Happy Diwali!

Hôm nay hai mẹ con tôi vừa tham dự Diwali Party do trường mẫu giáo của em bé Bôm tổ chức. Ban đầu khi được mời, tôi cũng không biết Diwali là gì nhưng vẫn xác nhận tham gia vì muốn em bé được giao lưu nhiều hơn với cô giáo và các bạn. Tham gia rồi thì mới biết Diwali là một lễ hội của Ấn Độ chứ không phải public holiday của Úc!


Lễ hội Diwali

Diwali là lễ hội truyền thống lớn nhất của đạo Hindu ở Ấn Độ. Một chị gái người Ấn đã kể với tôi rằng: Hindu giống như một cái ô (dù) bao trùm đạo Sikh, đạo Jain và đạo Phật; nói cách khác đạo Sikh, đạo Jain và đạo Phật là các nhánh của Hindu. Người theo đạo Hindu chiếm đa số tại Ấn, vì vậy lễ của người Hindu là một lễ lớn và được tổ chức ở khắp nơi trên đất nước. Tùy vào từng vùng ở Ấn Độ mà cách lý giải nguồn gốc về lễ hội Diwali sẽ khác nhau nhưng nhìn chung nguồn gốc đều xuất phát từ tín ngưỡng huyền thoại về các vị thần.

Lễ Diwali — Tết của người Hindu

Sau khi tìm hiểu, tôi được biết Diwali còn được gọi là “Lễ hội ánh sáng” và mang ý nghĩa giống như Tết Nguyên Đán của Việt Nam: là dịp để mọi người cầu bình an, sức khoẻ, đến thăm nhà, tụ tập ăn chơi nhảy múa cùng nhau. Trước khi đón Tết, người dân Ấn Độ theo đạo Hindu lo làm hết việc và giải quyết nợ nần để qua năm mới được suôn sẻ thuận lợi.

Lễ Diwali không cố định ngày tổ chức

Người Hindu dùng lịch Hindu và lễ Diwali được tổ chức dựa theo lịch đó, giống kiểu Tết Nguyên đán tổ chức theo lịch âm hay Bali dùng lịch Caka vậy đó.

Lễ Diwali kéo dài trong 5 ngày, mỗi ngày sẽ có một tên gọi và ý nghĩa khác nhau với nhiều sự kiện được diễn ra.

  • Ngày đầu tiên (ngày Dhanteras) — là ngày của sự thịnh vượng và giàu có
    • Mọi người thường đến các khu chợ để mua một (vài) món nữ trang tượng trưng cho sự may mắn với ý nghĩa đem lại thịnh vượng và tài lộc trong năm mới
    • Phong tục này làm tôi nghĩ đến “Ngày vía Thần tài” ở Việt Nam
  • Ngày thứ hai (ngày Choti Diwali) — là ngày mang ý nghĩa cái tốt chiến thắng cái xấu và ánh sáng chiến thắng bóng tối
    • Người Hindu sẽ dậy sớm ăn một loại quả đắng bất kỳ
    • Sau đó bôi kumkum oil paste lên người (một loại dầu màu đỏ, được làm từ 95% nghệ + 5% vôi sống) và đi tắm trước khi mặt trời mọc
  • Ngày thứ ba (ngày Diwali) — ngày quan trọng và may mắn nhất trong lễ hội (giống mùng 1 Tết)
    • Mọi người mặc quần áo mới, chỉn chu, đẹp đẽ
    • Sau lễ cầu nguyện sẽ bắn pháo hoa trong khoảng hai tiếng từ 10 ~ 12 giờ đêm
    • Sau đó cùng nhau ăn tiệc gia đình và tặng quà nhau
  • Ngày thứ tư (ngày Govardhan Puja) — tượng các vị thần ở các đền thờ được tắm bằng sữa và mặc trang phục đẹp, đeo trang sức quý giá
  • Ngày thứ năm (ngày Bhai Dooj) — là ngày anh chị em trong gia đình gặp gỡ nhau, bày tỏ sự quan tâm và tình cảm cho nhau
NămNgàyNgày
2023Chủ Nhật, ngày 12/11Diwali
2024Thứ 6, ngày 1/11Diwali
2025Thứ 3, ngày 21/10Diwali
2026Chủ Nhật, ngày 8/11Diwali
2027Thứ 6, ngày 29/10Diwali
2028Thứ 3, ngày 17/10Diwali
2029Thứ 2, ngày 5/11Diwali
2030Thứ 7, ngày 26/10Diwali
Ngày Diwali (ngày thứ 3 trong lễ Diwali) qua các năm

Diwali đối với đạo Hindu quan trọng như lễ Giáng Sinh của người Công giáo vậy


Lễ Diwali ở Úc

Trong thời gian giãn cách vì Covid, từng bang có quy định riêng cho việc tổ chức lễ Diwali như giới hạn số lượng khách đến nhà/tụ tập nơi công cộng, các loại hình giải trí dịch vụ nào được mở cửa… nhưng hiện tại đã được bình thường hoá. Tuy vậy số ca mắc Covid đang tăng trở lại, chính phủ cũng khuyến khích người dân mang khẩu trang và giãn cách.

Hiện nay có khoảng 1 triệu người theo đạo Hindu đang sống ở Úc, chiếm 1/25 dân số Úc. Lễ Diwali ở Úc không phải public holiday nên được tổ chức gọn nhẹ hơn ở Ấn nhiều.

Được tổ chức vào ngày:

Ngày Diwali (ngày thứ ba, ngày chính)
Ngày nào trúng cuối tuần

Được tổ chức ở:

Trường học
Công ty
Công viên
Sân vận động…

Ở Melbourne, Diwali được tổ chức ở Marvel Stadium từ 3 giờ chiều ~ 10 giờ tối (thứ 7, ngày 11/11) và Diwali-themed film showcase ở ACMI từ 2~5 giờ chiều (thứ 7, ngày 11/11)

Bạn có thể xem thêm lịch tổ chức Diwali ở Melbourne tại đây

Thực đơn bao gồm:

Cà ri
Đồ ngọt
Gà nướng

Lễ Diwali tại trường mẫu giáo

Trường mẫu giáo của bé Bôm tổ chức lễ Diwali sau giờ học. Tôi được dặn mặc đồ màu sáng (chắc vì thường ngày tôi mặc đồ màu tối ^^). Tôi khá ngạc nhiên khi thấy các cô giáo đều mặc saree lộng lẫy để tiếp khách. Mọi người ôm và chào nhau “Happy Diwali”.

Phòng tiệc trang trí đơn giản và bố trí 1 chiếc bàn dài sát tường. Trên bàn có 2 nồi cà ri, 1 nồi cơm chiên bằng gạo basmati, 1 nồi đồ ngọt (mà một cô giáo người Việt nói với tôi rằng “y chang chè của mình í chị”). Các nồi này đều được giữ nóng bằng bếp lò được kê bên dưới. Ngoài ra còn có bánh naanpapadum. Các bé đều thích papadum vì độ giòn và thơm.

papadum-diwali
Papadum

Sau khi ăn no, đa số phụ huynh da trắng đưa con về, chỉ còn lại số ít phụ huynh châu Á ở lại (vì có vẻ ham vui), đương nhiên trong đó có tôi ^^ Chúng tôi nói chuyện với các cô giáo người Ấn về các hoạt động truyền thống. Cô manager (quản lý chung) của trường Bôm gợi ý vẽ henna cho chúng tôi. Chúng tôi ngồi xếp hàng để chờ đến lượt.

Tiết mục Bollywood dance được diễn ra sau khi các “khách hàng” đều đã được vẽ henna. Một trong các cô giáo là cái máy nhảy chính hiệu. Xem video trên instagram bên dưới sẽ rõ! ^^

Tôi thực sự được mở mang tầm mắt về các điệu nhảy của Ấn. Có lẽ tôi cũng nên học vài điệu để mai mốt đi ăn cưới Andre còn có cái để hoà nhập =))

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x