Chuyện ăn uống của bé Bôm khi đi học

Bé Bôm lúc 3 tuổi đi học kinder 2 ngày và childcare 3 ngày còn lại. Bé Bôm lên 4 tuổi sẽ đi học kinder 2 ngày rưỡi và childcare 2 ngày. Khi ở childcare, em bé sẽ được trường cho ăn từ 3-5 bữa/ngày (tuỳ theo trường, tuỳ theo học phí). Còn khi đi kinder, em bé sẽ tự mang đồ ăn theo.

Việc tự mang đồ ăn là để em bé tự lập tự giác, học cách ăn cùng bạn và xử lí đồ ăn, chuẩn bị cho việc 5 tuổi vào preschool (lớp dự bị tiểu học, nôm na là mẫu giáo lớn) và 6 tuổi vào tiểu học sẽ không còn giáo viên giúp (mở hộp, bóc chuối, xé bao bì bánh kẹo…) lúc ăn uống nữa

Người đi học là bé Bôm nhưng tôi cũng có được thêm nhiều kinh nghiệm nhờ đồng hành cùng con trong suốt quá trình. Tính đến thời điểm hiện tại, chuyện ăn uống có lẽ là đơn giản nhất trong các vấn đề phát sinh khi con đi học, một phần vì con dễ ăn không kén món, phần khác là một khi đã vô nếp thì mẹ cũng chuẩn bị đồ ăn rất nhanh mà không phải vắt óc suy nghĩ. Dưới đây là kinh nghiệm của Thảo về chuyện ăn uống của bé Bôm khi đi học ha!


Chuyện ăn uống của Bôm khi đi học

Lựa chọn bento box

Giống như các “chị mẹ” khác, tôi muốn con mình có hộp đồ ăn bắt mắt và dễ sử dụng—chiếc hộp phải có nhiều ngăn, vừa đủ để tôi trình bày đồ ăn bên trong nhiều màu sắc, hợp khẩu vị và con đủ no. Tôi đã tham khảo nhiều nhãn hiệu, nhiều kiểu dáng và chấm được một mẫu mã phù hợp tiêu chí: nhiều ngăn, rộng rãi nhưng khi cho bé Bôm thử dùng thì lại không dễ mở ra. Chúng quá nặng so với sức của em bé.

Rốt cuộc sau đó, tôi chọn sử dụng các hộp nhà sẵn có.

Nhưng việc dùng hộp sẵn có ở nhà không duy trì được lâu vì sức ăn của em bé tăng lên cùng thói quen ăn uống khi đi học dần hình thành. Các hộp có sẵn ở nhà không có nhiều ngăn, việc trình bày các nhóm thực phẩm trong cùng 1 hộp không chia ngăn khá khó khăn. Khi tôi chia mỗi loại thức ăn vào mỗi hộp khác nhau rồi dặn dò em bé thì ẻm thường bị bối rối và ăn hộp nọ quên hộp kia… Tôi buộc phải quay lại bước khởi đầu: chọn bento box cho con.

Thực ra việc chọn bento box phụ thuộc rất nhiều vào sở thích ăn uống của bé, và phụ huynh phải không ngại thử—tức là không ngại chi tiền. Khi nắm bắt được thói quen, sở thích và sức ăn của con, tôi bắt đầu canh sale để mua những loại hộp mà tôi thấy “ổn”—hoàn toàn dựa vào cảm giác là nhiều. Nếu không ổn, thử lại!

Sau khi canh được sale, tôi không đặt mua online mà đến xem trực tiếp tại cửa hàng để kiểm tra chất liệu, lựa chọn màu sắc và kích cỡ, nặng hay nhẹ, trải nghiệm cách (đóng mở hộp)… Nói chung là cứ phải cầm tận tay. Cuối cùng tôi đã chọn được 1 set bao gồm: lunch box (4 ngăn), snack box (2 ngăn), food jar (bình giữ nhiệt) của hãng b.box. Em bé Bôm rất thích và dán lên đó rất nhiều sticker.

Loại đồ ăn
Kinder

Ban đầu tôi khá stress vì không biết nên pack món nào cho con. Nhiệt độ ở Melbourne thay đổi liên tục từng giờ, nếu không cẩn thận thì con sẽ lãnh đủ (ví dụ trời nóng đồ ăn nhanh thiu, trời lạnh đồ ăn dễ lạnh và cứng…).

Đồ ăn mà bạn học của Bôm mang theo thường là bánh (cracker, sandwich phết mứt, sô-cô-la, cookies, cupcake…), trái cây và sữa chua — toàn những món không cần hâm nóng. Tôi đã khá ngạc nhiên bởi bữa trưa luôn là bữa chính ở Việt Nam hay Nhật Bản nhưng lại là bữa phụ ở Úc. “Nhập gia” thì phải “tuỳ tục”, trước khi bé Bôm đi học 4 tháng, tôi đã bắt đầu tham khảo nhiều nguồn (mạng xã hội, giáo viên mầm non, bạn bè và các phụ huynh khác) về những món có thể chuẩn bị cho con mang theo ăn trưa tại Úc. Ngoài ra tôi tập cho con ăn bữa chính vào sáng và tối, còn bữa trưa chỉ là phụ.

Tôi không muốn con nạp quá nhiều đồ ngọt/bánh kẹo nên đồ ăn tôi pack cho con khác các bạn một chút. Khẩu phần của con 1 nửa là trái cây, 1/4 là sữa (sữa hộp, sữa chua hoặc phô mai bò cười), 1/4 còn lại là bánh (bánh mì chà bông, sandwich phết vegemite và bơ đậu phộng, đôi khi là burger).

Lúc nào tôi cũng làm đầy cả 2 hộp lunch box và snack box vì trong 4 tiếng ở kinder ảnh có thể ăn 2-3 lần xen kẽ giờ chơi (ăn – chơi – ăn – chơi…). Tôi biết được điều này vì đã từng cùng con đi học vài ngày

THAM KHẢO: Healthy eating – school lunches của bang Victoria

Một số gợi ý từ trường

chuyện ăn uống - lunchbox
chuyện ăn uống - lunchbox
chuyện ăn uống - lunchbox

Kinder vẫn có quy định về thực phẩm không được phép mang vào trường, thường là các loại hạt, trứng, vì sợ các bé bốc đồ ăn của nhau rồi bị dị ứng. Để biết cụ thể thì phụ huynh trực tiếp hỏi trường vì mỗi trường sẽ có quy định khác nhau

Childcare

Ở kinder, phụ huynh có thể tự chọn cho con ăn gì uống gì thì tại childcare khác hẳn 180 độ.

Childcare đầu tiên Bôm học dù có hẳn cái thực đơn tuần kèm hình minh hoạ dán rất to ở bảng thông tin nhưng thực tế phũ phàng hơn nhiều: nhiều khi thực đơn chỉ treo lên cho có, còn hình minh hoạ mang tính chất tham khảo. Mấy lần tôi vô đón con đột xuất, thấy bữa trưa là hỗn hợp gì đó màu vàng nhạt, hỏi ra mới biết đó là cơm chiên thập cẩm, mỗi bé một tô cứ vậy trệu trạo ngồi nhai. Hay bữa chiều nhiều khi chỉ là cereals + sữa hoặc bánh mì nướng, đổi gió xíu thì có sự kết hợp không liên quan gồm bánh gạo + dưa leo + cà rốt… Chả hiểu ăn vậy thì bổ béo gì, dinh dưỡng ở đâu? Childcare này có mức học phí cao: $180/ngày/5 bữa ăn nhưng đồ ăn thì nghèo nàn, không đáng với học phí.

Cộng thêm nhiều lí do khác, sau khi kết thúc năm học, tôi chuyển trường cho con luôn

Vì tình hình ăn uống ở childcare như vậy nên tôi luôn bồi dưỡng thêm cho con ở nhà. Ví dụ tôi sẽ cố gắng cho con ăn sáng ở nhà trước khi đến trường, vì bữa sáng là bữa chính nên cho ăn kỹ, đủ các nhóm thực phẩm, uống thêm nước cam vắt hoặc trà gừng mật ong; bữa tối cũng là bữa chính nên tôi đón con sớm nhất có thể, thường là 4h-4h30, về nhà ăn uống tắm rửa, đọc sách hoặc xem TV một chút, uống thêm sữa ấm rồi ngủ.

Không biết có phải tại đồ ăn ở trường chán quá hay không mà em bé rất mong đợi được ăn đồ mẹ nấu. Nhiều khi không chịu ăn ở trường để về nhà ăn cơm, phở của mẹ :((

Nước uống

Tôi mua 2 bình nước giống hệt nhau để sơ cua. Em bé cũng chỉ uống nước trong đúng cái bình quen thuộc.

Hôm nào mà em bé bị ho nhiều thì tôi pha nước gừng mật ong hoặc chanh mật ong để mang theo uống. Childcare không cho phép mang đồ ăn ngoài vào trường nhưng không cấm nước uống.

Cô giáo thường sẽ nhắc bé uống nước, mà đứa nào uống thì uống, đứa nào không uống thì thôi, cô giáo không ép. Nếu bé uống hết nước, các cô giáo sẽ giúp thêm nước vào lại cho đầy bình. Đương nhiên là lấy trực tiếp nước từ vòi, không qua bình lọc như ở nhà.


Bé Bôm từ bé đến giờ dễ nuôi và ngoan. Con không kén ăn là một sự may mắn rất lớn với người làm cha mẹ. Cũng nhờ vậy mà đoạn đường đồng hành cùng con của tôi đỡ vất vả hơn nhiều. Kinh nghiệm ăn uống khi đi học của Bôm đến đây là hết rồi. Xin cẻm ưn! ^^

ĐỌC THÊM: Chuẩn bị đồ cho con đi học

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x