Schengen Visa và những hiểu lầm của người Việt

Hồi đầu năm 2018 tôi đọc được một bài chia sẻ trên page của chị Quyên Misa Gjone về visa Schengen. Nội dung như sau:

visa-schengen-1

Tôi chợt nhớ lại chuyện này vì sắp tới anh Mạnh bạn tôi – founder của Freedom Ink, có kế hoạch sang Ý để tham dự Milano Tattoo Convention 2020 nhưng lịch trình lúc xin visa của ảnh lại chỉ ở Hà Lan. Tôi có kể với ảnh về câu chuyện bên trên nhưng ảnh không quan tâm lắm (ảnh làm visa dịch vụ). Tôi đang đợi ảnh đi về để hỏi thăm thêm kinh nghiệm.

Trong lúc chờ đợi, tôi tìm vòng vòng xem thử người ta nhập cảnh châu Âu như thế nào, đặc biệt là trường hợp xin visa ở nước này nhưng lại nhập cảnh nước khác, thì mới thấy có khá nhiều thứ mà người Việt Nam đang hiểu lầm khi xin visa Schengen.


Visa Schengen là gì?

Schengen là tên của khối gồm 26 quốc gia cùng nhau ký hiệp định tự do di chuyển của công dân trong 26 nước này. Trong đó có 22 nước thuộc khối Liên minh Châu Âu (EU)4 nước thuộc Hiệp hội mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA). Các thành viên của khối Schengen gồm:

1. Áo *

2. Bỉ *

3. Séc

4. Đan Mạch

5. Estonia *

6. Phần Lan *

7. Pháp *

8. Đức *

9. Hy Lạp *

10. Hungary

11. Ý *

12. Latvia *

13. Lithuania *

14. Luxembourg *

15. Malta *

16. Hà Lan *

17. Ba Lan

18. Bồ Đào Nha *

19. Slovakia *

20. Slovenia *

21. Tây Ban Nha *

22. Thụy Điển

23. Iceland

24. Na Uy

25. Thụy Sỹ

26. Lichtenstein

Visa Schengen sẽ cho phép bạn nhập cảnh 26 quốc gia thuộc khối Schengen cùng nhiều đặc quyền khác.

Visa Schengen có 3 loại: nhập cảnh một lần (Single Entry), nhập cảnh hai lần (Double Entry) và nhập cảnh nhiều lần (Multiple Entry).

CÓ THỂ BẠN ĐÃ BIẾT:
Chỉ có 4 quốc gia: Pháp, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha chấp nhận cấp visa Schengen cho công dân Việt Nam mà không cần người bảo lãnh.

visa-schengen-bi

Những hiểu lầm của người Việt khi xin visa Schengen

Các nước thành viên khối Schengen cũng thuộc EU nên visa Schengen cũng đi được các nước thuộc EU

Như đã nói ở trên, một số nước thuộc EU không nằm trong khối Schengen (Ireland, Anh, Romania và Bulgaria) và ngược lại, một vài nước thành viên Schengen cũng không phải là thành viên của EU (Na Uy, Lichtenstein, Iceland và Thụy Sỹ). Nhiều người hay bị nhầm lẫn khái niệm giữa EU, Schengen châu Âu. Nên visa Schengen chỉ được đi lòng vòng trong 26 nước thuộc khối Schengen và các vùng lãnh thổ nho nhỏ thôi. Nếu muốn đi Anh hay Ai-len thì phải xin visa riêng (nghe bảo Ai-len đẹp lắm người ơi).

Ngoài ra, 28 quốc gia thành viên EU không liên quan gì tới Eurozone – nhóm các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro. Eurozone chỉ có 19/28 nước thuộc EU thôi, bao gồm 17 nước Thảo đánh dấu (*) ở trên kia + Cộng hòa Síp và Ireland.

Thông tin này tưởng không quan trọng nhưng nếu không biết mà cầm Euro sang mấy nước như Na Uy, Thụy Sĩ thì cũng không xài được, mất công lại đổi


Có visa Schengen rồi thì muốn nhập cảnh ở đâu thì nhập

Mọi người thường dùng chiêu xin visa Schengen ở sứ quán nước A nhưng khi nhập cảnh thì lại vào nước B vì lợi dụng chính sách xin visa du lịch của nước A dễ hơn. Nhưng việc này thực sự tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu bạn chưa nhập cảnh Châu Âu lần nào (bị cấm bay ngay tại sân bay ở Việt Nam, bị hủy visa tại lúc nhập cảnh, bị hạn chế khi xin visa lần tiếp theo…)

Sẽ có nhiều bạn giống như anh bạn của Thảo, sẽ bảo rằng ôi xồi có visa rồi mình đi sao chả được, đã cho phép đi 26 nước thì nhập cảnh đâu chả vậy. Nhưng đó chỉ là lý thuyết thôi nha! Chẳng ai thích việc bạn xin phép được vào nhà người ta theo cửa A, họ đồng ý rồi thì bạn lại lù lù xuất hiện ở cửa B theo kiểu “hù, hết hồn chưa?”

Về vấn đề này, cụ thể và chi tiết thì Thảo thấy bài viết này của “Visa cấp tốc” là khá đầy đủ rồi. Làm gì cũng phải trao đổi/xin phép/thông báo thì mới bền!


Cứ canh me xin visa Schengen ở các sứ quán Pháp, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha là được

Không hẳn là được. Chỉ được với điều kiện, visa Schengen sẽ được xin tại sứ quán nơi có thời gian lưu trú lâu nhất theo lịch trình  hoặc đó phải là điểm đến đầu tiên.

Ví dụ lịch trình của bạn đi châu Âu 15 ngày, trong đó: ở Áo 3 ngày, Đức 5 ngày, Ý 7 ngày thì bạn phải nộp hồ sơ xin visa tại sứ quán Ý. Mà sứ quán Ý thì lại khá khắt khe như trường hợp Thảo nhắc đến ở đầu bài: thay đổi một xíu xiu mà không thông báo thì bị hủy luôn visa. Mà khi đã được cấp visa, dán vào hộ chiếu hẳn hoi, mà bị hủy xoẹt xoẹt thì bạn hiểu hậu quả rồi đó…


Visa được cấp cho thời hạn ở bao lâu thì cứ ở tẹt ga bấy lâu

Bạn cần đảm bảo đúng lịch trình thực tế với khi xin visa (ngày nhập cảnh, xuất cảnh giữa các nước và ngày nhập cảnh xuất cảnh châu Âu) trừ những trường hợp phát sinh ngoài ý muốn (muốn trình bày lí do gì cũng phải có bằng chứng hẳn hoi).

Ví dụ xin đi 12 ngày, với thời gian địa điểm rõ ràng, thì cứ y vậy mà làm, dù visa có được cho 15 hay 30 ngày đi nữa. Việc cho thêm ngày như vậy giống như là cái bẫy của sứ quán giăng ra để thanh niên nào ham ham ở thêm là cắt luôn đường xin visa lần tiếp theo í, không phải kèo ngon béo bở gì đâu :))


Được cấp visa nhập cảnh nhiều lần trong 45 ngày thì cứ ra vô tẹt ga khối Schengen trong thời gian 45 ngày đó luôn

Trên visa sẽ có ghi số ngày tối đa lưu trú. Như hình minh họa visa của anh bạn tôi nè. Được nhập cảnh từ ngày 1/2/2020 đến ngày 17/3/2020 nhưng chỉ được lưu trú tối đa 30 ngày. Tức là được phép nhập cảnh trong thời gian đó, số ngày lưu trú tổng cộng của nhiều lần nhập cảnh là 30 ngày.

visa-schengen-nld
Ví dụ trong thời gian như trên: lần 1 vô chơi 10 ngày, lần 2 vô chơi 13 ngày, lần 3 vô chơi 15 ngày. Thì lần 4 vô chơi được tối đa 2 ngày nữa. Đấy, “tổng cộng” ý là như thế!

Còn nếu ở lố mà không giải trình được lí do thì a lê hấp, sau khỏi xin visa Schengen được nữa luôn. Bởi “một lần bất tín vạn lần bất tin” mà lị!


Một số thay đổi sẽ có hiệu lực từ 3/2/2020

Ngày 06/6/2019 Hội đồng Liên minh Châu Âu đã thông qua các sửa đổi Quy tắc cấp visa Schengen. Có mấy thay đổi lớn như vầy:

  • Có thể nộp đơn xin visa trước ngày bay 6 tháng thay vì 3 tháng như giờ. Thời gian muộn nhất để nộp hồ sơ xin visa là 15 ngày trước ngày khởi hành dự định
  • Phí visa tăng từ €60 lên €80
  • Quá trình nộp hồ sơ sẽ được thực hiện qua Internet giống các nước khác như Úc, Canada hay New Zealand (nhưng có phải là e-Visa như các nước đó hay không thì không có thông tin)
  • Tăng thời hạn lên từ 1 – 5 năm đối với visa loại nhập cảnh nhiều lần (Multiple Entry) cho những ai đã từng đi du lịch khu vực Schengen mà không vi phạm bất kỳ các quy định nào. Mà một trong các điều kiện quan trọng nhất để được cấp visa dài hạn đó là lần đầu phải nhập cảnh vào nước mà đã cấp visa

Tóm lại, vẫn có nhiều cách để lách luật cho các vấn đề nhạy cảm về visa Schengen. Các công ty chuyên hỗ trợ visa rất rành mấy cái này, nhưng rủi ro thì trời kêu ai nấy dạ. Họ chỉ cần làm sao để mình được cấp visa là đã xong nhiệm vụ. Còn mình đi đứng ra sao thì hết liên quan. Mình mà cứ sugar sugar ajinomoto ajinomoto đi một cách minh bạch cụ thể tỉ mỉ chi tiết đúng với kế hoạch đã viết ra thì sẽ chẳng có gì phải lo lắng cả 😉

CẬP NHẬT THÁNG 3/2020: Giữa tình hình dịch bệnh này mà đi tới đi lui châu Âu thì cũng ớn ớn, thế mà anh bạn tôi đi đến 2 lần: lần đầu 20 ngày, lần sau tầm chục ngày, quay về Việt Nam lần sau thì được bế đi cách ly tập trung luôn. Thấy ảnh đi đi về về được ổn như vậy, không gặp vấn đề gì với khâu nhập – xuất cảnh cả, nên thực sự cũng không biết thế nào 😕

Chia sẻ bài viết:

Bài viết liên quan:

Xin chào!

TÔI LÀ THẢO, TÁC GIẢ CỦA BLOG NGÀY LANG THANG.

Tôi có sở thích viết lách và đi đây đi đó. Cuối cùng tôi đã duy trì được việc này gần 1 thập kỷ. Thật là đáng tự hào ^^

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
Xem tất cả
0
()
x