Kinh nghiệm chuẩn bị đồ cho bé nằm viện mùa Covid

Sau chuyến đi Sài Gòn 4 ngày vào giữa tháng Tư, bé Bôm của tôi bị sốt 2 ngày mà tôi ngờ rằng do mọc răng, nhưng không hiểu sao sau đó bé bị gồng cứng cơ rồi ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu. Bé được điều trị tích cực và hồi sức 4 ngày trong bệnh viện.

Từ lúc bé đi cấp cứu hồn vía tôi như trên mây. Khi bác sĩ bảo “Bé tạm ổn rồi!” thì tôi mới dám thở phào một chút.

Bé Bôm tuy không bụ bẫm nhưng (trộm vía) bé khá khoẻ. Tôi nhớ lần cuối bé bị bệnh là vào cuối tháng 12, bị viêm phế quản, thời tiết giao mùa nên người lớn cũng dễ bị, lây vòng vòng trong nhà khiến cả nhà đều lâu khỏi. Tức là đã 4 tháng rồi không bệnh, trong khi thường lúc giao mùa như thế này trẻ rất dễ mắc lắm bệnh: thuỷ đậu, cúm mùa, tay chân miệng… Vậy thì tính ra bé Bôm khá khoẻ mà đúng không? Thế nhưng lần sốt mọc răng này con làm cho cả nhà một phen…!!

Tất cả những gì đã xảy ra chỉ là: con khóc, khóc một lúc lâu, khoảng “lâu”như mọi khi con cáu ngủ, nhưng lần này con khóc, rồi người con cứng đờ, mắt con mở to bất động… cứ như thế rồi con lịm dần…

Tôi hốt hoảng. Tôi bế ngửa con trên tay, chạy ra gọi ba tôi đang ngồi ngoài phòng khách: “Ông ơi, Bôm bị làm sao thế này?”

Ba tôi hốt hoảng, luôn miệng hỏi: “Sao vậy? Như thế nào vậy? Sao người lại cứng đờ?…”

Mẹ tôi thấy cha con tôi ầm ĩ nhốn nháo thì cũng từ phòng chạy ra hỏi có chuyện gì. Sau đó hốt hoảng.

Cả nhà tôi quýnh quáng. Mẹ tôi vừa ôm con tôi vừa khóc. Ba tôi lúng túng không biết làm gì cho phải. Cảnh tượng nghĩ lại vẫn còn thấy sợ.

Trong tích tắc, tôi nhận ra chỉ còn tôi là người bình tĩnh nhất trong 3 người lớn ở đây. Tôi bắt đầu nói cho ba mẹ biết cần làm gì, còn tôi vừa gọi xe taxi vừa lấy giấy tờ cần thiết,…

… vừa sợ mất con mình.

Bạn có biết cảm giác đó không? Cơ thể bé nhỏ nằm bất động trong vòng tay bạn, bạn lay không tỉnh, bạn gọi không dậy, bạn vỗ mông con và thì thầm “khóc đi con”… nhưng không có gì xảy ra cả… một nỗi sợ hãi ập đến nuốt chửng lấy bạn.

Lỡ như…

Bé Bôm là tất cả những gì tôi có. Con là lẽ sống của tôi.

May mắn thay, con nhập viện kịp thời. Bác sĩ cho con một viên an thần qua đường hậu môn khi con đang gồng cứng bất động lần thứ 3 trong đêm. Sau đó con ngủ say mặc cho điều dưỡng thay nhau gắn ống tiêm, dây nhợ lên người con. Con được cho thở oxi, tìm ven lấy máu, truyền dịch nuôi cơ thể.

Canh bé Bôm ngủ được 30 phút, tôi mới nhờ anh tôi chở về nhà lấy đồ để con nhập viện với số ngày là chưa-biết.


Check-list đồ bé Bôm đi nhập viện

  1. Thẻ BHYT và 1 triệu đồng đóng tạm ứng cho bệnh viện (bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định không cà thẻ, bệnh viện ở các thành phố lớn xịn hơn có cà thẻ)
  2. Vỏ mền bằng chất liệu cotton để lót, đắp, che chắn cho bé, giường bệnh viện tuy được thay tấm drap mỗi ngày nhưng bé vẫn cần thứ gì đó quen thuộc, có thể thay bằng gối, gối ôm…
  3. Khăn tắm gấp lại làm gối cho bé, thấm hút mồ hôi rịn ra từ đầu, gáy…
  4. Bỉm quần hoặc tã dán (bé Bôm dùng bỉm quần, nếu bé còn nhỏ quá, xọt xẹt đi ngoài nhiều thì dùng tã dán/miếng dán cho tiết kiệm)
  5. Miếng lót chống thấm để lót thay bỉm cho bé
  6. Khăn ướt (baby wipes) (ở bệnh viện thì bé Bôm dùng loại này nhiều hơn dùng khăn xô)
  7. Dụng cụ rơ lưỡi để sáng làm vệ sinh cá nhân cho bé, nằm viện nhưng không quên nhiệm vụ
  8. Khăn mặt (khăn xô em bé) + thau nhỏ
  9. Quần áo thoáng mát, thấm hút tốt. Dù bệnh viện có phát áo của khoa nhi vào mỗi buổi sáng nhưng có khi trong quá trình ăn uống làm dây ra áo, hoặc đổ nhiều mồ hôi thì phải thay đồ ngay
  10. Xăng-đan để mang ra ngoài đi dạo khi đã khoẻ
  11. Khăn choàng lớn để che bé khỏi khói bụi nắng nôi lúc đi làm xét nghiệm hoặc xuất viện
  12. Bình uống nước + bình uống sữa
  13. Chén thìa của bé để ăn và uống thuốc
  14. Sữa hộp vài ba lốc vì lúc đau bệnh bé sẽ thích uống sữa hơn là ăn cơm cháo, hết lại mua
  15. Trái cây yêu thích của bé (Bôm thích chuối, có thể ăn 2-3 quả/ngày nên hộc tủ toàn chuối)
  16. Bình thuỷ chứa nước nóng, khi dùng hết nước nóng thì có thể mua thêm ở căn-tin
  17. Nước uống, có thể mua chai nước suối 1 lít rưỡi (uống hết lại mua) hoặc mang từ nhà đến (nếu nhà gần bệnh viện và có người thân thay ca chăm bé)
  18. Quạt tay, vợt muỗi (bệnh viện cũng nhiều muỗi lắm)
  19. Kem trị hăm

List đồ cũng gần giống như xếp hành lí đi du lịch vậy!! Chỉ khác là nằm viện thì không cần mang theo thuốc!


Check-list của người chăm sóc

Vì phòng ngừa covid nên bệnh viện kiểm soát rất chặt: 1 bé chỉ được 1 người chăm sóc. Bé Bôm cần mẹ để cảm thấy yên tâm nên tôi “cắm rễ” luôn tại bệnh viện, còn mẹ tôi thì “tiếp tế” đồ ăn. Đồ dùng của tôi khá ít:

  1. Điện thoại đầy đủ 3G và tiền gọi để liên lạc
  2. Pin dự phòng (2 cục dùng luân phiên)
  3. Dây sạc
  4. Tiền mặt, thẻ Visa/Master/ATM
  5. Bàn chải + kem đánh răng

Nhà vệ sinh của phòng bệnh khá sạch sẽ, có bình nóng lạnh để tắm nữa. Mẹ tôi vào tiếp tế mỗi ngày nên mang theo đồ để tôi tắm thay ra. Những ai nhà xa thì tắm giặt phơi phóng ngay tại bệnh viện, trưng dụng hẳn một cái sân cát để phơi đồ.


Sau khi làm một loạt các xét nghiệm, chụp CT, đo điện não đồ thì bé Bôm được cho xuất viện về nhà theo dõi thêm trong tình hình phòng hồi sức có một số ca bệnh lây nhiễm chéo, bệnh chồng bệnh.

Mặc dù xuất viện xong con dần khỏe lại nhưng tôi vẫn sợ… sợ nhất là khi con khóc! Vì đã bị ám ảnh bởi đôi mắt của con mở to bất động…

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x