Cuối cùng tôi đã dẫn được mẹ đi xem sự kiện Pharaoh trước khi nó kết thúc. Cả hai mẹ con tôi đều mê mấy kiểu huyền bí Ai Cập, xác ướp sống lại từ xưa giờ. Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, trên tivi có chiếu phim bộ "Cuộn giấy thứ bảy" dựa trên 2 cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Wilbur Smith là "The God of the river" và "The seventh papyrus". Nội dung xoay quanh bí mật của cuộn giấy thứ bảy có chứa chỉ dẫn đi tìm lăng mộ của Pharaoh Mamose cùng kho báu huyền thoại. Mẹ và tôi đã mê mệt bộ phim này, canh xem vào mỗi tối thứ 7. Kể cả bộ truyện tranh thiếu nữ “Nữ hoàng Ai Cập” do Kim Đồng xuất bản lậu năm 2001 cũng là mẹ mua cho tôi, trọn 71 tập không thiếu quyển nào, đến giờ tôi vẫn cất trong tủ. Vì vậy khi mẹ sang Melbourne trúng thời gian diễn ra Winter Masterpieces® 2024: Pharaoh ở NGV (National Gallery of Victoria - Phòng trưng bày Quốc gia Victoria), tôi liền sắp xếp dẫn mẹ đi ngắm cổ vật Ai Cập cổ đại 5,000 năm trước.
Giới thiệu về NGV
National Gallery of Victoria (NGV) được thành lập vào năm 1861, là phòng trưng bày lâu đời nhất và đón nhiều lượt khách nhất nước Úc. NGV hiện có 2 địa điểm trưng bày: NGV International (180 St Kilda Road) và The Ian Potter Centre: NGV Australia (FED Square).
ĐỌC THÊM: Nửa ngày dạo Flinder Quarter
NGV nắm giữ kho tàng khổng lồ gồm hơn 76,000 tác phẩm trải dài hàng ngàn năm, của những tên tuổi vĩ đại trong làng nghệ thuật thế giới như Bernini, Cézanne, Corregio, Manet, Monet và Picasso; tổ chức nhiều chương trình và sự kiện từ nghệ thuật đương đại đến các triển lãm lịch sử quốc tế, các chương trình thời trang, kiến trúc, khiêu vũ... Khách ghé NGV không phải mua vé vào cửa ngoại trừ một số triển lãm ngắn hạn (như các triển lãm Melbourne Winter Masterpieces® nè). NGV cũng có cung cấp dịch vụ tham quan có hướng dẫn viên (tính phí) nhưng hướng dẫn viên chỉ có thể nói tiếng Anh và tiếng Hoa phổ thông (tiếng Quan thoại).
Để xem các sự kiện hiện đang có tại NGV: https://connect.ngv.vic.gov.au/events
NGV International và The Ian Potter Centre: NGV Australia mở cửa tất cả các ngày trong tuần từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
Melbourne Winter Masterpieces® 2024: Pharaoh
Trước khi đi vô chi tiết về triển lãm Pharaoh thì tôi giới thiệu một xíu về Melbourne Winter Masterpieces®.
Melbourne Winter Masterpieces® (dịch nghĩa: những kiệt tác mùa đông Melbourne) là chuỗi triển lãm lớn thường niên được tổ chức trong hơn 100 ngày tại Melbourne, Victoria, Úc. Chính phủ bang Victoria hợp tác với các bảo tàng và các phòng trưng bày trên khắp thế giới để mang các bộ sưu tập đặc sắc về trưng bày tại Bảo tàng Melbourne, NGV và ACMI. Chuỗi sự kiện hàng năm này được tổ chức vào mùa đông Melbourne – từ tháng 6 đến tháng 10.
Melbourne Winter Masterpieces® 2024 được tổ chức tại NGV từ ngày 14 tháng 6 đến ngày 6 tháng 10 năm 2024 với 1 sự kiện duy nhất: Pharaoh.
Melbourne Winter Masterpieces® 2023 có 2 sự kiện: Pierre Bonnard: Designed by India Madhavi tại NGV (từ 6/6 - 8/10/2023) và Goddess: Power, Glamour, Rebellion tại ACMI (từ 5/4 - 1/10/2023).
Cũng tuỳ năm chính phủ bang “thương thảo” được nhiều hay ít, vì thường là phải đăng ký hồ sơ với bên bảo tàng gốc, sau đó phải qua mấy vòng tuyển chọn gắt gao.
Bộ sưu tập cổ vật Ai Cập có hơn 500 hiện vật, bao gồm các tác phẩm điêu khắc kiến trúc hoành tráng, tượng trong đền thờ, đồ trang sức tinh xảo, quan tài, đồ vật tang lễ... trong triển lãm Pharaoh tại NGV mùa đông này được mượn từ Bảo tàng Anh (British Museum) để kỷ niệm 3,000 năm văn hóa và nghệ thuật Ai Cập cổ đại. Đây cũng là triển lãm quốc tế lớn nhất mà Bảo tàng Anh từng tổ chức trong lịch sử 270 năm của mình. Với nhiều tác phẩm lần đầu tiên được trưng bày tại Úc, triển lãm độc quyền Pharaoh ở Melbourne cũng là triển lãm Ai Cập cổ đại lớn nhất được tổ chức ở Úc tính đến thời điểm này.
Melbourne Winter Masterpieces® 2024: Pharaoh có bảy chủ đề về pharaoh, chi tiết Thảo để bên dưới.
Triển lãm được chia thành 2 phần ở 2 khu riêng biệt (bạn xem bản đồ bên dưới ha):
- Phần 1 (Part 1): phía bên phải của bản đồ, ngay phía trước Garden Restaurant
- Phần 2 (Part 2): phía bên trái của bản đồ, ngay sát bên khu vực mua vé và Gallery Kitchen
Xem phần nào trước cũng được, không nhất thiết phải xem Part 1 mới tới Part 2
Mua vé
Có thể mua vé online hoặc mua tại quầy ở NGV. Tôi coi chán chê trên website xong cuối cùng chọn mua tại quầy.
NGV thời gian này cũng có các triển lãm khác. Có lẽ vì Ai Cập thuộc Châu Phi nên NGV có khuyến mãi cho những ai vừa muốn khám phá Ai Cập cổ đại vừa muốn tìm hiểu về thời trang Châu Phi. Bạn có thể mua riêng vé Pharaoh hoặc mua cặp vé Pharaoh + Africa Fashion với giá ưu đãi.
Loại vé | Melbourne Winter Masterpieces® 2024: Pharaoh | Africa Fashion | Joint Exhibition Ticket Offer: Pharaoh and Africa Fashion |
---|---|---|---|
Người lớn | $38 | $25 | $48 |
Người cao tuổi (có thẻ Australian Senior Card)(*) | $35 | $20 | x |
Trẻ em (5-15 tuổi) | $18 | $10 | x |
Giảm giá (**) | $35 | $20 | x |
Gia đình | $94 | $60 | x |
- (*) Chỉ áp dụng vào thứ Tư
- (**) Giá vé giảm giá áp dụng cho người giữ các loại thẻ Australian Pensioner, Veterans Affairs, Full time students và Healthcare
- Giá cặp vé Melbourne Winter Masterpieces® 2024: Pharaoh + Africa Fashion chỉ áp dụng cho người lớn
Khi tôi xem trên website, có 2 nút mua vé: giá vé bình thường (nguyên giá) và giá vé cho thành viên của NGV (giảm đâu đó 10%). Tôi cũng có cân nhắc xem qua cách đăng ký thành viên, cuối cùng thì chọn không đăng ký vì không thường xuyên đến NGV. Nhưng tôi vẫn liệt kê 6 gói thành viên NGV để bạn tham khảo ha:
- Premium Membership: $880/năm
- Individual Membership: $115/năm
- Duo Membership: $160/năm
- Family Membership: $170
- Digital Membership: $55
- Concession Membership: $80
Xem chi tiết tại đây
7 chủ đề của Melbourne Winter Masterpieces® 2024: Pharaoh
Part 1
EGYPT, LAND OF THE PHARAOHS (Ai Cập - vùng đất của các Pharaoh)
Các vị vua Ai Cập cổ đại cai trị đất nước trong hơn 3,000 năm. Thời gian đầu họ vẫn tự xưng là vua (King). Sau này, từ giữa thế kỷ 16 trước công nguyên, họ đổi sang tự gọi mình là 'pharaoh' - theo tiếng Ai Cập cổ thời đó đọc là per-aa (có nghĩa là "Great House" - ngôi nhà vĩ đại). Trong thời gian trị vì, hàng ngàn ngôi đền và lăng mộ được xây dựng. Những món đồ trang sức tinh xảo nhất hay những tác phẩm điêu khắc hoành tráng trong thời kỳ này đều khẳng định quyền lực và sự thiêng liêng của các pharaoh.
Trong khu vực Egypt, land of the pharaohs trưng bày tượng đầu của một số vị vua Ai Cập cổ đại như King Amenemhat III, Pharaoh Thutmose III, King Mentuhotep II. Tôi cũng không hiểu sao các bức tượng chỉ có phần đầu. Xì-tai hồi đó khi khắc tượng pharaoh chỉ khắc phần đầu để trưng thôi hả ta?
Ngoài ra triển lãm còn trưng bày bản đồ Ai Cập cổ đại và lịch sử các đời pharaoh theo dòng thời gian. Có điều hôm tôi đi là cuối tuần, lượng khách hơi đông, hình bản đồ và các đời pharaoh đều bị nhoè do chụp nhanh.
Trên bản đồ có xuất hiện cái tên Memphis ^^ đây từng là kinh đô của Ai Cập, nằm ở lối vào của Thung lũng sông Nile và gần kim tự tháp Giza. Khu khảo cổ Memphis được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1979. Memphis cũng là tên của nam chính trong "Nữ hoàng Ai Cập", một pharaoh Ai Cập cổ đại.
Den, còn được gọi là Hor-Den, Dewen và Udimu, là tên Horus của một vị vua thuộc Vương triều thứ nhất của Ai Cập cổ đại.
Wikipedia
Giống như các ông vua khác trên thế giới, trách nhiệm của các pharaoh là bảo vệ Ai Cập khỏi thù trong giặc ngoài và đảm bảo trật tự chung. Các pharaoh cai trị "Hai Vùng Đất" là Thượng Ai Cập và Hạ Ai Cập – từ Vương triều thứ nhất (khoảng năm 3000 trước Công nguyên) cho đến khi bị người La Mã chinh phục vào năm 30 trước Công nguyên.
Trong truyện "Nữ hoàng Ai Cập", Thượng Ai Cập là nơi Pharaoh xây dựng cung điện và ở đó, còn Hạ Ai Cập là nơi mà chị của Pharaoh - Nữ vương Asisu - lui về ở ẩn trước khi tính kế hại nữ chính lần thứ en-nờ (:
BORN OF THE GODS (Được sinh ra từ những vị thần)
Đúng vẹy đó! Mặc dù là con người nhưng các pharaoh vẫn mạnh dạn tuyên bố mình có tổ tiên là thần thánh và mình đóng vai trò là đại diện của các vị thần, là trung gian giữa các vị thần và con người trên trái đất.
Hàng ngàn vị thần đã hiện diện trong cuộc sống của người Ai Cập cổ đại qua những câu chuyện thần thoại. Qua đó, tất cả các thực thể tự nhiên đều có thể là biểu hiện của thần thánh: đất, gió và động vật đều hiện thân cho một sức mạnh thiêng liêng.
Các vị thần sẽ mang lại sự ổn định và thịnh vượng cho Ai Cập, đổi lại các pharaoh sẽ xây dựng đền thờ và thực hiện các nghi lễ hàng ngày, duy trì sự tôn kính đối với các vị thần. Thời nay gọi đây là mối quan hệ win-win (đôi bên cùng có lợi) í. Vị trí của nhà vua trên ngai vàng sẽ được đảm bảo, còn các vị thần cũng hài lòng trong vùng đất của các pharaoh.
Trong khu vực này trưng bày nhiều bức tượng về Isis
Isis (hay còn gọi là Asisu theo kiểu dịch cũ của NXB Kim Đồng) là nhân vật trong truyện "Nữ hoàng Ai Cập". Có vẻ như tác giả sử dụng tên của những nhân vật, địa điểm có thật để đặt tên cho các nhân vật của mình, còn số phận thì hổng liên quan gì hết trơn. Trên thực tế, Isis và em trai (cũng là chồng) của mình có với nhau 1 người con trai. Bạn có thể đọc thêm về "Isis real" ở wiki nè he!
Phần phù điêu này mô tả King Mentuhotep II đang đội vương miện màu đỏ (biểu tượng của Hạ Ai Cập, trong khi vương miện màu trắng là biểu tượng của Thượng Ai Cập) và được thần Montu ôm lấy. Thần Montu là thần của chiến tranh, mặt trời, gia đình và lòng dũng cảm. Montu ôm nhà vua bằng cả hai tay như một dấu hiệu cho thấy King Mentuhotep là người nhận được sự phù hộ của thần linh. Mặc dù hình dáng của Montu ở đây gần như đã biến mất hoàn toàn nhưng vẫn có thể nhận ra nhờ dấu vết trên chiếc mũ đội đầu - một chiếc đĩa mặt trời có hai con rắn hổ mang
Pharaoh Sety II là cháu nội của Pharaoh Ramses II
Pharaoh Narmer là người đã thống nhất Thượng Ai Cập và Hạ Ai Cập nên Narmer Palette đã gây ra nhiều cuộc tranh luận. Nhiều học giả tin rằng Narmer Palette mô tả sự thống nhất của Hai Vùng Đất, hoặc ghi lại thành công trong một chiến dịch quân sự với người Libya. Một số học giả khác thì cho rằng Narmer Palette không đại diện cho một sự kiện lịch sử nào
Part 2
Sau khi xoè vé ở lối vào cho nhân viên scan, chúng tôi đi theo một hành lang không-đủ-sáng dẫn đến căn phòng đầu tiên của Part 2.
Khác với Part 1 - nhỏ hẹp, Part 2 rộng lớn hơn và có nhiều chỗ ngồi nghỉ chân. Các hiện vật chủ yếu được trưng trong tủ kính.
THE KING AS HIGH PRIEST (Vua giống quan tư tế cao cấp)
Vua là vua, quan tư tế là quan tư tế chứ? Tại sao khu vực này lại được đặt tên như vậy?
Các ngôi đền Ai Cập đại diện cho vũ trụ và là cánh cổng dẫn đến thế giới của các vị thần. Hàng trăm ngôi đền được xây dựng dọc theo Thung lũng sông Nile, mỗi ngôi đền dành riêng cho một hoặc nhiều vị thần. Người Ai Cập cổ đại tin rằng các ngôi đền là nhà của các vị thần và các bức tượng thần linh là hiện thân của các vị thần. Pharaoh có trách nhiệm thực hiện các nghi lễ tôn giáo quan trọng nhất như dâng lễ vật, cúng kiếng. Nhưng thực tế, vì không thể có mặt ở hàng trăm nơi cùng một lúc nên nhà vua đã giao những nghi thức này cho các quan tư tế được chọn, các quan tư tế sẽ thực hiện các nghi lễ này thay mặt nhà vua. Nếu các vị thần hài lòng thì sẽ ban thưởng cho Ai Cập sự ổn định và cho pharaoh một triều đại lâu dài và thịnh vượng.
Bức tượng ban đầu được đặt trong một ngôi đền ở Abydos, Trung Ai Cập. Bức tượng thể hiện sự tham gia cúng kính của nhà vua trong nghi lễ hàng ngày
Tám bức tượng này được chôn cùng nhau tại đền Karnak, ở Thebes. Chúng tạo thành một phần của Karnak Cachette, nơi lưu trữ hơn 800 tác phẩm điêu khắc bằng đá cũng như nhiều đồ tạo tác khác, đại diện cho hơn 23 thế kỷ lịch sử của Ai Cập
THE ROYAL FAMILY (gia đình hoàng gia)
Hoàng gia Ai Cập theo chế độ đa thê, pharaoh có thể có 1 chính thất - vợ chính thức (gọi là Great Royal Wife), và một số người vợ (không chính thức) khác. Các liên minh ngoại giao thường được hình thành hoặc củng cố thông qua hôn nhân chính trị. Vì vậy Hoàng gia Ai Cập thường rất đông đúc. Ví dụ, Ramses II được cho là đã sinh ra hơn 40 trai và 40 gái trong suốt quãng đời của ổng (O.O)
JEWELLERY (trang sức)
Đàn ông, phụ nữ và trẻ em Ai Cập cổ đại đều đeo nhẫn, vòng cổ và bùa hộ mệnh, thường là để đánh dấu quyền lực và địa vị hoặc để bảo vệ khỏi tà ma. Hình dạng, thành phần và cách làm rất đa dạng. Những món đồ bằng vàng nguyên khối phù hợp với vua chúa hoặc đoàn tùy tùng hoàng gia, trong khi những người có ngân sách khiêm tốn hơn đeo đồ trang sức làm từ faience (một loại gốm tráng men), đá và xương.
Những món đồ trang sức được trưng bày ở đây là những đồ vật mang tính cá nhân sâu sắc và chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa phức tạp. Mặc dù những câu chuyện riêng tư nhất liên quan đến những đồ vật này thường bị che giấu nhưng chúng vẫn cho người xem cái nhìn thoáng qua về cuộc sống của những người đeo chúng.
RULING EGYPT (Việc cai trị Ai Cập)
Hệ thống hành chính của Ai Cập cổ đại rất phức tạp. Các pharaoh cần sử dụng hệ thống hành chính đó để duy trì quyền kiểm soát tôn giáo, kinh tế và chính trị của Ai Cập. Một trong những chức năng chính của nhà nước là thu thập và quản lý các nguồn lực để xây dựng các công trình do pharaoh khởi xướng. Ngoài việc đảm bảo nền kinh tế lành mạnh, nhà nước còn thực thi công lý và bảo vệ đất nước khỏi những kẻ xâm lược. Nhà vua sử dụng các thành viên trong gia đình hoàng gia và nhân tài khắp nơi để giúp điều hành đất nước.
Người Ai Cập tin rằng linh hồn của người đã khuất có thể tự do ra vào ngôi mộ thông qua một "cánh cửa giả". Đặc trưng của cánh cửa này là bề mặt lõm vào với một lối đi mang tính biểu tượng ở chính giữa. Nội dung các dòng chữ tượng hình trên đó được khắc theo thông tin của người nằm trong mộ, không phải rập khuôn
Quan tài của Horaawesheb chứa xác ướp của một phụ nữ.
Trong khi Horaawesheb là đàn ông.
Chiếc quan tài đặc trưng "Ai Cập style" này được làm cho Horaawesheb, một người dâng hương trong đền thờ thần Khonsu ở Thebes. Màu nâu đỏ của khuôn mặt và bàn tay được dùng để miêu tả đàn ông. Bộ tóc giả có sọc màu vàng và xanh. Trên nắp nhiều cảnh khác nhau được mô tả, đại khái là sau khi chết thì sẽ được đưa đi đâu đồ đó. Xác ướp của Horaawesheb không biết lưu lạc nơi nào. Còn kết quả chụp X-quang xác ướp được bọc kỹ lưỡng bên trong quan tài này cho thấy xác ướp là của một phụ nữ trẻ.
EGYPT AND THE WORLD BEYOND (Ai Cập và thế giới bên ngoài)
Với vị trí địa lý mang tính chiến lược, Ai Cập thu hút nhiều người nước ngoài đến định cư dọc theo sông Nile.
Bảo vệ Ai Cập là nhiệm vụ chính của pharaoh. Một số pharaoh tìm cách bành trướng lãnh thổ thông qua hành động quân sự, một số khác theo đuổi liên minh ngoại giao với các nước láng giềng thông qua trao đổi lễ vật. Hôn nhân chính trị cũng là một khía cạnh quan trọng khác trong việc quản lý quan hệ đối ngoại. Nhưng xui thay, bất chấp những nỗ lực này, Ai Cập thường xuyên có nội chiến và xâm lược từ Nubia, Ba Tư, Libya và La Mã.
Phần này của triển lãm chủ yếu trưng bày các tấm phù điêu mô tả các trận đánh của pharaoh với quân xâm lược, thư từ qua lại khi trao đổi lễ vật
ETERNAL LIFE (cuộc sống vĩnh hằng)
Người Ai Cập tin rằng có một cuộc sống vĩnh hằng sau cái chết. Thể xác sau khi chết chính là ngôi nhà cho linh hồn, nên phải ướp xác để được tồn tại mãi mãi.
Mẹ con tôi tưởng sẽ có trưng bày cả xác ướp như Bảo tàng Cairo nhưng đi hết các khu vực đều không thấy cái xác ướp nào. Mẹ sau đó mới bảo cũng chẳng đáng sợ gì =))) trong khi trước đó chị ấy cứ lo lắng lỡ bị trúng lời nguyền như trong truyện “Nữ hoàng Ai Cập” =)))))
Nhà sách có gì?
Một nhà sách nhỏ bày bán đồ lưu niệm ngay lối ra của Part 2, thông với Kitchen Gallery. Từ giờ đến ngày 6/10 nhà sách vẫn bày bán những món liên quan đến chủ đề Pharaoh.
... và nhiều món khác nữa.
Sự kiện liên quan
NGV Friday Nights: Pharaoh
6–10 giờ tối, 14/6 – 4/10/2024
Xem chi tiết: NGV Friday Nights: Pharaoh
Creating Pharaoh
Thứ 6, 13/9/2024, 6–7 giờ tối
Xem qua hậu trường và tìm hiểu cách triển lãm Pharaoh được tạo ra - từ việc lựa chọn hơn 500 đồ vật từ Bảo tàng Anh, đến cách những đồ vật này được trưng bày, diễn giải và trải nghiệm của du khách thông qua thiết kế sống động và âm thanh đi kèm.
Xem chi tiết: Creating Pharaoh
Các Guided/Talk Tour
Đăng ký trước tại quầy thông tin.
Thời lượng: 30 phút - 1 giờ tuỳ theo tour mà bạn đăng ký. Có tour tiếng Anh và tiếng Quan thoại.
Phí tour: Miễn phí, nhưng cần có vé xem triển lãm