Không cần phải có máy cơ chụp chuyên nghiệp như các nhiếp ảnh gia hay người thuộc “hệ nhiều tiền” mà vẫn “săn” được những bức ảnh sakura “ảo lòi”, bạn nghĩ rằng có thể không?
Theo kinh nghiệm “tình trường” của tôi với bộ môn này thì thiết bị là điều-kiện-cần, còn tư duy hình ảnh là điều-kiện-đủ. Một bức ảnh có góc chụp đẹp nhưng chất lượng ảnh không tốt sẽ được tôi đánh giá tốt hơn một bức ảnh nét căng mà góc chụp tù, xấu và không thể crop…
Nói sơ qua một chút, hiện giờ tôi đang dùng Canon M3 (dòng camera nhỏ gọn mà khá nhiều travel blogger cũng đang dùng để quay vlog) cùng với:
- 1 len kit 18-55mm
- 1 len macro
- 1 ống 22mm
- 1 ống tele MF quay tay mệt nghỉ
và iPhone 7plus ^^
Máy ảnh không xịn lắm và điện thoại cũng thuộc dạng cổ lỗ sĩ nhưng tôi vẫn rất tự tin khi chụp cảnh thiên nhiên hoa lá… Đều có mẹo cả đấy!
4 kinh nghiệm săn sakura
SAKURA PHOTO TIPS #1 ~ Đừng quên app/thiết bị hỗ trợ
Nếu bạn dùng máy ảnh → ráng sắm thêm một cái filter CPL để làm giảm chói, tăng độ nét, tăng độ chi tiết làm hình có chiều sâu hơn… hoặc filter ND để làm hình không bị dư sáng trong trường hợp nắng to (ánh sáng mạnh), tạo bokeh, chụp phơi sáng… Sắm luôn cả 2 càng tốt :)))
Canon M3 của tôi có thể kết nối wifi với smart phone thông qua app tải từ App Store hoặc Google Play. Cho nên thường tôi chụp xong bằng máy ảnh sẽ “bắn” hình qua điện thoại để xem và chỉnh sửa.
Nếu bạn chụp bằng điện thoại (smart phone), chất lượng ảnh không bằng máy ảnh, không sao cả. Ngay cả khi chụp bằng máy cơ thì tôi vẫn cần có apps hỗ trợ chỉnh sửa ảnh như VSCO, Lightroom hoặc Snapseed… để kiểm soát các yếu tố như cân bằng trắng, ISO, độ tương phản…
Nếu muốn chụp ban đêm thì đừng quên mang theo chân máy để ổn định điện thoại/máy ảnh ở tốc độ màn trập lâu hơn nhaaaa. Buổi tối thì chỉ có phơi sáng là đẹp!
NHÁY NHỎ:
. Chụp sakura ban đêm đẹp nhất là lựa ngày rằm (có trăng tròn)
. Nhiều nơi trang trí ban đêm bằng lồng đèn hoặc đèn led chớp. Ánh sáng từ lồng đèn hắt lên + bóng cây cối chồng chéo lên nhau đảm bảo ảo diệu 😉
. Cũng tùy cảnh mà suy xét có nên sử dụng flash hay không
. Chân máy có thể mua tại Bic Camera hoặc Yodobashi Camera hoặc tiệm đồ cũ
LƯU Ý: không phải địa điểm du lịch nào cũng cho phép sử dụng chân máy vì lý do an toàn. Nên để ý các bảng hướng dẫn để không bị phạt lãng xẹt!

SAKURA PHOTO TIPS #2 ~ Chụp lúc bình minh hoặc hoàng hôn
2 thời điểm đẹp nhất trong ngày là bình minh và hoàng hôn: nắng nhẹ không gắt, đặc biệt màu lúc chiều muộn phủ lên làm hoa bật tông hẳn, hình chụp sẽ có độ tương phản cao hơn bình thường.
Điện thoại và máy ảnh đều có chế độ chụp “mây” hay “nắng”. Cứ sử dụng nếu bạn thấy nó hỗ trợ tốt ha!
LƯU Ý: Trong mùa hanami tấm bạt dã ngoại mà dân tình mang theo trải ngồi đường nào cũng sẽ “vô tình” rơi vô ống kính của bạn bằng cách nào đó với màu sắc đa dạng — thường thấy là màu xanh lam. Để tránh màu sắc phá tone này xuất hiện trong các bức ảnh tâm huyết thì bạn có thể sử dụng một tờ giấy trắng làm nền để chặn cái màu đó lại, ngoài ra còn có tác dụng hắt sáng lên hoa. Đây là cách giải quyết với các hình chụp cận cảnh (macro)
ĐỌC THÊM: Các giống sakura ở Nhật
SAKURA PHOTO TIPS #3 ~ Là mưa… hay là “xịt xịt xịt…“
Sakura mỏng manh nhìn khá là quyến rũ khi mang trên mình những giọt nước. Nhưng mưa xuống một phát là “xong” ngay — tơi tả rã rời. Mưa nhẹ lất phất “cho vui” thì may ra vẫn còn đủ chùm đủ cánh. Mẹo là ta cũng có thể “tạo mưa” với một cái bình xịt 😉

SAKURA PHOTO TIPS #4 ~ Check-in điểm nổi tiếng cùng sakura
Bạn có thể tham khảo các hình chụp sakura ở các điểm nổi tiếng như Tokyo Skytree, Tokyo Tower, Hoàng cung, bờ sông Meguro… trước khi tự mình chụp 1 tấm. Tôi cam đoan hình chụp ra sẽ đỉnh cực kì!!
Bí mật có nhiêu đó thôi! Còn lại là tài kiếm góc của người chụp :))) Chúc bạn có mùa hanami toẹt zời!!!
*** Nội dung trên blog này hoàn toàn thuộc về cá nhân Thảo. Để tránh sự việc không vui giống việc xảy ra gần đây (bài viết tâm huyết của Thảo bị một-nhóm-Facebook-hơn-95k-thành-viên bê về fanpage và nhóm của họ mà không một lời thông báo lẫn trích nguồn, hiện tại họ đã xoá bài sau khi Thảo phát hiện và tỏ ý muốn họ để nguồn), Thảo mới phải thêm đoạn (khá dài) này vào mỗi bài viết với mong muốn nếu bạn cảm thấy nội dung bài viết của Thảo có ích và muốn chia sẻ rộng rãi, hãy bấm nút chia sẻ ngay bên trên; nếu bạn muốn đăng lại trên các mạng xã hội của bạn, xin vui lòng cho Thảo biết và dẫn nguồn. Hành động tuy đơn giản nhưng chứng tỏ sự văn minh lịch sự; còn với cá nhân Thảo thì như một lời động viên cổ vũ để chia sẻ nhiều điều chất lượng hơn nữa. Xin cảm ơn vì đã luôn theo dõi và đồng hành cùng Thảo! ***