Trú có hệ thống tính toán dựa vào thời gian xuất nhập cảnh của đương đơn. Ai vi phạm những điều kiện này thì sẽ bị ghi lại trong hồ sơ. Đến lần xin visa tiếp theo khó mà được cấp.
Còn 8503 – No further stay có lẽ là điều kiện stress nhất đối với những ai muốn sang Úc với mục đích không đơn thuần là du lịch. Ví dụ như muốn qua bằng visa du lịch rồi chuyển sang du học (vì xét từ Việt Nam sẽ lâu hơn, nay không được nộp visa 500 onshore để ngăn chặn tình trạng này), hay muốn qua bằng visa du lịch rồi chuyển sang visa bảo lãnh vợ chồng (lí do tương tự, xét từ Việt Nam sẽ lâu hơn, còn sang được Úc rồi thì có thể nộp ngay visa 820 sau đó ở lại Úc luôn bằng visa chờ), hay người cao tuổi đi du lịch sang thăm con cháu rồi chuyển sang visa bảo lãnh cha mẹ subclass 143 sau đó ở lại tiếp bằng visa chờ…
Túm lại, nếu hồ sơ có gì đó làm người xét duyệt nghi ngờ thì hoặc là họ sẽ từ chối cấp visa luôn, hoặc vẫn sẽ cấp visa nhưng “nhét” thêm một vài điều kiện khác để kiểm soát việc đương đơn làm đúng mục đích đi du lịch.
Kinh nghiệm
Kinh nghiệm mà tôi rút ra được sau mấy lần xin visa cho mẹ và cháu tôi chính là: nếu chứng mình được ràng buộc với Việt Nam thì người xét duyệt sẽ không thêm điều kiện đi kèm 8503 – No further stay. Cháu tôi còn đang học cấp 2, cha mẹ không đi cùng mà đi cùng bà Nội. Còn bà Nội (mẹ tôi) thì vẫn có chồng (ba tôi) ở nhà. Cháu tôi không thể chuyển sang visa du học vì quy định mới, mẹ tôi không thể chuyển sang visa bảo lãnh cha mẹ vì muốn nộp 143 thì phải làm hồ sơ cho cả ba và mẹ. Đấy! Không có khả năng visa nào khác để hai bà cháu ở lại Úc nên trong visa của cả hai không có 8503 – No further stay.
Thêm nữa, mẹ tôi đã quá tuổi lao động, đang nhận lương hưu ở Việt Nam, có nhà có sổ tiết kiệm; em bé Bôm khi đó đang học kinder và cần bà chăm sóc. Có lẽ vì những lí do trên mà mẹ tôi cũng không bị 8558 – Non Resident để bà có thể qua bất kỳ lúc nào, miễn là đảm bảo chỉ ở tối đa 3 tháng cho mỗi lần nhập cảnh. Không bị dính điều kiện này đỡ nhức đầu hẳn ^^
Đương nhiên có nhiều trường hợp khác cũng không bị dính những điều kiện đó dù họ là người trẻ trong độ tuổi lao động hay còn độc thân, và lí do để diễn giải cho việc đó cũng khác nhau.